Những định hướng cơ bản của nhà nước đối với doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

(QLNN) – Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 đang dần tới chặng cuối, những mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp có nền kinh tế thị trường phát triển và hội nhập. Bên cạnh việc trao quyền mạnh mẽ cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, tạo môi trường và điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp, xây dựng những định hướng cơ bản để đưa khối doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong cách mạng công nghiệp 4.0; đưa dịch vụ, hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc các sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam (Ảnh: Quỳnh Trang. https://news.zing.vn).

Cải cách hành chính – nền tảng cho động lực đổi mới và phát triển doanh nghiệp

Cải cách hành chính (CCHC) để hướng tới xây dựng một nền hành chính  hiệu lực và hiệu quả là mong muốn của bất kỳ quốc gia nào. Tại Việt Nam, từ khi Đảng và Nhà nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, mỗi giai đoạn CCHC đều tạo ra những dấu ấn cho sự đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN):

– Giai đoạn 1986 – 1995: đây là giai đoạn xây dựng nền tảng cho CCHC. Ở giai đoạn này, ngày 04/5/1994, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38-CP về cải cách một bước thủ tục hành chính (TTHC) trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức, theo đó có một số lĩnh vực cải cách liên quan đến hoạt động DN. Đáng chú ý, với Quyết định số 90/TTg và Quyết định số 91/TTg ngày 07/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ đã dẫn đến sự hình thành đáng kể các DN lớn được bứt phá từ các công ty, trở thành các tổng công ty, điều hành theo cơ chế công ty mẹ – con (Corncern), mục tiêu là tạo thế mạnh về tài chính để phát triển kinh doanh, hạn chế rủi ro, hỗ trợ mạnh trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học – công nghệ mới và phương pháp quản trị hiện đại.

– Giai đoạn 1995 – 2001: với Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) ngày 23/01/1995 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước CHXHCN Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính đã ghi nhận sự hợp nhất, thay đổi, thành lập một số cơ quan nhà nước, qua đó cắt giảm một số bộ, ngành cũng như các quan nhà nước ở địa phương. Giai đoạn này cũng chứng kiến nhiều TTHC chồng chéo liên quan đến hoạt động của DN dần được loại bỏ. Và đây cũng là giai đoạn bắt đầu cổ phần hóa hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn kém hiệu quả, đặc biệt là thực hiện thí điểm từ năm 1996 đến đầu năm 1998 với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 28/CP ngày 07/5/1996 về chuyển một số DN nhà nước thành công ty cổ phần.

Năm 1999, Luật DN ra đời. Cải cách lớn nhất trong Luật DN  là người dân được quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm (nguyên tắc trước đó là người dân chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép). Cải cách này đã góp phần tạo ra một “cú hích” trong phát triển kinh tế, thúc đẩy tư duy sáng tạo về ý tưởng và phương thức tổ chức kinh doanh. Về TTHC, DN được giải phóng khỏi nhiều vướng mắc trong khâu gia nhập thị trường, được tự do thành lập DN với thủ tục đơn giản, ít tốn kém; bãi bỏ yêu cầu vốn tối thiểu, tự do lựa chọn, thay đổi và bổ sung ngành nghề kinh doanh; tự do lựa chọn địa bàn kinh doanh, mở rộng địa bàn kinh doanh… Ngay lập tức, những cải cách trên đã tạo ra kết quả rất tích cực, trong hai năm 2000 – 2001, đã có 35.457 DN mới đăng ký thành lập, gần bằng tổng số DN đăng ký thành lập trong 9 năm trước đó (1991 – 1999)1.

– Giai đoạn 2001 – 2010: để cụ thể hóa định hướng CCHC của Đảng và Nhà nước, ngày 17/9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2001 – 2010. Một trong các ưu tiên về cải cách trong giai đoạn này là TTHC. Trong 3 năm 2000 – 2003, tổng số 170 loại giấy phép kinh doanh đã được bãi bỏ hoặc chuyển thành điều kiện kinh doanh không cần giấy phép 2. Ngày 29/11/2005, Quốc hội thông qua Luật DN số 60/2005/QH11.

Cải cách quan trọng của Luật DN  năm 2005 là thống nhất quy định về tổ chức quản lý các loại hình DN, không phân biệt nguồn gốc và cơ cấu sở hữu; khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật hiện hành về DN, đặc biệt là sự chia cắt, tách biệt áp dụng theo thành phần kinh tế. Kế thừa và phát huy cải cách quan trọng của Luật DN năm 1999, Luật DN năm 2005 tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh, rút ngắn thời gian đăng ký DN, cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân; hoàn thiện quy định về quản trị DN theo thông lệ quốc tế, tiếp tục có những tác động tích cực vào phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách DNNN và thu hút đầu tư nước ngoài. Số lượng DN đăng ký thành lập mới hằng năm tiếp tục tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2009, số lượng DN đạt mức kỷ lục, 84.531 DN, gấp 2,1 lần so với năm 2006 và gấp 5,8 lần so với năm 2000 3.

– Giai đoạn từ 2010 đến nay: trên cơ sở đánh giá khách quan và nghiêm túc những thành tựu đạt được và những bất cập còn tồn tại trong quá trình thực hiện CCHC giai đoạn 2001 – 2010, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, xác định khung pháp lý cho chiến lược CCHC trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Ngay từ đầu chương trình cải cách, Đảng và Nhà nước đã định hướng về tái cấu trúc DN, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân; phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN, tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%.

Nhiều nghị quyết, nghị định, quyết định ra đời nhằm chỉ đạo trao quyền tự chủ cho DN cũng như tạo môi trường cho DN phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2011 – 2015, đã sắp xếp được 588 DN, trong đó cổ phần hóa được 508 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN 4. Quản trị DN tiếp tục được đổi mới, thể hiện qua các khâu như đổi mới quản trị về vật tư và tài chính, đổi mới quản trị về tổ chức, đổi mới quản trị về khoa học – công nghệ.

Ngày 26/11/2014, Quốc hội thông qua Luật DN năm 2014 với nhiều thay đổi đột phá về quyền kinh doanh, cải cách TTHC, bảo vệ tốt lợi ích của nhà đầu tư, dễ dàng trong tái cơ cấu DN. Luật DN năm 2014 giúp thực hiện đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp năm 2013, làm giảm đáng kể rủi ro thương mại và pháp lý, giảm chi phí giao dịch, tăng độ an toàn và tính chủ động, sáng tạo cho DN trong kinh doanh; qua đó, tạo thuận lợi cho DN tận dụng hết tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển, đồng thời tiếp tục duy trì được tốc độ tăng về số DN thành lập và số vốn đăng ký.

Những yêu cầu đối với Nhà nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Hiện nay, sự  bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang là cơ hội lớn để Việt Nam xích lại gần và đuổi kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với Nhà nước. Theo đó, một chính phủ quản trị nhà nước tốt khi các chính sách được xây dựng công khai cùng một nền hành pháp có trách nhiệm và giải trình, luôn đề cao ý thức thượng tôn pháp luật, vận động theo xu hướng phát triển, nền tảng của một chính phủ liêm khiết cùng một đội ngũ công chức có năng lực, chuyên nghiệp.

Việc đổi mới nhận thức về vai trò của Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam trong thời gian qua đã có các biểu hiện rõ nét, thể hiện được trách nhiệm chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm giải trình,… của nền hành chính chuyên nghiệp; gắn lợi ích quốc gia với người dân, DN, coi trọng vai trò của thị trường nhằm khai thác tối đa tiềm năng xã hội, đồng thời can thiệp để định hướng thị trường phát triển theo mục tiêu chung; chú trọng tính hiệu quả của chính sách công theo hướng phục vụ, chia sẻ và thân thiện với xã hội.

Trong thời kỳ CMCN 4.0, Nhà nước phải luôn đồng hành cùng DN để hội nhập, vươn ra thế giới. Tính đến tháng 12/2017, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó phải kể đến một số FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA của Việt Nam với EU, Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á – Âu…

Những cam kết trong hội nhập đã thể hiện ở những nỗ lực thực hiện cải thiện môi trường trong nước, ở việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) từ tháng 9/2015. Các kết quả về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm qua liên tục được đánh giá tích cực, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế 5.

Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong tiếp cận và tham gia chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu

CMCN 4.0 đang mang lại cho các DN Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức. Về cơ hội, CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững thông qua đổi mới công nghệ, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý và chi phí sản xuất, tăng năng lực sản xuất và tham gia cho DN trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy Việt Nam đang thuộc nhóm sơ khai, nhưng từ thực trạng phát triển trong nước thời gian qua cho thấy, các trụ cột chính để tiếp cận cuộc CMCN 4.0 như hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực chất lượng và cải thiện môi trường đang có những đổi mới nhanh chóng, tạo cho DN tận dụng cơ hội tiếp cận cuộc cách mạng này.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội cũng có không ít thách thức đặt ra đối với DN Việt Nam. Trước hết, các DN còn thiếu chiến lược phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, chưa đáp ứng đủ năng lực để tận dụng cơ chế và phương tiện cùng đồng hành thực hiện chính phủ điện tử. Điều đó cho thấy, việc chủ động lựa chọn mô hình phù hợp đáp ứng sự thay đổi trong toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị là điều khó khăn trong tình cảnh chung hiện nay của các DN. Bên cạnh đó, nhiều DN còn khó khăn trong lựa chọn công nghệ mới để tạo ra sản phẩm tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hai là, thiếu hụt lớn nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử viễn thông. Hiện nay, nguồn nhân lực có chuyên môn và tay nghề còn thiếu nhiều, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN trong nước.

Ba là, trình độ ngoại ngữ của lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn cũng đang là rào cản lớn trong hội nhập. Lực lượng lao động đã qua đào tạo có tay nghề cao lại thông thạo ngoại ngữ và tin học là yếu tố chính để nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập hiệu quả của DN trong nước, tuy nhiên, đây không phải là vấn đề giải quyết được trong “một sớm một chiều”.

Bốn là, tác động của yếu tố ngoại lực như thể chế, hệ thống chính sách, pháp luật cho thấy còn một số bất cập trong thực tiễn đang cản trở DN tận dụng các ưu đãi mở ra từ các FTA cũng như sự cần thiết phải cải cách nhanh hơn các TTHC liên quan đến dịch vụ xuất, nhập khẩu.

Những định hướng cơ bản của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 

Để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN lần thứ tư. Ngoài ra, một số văn bản khác cũng được Chính phủ ban hành nhằm xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp cũng như tạo môi trường thuận lợi cho nền công nghiệp số hóa, chuẩn bị toàn diện cho quá trình chuyển đổi số, từ quản trị quốc gia đến các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số. Với quyết tâm Nhà nước luôn đồng hành cùng DN, coi DN là đối tác phục vụ, Chính phủ đã và đang thể hiện rõ vai trò kiến tạo của mình với những định hướng cơ bản để cùng DN nhanh chóng hướng tới cuộc CMCN 4.0. Theo đó:

Thứ nhất, tăng cường hành động thực thi các nghĩa vụ về tạo thuận lợi thương mại cũng như thúc đẩy hiệu quả WTO và các FTA, chuẩn bị thực thi CPTPP để tạo ra đột phá trong cải cách toàn diện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế theo các chuẩn mực mới; hoàn thành cơ bản mục tiêu cắt giảm TTHC, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để khơi thông và khai thác năng lực hoạt động của DN, chú trọng việc  ưu tiên các dự án, công trình có liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững cũng như giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (trên cơ sở 17 mục tiêu, 169 chỉ tiêu trong Chương trình Nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hiệp quốc).

Thứ hai, hoàn thiện nền tảng của chính phủ điện tử, theo đó, trang bị công nghệ hiện đại trong hoạt động hành chính với một đội ngũ công chức chuyên nghiệp, đủ trí tuệ và đầy nhiệt tình. Có chính sách tạo động lực cho họ làm việc theo đúng tinh thần công vụ kiến tạo đồng thời với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh, công khai, minh bạch và một cơ chế giải trình rõ ràng, nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, lấy đạo đức, văn hóa là thước đo, lấy kết quả cuối cùng để đánh giá và luôn đồng hành cũng đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển bền vững.

Thứ ba, định hướng hệ thống chính sách nhằm phát triển các nhóm ngành sản xuất – kinh doanh của DN trong các thành phần kinh tế có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao cũng như những ngành sử dụng nhiều lao động đang phải đứng trước thách thức của cuộc CMCN 4.0, trong đó, chính sách hỗ trợ nguồn lực, đầu tư hạ tầng cần được ưu tiên. Bên cạnh đó, tổ chức các diễn đàn mang tính quốc gia theo chuyên đề mà DN đang quan tâm nhằm tạo cơ hội tiếp cận thông tin, khai thác dữ liệu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác và chuyển giao công nghệ cũng như chuyển đổi sang DN số.

Thứ tư, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao nhận thức về giáo dục và đào tạo nghề nghiệp theo hướng các chính sách và nội dung giáo dục cần bảo đảm nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, chú trọng đến lực lượng trẻ đang chiếm 25% dân số, họ sẽ là những chủ nhân tạo ra sự thay đổi tích cực và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế 4.0. Hiện tại, trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển lĩnh vực này còn thiếu trầm trọng. Dự báo đến năm 2020 sẽ thiếu 100.000 ứng viên ngành công nghệ thông tin, số lượng ứng viên đáp ứng yêu cầu sử dụng mỗi năm chỉ tăng 8% trong khi đó nhu cầu phải tăng 40%6.

Thứ năm, chú trọng đến năng lực đổi mới và sáng tạo cho DN. Việc đổi mới và sáng tạo chủ yếu là ứng dụng công nghệ và nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới cũng như phương pháp quản trị, góp phần thúc đẩy việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học – công nghệ, là cầu nối giữa DN với các tổ chức giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ. Năng lực đổi mới và sáng tạo của DN ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực đổi mới của một quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế, là yếu tố quyết định ưu thế cạnh tranh quốc gia.

Vì vậy, vai trò hướng dẫn, điều tiết của Nhà nước thông qua các chính sách có liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý để hướng dẫn và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của DN cũng là sự thể hiện vai trò quan trọng của Nhà nước trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia, tạo thế cho DN đủ năng lực cạnh tranh trong quá trình tham gia chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Chú thích:
1, 2, 3. Phan Đức Hiếu. Quyền tự do kinh doanh, động lực cho phát triển kinh tế. https://tinnhanhchungkhoan.vn, ngày 01/9/2015.
4. Nguyễn Thị Ngọc Loan. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và lộ trình thời gian tới. http://tapchitaichinh.vn, ngày 23/12/2016.
5. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính. Cải thiện môi trường kinh doanh tăng 8-18 bậc. http://www.mof.gov.vn, ngày 12/6/2018.
6. Bùi Kiến Thường, Phạm Thị Thúy. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề cung, cầu lao động của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020. http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 31/01/2018.

PGS.TS. Phạm Đức Chính
Học viện Hành chính Quốc gia