Xóa “điểm nghẽn” thủ tục hành chính

(QLNN) – Tỉnh Bắc Kạn sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo nguyên tắc “3 không”.

 

“Không gây phiền hà, sách nhiễu”; “Không trả hồ sơ quá một lần trong qua trình tiếp nhận, thẩm định và trình duyệt dự án” và “Không trễ hẹn”.

Ông Lý Thái Hải – Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã khẳng định như vậy với DĐDN về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” thủ tục hành chính của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới.

Ông Lý Thái Hải – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ( Ảnh: Sở TT&TT Bắc Kạn).

– Ông có thể chia sẻ về tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn vừa qua?

Tính đến nay, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư cho 156 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 19.540,28 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án đầu tư trong khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 7.000 tỷ đồng; 03 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 2,3 triệu USD. . Các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chủ yếu là các dự án khai thác, chế biến khoáng sản; chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng.

Trung tâm thành phố Bắc Kạn

Các dự án trên trực tiếp đóng góp khoảng 10% vào GDP và 20% ngân sách tỉnh, tạo 4.450 việc làm; bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp; khơi dậy các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ và phát triển các ngành dịch vụ.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số dự án hiệu quả đầu tư thấp, sử dụng nhiều lao động và chưa tạo giá trị gia tăng cao. Các dự án đầu tư trong những giai đoạn trước không tính kỹ được lợi thế so sánh giữa các vùng miền dẫn đến phải chuyển đổi mô hình, ngành nghề, tái cơ cấu…

– Để phát huy lợi thế cạnh tranh của mình, theo ông Bắc Kạn cần tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực nào?

Đối với sản xuất nông nghiệp, tỉnh ưu tiên triển khai các dự án phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao; các loại rau củ, quả dong riềng, thuốc lá; chăn nuôi gia súc theo mô hình tập trung, nhất là phát triển chăn nuôi lợn theo hình thức gia trại và trang trại.

Trong lâm nghiệp, Bắc Kạn chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy, trong đó ưu tiên phát triển trồng rừng và cải tạo diện tích rừng kinh doanh sản xuất, trong đó tập trung thâm canh trồng rừng gỗ lớn. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh trồng mới 32.500ha rừng, trung bình mỗi năm 6.500ha, đưa diện tích rừng trồng toàn tỉnh lên trên 80.000ha rừng trồng sản xuất tập trung. Tỉnh cũng tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chế biến cơ bản khối lượng gỗ dự kiến khai thác tại địa bàn của tỉnh và tiêu thụ lâm sản đã qua chế biến.

  Tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI để hướng tới nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, giai đoạn 2016-2020, tỉnh chủ trương tiếp tục khuyến khích và thu hút mọi nguồn lực đầu tư ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm: Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng công trình văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí, trọng tâm là công trình văn hóa gắn với du lịch lễ hội, tâm linh; tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu đô thị thương mại – dịch vụ. Tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các công trình hạ tầng về viễn thông, thông tin liên lạc, hệ thống truyền tải cung cấp điện. Nâng cấp và mở rộng các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ.

Bắc Kạn tổ chức tập huấn nghiệp vụ thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế đổ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí ( Theo: Đồng Thị Vân. https://vpubnd.backan.gov.vn).

Về phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, Bắc Kạn có nhiều tiềm năng về lợi thế để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch lịch sử như Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Ba Bể; Hồ Nặm Cắt; Cụm di tích lịch sử chiến thắng Phủ Thông – Đèo Giàng, Khu di tích lịch sử ATK Chợ Đồn, di tích lịch sử Nà Tu. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước đầu tư phát triển và hoàn thiện các ngành dịch vụ truyền thống: Vận tải, thương mại, nhà hàng khách sạn, dịch vụ du lịch, đưa Bắc Kạn trở thành trung tâm du lịch vùng Đông Bắc…

Đối với phát triển công nghiệp, tỉnh đặc biệt ưu tiên thu hút các dự án sản xuất các chi tiết, bộ phận trung gian để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh trong công nghiệp chế tác. Hiện tỉnh đang triển khai mở rộng khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II, đồng thời thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư. Đối với các dự án sản xuất công nghiệp đang thực hiện, tỉnh cũng chỉ đạo rà soát tập trung tháo gỡ những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ của các dự án; chú trọng công nghiệp chế biến sâu; ưu tiên công nghiệp chế biến nông, lâm sản; tái cơ cấu lại các dự án hoạt động không có hiệu quả, chuyển đổi mô hình hoạt động hoặc giải thể thu hồi đất để bố trí thực hiện các dự án có tính khả thi cao.

– Muốn thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư vào tỉnh, Bắc Kạn sẽ cần có giải pháp gì để tạo ra sự khác biệt, thưa ông?

Bắc Kạn sẽ tăng cường hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các lĩnh vực ưu tiên thu hút, nhất là đối với lĩnh vực nông-lâm nghiệp, du lịch, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng như: Giá thuê mặt bằng, cung ứng và đào tạo lao động, tạo điều kiện liên kết đào tạo nghề giữa nhà đầu tư với các trường dạy nghề trong tỉnh, thực hiện chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu.

Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI để hướng tới nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; Tăng cường đối thoại nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, tạo quan hệ thân thiện và cởi mởi giữa lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm công vụ của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện các thủ tục thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Thông điệp quan trọng nhất chúng tôi đưa ra để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là nguyên tắc “3 không”: “Không gây phiền hà, sách nhiễu”; “Không trả hồ sơ quá một lần trong qua trình tiếp nhận, thẩm định và trình duyệt dự án” và “Không trễ hẹn”, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng ISO vào công tác quản lý, điều hành…

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Nguyễn Hà
(Nguồn: https://enternews.vn)