Những bất cập trong chính sách dân tộc thời gian qua và hướng khắc phục

(Quanlynhanuoc.vn) – Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng và thực thi chính sách dân tộc, từ đó đã góp phần  thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc ở nước ta, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, quá trình xây dựng chính sách dân tộc ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, làm giảm ý nghĩa và hiệu quả của các chính sách đã ban hành. Vì vậy, việc nhận thức rõ những bất cập là cần thiết để có những hướng khắc phục trong thời gian tới.

 

Ảnh minh họa.

Những bất cập trong chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay

Trên cơ sở nghị quyết và những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc (CSDT), Chính phủ đã cụ thể hóa thành các chính sách riêng biệt. CSDT ở nước ta vừa bao quát những vấn đề chiến lược lâu dài, vừa giải quyết cả những vấn đề trước mắt, cụ thể. Chính sách này cũng đã bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), từ phát triển kết cấu hạ tầng, tín dụng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giống cây con sản xuất, quản lý rừng, các chính sách về phát triển giáo dục, đào tạo nghề, đào tạo cán bộ, đến chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ pháp lý, xây dựng hệ thống chính trị… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì việc xây dựng CSDT vẫn còn có một số hạn chế:

Thứ nhất, ban hành nhiều chính sách nhưng việc bố trí nguồn lực, ngân sách để  bảo đảm tổ chức thực hiện chính sách còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Hầu hết các CSDT của chúng ta luôn trong tình trạng vốn được cấp thấp hơn rất nhiều so với số vốn đã được phê duyệt. Kinh phí được cấp để thực hiện các chương trình chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý giai đoạn 2006 – 2010 đạt 67,45% nhu cầu vốn được duyệt, giai đoạn 2011 – 2014 đạt 40,7% kế hoạch vốn, thậm chí năm 2014 cấp vốn đạt 35,8% so với số vốn đã được phê duyệt1.

Do chúng ta không tính toán chi tiết về nguồn lực có thể huy động nên các chính sách đặt ra mục tiêu rất cao nhưng không có nguồn lực bảo đảm. Ví dụ, như các chính sách hỗ trợ về đất ở và đất sản xuất đã không tính toán đầy đủ giữa nhu cầu cần hỗ trợ và tình hình quỹ đất có trên thực tế, dẫn đến không thể giải quyết được nhu cầu về đất cho số hộ như mục tiêu của chính sách đã đề ra. Có những chính sách còn không bố trí được nguồn vốn, như: chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, chính sách bảo vệ rừng…

Thứ hai, CSDT được ban hành  nhiều nhưng nguồn lực có hạn nên dẫn tới các định mức hỗ trợ của chính sách thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Ví dụ như theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 thì ĐBDTTS chưa có nhà ở hoặc nhà ở dột nát được Nhà nước hỗ trợ ở vùng khó khăn là 7 triệu đồng/hộ để làm nhà ở. Các hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay tín dụng của Ngân hàng chính sách để làm nhà ở thì mức vay tối đa là 8 triệu đồng/hộ với lãi suất vay 3%/ năm.

Như vậy, ĐBDTTS nếu tính cả tiền hỗ trợ và vay thì cũng chỉ có 15 triệu đồng, không đủ để xây nhà, phải  có tiền góp thêm. Theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ ĐBDTTS đặc biệt khó khăn, trong đó quy định lãi suất 0% nhưng định mức vay mỗi hộ 5 triệu đồng. Với số tiền này rất khó để cho đồng bào có thể đầu tư sản xuất được sản phẩm gì có hiệu quả.

Thứ ba, chính sách ban hành ở rất nhiều nội dung công trình, ở nhiều địa phương trong cả nước, cộng thêm cấp vốn không đồng bộ dẫn tới nhiều công trình, dự án triển khai dở dang, không phát huy được hiệu quả lại lãng phí nguồn lực, thậm chí là đội chi phí sản xuất nếu hoàn thành. Ví dụ, Chương trình 135 tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn nhưng tiến độ thực hiện lại đạt thấp, từ 45 – 50% khối lượng công việc2. Do chính sách hỗ trợ định canh định cư theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1342/2009/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp không cấp đồng bộ nên nhiều dự án định canh, định cư không thực hiện được. Hiện còn 128/297  dự án định canh, định cư còn dở dang, 337/779 hạng mục công trình thuộc trung tâm cụm xã chưa hoàn thành3.

Thứ tư, chính sách quy định còn chung chung, thiếu kết nối, đồng bộ giữa các chính sách làm giảm ý nghĩa, hiệu quả của CSDT. Ví dụ, chúng ta có chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho ĐBDTTS nhưng lại không quy định chất lượng đất cấp cho ĐBDTTS, nên có nơi người ta lấy rừng nghèo, đất trống đồi trọc để cấp cho ĐBDTTS, đất đó không có nước tưới, xa kết cấu hạ tầng giao thông nên có đồng bào không nhận đất hoặc nhận đất nhưng không sản xuất.

Chính sách do từng bộ, ngành khác nhau xây dựng và quản lý nên thiếu đồng bộ, hệ thống và sự kết nối các chính sách với nhau. Ví dụ, chúng ta có chính sách hỗ trợ ĐBDTTS sản xuất như hỗ trợ vốn, giống cây con, hỗ trợ đất sản xuất nhưng lại không có chính sách hỗ trợ đồng bào tiêu thụ sản phẩm họ tạo ra, dẫn tới tình trạng ĐBDTTS sản xuất ra sản phẩm nhưng không tiêu thụ được sản phẩm, từ đó làm giảm ý nghĩa, hiệu quả của chính sách hỗ trợ sản xuất. Chúng ta có chính sách tạo điều kiện cho con em ĐBDTTS đi học cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển nhưng lại không có chính sách bố trí việc làm cho họ sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, nhiều con em ĐBDTTS đi học cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển nhưng khi về địa phương lại không tìm được việc làm từ đó làm giảm ý nghĩa của chính sách cử tuyển.

Thứ năm, CSDT còn chồng chéo về nội dung, địa bàn đầu tư và đối tượng thụ hưởng. Vì CSDT của chúng ta chia thành nhiều chương trình, dự án khác nhau, dẫn tới cùng một nội dung nhưng ở nhiều chương trình, dự án khác nhau. Với cùng nội dung là hỗ trợ đất sản xuất thì có nhiều chương trình, dự án khác nhau cùng thực hiện như Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg ngày 08/10/2002 về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS tại chỗ ở Tây Nguyên; Quyết định số 134/2004 ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ ĐBDTTS nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt đến năm 2010 cho hộ ĐBDTTS nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ ĐBDTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;  Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010; Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 về Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.

CSDT của chúng ta còn chồng chéo về địa bàn nên cùng  một đối tượng thụ hưởng là người dân tộc thiểu số lại hưởng nhiều chương trình, dự án khác nhau của cùng một nội dung. Điều này dẫn tới 1 hộ ĐBDTTS được cấp nhiều giống cây nhưng không sử dụng hết vì diện tích đất canh tác của gia đình đó ít. Hay một lao động người dân tộc thiểu số có thể có trong danh sách đào tạo nghề của nhiều chương trình khác nhau, ở chương trình này được đào tạo nghề này, chương trình khác được đào tạo nghề khác nhưng cuối cùng lại không sử dụng được nghề nào, gây lãng phí nguồn lực.

Thứ sáu, CSDT chưa bảo đảm tính công bằng cho mọi đối tượng thụ hưởng trên cùng một địa bàn. Những chính sách dành cho vùng, địa phương như vậy thì cả đồng bào dân tộc đa số và thiểu số cùng sinh sống trên địa bàn đều được hưởng các chính sách đó. Tuy nhiên, đôi khi phương thức đầu tư lại chưa thực sự bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng thụ hưởng trên cùng một địa bàn. Ví dụ, Chương trình 135 trong cơ cấu vốn đầu tư thì những dự án về hạ tầng và trung tâm cụm xã chiếm 95,2% số vốn của chương trình này, đầu tư cho đào tạo cán bộ chiếm 0,83%,  dự án phát triển sản xuất chiếm 3,2% tổng số vốn, dự án quy hoạch dân cư chiếm 0,67%4.

Hiện nay, cơ cấu vốn đầu tư của Chương trình 135 đã có sự điều chỉnh, vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng và trung tâm cụm xã tuy đã giảm về mặt tỷ trọng nhưng vẫn còn cao, Chương trình 135 giai đoạn 2011 – 2016 tập trung 60% nguồn lực của dự án cho phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở và định canh, định cư5.

Như vậy, cơ cấu vốn của Chương trình 135 vẫn dành chủ yếu cho đầu tư hạ tầng cơ sở và trung tâm cụm xã. Tuy nhiên, ở một xã thuộc Chương trình 135 thường thì người dân tộc đa số sống ở ven các con lộ, con sông, ở trung tâm cụm xã, còn người dân tộc thiểu số thường sống ở vùng sâu, vùng xa của xã đó, do đó, với cơ cấu vốn đầu tư của Chương trình 135 như vậy thì người dân tộc đa số lại được hưởng lợi nhiều hơn. Vì vậy, để ĐBDTTS được hưởng lợi thì Chương trình này nên đầu tư nhiều hơn cho các dự án phát triển sản xuất, về đào tạo cán bộ.

Thứ bảy, CSDT còn chung chung cho cả nước, cho một vùng nên không phù hợp với đặc thù của từng vùng ĐBDTTS, với đặc điểm của ĐBDTTS. Trong thực hiện chính sách giảm nghèo, đã phát máy gặt lúa cho hộ nghèo với mong muốn nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất của các hộ nghèo nhưng một số địa phương vùng ĐBDTTS không sử dụng được do không phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác tại địa phương.

Chúng ta có chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bao gồm cả dân tộc đa số và thiểu số, trong đó tiến hành đào tạo cả nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp, việc khuyến khích đào tạo nghề phi nông nghiệp để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề thì phù hợp với đồng bào dân tộc đa số nhưng không phù hợp với ĐBDTTS. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ có một quy định chung về kinh phí để đào tạo cho cả lao động người dân tộc đa số cũng như người dân tộc thiểu số. Điều này gây khó khăn trong quá trình thực hiện vì để đào tạo người dân tộc thiểu số mất nhiều thời gian, kinh phí nhiều hơn do trình độ nhận thức còn hạn chế, đồng bào cần có những mô hình “cầm tay chỉ việc” cụ thể.

Thứ tám, CSDT còn mang tính hỗ trợ, chưa phát huy được tính tích cực vươn lên của ĐBDTTS cũng như hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững trong ĐBDTTS. Mặc dù, chúng ta đã thay đổi tư duy trong xây dựng CSDT từ cho không sang hỗ trợ cho điều kiện nhưng vẫn còn những chính sách chưa kích thích nội lực, sự tự vươn lên của đồng bào. Vẫn có những chính sách cấp muối, cấp gạo, hỗ trợ tiền điện hằng tháng… khiến một bộ phận đồng bào muốn là hộ nghèo để tiếp tục có những ưu đãi. CSDT vẫn  chủ yếu hướng đến hỗ trợ đời sống, sản xuất cho đồng bào. Chính vì chính sách có tính chất hỗ trợ như vậy nên chưa thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBDTTS và miền núi để phát triển bền vững.

Những định hướng để hoàn thiện chính sách dân tộc trong thời gian tới

Để khắc phục những bất cập trong CSDT ở Việt Nam thời gian qua, hoàn thiện chính sách góp phần thực hiện mục tiêu các dân tộc ở Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, trong thời gian tới, việc xây dựng CSDT cần tập trung vào một số định hướng sau:

Một là, cần sớm ban hành luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc thay đổi trong luật ngân sách bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách bắt buộc cho vùng ĐBDTTS để có đủ nguồn lực cho CSDT. Đồng thời, cũng cần có những cơ chế để thu hút sự đóng góp nguồn lực của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhằm nâng cao nguồn lực để tổ chức thực hiện được các chính sách đã ban hành. Việc ban hành chính sách cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng về các nguồn lực có thể huy động để thực hiện, tránh tình trạng chính sách ban hành mục tiêu cao nhưng nguồn lực không bảo đảm, dẫn tới chính sách “như một loại quả đẹp” nhưng “không ăn được”.

Hai là, cần rà soát lại các chương trình, chính sách về dân tộc để tích hợp xây dựng một chương trình, đề án có tầm cỡ quốc gia để phát triển tổng thể kinh tế – xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, bảo đảm không chồng chéo về nội dung và địa bàn; đồng thời, có sự kết nối giữa các chính sách. Chương trình tổng thể lớn này có sự phối hợp của các bộ, ngành khác nhau, trong đó có một cơ quan chủ trì, tránh tình trạng có nhiều chương trình do nhiều bộ, ngành khác nhau cùng quản lý.

Ba là, chúng ta không thể xây dựng chính sách riêng cho từng dân tộc nhưng vẫn phải bảo đảm chính sách phù hợp với ĐBDTTS, thậm chí là đối với từng nhóm dân tộc, từng dân tộc khác nhau. Vì vậy, khi xây dựng những chính sách chung trên cả nước hoặc cho vùng có cả ĐBDTTS và đa số  cùng thụ hưởng, cần chú ý đến đặc thù của ĐBDTTS để bảo đảm đồng bào được thụ hưởng đầy đủ các chính sách (ví dụ như trong thực hiện Chương trình 135, cần tăng cơ cấu vốn đầu tư cho các dự án phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ… để ĐBDTTS được thụ hưởng nhiều hơn). Hay chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cần có cơ chế đặc thù, tăng định mức kinh phí đào tạo cho lao động người dân tộc thiểu số so với kinh phí đào tạo cho người dân tộc Kinh. Để xây dựng được  những chính sách bảo đảm tính đặc thù thì cần điều tra, xây dựng dữ liệu thông tin đầy đủ về tình hình, đặc điểm, phong tục tập quán của ĐBDTTS.

Bốn là, việc xây dựng CSDT cần phải phát huy được nội lực, những tiềm năng của ĐBDTTS. Chúng ta cần phân loại trong ĐBDTTS, những đối tượng nào không có khả năng lao động thì sẽ được thụ hưởng các chính sách tài trợ của Nhà nước, còn những đối tượng có sức lao động thì phải có cơ chế giúp đỡ họ tự vươn lên để thoát nghèo. Ví dụ, nếu chính sách giảm nghèo cho ĐBDTTS mà cứ cấp gạo, cấp muối, cấp điện, trợ cấp hằng tháng… thì không ai muốn thoát nghèo. Chính sách giúp người nghèo thoát nghèo là hỗ trợ, tập huấn cho họ những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng sản xuất, triển khai các dự án sản xuất. Chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho vùng ĐBDTTS là phải ưu đãi mạnh cho những dự án phát triển trong vùng ĐBDTTS, những dự án liên kết sản xuất với ĐBDTTS hoặc sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số… Chúng ta cần rà soát lại những chương trình hỗ trợ, cấp phát mà xây dựng chính sách theo hướng nâng cao năng lực và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho đồng bào vươn lên thì mới phát huy được nội lực và thúc đẩy sự phát triển bền vững vùng ĐBDTTS.

CSDT tác động mạnh mẽ đến quan hệ dân tộc ở Việt Nam, đến sự phát triển của ĐBDTTS. Để CSDT mang lại những kết quả tích cực trên thực tế thì bước đầu tiên là phải xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống CSDT bảo đảm tính hệ thống, khoa học, đặc thù… Những nội dung đề xuất nêu trên là nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong CSDT của Việt Nam thời gian qua. Quá trình nhận thức những bất cập hạn chế trong CSDT hiện có để khắc phục cũng chính là quá trình hoàn thiện chính sách.

Chú thích:
1, 3. Sơn Phước Hoan. Hướng tiếp cận trong xây dựng và triển khai chính sách dân tộc trong giai đoạn mới. Tạp chí Cộng sản, số 9/2014.
2. Thực hiện Chương trình 135: Còn nhiều hạn chế. http://baobinhdinh.com.vn, ngày 29/8/2003.
4. Hoàng Thị Hương. Tăng cường tính thực tiễn của các chương trình phát triển kinh tế – xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Tạp chí Lý luận chính trị, số 8/2008.
5. Trịnh Quang Cảnh. Thực trạng chính sách dân tộc thông qua hệ thống hóa và đánh giá các nghiên cứu liên quan từ năm 1986 đến nay. Tạp chí Nghiên cứu dân tộc, tháng 12/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Tôn Hiến, Ngô Văn Hải. Nâng cao hiệu quả các chương trình dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tạp chí Kinh tế và quản lý, số 1/2016.
2. Ủy ban Dân tộc. Tổng quan thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Hà Nội tháng 5/2017.
3. Thực trạng chính sách dân tộc – Định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021 – 2030. http://dangcongsan.vn.
4. Hoàn thiện chính sách dân tộc: phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. http://nhandan.org.vn.
TS. Trần Thị Bích Huệ – Đại học Công nghiệp Hà Nội
TS. Hà Thị Thùy Dương- Học viện Chính trị khu vực IV