Về thuật ngữ hành chính “thẻ căn cước công dân”

(QLNN) – Nhằm tránh tình trạng sử dụng các thuật ngữ thiếu thống nhất, thậm chí sử dụng thiếu chính xác giữa các tài liệu, các văn bản, các diễn đàn, thì việc nghiên cứu thuật ngữ hành chính luôn có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, “Thẻ căn cước công dân” cũng là một thuật ngữ phổ biến đáng được quan tâm.                                                  

 

Mỗi một ngành khoa học, một lĩnh vực chuyên môn đều cần có một hệ thống thuật ngữ với tư cách là phương tiện, công cụ cho sự tồn tại và phát triển của ngành khoa học và lĩnh vực chuyên môn đó, ngành khoa học hành chính của Việt Nam cũng vậy.

Hiện nay, nhiều định nghĩa, nội dung của thuật ngữ hành chính (TNHC) tiếng Việt không còn phù hợp. Bên cạnh đó là sự xuất hiện những TNHC mới nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp và hoạt động hành chính. Do đó, nghiên cứu để sử dụng một cách chính xác và có hiệu quả những TNHC là một vấn đề rất cần thiết. Bài viết này tập trung đề cập những đặc điểm cấu tạo, cấu trúc nội dung của thuật ngữ “thẻ căn cước công dân” (CCCD), từ đó đánh giá sự đáp ứng các tiêu chuẩn của TNHC đối với thuật ngữ “thẻ CCCD”.

Thuật ngữ thẻ căn cước công dân

Thuật ngữ thẻ CCCD có khởi nguồn từ cách gọi một loại thẻ (như giấy chứng minh nhân dân hiện nay) được dùng ở Việt Nam trong những năm trước năm 1945.

Ngoài ra, thuật ngữ thẻ CCCD còn có khởi nguồn từ TNHC thẻ công dân được sử dụng chính thức từ khi có Sắc lệnh số 175B ngày 06/9/1946 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thẻ công dân theo Sắc lệnh này là một loại giấy có ghi họ tên, ngày/tháng/năm sinh, tên cha/mẹ, nguyên quán, trú quán, chức nghiệp,… do Ủy ban hành chính xã, thị xã hoặc thành phố, nơi nguyên quán hoặc trú quán của công dân cấp cho công dân Việt Nam tuổi từ 18 trở lên. Thẻ này giúp chứng nhận về nhân thân và những đặc điểm riêng của mỗi công dân.

Ngày 20/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật CCCD, từ đây, thuật ngữ thẻ CCCD xuất hiện chính thức trong văn bản quản lý nhà nước.

– Về đặc điểm cấu tạo: thuật ngữ thẻ CCCD có cấu tạo là một cụm từ được ghép bởi hai bộ phận: bộ phận thứ nhất là danh từ thẻ; bộ phận thứ hai là cụm tính từ CCCD (vốn xuất phát điểm từ một cụm danh từ). Bộ phận thứ hai CCCD lại được ghép bởi hai từ: căn cước và công dân (vốn là hai danh từ nhưng trong trường hợp này chúng được chuyển thành tính từ). Vì vậy, cấu tạo của thuật ngữ thẻ CCCD có cấu trúc hai bậc: bậc 1 là sự kết hợp từ căn cước + công dân; bậc 2 là sự kết hợp của từ thẻ + CCCD.

Cả yếu tố thẻ và yếu tố CCCD đều không có yếu tố cơ sở (trung tâm) hay phái sinh. Và nếu coi thuật ngữ thẻ CCCD là một cụm từ cố định (có tính ổn định về cấu trúc hình thức và cấu trúc nội dung) gồm hai  yếu tố gắn chặt với nhau là: yếu tố thẻ và yếu tố CCCD thì có thể thay đổi cấu tạo của thuật ngữ này thành CCCD thẻ hay có thể thay  đổi cấu tạo của thuật ngữ như thêm một “dấu phẩy”, “dấu chấm phẩy” hay từ “và” ở giữa theo kiểu: thẻ, CCCD hay thẻ và CCCD. Và nếu thay đổi cấu trúc hình thức theo các kiểu như vậy thì cấu trúc nội dung của các kiểu đó đã sự thay đổi. Vì vậy, về mặt cấu tạo, thẻ CCCD vẫn là một cụm danh từ.

– Về đặc điểm ngữ nghĩa: phân tích trên cơ sở cấu tạo của cụm từ thẻ CCCD, chúng ta thấy cấu trúc nghĩa của cụm từ này như sau:

Cấu trúc nghĩa của thuật ngữ thẻ CCCD gồm hai bộ phận hợp thành (nghĩa của từ thẻ + nghĩa của cụm từ CCCD) và do đó, thuật ngữ này có tới hai bậc nghĩa. Bậc 1 là nghĩa của từ căn cước + nghĩa của từ công dân; bậc 2 là nghĩa của từ thẻ + nghĩa của cụm từ CCCD. Thực chất, cụm từ CCCD trong thẻ CCCD vốn là một thuật ngữ hành chính, có nghĩa là: thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân.

Như vậy, cấu trúc nội dung của TNHC thẻ CCCD là một sự tổng hợp nghĩa của hai bộ phận: thẻ và CCCD. Và như đã phân tích ở trên, thẻ CCCD được coi là một thuật ngữ có cấu tạo gồm từ thẻ là yếu tố cơ sở, cụm từ CCCD là yếu tố phân loại. Do đó, nếu là một cụm danh từ được hiểu như vậy thì thẻ CCCD có nghĩa chỉ một loại thẻ mà trong thẻ đó có chứa thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân.

Đánh giá mức độ đáp ứng về tiêu chuẩn thuật ngữ hành chính

Nằm trong hệ thống từ vựng của mỗi ngôn ngữ, tuy nhiên, khác với các đơn vị từ ngữ thông thường, thuật ngữ có những đặc điểm riêng, cơ bản và khi xây dựng các hệ thuật ngữ hay khi đặt thuật ngữ, người ta phải bảo đảm được những đặc điểm đó của thuật ngữ. Đây cũng chính là những yêu cầu hay tiêu chuẩn đặt ra cho thuật ngữ. Những tiêu chuẩn cần có của thuật ngữ là vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu ở trên thế giới và Việt Nam hết sức quan tâm và đã có nhiều ý kiến tranh luận.

Năm 1990, Sager J.C đề nghị các nước thành viên của tổ chức tiêu chuẩn quốc tế phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về việc đặt thuật ngữ do tổ chức này đưa ra. Mười hai tiêu chuẩn đặt thuật ngữ đã được Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế đề xuất, bao gồm:

1) Thuật ngữ phải liên hệ trực tiếp với khái niệm; 2) Thuật ngữ phải biểu đạt khái niệm một cách rõ ràng; 3) Thuật ngữ phải có tính hệ thống về mặt từ vựng, phải tuân theo cấu trúc từ vựng hiện hành, nếu từ vựng có nguồn gốc nước ngoài thì việc phiên âm phải thống nhất; 4) Thuật ngữ phải tuân theo các nguyên tắc chung về hình thành thuật ngữ của mỗi ngôn ngữ, các trật tự từ ghép và các cụm từ; 5) Thuật ngữ nên tạo ra khả năng sản sinh các thuật ngữ mới dựa trên các phụ tố; 6) Thuật ngữ không được dùng từ trùng lặp, vừa có một từ nước ngoài vừa có một từ trong nước có cùng ngữ nghĩa; 7) Thuật ngữ phải chính xác, thể hiện đúng nội dung khoa học một cách rõ ràng; 8) Không nên có các thuật ngữ đồng nghĩa hoàn toàn hoặc tương đối; 9) Thuật ngữ không nên có các biến thể hình thái học; 10) Thuật ngữ không được có từ đồng âm dị nghĩa; 11) Thuật ngữ phải đơn nghĩa; 12) Ngữ nghĩa của thuật ngữ nên độc lập với ngữ cảnh[1].

Tại Hội nghị bàn về vấn đề xây dựng thuật ngữ do Ủy ban Khoa học Nhà nước tổ chức năm 1964 ở Hà Nội, 3 tiêu chuẩn cơ bản nêu trong bản báo cáo chính của hội nghị đã được nhiều ý kiến tán thành là, thuật ngữ phải có: 1) Tính khoa học, cụ thể phải chính xác, có hệ thống, ngắn gọn. 2) Tính dân tộc, nghĩa là có màu sắc ngôn ngữ dân tộc, phù hợp với đặc điểm tiếng Việt. 3) Tính đại chúng, nghĩa là quần chúng dễ dùng (dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nói, dễ viết, dễ đọc).

Rõ ràng, cho đến nay, có nhiều ý kiến được đưa ra khi bàn luận về tiêu chuẩn hay đặc điểm của thuật ngữ. Từ những quan điểm khác nhau của các tác giả về tiêu chuẩn của thuật ngữ, chúng tôi cho rằng, các tiêu chí trên đưa ra đối với thuật ngữ đều có ý nghĩa và nếu như việc thuật ngữ khoa học bảo đảm được đầy đủ các tiêu chí đó thì thật là lý tưởng.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi đặt thuật ngữ sẽ không thể bảo đảm được tất cả các đặc điểm nêu trên. Do đó, trong các tiêu chuẩn để đặt thuật ngữ có những tiêu chuẩn bắt buộc (đây là điểm phân biệt thuật ngữ với từ không phải là thuật ngữ) và các tiêu chuẩn không bắt buộc. Do lĩnh vực hành chính gắn chặt với thể chế chính trị của mỗi quốc gia nên ngoài các đặc điểm của thuật ngữ nói chung như đã nêu trên, (nhất là tính khoa học là đặc điểm và đồng thời cũng là tiêu chuẩn hàng đầu), thì TNHC còn có tính gắn với thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Như vậy, các tiêu chuẩn bắt buộc của TNHC đó là: 1) Tính khoa học (bao gồm: tính chính xác, đơn nghĩa, tính hệ thống và tính ngắn gọn); 2) Tính gắn với thể chế chính trị quốc gia.

Trên cơ sở lý luận trên, chúng ta đánh giá sự đáp ứng các tiêu chuẩn của TNHC đối với thuật ngữ “thẻ CCCD” như sau:

– Về tính khoa học của thuật ngữ thẻ CCCD.

Tính khoa học (biểu hiện ở sự chính xác, đơn nghĩa, ngắn gọn, có hệ thống) là tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu đặt ra cho mỗi TNHC. Cụ thể như sau:

+ Tính chính xác của TNHC: trước hết phải biểu hiện đúng khái niệm hay đối tượng cần biểu thị trong một hình thức ngôn ngữ tương ứng, không gây nhầm lẫn. Để đặt ra được những TNHC chính xác, cần cố gắng sao cho trong nội bộ lĩnh vực hành chính, mỗi khái niệm, đối tượng chỉ nên có một thuật ngữ biểu thị, tức là không nên có các thuật ngữ đồng nghĩa. Đồng thời, mỗi thuật ngữ chỉ nên dùng để biểu thị cho một khái niệm hay một đối tượng, tức là chỉ đơn nghĩa, không nên có hiện tượng thuật ngữ đa nghĩa hay đồng âm khác nghĩa. Đối chiếu với những nội dung đã nêu thì thuật ngữ thẻ CCCD đã đạt được tính chính xác dành cho tiêu chuẩn của TNHC.

+ Tính có hệ thống của thuật ngữ thẻ CCCD: mỗi thuật ngữ phải có sự thống nhất với hệ thống thuật ngữ mà nó thuộc vào. Thuật ngữ không chỉ đơn thuần biểu thị một khái niệm/đối tượng đơn lẻ mà nó có mối quan hệ chặt chẽ với các thuật ngữ biểu thị các khái niệm/đối tượng khác trong cùng một lĩnh vực khoa học hoặc chuyên môn. Do vậy, tiêu chuẩn khoa học của một thuật ngữ không chỉ cần phải minh định về ý nghĩa biểu đạt mà tự thân thuật ngữ đó còn phải phản ảnh được vị trí của nó trong hệ thống và mối quan hệ của nó với các thuật ngữ khác trong cùng hệ thống. Thuật ngữ thẻ CCCD hiện đang nằm trong một loạt các TNHC cùng hệ thống như: thẻ ngân hàng; thẻ điện thoại, thẻ khách hàng,…

+ Tính ngắn gọn của thuật ngữ thẻ CCCD: về mặt cấu tạo, TNHC cần phải hết sức ngắn gọn, cô đọng với độ dài tối ưu, có thể là một từ hoặc một cụm từ, song phải biểu hiện đúng nội dung bản chất của khái niệm hay đặc trưng cơ bản của đối tượng, hoặc chỉ ra được những dấu hiệu tiêu biểu nhất giúp nhận chân khái niệm/đối tượng mà thuật ngữ biểu thị. Thuật ngữ thẻ CCCD đã đáp ứng được yêu cầu này để định danh được một mô hình chính phủ mới, mặc dù thuật ngữ thẻ CCCD có tới 5 âm tiết (3 từ) nhưng đã bảo đảm tính ngắn gọn của TNHC.

– Về tính chi phối bởi chế độ chính trị quốc gia của thuật ngữ thẻ CCCD.

Theo Từ điển giải thích TNHC, chế độ chính trị là: “Bộ phận cấu thành của chế độ xã hội, thực chất là chế độ thực hiện quyền lực Nhà nước gồm nội dung, phương pháp tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị trong một quốc gia. Chế độ chính trị được tạo thành bởi sự kết hợp và tổng hợp của nhiều yếu tố: chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng, nó được thể hiện rõ nhất trong mô hình của Nhà nước”[2].

Hoạt động hành chính, sự tổ chức, quản lý, điều hành bộ máy nhà nước nói chung phụ thuộc sâu sắc vào chế độ chính trị của quốc gia. Do đó, tất yếu cũng sẽ kéo theo sự chi phối tới hệ thống TNHC.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chế độ chính trị của nước ta là chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Những quy định về chế độ chính trị của nước ta chính là cơ sở pháp lý, quyết định việc thiết lập hệ thống chính trị và cách thức tổ chức, quản lý, điều hành bộ máy nhà nước. Và điều đó đã được phản ánh trong hệ TNHC tiếng Việt hiện đại.

Do vậy, có thể nhận thấy rằng, khác với hệ thuật ngữ ở các lĩnh vực khoa học và chuyên môn khác, hệ TNHC có tính chi phối bởi chế độ chính trị quốc gia và đây cũng là một đặc trưng hay một tiêu chuẩn riêng của hệ thuật ngữ này. Căn cứ vào những nội dung này, chúng ta thấy thuật ngữ thẻ CCCD ra đời để định danh một sự vật trong bối cảnh Chính phủ điện tử; bối cảnh quản lý nhà nước trong thời kì của cuộc cách mạng 4.0; thời kỳ của hội nhập và hiện đại hóa đất nước.

Và như vậy, xét trên cả bình diện cấu tạo hình thức cũng như cấu trúc nội dung thì thuật ngữ thẻ CCCD là một TNHC lý tưởng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và tiêu chuẩn của một TNHC mà không cần đưa vào diện phải chuẩn hóa hay điều chỉnh.

Nhằm tránh tình trạng sử dụng các thuật ngữ thiếu thống nhất, thậm chí sử dụng thiếu chính xác giữa các tài liệu, các văn bản, các diễn đàn, các hoạt động thì việc nghiên cứu TNHC thẻ CCCD nói riêng và các thuật ngữ nói chung sẽ luôn luôn có ý nghĩa. Để đáp ứng yêu cầu của nền hành chính Việt Nam hiện đại, có thể sẽ có những TNHC mới ra đời trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Song việc nhận thức về tính chính xác, tính ngắn gọn, tính hệ thống và đặc biệt là tính quốc tế, tính gắn với thể chế chính trị quốc gia của TNHC luôn là điều cần thiết khi xây dựng cũng như khi sử dụng TNHC./.

Chú thích:
1. Sager J.C. A practical course in terminology processing, John Benjamin Publishing Company, Amsterdam, Philadelphia. 1990, tr 89, 90.
2 .Mai Hữu Khuê, Bùi Văn Nhơn. Từ điển giải thích thuật ngữ hành chính. H. NXB Lao động, 2002, tr. 76.

Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Căn cước công dân năm 2014.
3. Tô Tử Hạ. Từ điển hành chính. H. NXB Lao động – Xã hội, 2003.
4. Nguyễn Đức Tồn. Một số vấn đề về nghiên cứu, xây dựng và chuẩn hóa thuật ngữ tiếng Việt trong thời ký hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/2011.
5. Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. H. NXB Giáo dục, 1998.
6. Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại. H. NXB Giáo dục, 1968

ThS. Phạm Thị Hồng Thắm
                      Học viện Hành chính Quốc gia