Tăng cường quản lý nhà nước nhằm phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, Ninh Bình là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển du lịch, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch và những chính sách phát triển du lịch phù hợp đã thúc đẩy ngành Du lịch của Ninh Bình phát triển nhanh chóng, đưa Ninh Bình trở thành một trong những điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, phát triển của du lịch Ninh Bình cũng bộc lộ một số bất cập liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước nhằm phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Ninh Bình là một địa phương có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch và ngành Du lịch đã có những bước phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển du lịch bộc lộ nhiều hạn chế về công tác quản lý nhà nước ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành Du lịch. Chính vì vậy, việc nhận định thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về du lịch nhằm phát triển du lịch bền vững (DLBV) là vấn đề có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

Thực trạng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, có các tuyến du lịch quốc gia chạy qua (tuyến đường bộ theo quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc – Nam, quốc lộ 10… và tuyến đường sắt Bắc – Nam). Thành phố Ninh Bình còn được xác định là trung tâm của tiểu vùng du lịch Nam đồng bằng sông Hồng. Ninh Bình có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, bao gồm cả rừng, núi, sông, hồ, biển; các hệ sinh thái đa dạng (rừng nguyên sinh, đất ngập nước…); hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng…, trong đó nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An – di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới (di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam); khu tâm linh Chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á; Cố đô Hoa Lư; vườn quốc gia Cúc phương; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, nhà thờ đá Phát Diệm… Đây là những lợi thế lớn của Ninh Bình trong phát triển DLBV, có thể tạo nên sự khác biệt, những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình. Trong giai đoạn vừa qua, du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển khá nhanh, bước đầu mang lại hiệu quả về nhiều mặt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đem lại lợi ích cho động đồng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên, môi trường và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư địa phương.

Lượng khách du lịch đến Ninh Bình giai đoạn 2016 – 2022 đạt mức tăng trưởng trung bình 3,44%/năm. Số lượt khách du lịch giảm nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (bảng 1).

Năm 2021, tổng thu từ du lịch của Ninh Bình đạt gần 935 tỷ đồng, đạt 59,05% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2022, tổng thu đạt 3.207 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2021. Hai tháng đầu năm 2023, ước tính toàn tỉnh đón 2,33 triệu lượt khách, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa đón hơn 2,24 triệu lượt, hơn 90 nghìn lượt khách quốc tế tổng thu ước đạt hơn 1.814 tỷ đồng, tăng 6,87 lần so với cùng kỳ năm 20222.

Trung bình một khách du lịch quốc tế chi tiêu mỗi ngày khoảng 770.000 đồng (tương đương 35 USD) đối với khách lưu trú và 400.000 đồng (tương đương 18 USD) đối với khách không lưu trú. Đối với khách nội địa, các chỉ tiêu tương ứng là 550.000 đồng (tương đương 25 USD) và 210.000 đồng (tương đương 9,5 USD)3. Phần lớn khách du lịch chi tiêu vào dịch vụ lưu trú và ăn uống; mua sắm hàng hóa, một số đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm… Điều này đã phản ánh đúng về hạn chế trong phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình, sản phẩm phụ trợ cho du lịch còn thiếu về số lượng và chất lượng. Các dịch vụ bổ sung, khu vui, chơi giải trí cần được tập trung đầu tư để có sản phẩm du lịch chất lượng cao, kéo dài thời gian lưu trú của du khách và tăng mức chi tiêu của khách du lịch.

Hạ tầng kỹ thuật cho phát triển du lịch được quan tâm đầu tư đúng mức, hầu hết các khu, điểm du lịch được đầu tư hình thành và phát triển; hệ thống dịch vụ phục vụ khách, như: nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm, thể thao, bưu chính viễn thông, ngân hàng được quan tâm đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều dự án, công trình du lịch với số vốn hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tiêu biểu như: dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Tràng An; dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng… Ngoài ra, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách vào lĩnh vực du lịch, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 83 dự án, với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, đến nay, có trên 800 cơ sở lưu trú du lịch, với 9.826 phòng nghỉ, trong đó có 1 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao, 7 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 3 – 4 sao, 30 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 – 2 sao4.

Ninh Bình với hơn 10.100 lao động trực tiếp du lịch và trên 18.000 lao động gián tiếp thuộc các lĩnh vực liên quan đến du lịch. Du lịch tăng trưởng đã tạo ra nhiều việc làm mới cho xã hội, với nhu cầu nhân lực tăng nhanh do vậy, trong ngắn hạn, nhân lực phần đông chưa đáp ứng được nhu cầu về năng lực. Hằng năm, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, Sở Du lịch đã phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức 16 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ du lịch cho trên 1.000 cán bộ, nhân viên, người lao động tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng dịch vụ kinh doanh du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Giai đoạn 2020 – 2022, Sở Du lịch đã cấp, cấp đổi, cấp lại 98 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế5.

Công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới về phương thức và nội dung. Sở Du lịch thường xuyên thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường nội địa, quốc tế; giới thiệu du lịch thông qua các chương trình xúc tiến thị trường nội địa; xúc tiến tại chỗ. Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn trên 30 đoàn khách ngoại giao, các đoàn famtrip, presstrip, phóng viên, đoàn làm phim, các cơ quan truyền hình, thông tấn báo chí trong nước và quốc tế để kết nối, xúc tiến quảng bá đến các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng, quảng bá giới thiệu hình ảnh du lịch Ninh Bình.

Ngành Du lịch phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các chiến dịch,  xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Du lịch Ninh Bình – Điểm đến an toàn, hấp dẫn, chất lượng”. Nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn được đưa vào hoạt động trong vài năm trở lại đây góp phần thu hút đông đảo khách du lịch đến Ninh Bình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch được chú trọng, như: thường xuyên cập nhật, đăng tải tin, bài trên cổng thông tin điện tử du lịch Ninh Bình với 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp); áp dụng công nghệ số, phát triển các hoạt động truyền thông trên trang mạng xã hội; xây dựng trợ lý ảo (Chatbot) hỗ trợ tương tác với du khách; xây dựng và xuất bản Bản tin du lịch điện tử hằng tháng. Tham gia tuyên truyền, quảng bá du lịch tại 50 lễ hội, hội chợ triển lãm, hội thảo, chương trình khảo sát, quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh; tổ chức các buổi hội thảo và giao lưu trực tuyến để giới thiệu về du lịch Ninh Bình6.

Một số hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về du lịch tại tỉnh Ninh Bình

Một là, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về du lịch cho người dân và việc nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội còn thấp.

Hai là, còn chậm cụ thể hóa và ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để quản lý, điều hành hoạt động du lịch; thủ tục hành chính còn phức tạp và gây nhiều phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Ba là, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế; chưa khắc phục được những bất cập trong công tác đào tạo nghiệp vụ du lịch trước yêu cầu phát triển ngành hiện nay, cũng như tình trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu đội ngũ lao động tay nghề cao, chất lượng phục vụ chưa đồng đều và thiếu tính chuyên nghiệp.

Nguyên nhân của những hạn chế:

Một số cấp ủy và chính quyền địa phương trong tỉnh chưa coi trọng và quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch trên địa bàn. Nội dung, phương thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật du lịch cho cộng đồng dân cư trên địa bàn còn nghèo nàn, đơn điệu và chưa phù hợp với điều kiện thực tế ở tỉnh. Ngoài ra, nguồn vốn Nhà nước dành cho đầu tư và hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch còn thấp, trong khi đó việc phân bổ nguồn vốn vẫn còn thiếu tập trung, dẫn đến tình trạng đầu tư phân tán, nhỏ lẻ, các dự án đầu tư bị chậm tiến độ. Điều này cùng với việc thiếu cương quyết trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho hoạt động đầu tư và những bất cập về thủ tục hành chính đối với kinh doanh nói chung, hoạt động du lịch nói riêng, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến môi trường thu hút đầu tư ở tỉnh, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch có nhiều thay đổi do sáp nhập, chia tách nhiều lần, thiếu tính ổn định nên không bảo đảm tính liên tục trong quản lý, hiệu lực quản lý chưa cao, nhất là bộ máy quản lý nhà nước về du lịch ở cấp huyện, thị xã. Công tác quản lý cán bộ, quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ kế cận, tuy có được quan tâm nhưng chưa thường xuyên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch còn thiếu hệ thống, thiếu mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong phát triển nguồn nhân lực.

Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước nhằm phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ nhất, về tổ chức quản lý.

Cần chú trọng nâng cao năng lực của các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở Du lịch tỉnh để tăng cường công tác tham mưu, quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong quản lý quy hoạch, quản lý bảo tồn di sản, quản lý đầu tư, công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo bồi dưỡng, quản lý môi trường du lịch…; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xét duyệt các quy hoạch phát triển du lịch, các dự án đầu tư phát triển du lịch thuộc thẩm quyền. Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ các nhà hàng, cơ sở lưu trú đạt chất lượng, quản lý tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm trình độ, nghiệp vụ phục vụ du lịch. Nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các quy chế quản lý ở các khu, điểm du lịch; các khu di tích… nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để quản lý, đầu tư, khai thác và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tăng cường cơ chế liên kết, hợp tác, phối hợp trong hoạt động du lịch giữa các ngành; giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng, độc đáo, hấp dẫn và có sức cạnh tranh, tạo ra sự thúc đẩy tương hỗ nhằm phát triển du lịch có hiệu quả.

Về quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch, cần tập trung thực hiện những nội dung cụ thể sau:

(1) Xác định ranh giới quy hoạch du lịch trên địa bàn các phân khu chức năng; các khu, điểm du lịch đã được xác định…, để làm căn cứ quản lý và đầu tư khai thác phục vụ phát triển du lịch.

(2) Từng bước lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch.

(3) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện quản lý chặt chẽ lãnh thổ được quy hoạch trên địa bàn. Trước mắt quản lý chặt chẽ việc mua bán, xây mới hoặc cơi nới cải tạo các công trình trên phạm vi lãnh thổ được quy hoạch để phát triển du lịch.

(4) Cần tập trung đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ khu du lịch quốc gia Tràng An theo quy hoạch để tạo thành một quần thể du lịch chất lượng cao, có thương hiệu và có khả năng cạnh tranh.

(5) Có sự quan tâm chỉ đạo để xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

(6) Các địa phương trong tỉnh, các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư… cần phối hợp và liên kết hợp tác để xây dựng các sản phẩm du lịch mới, có chất lượng, tránh trùng lặp để tăng sức hấp dẫn đối với du khách, tạo ra sự thúc đẩy tương hỗ nhằm phát triển du lịch ở từng khu, điểm du lịch nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

(7) Có chính sách đầu tư thỏa đáng từ ngân sách địa phương kết hợp với sự hỗ trợ của ngân sách trung ương nhằm hoàn thiện việc nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch kết hợp với phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ hai, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh, nhất là những nơi có tiềm năng du lịch cần phải tiếp thu, quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh; nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của hoạt động phát triển du lịch bền vững, về yêu cầu hoàn thiện quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch trong tình hình mới. Ngoài ra, cũng cần nâng cao ý thức pháp luật du lịch cho khách du lịch thông qua việc phát hành các ấn phẩm tuyên truyền, cổ động; phát huy vai trò của hướng dẫn viên du lịch giúp cho du khách tuân thủ pháp luật chặt chẽ hơn. Mặt khác, cần tuyên truyền, vận động, giải quyết chế độ, chính sách thỏa đáng cho người dân trong việc giải phóng mặt bằng vùng dự án đầu tư phát triển du lịch; khuyến khích, động viên các doanh nghiệp du lịch thành lập các hiệp hội nhằm bảo vệ lợi ích và chia sẻ trách nhiệm, cùng nhau phát triển trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình.   

Chủ động tổ chức các chương trình giới thiệu về du lịch Ninh Bình ở nước ngoài, đặc biệt là ở những thị trường mục tiêu, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp… và ở trong nước, như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch ở trong nước và quốc tế để giới thiệu chung về du lịch Ninh Bình một cách có hiệu quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội để thường xuyên giới thiệu về du lịch Ninh Bình đến với khách du lịch.

Ngoài ra, cần quan tâm, xây dựng những chương trình tuyên truyền, giáo dục đến mọi tầng lớp trong xã hội (đặc biệt là đến cộng đồng dân cư) về vai trò và ý nghĩa của ngành Du lịch, đặc biệt là phát triển DLBV đối với nền kinh tế, môi trường, xã hội, đến đời sống của cộng đồng dân cư, đến công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên, thiên nhiên…

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, nên để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, bảo đảm các hoạt động kinh doanh du lịch có mức tăng trưởng ổn định, góp phần phát triển DLBV, yếu tố con người là rất quan trọng, đặc biệt là đội ngũ các nhà quản lý, các nhà hoạch định chiến lược phát triển… Trước mắt, có thể xem xét một số chính sách về đào tạo nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ của nguồn nhân lực du lịch:

(1) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn, đặc biệt là về quản lý quy hoạch, quản lý và thẩm định các dự án du lịch, quản lý và bảo vệ môi trường, về xúc tiến quảng bá du lịch… đối với các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Có chính sách hỗ trợ cán bộ nâng cao trình độ đào tạo cả ở trong và ngoài nước để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong xu thế hội nhập toàn cầu.

(2) Đối với chủ các cơ sở kinh doanh du lịch, có chính sách ưu tiên và lựa chọn đi đào tạo, học tập kinh nghiệm ở các địa phương có ngành Du lịch phát triển để tiếp thu những kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch.

(3) Đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh, cần tập trung nâng cao năng lực về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên trong công tác đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng, đáp ứng cho nhu cầu phát triển du lịch Ninh Bình trong thời gian tới.

(4) Có chính sách ưu đãi, chú trọng đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức, trọng dụng và tôn vinh nhân tài, chuyên gia và nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch… để thu hút đội ngũ này cho mục tiêu phát triển du lịch.

Kết luận

Phát triển DLBV là xu thế tất yếu của ngành Du lịch nhằm mang lại lợi ích ổn định và lâu dài cho tất cả các đối tượng liên quan. DLBV liên quan đến vai trò của rất nhiều chủ thể, như: cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức xã hội; doanh nghiệp; cộng đồng địa phương; cơ quan truyền thông và khách du lịch trên cơ sở bảo đảm ba trụ cột là: bền vững về kinh tế; bền vững về xã hội – văn hóa và bền vững về môi trường. Trên thực tế, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước luôn được nhắc đến đầu tiên, tạo nền tảng quan trọng về cơ chế, chính sách và điều kiện phát triển DLBV, dẫn dắt và định hướng các đối tượng liên quan khác cùng thực hiện các mục tiêu.

Chú thích:
1, 3. Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2, 4, 5, 6. Báo cáo số 28/BC-SDL ngày 22/02/2023 của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình về kết quả phát triển du lịch giai đoạn 2020 đến nay và các giải pháp phát triển ngành Du lịch Ninh Bình trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
1. UBND tỉnh Ninh Bình. Đề án phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
2. Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu. Du lịch bền vững. H. NXB Đại học quốc gia, 1999.
3. Vũ Đức Minh. Giáo trình Tổng quan về du lịch. H. NXB Thống kê, 2008.
4. Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
5. Lars Aronsson (2000), The Development Of Sustainable Tourism, Continuum, London.
6. Swarbrooke. Jonh (2015), Sustainable Tourism Management, Wallingford: Cabi.
TS. Tô Ngọc Thịnh
Trường Đại học Thương mại