Những điều kiện bảo đảm hiệu quả làm việc cho cán bộ trong môi trường quốc tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra yêu cầu hoàn thiện năng lực đối với đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2030, trong đó, cán bộ phải có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đây là nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Ảnh: tuyengiao.vn
Nghị quyết số 26/NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ

Nghị quyết số 26/NQ-TW đã nhận định: Trong những năm tới, sự bùng nổ của khoa học – công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nước ta. Ở trong nước, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức…”1

Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong thời chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong thời bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ”. Vì thế, Nghị quyết đã nhấn mạnh yêu cầu: “(1) Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; (2) Cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ”2. Cụ thể:

Đối với cán bộ cấp chiến lược: thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; trên 15% dưới 45 tuổi; từ 40 – 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế (đối với quân đội, công an có quy định riêng của Bộ Chính trị).

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương: từ 20 – 25% dưới 40 tuổi; từ 50 – 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương: từ 15 – 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi, từ 25 – 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 20 – 25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện dưới 40 tuổi. Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: 100% có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.

Đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an: tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, sức chiến đấu cao; có số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; từ 20 – 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Đối với đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia: đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học ở những lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh, đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Số cán bộ khoa học đạt ít nhất 11 người trên 1 vạn dân.

Đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước: nâng cao tính Đảng và ý thức tuân thủ pháp luật; sản xuất, kinh doanh hiệu quả; từ 70 – 80% có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng thẳng thắn thừa nhận, thực trạng đội ngũ cán bộ giai đoạn hiện nay: “nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện”.

Điều kiện bảo đảm rèn luyện đội ngũ cán bộ làm việc hiệu quả, chất lượng trong môi trường quốc tế.

(1) Ngoại ngữ

Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030” đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phải có 50% cán bộ, công chức ở Trung ương; 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định; 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định; 20% cán bộ, công chức xã và 15% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định3. Cán bộ thạo ngoại ngữ sẽ có đủ khả năng xử lý văn bản tiếng nước ngoài và tiếp đón khách quốc tế. Họ cũng có thể trở thành cầu nối hiệu quả giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và trải nghiệm những bài học hay, những kinh nghiệm quý từ nước ngoài. Trong nhiều trường hợp, tình huống giao lưu, đó còn là uy tín và hình ảnh quốc gia tại các môi trường quốc tế.

(2) Sử dụng tốt tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương

Trong điều kiện hiện nay, việc thành thạo tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương nơi họ làm việc lại trở thành điều kiện thuận lợi trong giải quyết công việc với người dân; tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; hòa giải các mâu thuẫn nếu có… Địa phương chỉ cần sử dụng một vài cán bộ thạo ngoại ngữ để khi cần sẽ tiếp đón khách nước ngoài, tham gia các chuyến công tác và xử lý các tài liệu bằng ngoại ngữ.

(3) Hiểu biết về văn hóa

Mỗi nền văn hóa sẽ có những chuẩn mực trong xử sự, cách thức làm việc khác nhau, được thể hiện cụ thể thông qua giao tiếp, quy tắc hợp tác, nguyên tắc điều hành, tổ chức công việc… Trong quan hệ hợp tác quốc tế, sự hiểu biết về văn hóa sẽ giúp cán bộ có cách thức hành xử phù hợp, bảo đảm nguyên tắc “có đi có lại”, chinh phục khách hàng, giải quyết công việc, tránh những hiểu lầm không đáng có.

(4) Rèn luyện tư duy linh hoạt

Người có tư duy linh hoạt có thể học hỏi nhanh hơn, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo hơn và thích ứng, ứng phó với các tình huống mới hiệu quả hơn. Môi trường làm việc quốc tế là môi trường có nhiều biến động; trong nhiều trường hợp, các sự kiện khác nhau có thể kết hợp gây ra hiệu ứng biến động hệ thống, vì vậy đòi hỏi cán bộ phải có tư duy linh hoạt, có thể nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh mới, đưa ra giải pháp xử lý công việc phù hợp.

Cách mạng công nghiệp 4.0 mặc dù tạo ra nhiều đột phá trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là các công nghệ về trí tuệ nhân tạo; tuy nhiên, con người vẫn có lợi thế hơn máy móc, kể cả trí tuệ nhân tạo, ở khía cạnh tư duy linh hoạt. Leonard Mlodinow, nhà vật lý lý thuyết, tác giả cuốn sách “Mềm dẻo: Tư duy linh hoạt trong thời gian thay đổi”, phát biểu rằng: “Tư duy phân tích logic sẽ phát huy hiệu quả khi bạn đang cố gắng giải quyết một vấn đề cũ. Bạn có thể dùng những phương pháp và kỹ thuật bạn biết để tiếp cận những vấn đề mà bạn đang phải đối mặt. Suy nghĩ mềm dẻo là tất cả những gì bạn cần có khi tình huống bị thay đổi và bạn phải đối mặt với những thứ lạ lẫm. Đây không chỉ đơn thuần là bạn tuân theo các nguyên tắc là có thể làm được”4.

(5) Làm chủ công nghệ

Trong kỷ nguyên số, công nghệ thông tin chính là chìa khóa vạn năng mở cánh cửa tiếp cận kiến thức, cơ hội cho mỗi người. Cuộc khủng hoảng của dịch bệnh Covid-19 càng thúc đẩy nhanh hơn sự ứng dụng các kỹ thuật hiện đại và công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống; thay đổi hoàn toàn cách thức học tập và làm việc (thậm chí cả trong lĩnh vực ngoại khoa y tế, những ca mổ phức tạp cũng có thể được thực hiện online xuyên đại dương). Điều này thực sự là thách thức to lớn cho đội ngũ cán bộ bởi nếu không cập nhật để nắm vững, làm chủ khoa học – công nghệ và văn hóa làm việc, tất yếu sẽ trở nên tụt hậu và bị bỏ lại phía sau.

(6) Sửa đổi kỹ năng giao tiếp và ứng xử hiệu quả

Giao tiếp, ứng xử hiệu quả trước hết phải là giao tiếp, ứng xử hai hay nhiều chiều, không bao giờ có thể tạo nên hiệu quả giao tiếp nếu chỉ có một phía nói và phía còn lại im lặng, không có bất kỳ phản ứng nào. Cán bộ cần học cách giao tiếp, ứng xử hiệu quả để có thể nói cho lãnh đạo, đồng nghiệp biết và hiểu suy nghĩ, ý tưởng của mình mà không dẫn tới tranh cãi, phản bác, bắt bẻ. Giao tiếp, ứng xử hiệu quả còn là sự giao tiếp thường xuyên chứ không thể ấn định rằng “không nói thì mọi người cũng hiểu hoặc phải tự hiểu”. Điều tưởng chừng đơn giản là “nói sao cho người khác nghe và nghe sao để người khác nói” nhưng lại là một kỹ năng rất cần thiết để phối hợp làm việc, để tạo nên các mối quan hệ tích cực, xây dựng bầu không khí làm việc và văn hóa làm việc trách nhiệm trong tổ chức3.

Kỷ nguyên số là kỷ nguyên rất nhiều công việc con người làm trước đây được thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Xu thế mới còn kết nối giữa con người với con người bằng công nghệ số trong tích tắc. Mỗi cán bộ cần xác định phải trang bị, rèn luyện kiến thức, kỹ năng và năng lực học tập suốt đời để có thể phát triển và làm việc thích ứng trong môi trường làm việc quốc tế, trong kỷ nguyên số.

Chú thích
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2. Nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. https://tcnn.vn, ngày 07/4/2020.
3. Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030”.
4. Kỹ năng tư duy quan trọng nhất mà không trường lớp nào dạy bạn, tin vui là bạn có thể học được. https://cafebiz.vn, ngày 08/01/2019.
ThS. Nguyễn Thị Quyên
Học viện Hành chính Quốc gia