Quy định về văn hoá công vụ ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Bản chất của văn hóa công vụ là thể hiện những chuẩn mực của con người trong các mối quan hệ liên quan đến hoạt động công vụ. Đến nay, các chuẩn mực đó được quy định trong hệ thống các văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành với nhiều tên gọi và thể loại khác nhau đã tạo thành khung pháp lý cho văn hóa công vụ được thực thi trên thực tiễn.

 

Văn hóa, hiểu theo tư tưởng của Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”1.

Công vụ là thực hành nhiệm vụ công phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân, là một loại hoạt động mang tính quyền lực được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nhà nước hoặc những người khác khi được nhà nước trao quyền, nhân dân ủy thác quyền lực nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Văn hóa công vụ “là hệ thống biểu tượng, chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức, tạo nên tầm nhìn, tác động đến hành vi và lề lối làm việc, cách sống của người thực thi công vụ, của môi trường tổ chức, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ”2.

Quy định về văn hóa công vụ

Hiện nay ở nước ta chưa có một văn bản hoặc một điều luật có tên gọi là văn hóa công vụ, điều này có nghĩa văn hóa công vụ được tiếp cận với các giá trị biểu hiện cụ thể của nó và được quy định rải rác trong nhiều văn bản khác nhau. Các văn bản này đều thừa kế tư tưởng đề cao các giá trị cơ bản của nền công vụ, của đội ngũ CBCCVC, mà cơ bản và bao trùm nhất là trung thành với Đảng, vì lợi ích của nhân dân, liêm chính, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, không thiên vị, có tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả… Đây cũng chính là các yếu tố tạo nên văn hóa công vụ mà nền công vụ Việt Nam đang hướng tới.

Sắc lệnh 76/SL, ngày 20/5/1950, ban hành Quy chế công chức Việt Nam là văn bản đầu tiên có nội dung về văn hóa công vụ. Tại Lời nói đầu của Sắc lệnh đã nêu rõ: “Công chức Việt Nam phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc”. Tại Điều 2 cũng quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ”.

Năm 2007, Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước ra đời đã quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của CBCCVC khi thi hành nhiệm vụ, bài trí công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Quyết định này được ban hành với mục đích bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của CBCCVC trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ CBCCVC có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Lần đầu tiên nội dung của văn hóa công vụ được thể hiện đầy đủ, có giá trị pháp lý cao hơn trong Luật Cán bộ, công chức (CBCC) năm 2008.

Luật CBCC quy định: “Khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, công chức phải có nghĩa vụ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân.Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước” (Điều 8).

Điều 3 của Luật CBCC năm 2008 đã quy định các nguyên tắc trong thi hành công vụ như: “Công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát”, “Bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ”. Các nguyên tắc này đều xuất phát từ yêu cầu hoạt động công vụ, bảo đảm thẩm quyền phải gắn với chức trách được giao. Điều đó tạo tiền đề và cơ sở nâng cao trách nhiệm của CBCC trong thực thi công vụ.

Bên cạnh đó, Luật CBCC cũng quy định các nghĩa vụ trong thi hành công vụ của CBCC như: thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao; chấp hành quyết định của cấp trên.

Các quy định liên quan đến đạo đức, văn hóa giao tiếp cũng như những việc CBCC không được làm cũng thể hiện bổn phận của CBCC- với tư cách là một mặt không thể thiếu được trong văn hóa công vụ của CBCC; các quy định chống trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ cũng được nhấn mạnh và quy định thuộc về những việc không được làm để đề cao trách nhiệm công vụ đối với CBCC.

Liên quan đến đạo đức công vụ, CBCC phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ và phải tuân thủ các quy định về văn hóa giao tiếp ở công sở và văn hóa giao tiếp với nhân dân như: phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ (Điều 15, Điều 16, Điều 17).

Đồng thời, CBCC không được: trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi; phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức. Ngoài ra, CBCC còn không được làm một số công việc liên quan đến bí mật nhà nước và liên quan đến các việc khác theo quy định của pháp luật (Điều 18).

Ngày 05/9/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Chỉ thị đã quy định rõ đối với CBCCVC và người lao động trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người CBCCVC; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; thực hiện đúng quy định trong văn hóa hội họp; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được vào casino đánh bạc dưới mọi hình thức; nghiêm cấm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp; CBCCVC và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính phải bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Ngày 27/12/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847 về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ. Mục tiêu của Đề án nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVC; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; phục vụ người dân và xã hội. Thực hành tốt những chuẩn mực, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ của mỗi CBCC sẽ góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, vì nhân dân, từ đó tác động vào nhận thức, hành động của mỗi CBCC trong việc không ngừng nâng cao đạo đức công vụ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ngày 14/6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 733/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025, nhằm nâng cao đạo đức công vụ, nói không với tiêu cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác để gắn bó với nhân dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Theo đó, để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc; thanh tra, kiểm tra; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các quy định về văn hóa công vụ của các cơ quan, tổ chức, ngày 18/4/2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-BNV về kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án văn hóa công vụ. Kế hoạch số 3999/KH-BNV ngày 21/8/2019 thực hiện Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 về phê duyệt Đề án “Văn hóa công vụ” và Quyết định 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 về việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025.

Xây dựng văn hóa công vụ trong cơ quan hành chính bao gồm các nội dung chính sau:

Về tinh thần, thái độ làm việc: CBCCVC phải trung thành với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ Nhân dân… Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, CBCCVC phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân như phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó; tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”; phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ…

Về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử: trong giao tiếp với người dân, CBCCVC phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đối với đồng nghiệp, CBCCVC phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức. Đối với lãnh đạo cấp trên, CBCCVC phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Về chuẩn mực đạo đức, lối sống, CBCCVC phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ… CBCCVC phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; không mê tín dị đoan và có những hành vi phản cảm khi tham gia lễ hội.

Về trang phục, khi thực hiện nhiệm vụ, CBCCVC phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với những ngành có trang phục riêng thì phải thực hiện theo quy định của ngành.

Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 458.
2. Huỳnh Văn Thới (chủ biên). Văn hóa công vụ ở Việt Nam – Lý luận và thực tiễn. H NXB Lý luận chính trị, 2016, tr. 39 -40.
TS. Lê Thị Hoa
Học viện Hành chính Quốc gia