(Quanlynhanuoc.vn) – Quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển ổn định và bền vững đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được khi áp dụng những chính sách, pháp luật hiện nay, tại các khu công nghiệp vẫn tồn tại nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cũng như nhà đầu tư, các ban quản lý khu công nghiệp cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động trong các khu công nghiệp.
Thực trạng quản lý các vấn đề xã hội trong khu công nghiệp hiện nay
Một là, pháp luật về quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, tính đến hết năm 2019, trên địa bàn cả nước có 335 khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là KCN) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 96,5 nghìn ha, trong đó 256 KCN đã đi vào hoạt động và 79 KCN đang xây dựng, giúp thu hút được lượng lớn vốn đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và sản xuất – kinh doanh. Riêng năm 2019, các KCN đã thu hút được khoảng 934 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt khoảng 14,9 tỷ USD, nâng tổng số dự án nước ngoài lên khoảng 9.487 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 195 tỷ USD, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước1.
Để tạo hành lang pháp lý cho các KCN hoạt động và phát triển, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, bao gồm: Nghị định số 322/HĐBT ngày 18/10/1991 của Hội đồng Bộ trưởng kèm theo Quy chế khu chế xuất tạiViệt Nam, mở đầu cho giai đoạn hình thành các KCN trên cả nước. Nghị định số 192/CP ngày 28/12/1994 của Chính phủ kèm theo Quy chế KCN; Nghị định 36/1997-NĐ-CP ngày 24/4/1997 về ban hành Quy chế KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao; Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN.
Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN thực chất là quản lý nhà nước (QLNN) đối với các vấn đề nảy sinh trong các KCN, như: nhà ở, giáo dục, y tế, hôn nhân, gia đình… Để quản lý, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ trên mọi lĩnh vực, mọi phương diện của đời sống xã hội trong các KCN, có thể kể đến những văn bản sau:
Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Thương mại, Luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Y tế, Luật Giáo dục, Luật Môi trường, Luật Cư trú, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Tiếp cận thông tin. Ngoài ra, do đặc thù của các KCN, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số quyết định để điều chỉnh đặc thù các quan hệ xã hội, như: Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 về sửa đổi Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 22/5/2017 về phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 22/5/2015 về đẩy mạnh các giải pháp giải quyết vấn đề trường lớp mầm non ở khu vực có KCN; Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN đến năm 2020.
Hai là, về tổ chức bộ máy quản lý các KCN. Để quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN, theo quy định hiện hành, tổ chức bộ máy cũng được phân định theo 3 cấp: Trung ương (gồm Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành có liên quan), địa phương (gồm Ủy ban nhân dân và sở Kế hoạch và Đầu tư và sở, ngành liên quan) và Ban quản lý (BQL) KCN. Cơ cấu BQL KCN ở các địa phương gồm 1 trưởng ban, 3 phó ban và bộ máy giúp việc. Theo đó, bộ máy thực hiện nhiệm vụ theo sự phân cấp và ủy quyền trên cơ sở nội dung quản lý theo Nghị định số 82/2018-NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế đã góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo, cũng như quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các BQL và các nhà đầu tư tại các KCN.
Thực trạng chính sách, pháp luật về quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp
Thứ nhất, về chính sách, việc làm, thu nhập của người lao động.
Theo báo cáo của các BQL KCN các tỉnh, căn cứ chính sách, pháp luật về việc làm thì nghề nghiệp chính trong các KCN khi tuyển dụng chủ yếu tập trung vào các ngành, nghề như: dệt – may, chế biến lương thực, thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử… Từ đó cho thấy, các KCN chủ yếu sử dụng lao động giản đơn, tay nghề thấp, chưa qua đào tạo.Bên cạnh đó, chính sách sử dụng lao động theo ký kết hợp đồng lao động (Bộ luật Lao động năm 2015) hiện tại cũng chưa khuyến khích được người lao động có tay nghề cao; việc sa thải người lao động sau một thời gian làm việc để tuyển dụng người khác. Điều này đã tạo ra chính sách bất ổn về nguồn lực lao động, gây khó khăn cho việc thực hiện các kế hoạch, mục tiêu của KCN.
Tính chung trong cả nước, độ tuổi bình quân của công nhân trẻ dưới 25 tuổi chiếm 43,4%, từ 26 – 35 tuổi chiếm 34,7%; từ 36 – 45 tuổi chiếm 14%; tuổi nghề dưới 1 năm chiếm 6,9%; từ 1 – 5 năm chiếm 30,6%; từ 6 – 10 năm chiếm 16,4%; từ 11 – 15 năm chiếm 10,5%; 16 – 20 năm chiếm 16,8%; 21 – 25 năm chiếm 13,3%; trên 25 năm chiếm 5,5%2, nhưng nếu tính về thu nhập gồm hai khoản chính là lương, thưởng hiện cũng chưa phù hợp, chẳng hạn: với các DN ở KCN thường đầu tư công nghệ trung bình nên không đòi hỏi tay nghề cao, không có sự phân biệt lớn về kỹ năng giữa công nhân lâu năm và công nhân mới vào nghề, làm việc trong dây chuyền công nghiệp đòi hỏi sức ép cao về tính chính xác, cường độ cao và sức khỏe tốt, lao động nữ cũng không có chính sách ưu đãi hơn khi còn phải nuôi con nhỏ, nên thu nhập nói chung của người lao động là rất thấp nên họ thường phải làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập, điều đó ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và nhu cầu nghỉ ngơi của người lao động.
Thứ hai, về quản lý an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ.
Để cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động tại các KCN hiện nay thì chính sách về an toàn lao động đều do Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như các BQL quy định và tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật cho tới các điều kiện bảo hộ lao động cho công nhân là chính.
Các quy định về chính sách đặc thù đối với lao động nữ (thai sản, ốm đau) và lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc cũng như chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng đã được thực hiện theo lộ trình và đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, việc quản lý và thực thi chính sách này cũng còn nhiều bất cập, ví dụ: khi DN bỏ trốn, nhiều lao động, nhất là lao động nữ mang thai đã đóng bảo hiểm xã hội cho rằng, họ hầu như không được giải quyết về quyền lợi… Các chính sách đối với người lao động như điều kiện làm việc, điều kiện nghỉ ngơi, làm thêm giờ, chế độ làm việc trong môi trường độc hại… cũng chưa được các DN thực hiện nghiêm túc3. Bên cạnh đó, một số DN chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình, nên còn trốn tránh, ỉ lại cho BQL, trong khi BQL lại để các DN tự thỏa ước theo lao động tập thể khi các tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động ít có tiếng nói và cũng không bảo vệ được quyền lợi của người lao động khi xây dựng hợp đồng lao động.
Thứ ba, về chính sách giáo dục, y tế, hôn nhân gia đình trong các KCN.
Về dịch vụ chăm sóc giáo dục, y tế: hiện nay, tại các KCN nhu cầu về dịch vụ chăm sóc, giáo dục cho trẻ em các cấp học từ mầm non trở lên đều gia tăng, các công trình giáo dục cho con em công nhân đã được chú trọng đầu tư ngân sách mở rộng quy mô các trường công lập mầm non trên cơ sở Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi các năm 2009, 2015 và 2019.
Tuy nhiên, do hạ tầng cơ sở như nhà trẻ, trường học, các trung tâm văn hóa, khu vui chơi, giải trí hầu hết tại các KCN hiện nay chưa có quy hoạch thống nhất để xây dựng phục vụ cho người lao động, chính vì vậy, việc tiếp cận với dịch vụ giáo dục, nhất là giáo dục mầm non của con em người lao động KCN còn gặp nhiều khó khăn, như: khó tiếp cận với các dịch vụ giáo dục công, chất lượng giáo dục tại các cơ sở tư thục lại hạn chế do thiếu thốn về trang thiết bị, năng lực giáo dục hạn chế… Bên cạnh đó, mức thu học phí còn cao so với đồng lương của người công nhân (do người lao động không đủ chi trả học phí cho con em tại các trường công lập bên ngoài). Điều này đã làm cho các gia đình trong các KCN gặp rất nhiều rủi ro khi quyết định cho trẻ tới trường, gây tâm lý bất an cho các gia đình phụ huynh cũng như tình trạng kết hôn hoặc ly hôn của công dân rất bất lợi về mặt thời gian và chi phí đi lại…
Về chính sách chăm sóc y tế cho người lao động: theo khảo sát của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội năm 2019 cho thấy: 97% người lao động được DN đóng bảo hiểm y tế, trong đó có tới 87,1% người lao động thụ hưởng các lợi ích từ bảo hiểm4. Tuy nhiên, nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe đối với người lao động vẫn hạn chế, như: người lao động chưa thụ hưởng hết các giá trị của bảo hiểm y tế do cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu chưa bảo đảm chất lượng; hoạt động khám sức khỏe định kỳ mang tính hình thức, nhiều DN còn bắt người lao động tự chi trả tiền khám, chữa bệnh (do thiếu vắng các thiết chế kiểm tra, giám sát); các DN còn chưa quan tâm tới bệnh lý của người lao động nên cũng không xây dựng chế độ trợ cấp chi trả cho người lao động do mắc bệnh nghề nghiệp. Những vấn đề này đều xuất phát từ nhiều lý do mặc dù chính sách y tế tương đối đầy đủ (Luật Chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế…) nhưng tựu chung đều do bộ phận khám, chữa bệnh tại các KCN chưa phát huy hết trách nhiệm kể cả trong việc phối hợp với bộ phận y tế của địa phương để khám, chữa bệnh và chi trả bảo hiểm y tế cho người lao động.
Về vấn đề hôn nhân, gia đình: mặc dù đã có Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2014 điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, song trên thực tế tại các KCN, cơ quan quản lý về hôn nhân và gia đình vẫn là Ủy ban nhân dân các cấp, trong đó trực tiếp là Ủy ban nhân dân cấp xã. Ngoài ra, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao phụ trách đối với hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Cũng trên cơ sở Báo cáo điều tra của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội 2019 thì có tới 65,3% người lao động trong các KCN cho rằng họ có đời sống hôn nhân hạnh phúc, so với tỷ lệ 73% đối với người lao động tại địa phương. Bên cạnh những điểm tích cực này thì vấn đề hôn nhân của người lao động trong các KCN cũng còn nhiều những điểm nghẽn như: cơ hội kết hôn của người lao động đang bị thu hẹp do bất cân bằng về giới tính do tỷ lệ lao động nữ trong các KCN thường cao hơn (60%) so với nam giới. Điều này dẫn tới xu hướng kết hôn muộn hoặc sinh con một mình, hoặc không còn muốn kết hôn. Tình trạng hôn nhân với người nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng phức tạp do thủ tục kết hôn rườm rà, mang tính hình thức, trong khi ở nước ta không có một cơ quan quản lý trực tiếp về hôn nhân mà giao cho các sở, phòng, ban cấp tỉnh và cấp huyện, bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách hôn nhân trong các KCN của các DN cũng rất thấp, chiếm 36,7%5.
Thứ tư, chính sách, pháp luật về quản lý vấn đề văn hóa, giải trí.
Hiện tại, việc xây dựng và quản lý các thiết chế văn hóa, giải trí trong các KCN cũng đang được triển khai theo các chương trình, kế hoạch chung của Chính phủ trên cơ sở Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Du lịch, Luật Báo chí… nhằm chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Tuy nhiên, các công trình văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, khu vui chơi giải trí tại các KCN còn quá ít nên chưa đáp ứng được yêu cầu của người lao động nên rất dễ nảy sinh các tệ nạn xã hội và rất khó kiểm soát. Điều này cho thấy sự hạn chế, nghèo nàn trong việc quy hoạch hạ tầng xã hội, nhất là các công trình văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo tại các KCN, trong khi việc nhận thức của các chủ DN hầu như chưa chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần đối với người lao động.
Một số kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả QLNN về các vấn đề xã hội tại các KCN trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị như sau:
Một là, sửa đổi và ban hành luật về KCN. Kiến nghị Quốc hội ban hành luật về KCN nhằm bảo đảm sự ổn định về mặt pháp lý của các KCN cũng như thực tế quản lý của các KCN. Bên cạnh đó, khắc phục những mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong các văn bản dưới luật về KCN: giữa các nghị định về KCN và với các luật chuyên ngành (Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Xây dựng, Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Nhà ở…) trong việc điều chỉnh toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý. Theo đó Luật về KCN cần thống nhất, hoàn thiện xây dựng mô hình QLNN đối với KCN theo nguyên tắc “một cửa” và bổ sung quy định về các mô hình KCN mới trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với thực tiễn và môi trường pháp lý tại Việt Nam; bổ sung thêm các quy địnhvề thanh tra tại các KCN và chức năng xử lý vi phạm đối với các DN KCN khi vi phạm pháp luật.
Hai là, tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định pháp lý hiện hành.
Chính phủ chịu trách nhiệm về kinh phí chuẩn bị mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng và hạ tầng xã hội đối với những dự án đã được phê duyệt nhằm bảo đảm cho người lao động có khả năng tiếp cận đối với các dịch vụ về giáo dục, y tế, bảo hiểm, vui chơi, giải trí và các các dịch vụ khác như giao thông, điện, nước sạch… Ngoài ra, BQL KCN cũng nên xem xét phối hợp với chính quyền địa phương lập quy hoạch để xây dựng các quỹ nhà ở theo quy định, nhất là bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Ba là, khuyến khích hoặc yêu cầu các DN trong KCN cùng tham gia góp vốn đầu tư vào dự án xây dựng nhà ở cho công nhân.
Cần quy định rõ hơn vai trò của Chính phủ và của nhà đầu tư tư nhân trong dự án xây dựng nhà ở xã hội và khuyến khích thực hiện Điều 57 Luật Nhà ở. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành hướng dẫn về cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và BQL KCN trong việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động, bao gồm: quy trình lựa chọn vị trí để phát triển KCN, có tham vấn và phối hợp với cơ quan quản lý quy hoạch phát triển không gian và phát triển kinh tế – xã hội về nội dung phát triển nhà ở xã hội và hệ thống hạ tầng liên quan, và các khu vực lân cận; chính quyền địa phương và các nhà đầu tư cần nhận thức sự cần thiết của việc xây dựng hạ tầng xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho người lao động vì mục đích phát triển cộng đồng xung quanh KCN, do vậy, cần có biện pháp thu hút các nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bốn là, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN.
Cần thành lập cơ quan quản lý nhà ở, công trình văn hóa – xã hội riêng nằm trong BQL KCN và quy định trách nhiệm của cơ quan này trong việc thực hiện và hỗ trợ để cải thiện môi trường sống cho người lao động khi được nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, có thể thành lập Trung tâm Hỗ trợ thông tin và xử lý các vấn đề về nhà ở, việc làm, y tế, hôn nhân gia đình và bảo hiểm xã hội, cư trú… Trung tâm này có thể do cơ quan quản lý nhà ở công ích hoặc các cơ quan quản lý về bất động sản thành lập nhằm giúp nâng cao và bảo đảm chất lượng môi trường sống cho người lao có điều kiện tiếp cận tốt hơn tới nguồn cung nhà cho thuê và có thể hỗ trợ việc hình thành cộng đồng dân cư tại các KCN.