Xây dựng văn hóa chủ động khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

(Quanlynhanuoc.vn) – Nói đến văn hóa công vụ hiện đại không thể không nói đến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là nét văn hóa công vụ hiện đại của cá nhân, tổ chức. Bài viết đề cập một số khía cạnh liên quan đến việc xây dựng văn hóa chủ động khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cá nhân, tổ chức nhằm xây dựng nét văn hóa hiện đại này được hiệu quả trong thực tế.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet).

Xây dựng văn hóa chủ động khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Biểu hiện của văn hóa chủ động khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 của cá nhân, tổ chức.

Chủ động khi tham gia cuộc CMCN 4.0 được coi là nét văn hóa công vụ (VHCV) hiện đại của cá nhân, tổ chức. Bởi lẽ, nói đến văn hóa là nói đến những giá trị, những chuẩn mực được xã hội thừa thận. Do đó, nói đến VHCV  hiện đại không thể không nói đến tính chủ động của cá nhân khi thực thi công vụ nói chung, tham gia cuộc CMCN 4.0 nói riêng. Việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 cũng là một trong những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước hiện nay.

Việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 hiện nay ở Việt Nam nói chung, các cơ quan, tổ chức và cá nhân nói riêng đang khẳng định những giá trị to lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn về cả văn hóa, xã hội và đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Giá trị của nét VHCV chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 được thể hiện cả ở khía cạnh giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần. Sự chủ động này sẽ khiến cá nhân, cơ quan, tổ chức thay đổi cả diện mạo của cơ quan, tổ chức, công sở, cá nhân với trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện đại; cách thức, phương thức làm việc, giao dịch hiện đại… Đồng thời, đem lại giá trị tinh thần cho con người trong mỗi cơ quan, tổ chức với sự tiện ích, chủ động về nguồn lực thông tin; phong phú về cách thức thể hiện quan điểm, tư tưởng, tình cảm; sự ứng xử, giao tiếp với nhau trở nên tinh tế hơn nhờ sự tiện lợi mà CMCN 4.0 đem lại.

Các biểu hiện của văn hóa chủ động khi tham gia cuộc CMCN 4.0 của cá nhân, tổ chức, đó là: chủ động nhận thức về tính cấp bách và hiệu quả bền vững của việc tham gia cuộc CMCN 4.0; chủ động tập trung các nguồn lực, chia sẻ các nguồn lực, đặc biệt là chia sẻ dữ liệu, thông tin trong xây dựng chính phủ số; chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực từ cuộc CMCN 4.0.

Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó khẳng định cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội đất nước.

Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, ngày 17/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP quy định Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó xác định rõ: (1) Tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách đã được đề ra trong Nghị quyết số 52-NQ/TW; (2) Xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cụ thể để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 52-NQ/TW.

Hành động của cá nhân, tổ chức trong xây dựng văn hoá chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0

Một là, nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức.

Để có thể xây dựng được nét văn hoá chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trước hết đòi hỏi về sự nhận thức đúng đắn và tích cực từ phía từng cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Các cá nhân, tổ chức cần thống nhất nhận thức về vai trò của việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đối với sự phát triển và hội nhập của nền công vụ, với từng hoạt động cụ thể trong nền công vụ đó. Vai trò của việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi ngành, lĩnh vực; mỗi cơ quan, tổ chức và sự phát triển nghề nghiệp của mỗi cá nhân.

Mỗi cá nhân, tổ chức cần thống nhất nhận thức về tính tất yếu, khách quan của việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; thống nhất nhận thức về tính cấp bách và tính lâu dài của việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; về thuận lợi và khó khăn khi chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 để có những kế hoạch và giải pháp phù hợp.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền.

Đối tượng tuyên truyền về vai trò, sự cần thiết, tính cấp bách của việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 không chỉ riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) mà của toàn dân và toàn xã hội. Trong thực tiễn hiện nay, vẫn còn có những công dân hiện chưa sẵn sàng, thậm chí chưa chấp thuận cho các hoạt động giao dịch trực tuyến đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Chính vì vậy, để xây dựng nét văn hoá chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 thì hoạt động tuyên truyền luôn được đánh giá là hoạt động quan trọng trước tiên.

Ba là, xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nhận diện thực trạng của sự chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của cơ quan, tổ chức, cá nhân mình. Cùng với đó, phân tích cụ thể, chính xác, đầy đủ nguyên nhân của thực trạng; nhìn nhận những ưu điểm, nhược điểm, những mặt hạn chế, tồn tại hiện có của cơ quan, tổ chức, các nhân liên quan đến việc chủ động tham gia này.

Trên cơ sở chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025. Triển khai thực hiện các chương trình hành động theo Nghị quyết số 50/NQ-CP.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành ban hành chương trình hành động để thực hiện để thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; thiết lập thiết chế về ứng dụng công nghệ thông tin; bảo mật thông tin để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và công việc Chính phủ giao. Đến năm 2020, 100% các cơ quan, tổ chức nhà nước phải cung cấp đầy đủ các thông tin trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Từng CBCCVC ý thức việc thực hiện các công việc được giao, tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ để đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Mọi người dân cũng cần ý thức tham gia tích cực với tinh thần trách nhiệm những đồng thời cũng là người được hưởng lợi từ chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước khi chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho CBCCVC.

Cuộc CMCN 4.0 không chỉ mang lại cơ hội cho sự phát triển nền kinh tế chia sẻ; xã hội phát triển dựa trên nền tảng chia sẻ dữ liệu lớn mà còn kéo theo vô vàn những thách thức cho các cơ quan, tổ chức, các nhân để có thể thích ứng và phát triển an toàn bền vững trong một thế giới phẳng do trí tuệ con người tạo ra. Chính vì vậy, một trong các con đường để con người có thể vượt qua các rào cản chính là tích cực triển khai, tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã có những chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ CBCCVC bằng việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho họ.  Chính phủ ưu tiên ngân sách hằng năm cho việc phát triển chính phủ điện tử, trong đó có giải pháp liên quan đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ này.

Các cơ quan, tổ chức xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho CBCCVC tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng để cập nhật và nâng cao trình độ, trong đó có nội dung hội nhập quốc tế về chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin và an ninh mạng…

Mỗi CBCCVC có trách nhiệm, nghĩa vụ học tập, nâng cao trình độ theo quy định của pháp luật, trong đó có nghĩa vụ cập nhật và bổ sung kiến thức và kỹ năng cho mình liên quan đến hội nhập quốc tế về chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin và an ninh mạng,… để có thể chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 trong thực thi công vụ.

Một số đề xuất

Thứ nhất, để xây dựng văn hóa chủ động khi tham gia CMCN 4.0, các cơ quan, tổ chức luôn gặp cản trở từ phía các cá nhân chưa sẵn sàng cho việc đổi mới này. Chính vì vậy, người lãnh đạo, quản lý cũng như CBCCVC nói chung cần ý thức việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 thực hiện là chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân là sự thực hiện có hiệu quả theo thẩm quyền của mình để chung tay xây dựng chính phủ điện tử và chính phủ số, nền kinh tế số và các chỉ tiêu đã xác định trong từng giai đoạn.

Thứ hai, việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 với biểu hiện cụ thể là các hoạt động chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử và chính phủ số, nền kinh tế số luôn không là điều dễ dàng. Đặc biệt, với sự phát triển không ngừng, ngày càng mạnh của khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và khoa học viễn thông đã tạo ra cho các cơ quan tổ chức, cá nhân những thách thức lớn phải vượt qua và nguy cơ về sự tụt hậu; các yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng… trong thi hành công vụ. Sẽ là thất bại nếu bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có tư tưởng coi thường, chủ quan khi tham gia cuộc CMCN 4.0. Việc an toàn thông tin, bí mật quốc gia, an ninh – quốc phòng và bảo đảm chính trị nội bộ luôn phải được mỗi quốc gia đặt lên hàng đầu.

Thứ ba, hành vi văn hóa chủ động tham gia CMCN 4.0 là rất quan trọng; đặc biệt là việc phát ngôn và hành động đi ngược chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vấn đề này. Nếu lập trường của CBCCVC, người dân không vững vàng có thể rơi vào lỗi phát ngôn và hành động đi ngược chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Nếu ở những vị trí việc làm có sức ảnh hưởng lớn mà có lỗi phát ngôn và hành động đi ngược chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thì hậu quả sẽ là rất lớn. Vì vậy, mỗi CBCCVC, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý cần ý thức chung tay xây dựng nét VHCV hiện đại: văn hóa chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025.
3. Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử.
4. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
5. Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
6. Luật Công nghệ thông tin năm 2006.
7. Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.
8. Luật An ninh mạng năm 2018.
9. Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
TS. Thiều Huy Thuật – TS. Phạm Thị Hồng Thắm
 Học viện Hành chính Quốc gia