Kinh nghiệm một số nước và thách thức trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Với xu thế phát triển Chính phủ điện tử hiện nay và xu thế phát triển các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ di động, Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain),… Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia có các chương trình, kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong đó tập trung một số nội dung cơ bản về tầm nhìn, định hướng và những bài học để Việt Nam rút kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ số.
Ảnh minh hoạ.
Tầm nhìn

Trong bất cứ một chương trình, kế hoạch phát triển nàothường phải xác định tầm nhìn, mục tiêu. Ví dụ: cần thiết kế các kênh truy cập có tính dễ sử dụng, thân thiện,… để bảo đảm người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng bất cứ nơi nào, dễ dàng sử dụng trên các thiết bị di động; cải thiện quyền truy cập vào các dịch vụ điện tử, bảo đảm khả năng truy cập và sử dụng các quy trình điện tử hoàn toàn, bảo đảm quyền tự quyết đối với các thông tin của người dùng; số hóa khu vực công tạo ra giá trị và tăng trưởng, cung cấp các cải tiến hiệu quả và bảo đảm niềm tin của người dân trong xã hội số; xây dựng Chính phủ số với một chính phủ tích hợp, hoạt động thông minh, lấy người dân làm trung tâm và dẫn dắt chuyển đổi.

Phương châm thực hiện

Dựa trên tầm nhìn, xác định phương châm, nguyên tắc hành động. Cụ thể một số nguyên tắc theo kinh nghiệm một số quốc gia.

(1) Dịch vụ và thông tin phù hợp với đối tượng cung cấp: Thông tin và dịch vụ số cung cấp cho người dân và doanh nghiệp phải bảo đảm tính thân thiện với người dùng, phù hợp, được tiêu chuẩn hóa và tiết kiệm tài nguyên;

(2) Các quy trình được tự động hóa: Đối với doanh nghiệp, cơ quan các cấp chủ yếu cung cấp quy trình tự động. Điều này đặc biệt áp dụng cho việc truyền dữ liệu dựa trên giao diện để phục vụ các quy trình tuần hoàn. Cơ quan các cấp cung cấp các dịch vụ không yêu cầu sự can thiệp của người dùng (quy trình tự động hóa);

(3) Quản lý dữ liệu được chia sẻ: Cơ quan các cấp tổ chức dữ liệu theo cách mà người dân và doanh nghiệp chỉ cần nhập dữ liệu một lần và dữ liệu này được lưu trữ ở một nơi và phải nhất quán khi sử dụng lại;

(4) Bảo đảm tính mở và minh bạch: Cơ quan các cấp cung cấp dữ liệu miễn phí theo các định dạng mở để sử dụng lại. Người dân, doanh nghiệp có thể xem dữ liệu mà cơ quan các cấp sử dụng và phải quản lý chúng phù hợp;

(5) Trao đổi và hợp tác: Cơ quan các cấp tìm kiếm, trao đổi thông tin và kinh nghiệm thường xuyên để hợp tác và phát triển;

(6) Tiêu chuẩn hóa và tăng cường khả năng tương tác: Cơ quan các cấp sử dụng các giải pháp được tiêu chuẩn hóa và các giao diện mở. Theo cách này, sẽ cho phép số hóa các dịch vụ công bền vững và mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí, nhất quán việc truyền dữ liệu giữa cơ quan các cấp;

(7) Thúc đẩy đổi mới và theo sát sự phát triển của công nghệ: Cơ quan các cấp phải chủ động theo dõi sự phát triển của công nghệ để đánh giá khả năng sử dụng chúng trong việc số hóa các quy trình hành chính. Việc làm này sẽ thúc đẩy các dự án sáng tạo sử dụng các công nghệ mới;

(8) Nắm bắt cơ hội số để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong khu vực công; tập trung vào việc lấy người dân làm trung tâm, vào ý thức bảo mật và niềm tin của người dân; dữ liệu khu vực công phải được chia sẻ và sử dụng lại;

(9) Số hóa tới lõi: Chính phủ số sẽ sử dụng dữ liệu, kết nối và tính toán một cách quyết đoán để tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, tái kiến trúc hạ tầng công nghệ, chuyển đổi các dịch vụ công phục vụ công dân và doanh nghiệp;

(10) Phục vụ với cả trái tim: Chính phủ số sẽ tự động xử lý quy trình một cao nhất để có thể phục vụ công dân tốt nhất với những đặc tính cá nhân hóa và trải nghiệm người dùng;

(11) Tích hợp các dịch vụ xoay quanh nhu cầu của người dân và doanh nghiệp: Sử dụng cách tiếp cận người sử dụng làm trung tâm để thiết kế, phát triển và tích hợp các dịch vụ xoay quanh nhu cầu của người dân, doanh nghiệp;

(12) Xây dựng các nền tảng số và nền tảng dữ liệu dùng chung: Phát triển các nền tảng dùng chung, tương tác và dễ sử dụng để giảm thời gian và nỗ lực để tiếp cận các dịch vụ số. Thiết lập các chuẩn dữ liệu và phát triển kiến trúc dữ liệu để bảo đảm khả năng sử dụng dữ liệu trên các nền tảng và dịch vụ kỹ thuật số của chính phủ;

(13) Chính phủ điện tử giúp nâng cao chất lượng sống người dân; các cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức có vai trò dẫn dắt chuyển đổi số;

(14) Tiếp cận phù hợp các xu thế phát triển: Dữ liệu mở, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối,…

Một số nguyên tắc phát triển

Một là, thu thập dữ liệu một lần: Đây là sáng kiến của Estonia, được thể hiện tại Đạo luật về thông tin công cộng (Public Information Act) từ năm 2007. Nguyên tắc này được coi như kim chỉ nam trong việc triển khai Chính phủ điện tử tại Estonia. Hiện nay, nguyên tắc này đã được cộng đồng Châu Âu áp dụng rộng rãi và chính thức đưa vào Kế hoạch triển khai tại các nước Châu Âu giai đoạn 2016-2020. Nguyên tắc này có nghĩa là người dân và doanh nghiệp chỉ phải cung cấp một lần đối với một loại dữ liệu cho một cơ quan hành chính nhà nước. Điều này thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước khi bảo đảm dữ liệu không bị trùng lặp và dư thừa.

Trong khối Châu Âu, một số lượng lớn các giải pháp đã được đưa ra xung quanh nguyên tắc “chỉ một lần”, nhằm mục tiêu hợp lý hoá việc sử dụng các nguồn dữ liệu xác thực và thúc đẩy giao tiếp giữa các hệ thống công nghệ thông tin khác nhau của các cơ quan hành chính. Cách tiếp cận này dự kiến sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ Euro mỗi năm trên toàn khối. Các lợi ích thu được bao gồm: bảo đảm kiểm soát tốt hơn dữ liệu khi dữ liệu chỉ được cung cấp một lần, giảm sai sót và sai lệch; giúp các cơ quan nhà nước làm việc nhanh hơn, minh bạch và hiệu quả hơn, qua đó tiết kiệm chi phí; giảm thiểu gian lận thông qua việc sử dụng thông tin thống nhất và có thẩm quyền; đưa ra các quyết định dựa trên việc sử dụng thông tin đầy đủ và nhất quán.

Hai là, sử dụng giao diện lập trình ứng dụng API: Một số các quốc gia như Liên hiệp Vương quốc Anh, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Estonia, Phần Lan… đang sử dụng API để tăng cường nền tảng của chính phủ và chuyển đổi chính phủ thành một địa chỉ hoàn toàn tích hợp. Tại Singapore, chính quyền địa phương đã tiết kiệm 11,5 triệu USD chi phí ứng dụng cho 70 các cơ quan chính phủ thông qua chia sẻ dữ liệu không gian địa lý thông qua API và dịch vụ Web của GeoSpace. Kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan giúp việc điều chỉnh ứng dụng nhanh hơn 30%, giảm chi phí lưu trữ 60% và giảm thiểu dữ liệu trùng lặp. Estonia đã tạo ra X-Road, một Lớp trao đổi dữ liệu (Data Exchange Layer) để trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống của các cơ quan nhà nước, cho phép các dịch vụ của chính phủ được chia sẻ tại Estonia. Ngoài việc cung cấp các cơ chế truy vấn trên nhiều cơ sở dữ liệu và hỗ trợ trao đổi dữ liệu an toàn, X-Road cung cấp hạ tầng trao đổi dữ liệu an toàn giữa các cổng và ứng dụng khác nhau của chính phủ. Khu vực tư nhân cũng có thể kết nối với X-Road để thực hiện các truy vấn và hưởng các lợi ích từ việc truy cập vào một lớp trao đổi dữ liệu an toàn. 99% dịch vụ công của Estonia là điện tử. Trung bình 500 triệu truy vấn hàng năm thông qua X-Road. Việc sử dụng X-Road đã tiết kiệm được 800 năm làm việc.

Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai giải pháp Trung tâm chia sẻ dữ liệu hành chính (Public Information Sharing Center, viết tắt là PISC) để phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các cơ quan chính phủ. Trước khi triển khai PISC, để chuẩn bị hồ sơ để vay tín dụng với từ 5 loại giấy tờ trong hồ sơ trở lên, người dân và doanh nghiệp thường mất khoảng 5 ngày, trong khi hiện tại việc làm này có thể thực hiện một gần như tức thời trên một giao diện màn hình; hay như để chuẩn hồ sơ xin cấp phép với từ 7 loại giấy tờ trong hồ sơ trở lên, người dân và doanh nghiệp thường mất khoảng 10 ngày, trong khi hiện tại việc làm này có thể thực hiện một gần như tức thời trên một giao diện màn hình. Điều này đã làm tăng đáng kể sự tiện lợi của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Theo thống kê từ năm 2005 đến 2008, sau khi Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện khoảng 87 triệu lượt chia sẻ dữ liệu hành chính, tiết kiệm được khoảng 350 tỷ won (tương đương khoảng 310 triệu USD) đã tiết kiệm được từ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hành chính khi cung cấp dịch vụ công. Và đến năm 2013, con số tiết kiệm được đã là 711 tỷ won (khoảng 620 triệu USD), số lượng tài liệu giảm ước tính giảm từ 440 triệu tài liệu xuống còn 200 triệu. Các con số trên tính đến thời điểm hiện tại còn cao hơn nhiều khi số lượng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới kết nối để chia sẻ dữ liệu ngày càng nhiều và số lượng dữ liệu thực hiện chia sẻ ngày càng tăng.

Ba là, nguyên tắc về bảo vệ dữ liệu cá nhân: Trong quá trình chia sẻ dữ liệu, việc bảo mật dữ liệu riêng tư là đặc biệt quan trọng. Tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở Châu Âu, Luật về bảo mật thông tin (GDPR) đã được ban hành thống nhất từ tháng 5/2018 trên toàn bộ 28 quốc gia và là quy định bắt buộc mọi công ty hoạt động tại Châu Âu phải tuân thủ. Trong đạo luật này có những quy định quan trọng thúc đẩy việc bắt buộc chia sẻ và cập nhật dữ liệu như quyền được truy vấn thông tin, quyền được chỉnh sửa thông tin và quyền được biết thông tin.

Bốn là, áp dụng điện toán đám mây: Việc phát triển Chính phủ điện tử cần thiết xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp, thông thường chính phủ phải sở hữu, quản lý và duy trì hạ tầng kỹ thuật, có thể rất tốn kém: Chính phủ Nepal đã chi khoảng 30 triệu USD để xây dựng Trung tâm Dữ liệu đầu tiên cho chính phủ; năm 2009, Chính phủ bang Washington Mỹ đã đầu tư 180 triệu USD để xây dựng một trung tâm dữ liệu mới. Như vậy, các cơ quan chính phủ phải bỏ ra một khoản rất lớn để xây dựng các Trung tâm dữ liệu. Bên cạnh giá chi phí xây dựng cơ bản, các trung tâm dữ liệu cũng tiêu tốn không ít chi phí cho việc quản lý, vận hành, theo dõi, bảo trì và bảo dưỡng, đầu tư và nâng cấp thiết bị. Các chi phí này sẽ được giảm đáng kể khi triển khai trên nền điện toán đám mây, các đơn vị không phải lo lắng về việc sử dụng các khoản chi lớn cho việc mua sắm hệ thống máy chủ, tủ rack, thiết bị mạng, đường truyền. Ngoài ra, điện toán đám mây dựa trên công nghệ ảo hoá, cho phép nhiều hệ điều hành chạy đồng thời trên một máy chủ đơn, tách biệt sự phụ thuộc của phần mềm vào phần cứng. Công nghệ ảo hoá đã chứng minh là một công cụ tối ưu cho việc quản lý các môi trường công nghệ thông tin phức tạp và cung cấp khả năng sẵn sàng và đáng tin cậy của các hệ thống thông tin.

Thực tế, các máy chủ ảo hoạt động và vận hành tương tự các máy chủ thực tế và bao gồm tất cả các thành phần cơ bản như phần mềm, bộ vi xử lý CPU, bộ nhớ RAM, ổ cứng, cổng kết nối mạng. Điều này rất có lợi trong quá trình chuyển đổi hệ thống (khi một máy chủ không hoạt động, một máy chủ thay thế khác có thể được hoạt động tức thời).

Có thể thấy, hầu hết các quốc gia đều đã có kế hoạch áp dụng điện toán đám mây trong khu vực công ở mức độ và quy mô quốc gia. Lý do cho việc này là bảo đảm quyền riêng tư và vấn đề bảo mật, giảm thiểu chi phí cho hạ tầng công nghệ thông tin và Trung tâm dữ liệu. Trong đó, Áo, Pháp, Tây Ban Nha, Thái Lan, Vương Quốc Anh và một số quốc gia khác đã triển khai hoặc có kế hoạch xây dựng một Đám mây chính phủ (G-Cloud) dưới dạng đám mây riêng (private cloud) sử dụng cho các dịch vụ của chính phủ và đám mây công cộng (public cloud). Việc triển khai điện toán đám mây tại các quốc gia này dựa trên các mô hình phổ biến nhất bao gồm: Dịch vụ cơ sở hạ tầng (IaaS), dịch vụ nền tảng (PaaS) và dịch vụ phần mềm (SaaS). Khả năng mở rộng cao và tiết kiệm một khoản chi phí cho hạ tầng công nghệ thông tin là một trong các lợi ích mà điện toán đám mây mang lại. Rất nhiều các quốc gia đã triển khai điện toán đám mây trong các khu vực công và một số các nước khác cũng đang có kế hoạch để thực hiện việc này.

Năm là, ra quyết định dựa trên dữ liệu: quá trình sử dụng phân tích dữ liệu, biến tất cả dữ liệu thành thông tin có ích phục vụ chỉ đạo, điều hành. Sử dụng hiệu quả dữ liệu là mối liên kết giữa quản trị và xây dựng năng lực, thông tin chi tiết về dữ liệu có thể được thu thập để cải thiện việc phân phối dịch vụ.

Ví dụ một số trường hợp khai thác, sử dụng phân tích dữ liệu bao gồm: Cơ quan đăng ký và cơ sở dữ liệu quốc gia của Pakistan (NADRA), một trong những cơ sở dữ liệu công dân đa sinh trắc học lớn nhất thế giới, là một ví dụ về khai thác sức mạnh của dữ liệu của chính phủ. NADRA là một cơ quan độc lập và tự trị thuộc Bộ Nội vụ và Kiểm soát ma túy, chính phủ Pakistan điều chỉnh cơ sở dữ liệu của chính phủ và quản lý thống kê cơ sở dữ liệu của tất cả công dân quốc gia Pakistan.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch phát triển một hệ thống để giúp đỡ nạn nhân thiên tai bằng cách sử dụng dữ liệu lớn được thu thập từ các nguồn như Internet và dữ liệu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) từ điện thoại thông minh và thiết bị định vị xe hơi. Hệ thống sẽ cho phép các cơ quan hành chính ngay lập tức xác định các chuyển động của các nạn nhân ngay sau khi xảy ra thảm họa. Chính phủ sẽ thu thập và phân tích thông tin, bao gồm cả các cộng đồng địa phương bị cô lập và nơi trú ẩn quá đông, để đưa ra phản ứng ban đầu sau thảm họa, chẳng hạn như các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ và giao hàng hiệu quả hơn. Như vậy có thể thấy rằng việc khai thác thông tin dựa trên dữ liệu sẽ tạo ra các giá trị mới cho chính phủ trong quá trình chỉ đạo, điều hành, mang lại nhiều tiện ích cho công dân đồng thời hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý, theo dõi chỉ đạo, điều hành, ra quyết định.

Xu thế phát triển

– Giao tiếp số trong khu vực công và khu vực công với bên ngoài;

– Khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho Chính phủ điện tử;

– Cung cấp dịch vụ phúc lợi dựa trên công nghệ số;

– Điện toán đám mây trong khu vực công;

– Mở dữ liệu khu vực công;

– Dữ liệu tốt và chia sẻ dữ liệu hiệu quả;

– Số hóa cho mọi người: kỹ năng số, nhận thức an toàn thông tin,…

– Phát triển nền tảng công nghệ quốc gia: bao gồm tập hợp công nghệ cho phép các cơ quan nhà nước triển khai thiết kế, phát triển các dịch vụ kỹ thuật số nhanh chóng và an toàn. Nền tảng này được coi là xương sống để dùng lại, tương tác và mở rộng các micro-service và cơ sở hạ tầng số. Nền tảng này cũng được phát triển sử dụng hạ tầng điện toán đám mây của doanh nghiệp.

– Nền tảng định danh số quốc gia: là nền tảng định danh số để người dùng giao dịch với chính phủ và doanh nghiệp.

– Phát triển không gian làm việc số: một nền tảng kỹ thuật số cho cán bộ làm việc hiệu quả và cộng tác tốt hơn với các cán bộ khác.

– Phát triển các nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao chất lượng sống người dân như ứng dụng công nghệ trong giao dục, phúc lợi xã hội, y tế; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (nông nghiệp, đầu tư thương mại, du lịch, thuế,….), bảo đảm an toàn thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động chính phủ, hỗ trợ cung cấp dịch vụ (tích hợp dữ liệu, xác thực và định danh; cung cấp thông tin một cửa, lấy người dân làm trung tâm, hạ tầng số, xây dựng năng lực số).

Một số bài học

– Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban để chỉ đạo thống nhất về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.

– Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò là cơ quan điều phối thống nhất, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán trong triển khai Chính phủ điện tử. Bộ tích cực làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ kịp thời công tác triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, đặc biệt là việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

– Phát triển các nền tảng Chính phủ điện tử dùng chung để phá vỡ điểm nghẽn trong việc triển khai Chính phủ điện tử của giai đoạn trước, nền tảng giúp triển khai nhanh, tiết kiệm, bảo đảm kết nối, liên thông, tạo hệ sinh thái cung cấp dịch vụ.

– Thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ các sản phẩm, công nghệ trong triển khai Chính phủ điện tử (Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; các sản phẩm an toàn, an ninh mạng; các nền tảng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo AI) để thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển Chính phủ điện tử vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

– Triển khai Chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử, là những hạt nhân phân tán phát triển Chính phủ điện tử rộng khắp tại các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, sự kết nối, chia sẻ mạng lưới các chuyên gia sẽ tạo ra tri thức chung theo cấp số mũ để phát triển đồng bộ Chính phủ điện tử. Đào tạo kỹ năng sử dụng các dịch vụ Chính phủ điện tử cho những người trẻ tuổi từ cấp phổ thông để từ đó hướng dẫn cho những người cao tuổi.

– Phát triển Chính phủ điện tử cần dựa trên chiến lược tổng thể. Trong đó, triển khai thí điểm nhanh các mô hình thành công, sau đó nhân rộng. Điển hình trong thời qua đã triển khai Bộ điểm (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế), tỉnh điểm (Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế) về Chính phủ điện tử, thí điểm chuyển đổi số cấp xã tại tỉnh Ninh Bình (xã Yên Hòa), tỉnh Bắc Kạn (xã Vi Hương) từ đó rút ra các bài học thành công để nhân rộng.

– Sự quyết tâm, ưu tiên triển khai Chính phủ điện tử của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương là yếu tố quan trọng nhất cho thành công. Cụ thể, một số địa phương còn khó khăn ngân sách, nhưng vẫn bố trí trên 1% chi ngân sách nhà nước cho phát triển Chính phủ điện tử, một số lãnh đạo cao nhất của Đảng, chính quyền địa phương trực tiếp sát sao, đôn đốc, làm gương triển khai Chính phủ điện tử; chính vì vậy, tại những địa phương này, hiệu quả triển khai Chính phủ điện tử đã được minh chứng.

– Những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn triển khai Chính phủ điện tử phải coi nhiệm vụ triển khai Chính phủ điện tử của đối tượng được quản lý, hướng dẫn là nhiệm vụ của mình để hỗ trợ kịp thời, thúc đẩy triển khai hiệu quả, tới kết quả cuối cùng.

Tồn tại, hạn chế

– Một số nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai Chính

phủ điện tử chưa được ban hành (Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định về định danh, xác thực điện tử;…).

– Các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử triển khai chậm;

– Công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được bảo đảm, nhiều rủi ro khi phát triển Chính phủ điện tử.

– Việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn hạn chế.

– Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng chưa cao.

Nguyên nhân chính

– Sự biến đổi của công nghệ số rất nhanh, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật phải được xây dựng theo đúng quy trình, rất khó bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ và nhu cầu thực tế. Mặt khác, các vấn đề cần được tháo gỡ tại mức cao như nghị định ngày càng phức tạp, đa ngành.

– Các cơ sở dữ liệu quốc gia cần bố trí kinh phí rất lớn từ ngân sách nhà nước, nên việc đáp ứng kinh phí thường bị chậm hoặc gián đoạn. Mặt khác, đây là hệ thống thông tin phức tạp, quy mô lớn, phạm vi triển khai thường đến tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, cùng chịu trách nhiệm của các cấp và đây chính là cản trở lớn trong triển khai;

– Công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kinh phí bố trí hạn hẹp (thấp hơn nhiều so với mức 10% nêu tại Chỉ thị số 14/CTTTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam).

– Mặc dù hệ thống kỹ thuật để kết nối, chia sẻ dữ liệu đã hình thành, nhưng nhiều cơ quan nhà nước chưa quyết tâm, sẵn sàng chia sẻ, mở dữ liệu, cũng như khai thác triệt để dữ liệu của các cơ quan nhà nước đã cung cấp.

– Người dân chưa có thói quen, thiếu kỹ năng, thiết bị để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Những khó khăn, thách thức đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý đồng bộ, cơ chế thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại; bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, bảo đảm sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ; tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Giải pháp phát triển Chính phủ số ở Việt Nam

(1) Tổ chức, bộ máy, mạng lưới:

– Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và chính quyền bốn cấp để triển khai chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số.

– Kiện toàn tổ chức, bộ máy, thiết lập mạng lưới đơn vị chuyên trách và nhân sự hỗ trợ triển khai từ Trung ương đến địa phương với nòng cốt gồm các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại mỗi địa phương.

(2) Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số:

– Đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng dựa trên các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.

– Rà soát, cập nhật khung năng lực, chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin tích hợp kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đưa nội dung đào tạo về kỹ năng số vào chương trình đào tạo quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương. Tổ chức đào tạo, sát hạch, thi tuyển, thi nâng ngạch trực tuyến đảm bảo minh bạch, chất lượng.

– Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo; cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước các cấp về Chính phủ số, Khung Kiến trúc, Kiến trúc Chính phủ điện tử/Chính phủ số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

– Tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ chuyên gia về Chính phủ số tạo lực lượng nòng cốt, lan tỏa kiến thức, kỹ năng cho phát triển Chính phủ số tại các bộ, ngành, địa phương. Các chuyên gia về Chính phủ số trước hết phải nắm bắt được các xu thế công nghệ mới, các bài học kinh nghiệm, quy định pháp luật, mô hình, quy định kỹ thuật trong triển khai Chính phủ số. Xây dựng mạng lưới chuyên gia về Chính phủ số để chia sẻ tri thức, phối hợp giải quyết các vấn đề lớn.

– Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số.

(3) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức:

– Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số.

– Tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người dân, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số của cơ quan nhà nước thông qua các hoạt động xã hội hóa.

– Định kỳ hàng năm tổ chức tôn vinh dịch vụ công chất lượng nhất, dịch vụ công thu hút được sự tham gia rộng rãi nhất, cơ quan nhà nước vận hành tối ưu nhất, vấn đề phát triển kinh tế – xã hội đã giải quyết có kết quả đột phá nhất và cơ quan nhà nước phát triển Chính phủ số tốt nhất.

(4) Hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp:

– Doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ phát triển Chính phủ số, trước hết là khuyến khích các cơ chế, chính sách về thuê dịch vụ, hợp tác theo phương thức đối tác công tư, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, tham gia các quỹ đầu tư, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo.

– Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối, quy hoạch, thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ Chính phủ số của các doanh nghiệp chủ chốt. Chính phủ triển khai một số hoạt động mang tính định hướng, kiến tạo thị trường bằng cách làm trước, cho phép trải nghiệm dùng thử hoặc cung cấp dịch vụ cơ bản.

– Cơ quan nhà nước phối hợp doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ công thông qua mạng lưới bưu chính công ích và ứng dụng của doanh nghiệp.

– Khai thác hiệu quả mạng lưới bưu chính công ích để hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các đối tượng yếu thế trong xã hội.

(5) Nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi:

– Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng nền tảng mở, mã nguồn mở phục vụ Chính phủ số.

– Mở các nền tảng quốc gia hướng tới tạo thành hệ sinh thái để các doanh nghiệp công nghệ số có thể tham gia phát triển các dịch vụ kinh tế số, xã hội số;

– Lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) tạo điều kiện sớm triển khai các công nghệ số tiên tiến trong Chính phủ số. Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ mới cho Chính phủ số.

– Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp công nghệ số để làm chủ các công nghệ cốt lõi trong Chính phủ số trước hết đó là các công nghệ điện toán đám mây, bảo mật, an toàn, an ninh mạng, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, các nền tảng cho phát triển các ứng dụng chuyên ngành.

– Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).

– Xây dựng các chương trình nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang đặc thù Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh, tạo nền tảng thúc đẩy Chuyển đổi số quốc gia. Các sản phẩm, dịch vụ này ưu tiên thí điểm ứng dụng trước trong các cơ quan nhà nước, từ đó đánh giá, hoàn thiện, hình thành ra các nền tảng để phục vụ kinh tế số, xã hội số.

– Ban hành quy định về việc sử dụng sản phẩm, giải pháp đã được đánh giá, kiểm định trong triển khai Chính phủ số. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, công nghệ thiết kế, sản xuất bởi các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong các hệ thống Chính phủ số.

(6) Chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ:

– Thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với phát triển Chính phủ số.

– Rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số.

– Rà soát loại bỏ một số thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ khi ứng dụng công nghệ số.

(7) Hợp tác quốc tế:

– Chủ động hợp tác quốc tế trong phát triển Chính phủ số; chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, các sáng kiến về Chính phủ số và phát triển công nghệ số, kinh tế số, trong đó sẵn sàng phát huy vai trò đi đầu trong những lĩnh vực có thế mạnh; tham gia chủ động, tích cực vào việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế mới về công nghệ số phù hợp với mục tiêu và lợi ích của Việt Nam.

– Hỗ trợ một số nước trong phát triển Chính phủ số nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời quảng bá, tạo thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ Chính phủ số của các doanh nghiệp Việt Nam.

(8) Đo lường, giám sát, đánh giá triển khai:

– Thực hiện đo lường, giám sát tự động tới từng hệ thống, từng dịch vụ phục vụ Chính phủ số.

– Giám sát, đánh giá, đo lường hiệu quả các dự án đầu tư được thực hiện dựa trên số liệu.

– Định kỳ hàng tháng, hàng năm công bố kết quả đánh giá, làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, xếp hạng về Chính phủ điện tử, Chính phủ số; công khai trực tuyến các chỉ số chính trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

(9) Cơ chế điều hành, tổ chức thực thi:

– Phát huy vai trò Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc chỉ đạo phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

– Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả phát triển Chính phủ số, Chính quyền số tại bộ, ngành, địa phương mình.

– Phát huy vai trò Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tổ chức, điều phối công tác phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số các cấp.

– Triển khai Chính phủ số theo hướng từng bước tập trung hóa, phát triển các ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số dựa trên nền tảng điện toán đám mây, ưu tiên theo hướng thuê dịch vụ.

TS. Doãn Minh Thắng
Học viện Hành chính Quốc gia