Phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức và Hoa Kỳ – những giá trị tham khảo để hoàn chỉnh Bộ luật Hình sự Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Quy định về phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện nay còn khá chung chung, với một phạm vi quá rộng. Để khắc phục những hạn chế này, cần tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và CHLB Đức để có sự phân hóa các trường hợp phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.

 

Ảnh minh họa
 Phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự của CHLB Đức

Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) của CHLB Đức, phòng vệ chính đáng (PVCĐ) được quy định ở “Mục thứ tư – phòng vệ khẩn cấp và tình trạng khẩn cấp” với 4 điều luật (từ Điều 32 – 35). PVCĐ trong BLHS Đức có một số nội dung cơ bản như sau:

Một là, cơ sở phát sinh quyền PVCĐ là sự tấn công đang hiện hữu. Sự tấn công này có thể của con người hoặc của con vật được điều khiển (ra lệnh) bởi con người1 nhằm vào bản thân người phòng vệ hoặc người khác. Tuy nhiên, sự tấn công nhằm vào các tài sản công cộng không làm phát sinh quyền PVCĐ2.

Hai là, sự tấn công là cơ sở phát sinh quyền PVCĐ phải đang hiện hữu, tức là nó đã bắt đầu hoặc đang diễn ra và chưa kết thúc3. Thực tiễn xét xử còn xác định những trường hợp hành vi tấn công tuy chưa xảy ra nhưng có những căn cứ cho thấy hành vi đó sẽ xảy ra ngay tức khắc thì người phòng vệ cũng được phép PVCĐ4.

Ba là, sự tấn công đang hiện hữu phải trái pháp luật. Lỗi của người có sự tấn công có thể là cố ý, do cẩu thả hoặc do vô ý.

Bốn là, biện pháp phòng vệ phải tương ứng với sự tấn công, tức là việc gây thiệt hại trong PVCĐ không quá mức cần thiết để ngăn chặn sự tấn công xảy ra5.

Năm là, sự gây thiệt hại trong PVCĐ không cần thiết phải là biện pháp cuối cùng có thể thực hiện để ngăn chặn hành vi tấn công. Tuy nhiên, thiệt hại về tính mạng chỉ được chấp nhận khi việc tước đoạt tính mạng của người tấn công là biện pháp cuối cùng để có thể ngăn chặn được sự tấn công6.

Phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự mẫu của Hoa Kỳ

Trong pháp luật, các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự được gọi là các tình tiết biện minh và PVCĐ là một trong số những tình tiết đó. Tuy nhiên, PVCĐ trong BLHS mẫu của Hoa Kỳ lại được phân chia thành ba trường hợp cụ thể là: tự vệ, dùng vũ lực để bảo vệ người khác và sử dụng vũ lực để bảo vệ tài sản.

Một là, tự vệ.

Mục 3.04 BLHS mẫu của Hoa Kỳ quy định: việc sử dụng vũ lực đối với người khác là chính đáng khi người sử dụng vũ lực tin rằng việc dùng vũ lực đó là cần thiết ngay lập tức với mục đích bảo vệ mình chống lại một người đang có hành vi tấn công trái pháp luật7. Một số đặc điểm của biện pháp này là:

(1) Cơ sở phát sinh quyền tự vệ là có hành vi tấn công đang xảy ra. Hành vi tấn công này phải nghiêm trọng và có tính tức thì8 (đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra) nhằm vào quyền nhân thân hoặc quyền tài sản. Một người cũng có thể tự vệ ngay cả khi sự tấn công chưa xảy ra nhưng họ có niềm tin rằng sự tấn công đó sẽ xảy ra9. Tuy nhiên, pháp luật Hoa Kỳ nghiêm cấm sử dụng vũ lực với lý do để tự vệ chống lại cảnh sát khi bị bắt giữ (kể cả khi việc bắt giữ, đó là không hợp pháp). Theo quy định của điều luật, niềm tin thực sự của người bị tấn công là đủ để tự vệ. Việc dùng vũ lực để tự vệ sẽ hoàn toàn hợp pháp nếu trong hoàn cảnh cụ thể, người bị tấn công tin rằng việc dùng vũ lực để tự vệ của mình là hoàn toàn cần thiết và hợp lý10.

(2) Biện pháp phòng vệ không cần phải là biện pháp cuối11. Tuy nhiên, nếu biện pháp phòng vệ là tước đoạt tính mạng của người tấn công thì nó phải là biện pháp cuối 12. Ngoại lệ của nguyên tắc là các tình huống tự vệ trong “tình trạng bất lực”13.

(3) Về giới hạn thiệt hại, BLHS mẫu không giới hạn thiệt hại và chấp nhận cả thiệt hại về tính mạng trong những trường hợp đặc biệt thường được gọi với tên “đòn chí mạng”14.

Hai là, dùng vũ lực để bảo vệ người khác.

Theo mục 3.05 BLHS mẫu, một người còn có quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ người khác. Việc sử dụng vũ lực đối với người khác là hợp lý để bảo vệ người thứ ba khi: người sử dụng vũ lực sẽ được biện minh theo quy định về “tự vệ” (mục 3.04) trong việc sử dụng vũ lực để chống lại một sự xâm hại đến người mà họ bảo vệ; trong các trường hợp người sử dụng vũ lực tin rằng họ có quyền tấn công, người thứ ba cũng được biện minh trong việc sử dụng vũ lực; người sử dụng vũ lực tin rằng sự can thiệp của họ là cần thiết để bảo vệ người khác.

Người phòng vệ có quyền hành động ngay mà không cần rút lui, từ bỏ quyền sở hữu hoặc làm theo yêu cầu của người tấn công như trong trường hợp tự vệ, tức là dùng vũ lực để bảo vệ người thứ ba không cần phải là biện pháp cuối. Tuy nhiên, nếu như bản thân người thứ ba được bảo vệ có nghĩa vụ rút lui, từ bỏ quyền sở hữu hoặc làm theo yêu cầu của người tấn công như trong trường hợp tự vệ hoặc trường hợp cả người sử dụng vũ lực và người thứ ba đều có nghĩa vụ rút lui thì biện pháp sử dụng vũ lực phải là biện pháp cuối cùng.

Ba là, sử dụng vũ lực để bảo vệ tài sản.

Nội dung này được quy định tại mục 3.05. Theo đó, việc sử dụng vũ lực theo hoặc đối với người khác là hợp lý khi người dùng vũ lực tin rằng việc sử dụng vũ lực đó là cần thiết ngay lập tức để bảo vệ tài sản. Cơ sở phát sinh quyền sử dụng vũ lực là có sự xâm nhập đến bất động sản hoặc sự xâm phạm đến động sản thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của người dùng vũ lực. Theo luật định, hành vi dùng vũ lực để bảo vệ tài sản chỉ được thực hiện sau khi người có quyền phòng vệ đưa ra yêu cầu người xâm phạm ngừng những hành động xâm phạm trái pháp luật đến tài sản. Giới hạn của việc dùng vũ lực: việc dùng vũ lực để bảo vệ tài sản không được gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người xâm hại15.

So sánh tổng quan quyền phòng vệ chính đáng trong Bộ luật Hình sự của CHLB Đức và Hoa Kỳ với Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Trong BLHS Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, PVCĐ được quy định tại Điều 22, theo đó, hành vi được coi là PVCĐ phải tuân thủ các điều kiện sau:

Cơ sở phát sinh quyền phòng vệ là hành vi tấn công đang hiện hữu. Được coi là “đang xảy ra” khi hành vi gây thiệt hại đã bắt đầu diễn ra và chưa kết thúc. Nếu hành vi phòng vệ xảy ra ngay sau khi sự tấn công đã kết thúc nếu nhằm khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra (một người vừa bị cướp giật đã đuổi theo và dùng vũ lực chống lại người cướp giật để lấy lại tài sản vừa bị cướp giật) thì vẫn có thể được coi là PVCĐ. “Đe dọa xảy ra ngay tức khắc” là trường hợp hành vi xâm phạm chưa xảy ra nhưng có biểu hiện hành vi này sẽ xảy ra ngay tức khắc. Hành vi xâm phạm này có thể cấu thành tội phạm hoặc chưa cấu thành tội phạm.

Nội dung và phạm vi của quyền PVCĐ: khi có cơ sở cho phép phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm ngay cả trong trường hợp có biện pháp khác tránh được hành vi này. “Điều này có nghĩa biện pháp chống trả của người phòng vệ (phương tiện, phương pháp, thiệt hại) đặt trong hoàn cảnh cụ thể phải là biện pháp cần thiết để có thể ngăn chặn được hành vi xâm phạm, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại mà hành vi này có thể gây ra”16. Tuy nhiên, đối với những trường hợp người có hành vi xâm phạm là trẻ em hoặc là người không có năng lực trách nhiệm hình sự do mắc bệnh thì chỉ coi là PVCĐ nếu như không còn biện pháp nào để ngăn chặn tự tấn công.

Từ các phân tích, đối chiếu, so sánh quy định trong BLHS của Việt Nam năm 2015  sửa đổi, bổ sung năm 2017 với BLHS Đức và BLHS mẫu Hoa Kỳ về PVCĐ cho thấy điểm chung và những khác biệt cơ bản trong quy định của các nước này là:

Thứ nhất, cơ sở phát sinh quyền PVCĐ trong BLHS của các nước khá thống nhất, đó đều là hành vi tấn công đang hiện hữu đe dọa xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của xã hội, của người phòng vệ hoặc của người khác.

Thứ hai, lợi ích bị xâm hại có thể là các quyền nhân thân hoặc tài sản. Tuy nhiên phạm vi của các quyền tài sản bị xâm hại không giống nhau trong BLHS của ba nước. BLHS Đức không coi việc gây thiệt hại cho một người đang xâm phạm đến tài sản công cộng là PVCĐ trong khi Việt Nam và Hoa Kỳ lại không phân biệt tài sản bị xâm hại thuộc quyền sở hữu của ai.

Thứ ba, BLHS của các nước trên đều quy định hành vi chống trả của người phòng vệ là cần thiết để ngăn chặn sự tấn công. Tuy nhiên, căn cứ để đánh giá mức độ “cần thiết” này tại BLHS mẫu của Hoa Kỳ và BLHS của Đức có sự khác nhau. Nếu như trong BLHS của Việt Nam và Đức đều căn cứ trên hoàn cảnh cụ thể và tính chất, mức độ của sự tấn công – là những yếu tố khách quan – để đánh giá tính “cần thiết” thì BLHS mẫu Hoa Kỳ đề cao “niềm tin hợp lý” – yếu tố chủ quan của người phòng vệ, người phòng vệ chỉ cần tin rằng dùng vũ lực như vậy là cần thiết cho mục đích bảo vệ mình chống lại việc sử dụng vũ lực trái pháp luật của người khác. Ngay cả khi các tình tiết khách quan của vụ việc cho thấy, việc sử dụng vũ lực gây thương tích nặng hoặc gây chết người là không cần thiết nhưng người phòng vệ cho thấy anh ta có “niềm tin hợp lý” vào biện pháp chống trả đã thực hiện thì cũng được coi là PVCĐ.

Thứ tư, biện pháp chống trả không cần thiết phải là biện pháp cuối cùng để ngăn chặn sự tấn công. Đối với nội dung này, BLHS Hoa Kỳ và Đức có một số quy định khác biệt khá lý thú. PVCĐ trong BLHS mẫu Hoa Kỳ chia thành ba trường hợp là tự vệ, bảo vệ người khác và bảo vệ tài sản. Nếu trong trường hợp tự vệ và bảo vệ người khác, một người có thể sử dụng vũ lực ngay để phòng vệ mà không cần phải bỏ chạy hay cầu cứu…, thì đối với việc dùng vũ lực để bảo vệ tài sản, luật quy định việc dùng vũ lực này chỉ được thực hiện sau khi người có quyền phòng vệ đưa ra yêu cầu người xâm phạm ngừng những hành động xâm phạm trái pháp luật đến tài sản. Trong BLHS Đức, thiệt hại về tính mạng chỉ được chấp nhận khi việc tước đoạt tính mạng của người tấn công là biện pháp cuối cùng để có thể ngăn chặn được sự tấn công.

Thứ năm, thiệt hại gây ra trong PVCĐ theo BLHS Việt Nam và Đức không cần phải nhỏ hơn thiệt hại do người tấn công gây ra hoặc đe dọa gây ra mà chỉ cần “cần thiết” để ngăn chặn sự tấn công hoặc “tương xứng” với hành vi xâm phạm. Nội dung này không được đề cập trong BLHS mẫu Hoa Kỳ.

Thứ sáu, chấp nhận thiệt hại về tính mạng của con người trong PVCĐ. Nội dung này được quy định ngay trong BLHS Hoa Kỳ. Trong khi đó, BLHS Việt Nam và Đức không trực tiếp quy định về việc có chấp nhận hậu quả thiệt hại về tính mạng của người xâm phạm trong BLHS mặc dù về mặt lý luận cũng như thực tế, thiệt hại này được chấp nhận, miễn là nó tương xứng với hành vi xâm phạm và cần thiết để ngăn chặn sự tấn công.

 Kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 về phòng vệ chính đáng

Từ những phân tích nêu trên, để hoàn thiện hơn nữa quy định của BLHS Việt Nam, cần phân chia cụ thể hơn các trường hợp PVCĐ và quy định nội dung, phạm vi của từng trường hợp đó.

PVCĐ trong BLHS mẫu Hoa Kỳ chia thành ba trường hợp là tự vệ, bảo vệ người khác và bảo vệ tài sản. Nếu trong trường hợp tự vệ và bảo vệ người khác, một người có thể sử dụng vũ lực ngay để phòng vệ mà không cần phải bỏ chạy hay cầu cứu…, thì đối với việc dùng vũ lực để bảo vệ tài sản, luật quy định việc dùng vũ lực này chỉ được thực hiện sau khi người có quyền phòng vệ đưa ra yêu cầu người xâm phạm ngừng những hành động xâm phạm trái pháp luật đến tài sản.

Yêu cầu này không bắt buộc trong trường hợp người dùng vũ lực tin tưởng rằng yêu cầu của họ sẽ vô ích, hoặc việc đưa ra yêu cầu có thể gây nguy hiểm cho chính mình hoặc cho người khác, hoặc việc yêu cầu có thể gây hại cho tài sản đó. Trong BLHS của CHLB Đức, việc xác định phạm vi “khẩn cấp” trong PVCĐ cũng được phân chia thành hai trường hợp là: Tình trạng khẩn cấp hợp pháp (Điều 34) và Tình trạng khẩn cấp không có lỗi (Điều 35).

Trong khi đó, quy định về PVCĐ trong BLHS Việt Nam hiện nay còn khá chung chung, với một phạm vi quá rộng. Luật chỉ quy định là chống trả “cần thiết” và việc đánh giá thế nào là cần thiết cũng chưa được hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, việc áp dụng chế định PVCĐ vẫn được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC năm 1986, tuy nhiên, đây là Nghị quyết hướng dẫn BLHS năm 1985 và quy định của BLHS hiện hành so với BLHS năm 1985 đã có sự thay đổi đáng kể khi thay thế từ “tương xứng” bằng từ “cần thiết” để quy định về nội dung và phạm vi của PVCĐ.

Nói cách khác, các hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC năm 1986 là hướng dẫn cho việc xác định tính “tương xứng” của phòng vệ chứ không phải tính “cần thiết” của phòng vệ. Điều này dẫn đến sự không thống nhất và phụ thuộc quá nhiều vào nhận định chủ quan của người áp dụng luật trong việc đánh giá tính “cần thiết” của từng vụ việc cụ thể.

Để khắc phục những hạn chế này, cần tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và CHLB Đức để có sự phân hóa các trường hợp PVCĐ trong BLHS Việt Nam.

Chú thích:
1, 2, 3. Nigel Foster (2010). German legal system and laws, p. 348.

4. Án lệ BGH NJW 1973, 225 – Brusttaschenfall.
5, 6. Nigel Foster (2010). German legal system and laws, p. 349.
7. Mục 3.04 (1) Bộ luật Hình sự mẫu Hoa Kỳ.
8, 13. Jay M. Feinman. Luật 101, H. NXB Hồng Đức (dịch), 2010, tr. 441, 446 – 447.
9. Vụ Judy Norman, xem Jay M. Feinman, Luật 101. H. NXB Hồng Đức (dịch), 2010, tr. 444 – 447.
10. Xem explanatory note của mục 3.04 Bộ luật Hình sự mẫu Hoa Kỳ.
11. Mục 3.04 (2) c Bộ luật Hình sự mẫu Hoa Kỳ.
12. Mục 3.04 (2) b (ii) Bộ luật Hình sự mẫu Hoa Kỳ.
14. Mục 3.04 (2) b Bộ luật Hình sự mẫu Hoa Kỳ.

15. Mục 3.06 (2) h Bộ luật Hình sự mẫu Hoa Kỳ.
16. Trường Đại học Luật Hà Nội. Giáo trình luật hình sự Việt Nam – phần chung. H. NXB Công an nhân dân, 2017, tr. 230.
ThS. Đào Phương Thanh
Trường Đại học Luật Hà Nội