Giáo trình lịch sử tư tưởng chính trị – pháp lý

(Quanlynhanuoc.vn) – Cuốn sách “Giáo trình Lịch sử tư tưởng chính trị – pháp lý” của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội do TS. Cao Minh Công và PGS.TS. Nguyễn Thị Hồi (chủ biên) cùng tập thể tác giả đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật ấn hành năm 2015. Cuốn sách cung cấp tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên, sinh viên chuyên ngành luật, lịch sử, triết học… Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Việt Nam ở vào vị trí địa văn hóa – chính trị hết sức đặc biệt, nằm trên trục giao lưu giữa hai nền văn hóa đồ sộ của phương Đông là văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ. Đồng thời, quá trình phát triển lịch sử văn hóa đặc thù: văn, sử, triết học của Việt Nam cũng khiến cho chúng ta rất khó có thể phân định các tư tưởng chính trị pháp lý khỏi các tư tưởng triết học, các trào lưu triết học và các nhà triết học một cách rõ ràng. Do vậy, lịch sử tư tưởng chính trị pháp lý Việt Nam là sự tổng hợp của các trào lưu, trường phái tư tưởng chính trị pháp lý phương Đông và phương Tây kết hợp với sự khái quát hóa, lý luận các kinh nghiệm chính trị của các thế hệ người Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc. Đó chính là nền tảng sức mạnh tư duy chính trị pháp lý đã giúp cho dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử với nhiều thăng trầm, thử thách của lịch sử.

Nhằm kịp thời cung cấp tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên, sinh viên chuyên ngành luật, lịch sử, triết học… cuốn sách Giáo trình Lịch sử tư tưởng chính trị – pháp lýcủa Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội do TS. Cao Minh Công và PGS.TS. Nguyễn Thị Hồi (chủ biên) cùng tập thể tác giả đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật ấn hành năm 2015. Cuốn giáo trình được trình bày thành 7 chương với 455 trang:

Chương I: Khái quát về lịch sử tư tưởng chính trị – pháp lý, nhóm tác giả đã giới thiệu về lịch sử tư tưởng chính trị – pháp lý với tư cách là một khoa học; quan hệ lịch sử tư tưởng chính trị – pháp lý với một số khoa học pháp lý khác và phân tích, đánh giá lịch sử tư tưởng – chính trị pháp lý dưới góc độ là một môn học.

Chương II: Tư tưởng chính trị – pháp lý phương Đông thời kỳ cổ đại, được trình bày về tư tưởng chính trị – pháp lý Ai Cập cổ đại; tư tưởng chính trị – pháp lý Babylon cổ đại; tư tưởng chính trị – pháp lý Ấn Độ cổ đại và tư tưởng chính trị – pháp lý Trung Quốc cổ đại.

Chương III: Tư tưởng chính trị – pháp lý Hy Lạp, La Mã cổ đại, các tác giả đã phân tích các khía cạnh khác nhau và nêu rõ giá trị, hạn chế của tư tưởng chính trị – pháp lý Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại.

Chương IV: Tư tưởng chính trị – pháp lý thời kỳ trung đại, nhấn mạnh nội dung về tư tưởng chính trị – pháp lý thời kỳ đầu trung đại và tư tưởng chính trị – pháp thời kỳ cuối trung đại.

Chương VTư tưởng chính trị – pháp lý thời kỳ cận đại, được các tác giả khái quát chung về tư tưởng chính trị – pháp lý, trong đó có giới thiệu về tư tưởng chính trị – pháp lý Hà Lan; tư tưởng chính trị – pháp lý Anh; tư tưởng chính trị – pháp lý Đức; tư tưởng chính trị – pháp lý Pháp; tư tưởng chính trị – pháp lý Mỹ với nhiều thành tựu, giá trị mà cho đến nay vẫn đang còn hiện diện ở các xã hội phương Tây.

Chương VITư tưởng chính trị – pháp lý phương Tây hiện đại, đây là những tư tưởng điển hình của phương Tây hiện đại: tư tưởng chủ quyền nhân dân; tư tưởng nhân quyền; tư tưởng phân chia quyền lực; tư tưởng pháp quyền và tư tưởng tự do. Những giá trị tư tưởng của chương này, ít nhiều góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xá hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”.

Chương VIIKhái lược lịch sử tư tưởng – chính trị pháp lý ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, đây là phần nội dung rất thú vị được các tác giả trình bày phân tích về đặc điểm tư tưởng chính trị – pháp lý ở Việt Nam và những nội dung cơ bản đặc sắc của tư tưởng chính trị – pháp lý xuyên suốt chiều dài phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Với cuốn “Giáo trình lịch sử tư tưởng chính trị – pháp lýđược trình bày rõ ràng, mạch lạc, khái quát những tư tưởng và học thuyết chính trị – pháp lý phương Đông cũng như của phương Tây từ thời cổ đại đến hiện đại, trong đó tập trung phân tích tư tưởng chính trị – pháp lý Việt Nam trong lịch sử đến đầu thế kỷ XX đã làm rõ hơn, có ý nghĩa thiết thực hơn đối với các học viên, sinh viên các ngành khoa học xã hội, đặc biệt đối với ngành Luật trong việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị – pháp lý của các nước trên thế giới. Từ việc xem xét, đánh giá các tư tưởng và học thuyết chính trị – pháp lý trong lịch sử, qua đó tạo điều kiện hình thành thế giới quan khoa học, tư duy chính trị – pháp lý đúng đắn cho nghiên cứu, xây dựng, thực thi pháp luật tương lai – những người sẽ tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống những tư tưởng phản tiến bộ, phản khoa học, đồng thời, góp phần hiệu quả vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

ThSLương Ban Mai
Học viện Hành chính Quốc gia