Thuật lãnh đạo khởi nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) – Khởi nghiệp thành công không đơn thuần là thành lập được một doanh nghiệp (DN) từ một hay vài ý tưởng. Trên thực tế, đã có nhiều DN ra đời từ một ý tưởng nào đó nhưng cũng nhanh chóng biến mất và chỉ rất ít DN khởi nghiệp có thể tạo ra được giá trị cụ thể lâu dài. Cuốn sách “Thuật lãnh đạo khởi nghiệp” của tác giả Derek Lidow – một diễn giả, một doanh nhân, cựu CEO người Mỹ (do Trần Thị Bích Nga dịch thuật), đã được NXB Lao động ấn hành năm 2018.

 

Xuyên suốt các phần của cuốn sách, người đọc sẽ dần nhận ra rằng, các doanh nhân khởi nghiệp chỉ thành công khi đã được trang bị những kỹ năng lãnh đạo khởi nghiệp cơ bản.

Cuốn sách được chia làm 2 phần:

Phần 1: Điều kiện tiên quyết: nắm vững các kỹ năng lãnh đạo khởi nghiệp.

Phần 2: Áp dụng các kỹ năng lãnh đạo khởi nghiệp.

Trong Phần 1, tác giả đã mô tả những động lực, phẩm chất và kỹ năng bạn cần có để trở thành một nhà lãnh đạo khởi nghiệp (Entrepreneurial Leader – EL), nhưng trước hết, tác giả mong muốn người đọc suy nghĩ về hai câu hỏi: “Bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo khởi nghiệp đến mức nào?” và “Bạn có khả năng trở thành một nhà lãnh đạo khởi nghiệp không?”. Muốn trả lời được hai câu hỏi này, bạn phải thật sự thấu hiểu bản thân.

Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ những phẩm chất của bạn cho phép bạn làm gì? Ngăn cản bạn làm gì? Từ đó bạn có thể tìm ra cách làm trong từng tình huống.

Thực tế đã có nhiều EL tự nhận ra hoặc nhờ được huấn luyện mà hiểu rõ: “các động lực hoàn toàn ích kỷ của họ sẽ khiến họ có những hành động quên mình và đó chính là chìa khóa thành công”.

Các EL cũng chỉ ra: “Động lực chính là sức mạnh”. Điều khó nhất để khởi nghiệp thành công chính là người lãnh đạo phải biết thay đổi bản thân khi DN đang dần phát triển. Nếu không có động lực mạnh mẽ, “bạn sẽ không thể thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực và bạn sẽ nhanh chóng từ bỏ việc kinh doanh mà bạn đã dốc cả đống tiền, cả núi thời gian vào đó, đây cũng là kịch bản chung của nhiều doanh nhân khởi nghiệp thất bại”. Do đó, cần phải hiểu rõ hơn động lực sẽ thúc đẩy bạn hành động.

Động lực đó là những điều khao khát có trong con người bạn, là những nỗi sợ cố hữu hay là những nhu cầu thiết yếu. Những động lực mạnh mẽ nhất thường là những điều khiến bạn thấy hạnh phúc nhất hoặc giúp bạn giảm bớt sợ hãi về điều gì đó. Nó được coi là “Khẳng định thanh danh” giúp bạn có đủ năng lượng, lòng quyết tâm và sự tập trung để thực hiện những thay đổi mà một EL cần làm.

Ngoài ra, EL còn có một số động lực khác, như:

(1) Muốn làm chủ, không muốn làm thuê cho ai;

(2) Muốn trở nên giàu có;

(3) Sợ nghèo đói;

(4) Sợ bị bẽ mặt với cha mẹ, người thân yêu hoặc đối thủ nào đó. Những động lực này có thể đủ mạnh để thúc đẩy người khởi nghiệp dám hy sinh bản thân để phát triển DN.

Bên cạnh việc mô tả động lực, tác giả cũng đưa ra 5 kỹ năng cần thiết của một EL, gồm:

(1) Tự nhận thức;

(2) Xây dựng quan hệ;

(3) Tạo động lực cho người khác;

(4) Dẫn dắt sự thay đổi;

(5) Hiểu những điều cơ bản về cách DN hoạt động và trưởng thành.

Ở Phần 2, nội dung cuốn sách được đề cập chính là áp dụng các kỹ năng lãnh đạo khởi nghiệp, trong đó nhấn mạnh từ việc xây dựng chiến lược phù hợp; tổ chức cơ cấu DN; nghệ thuật tuyển dụng cũng như sa thải nhân viên; lãnh đạo và dẫn dắt DN đi qua khủng hoảng đến dám quên mình để tự thưởng cho mình…

Khi DN còn non trẻ, mỗi yếu tố mới như nhân sự, khách hàng, dự án, chiến lược, khủng hoảng,… đều có thể ảnh hưởng lớn đến tương lai của DN và “cái ghế của người sáng lập”. Vì vậy, Derek Lidow đưa ra lời khuyên: “Muốn biết mình có năng lực làm EL hay không, bạn cần tìm hiểu thêm về động lực, phẩm chất và kỹ năng của mình”. Và câu trả lời, đó là: “Tôi cần có những năng lực tối thiểu gì để đội ngũ nhân sự mà tôi tập hợp thật sự tin tưởng tôi?”.

Qua câu hỏi và câu trả lời trên, tác giả đã có công thức chung, đó là:

“Động lực, phẩm chất, kỹ năng = năng lực tổng hợp”.

Theo đó, có thể hiểu, năng lực tổng hợp ở đây là sự kết hợp của các động lực, phẩm chất, kỹ năng. Khi hiểu rõ điều này, có thể xây dựng được các chiến lược cụ thể nhằm phát huy những ưu điểm, giảm thiểu những nhược điểm, từ đó, có thể khởi nghiệp thành công.

Cuốn sách “Thuật lãnh đạo khởi nghiệp” cho chúng ta nhận thấy rõ, việc xây dựng một DN từ ý tưởng kinh doanh ban đầu đến khi  DN có thể tự tồn tại và trở thành DN sinh ra lợi nhuận. Ở đây tác giả chỉ muốn khẳng định rằng, một DN khởi nghiệp thành công là DN đó có thể tự tồn tại. Do đó, muốn trở thành một doanh nhân khởi nghiệp và để trở thành một EL giỏi, chúng ta nên tìm hiểu và đọc cuốn sách này vì nó chứa đựng nhiều kinh nghiệm tích lũy từ quá trình giảng dạy cũng như thực tiễn trong kinh doanh của chính tác giả.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

ThS. Nguyễn Thị Thu Trang
Học viện Hành chính Quốc gia