Phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp tư nhân tại Thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu quan trọng nhằm tạo ra và phát huy những lợi thế trong sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và tạo ra những thay đổi, động lực, góp phần nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân.
Ảnh minh họa (internet)
Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp tư nhân tại thành phố Hà Nội hiện nay.

Trên địa bàn Thành phố Hà Nội, sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân(DNTN) đã góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) ra đời, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, việc hỗ trợ DN đã thực chất và hiệu quả hơn, điều này đã tạo điều kiện cho số lượng DNTN không ngừng tăng qua từng năm.

Theo đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ DN Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Hà Nội, trong giai đoạn 2011 – 2015, thành phố có 79.271 DN thành lập mới; giai đoạn 2016 – 2020 là 124.715 DN (cao gấp 1,57 lần so với giai đoạn trước). Số lượng DN tại Hà Nội tăng trung bình 9 – 13%/năm. Tính đến ngày 30/4/2021, tổng số DN trên địa bàn thành phố Hà Nội là 311.240 DN (chiếm gần 38% số lượng DN cả nước). Thời gian qua, các DN đã tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động, mỗi năm tạo thêm việc làm mới cho hơn 140.000 người lao động1.

Với phương châm DN là động lực và chìa khóa phát triển bền vững kinh tế của Thủ đô, thành phố đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển DNTN nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho các DN phát triển, trong đó hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực (NNL) là chính sách quan trọng. Những hỗ trợ của thành phố trong phát triển NNL ở các DNTN đã góp phần xóa đói, giảm nghèo ở mức độ rộng khắp, là yếu tố chủ chốt, bền vững tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động Thủ đô. Các DNTN tạo ra việc làm, chiếm 67% tổng số việc làm toàn thành phố2; thu nhập bình quân của người lao động trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt từ 5 – 7 triệu đồng/tháng3. Từ sự hỗ trợ phát triển NNL của thành phố, nhiều DN đã kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển, trở thành đối tác quan trọng cho các DN lớn trên lĩnh vực điện tử, xây dựng với các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang… Trong chuỗi giá trị toàn cầu, DNTN ở quy mô nhỏ và vừa đã biết tận dụng thị trường ngách mà DN lớn bỏ qua, họ cũng có thể bắt tay với các DN nhỏ khác trong chuỗi để tái chuyên môn hóa, triển khai sản xuất năng suất hơn và tiêu thụ hiệu quả hơn.

Nhìn chung, những năm qua, với sự hỗ trợ phát triển NNL của thành phố, các DNTN đã có những bước phát triển mạnh, năng lực cạnh tranh cấp độ DN được nâng cao; đã hình thành nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tham gia các hoạt động xuất – nhập khẩu quốc tế; DN dân doanh đã có đóng góp tích cực cho thu ngân sách thành phố. Những chính sách hỗ trợ này đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển khối DNTN của thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống chính sách phát triển NNL trong các DNTN vẫn còn những hạn chế sau:

Một là, hạn chế về phát triển NNL trong một số các lĩnh vực công nghệ cao. Hiện nay, nhiều DNTN quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất – kinh doanh còn thấp, công nghệ lạc hậu, chủ yếu gia công, lắp ráp, thiếu gắn kết và chuyển giao công nghệ với DN trong nước.  Thêm vào đó, số DN đầu tư cho khoa học – công nghệ vào thời điểm hiện tại không nhiều. Việc đổi mới công nghệ của các DN còn diễn ra chậm, trong đó có nguyên nhân từ việc chất lượng NNL chưa đáp ứng yêu cầu để có thể ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực như: cơ khí, điện tử, dược phẩm, nông nghiệp chất lượng cao…

Hai là, do chất lượng NNL chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới nên hiệu quả sản xuất – kinh doanh của các DNTN còn thấp, sức cạnh tranh kém. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế toàn cầu và của cả nước vẫn đang trong giai đoạn phục hồi chậm, nhiều DNTN phải chủ động thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng. Do chất lượng NNL thấp, chủ yếu là lao động sản xuất giản đơn nên hiệu quả sản xuất – kinh doanh yếu, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp, các sản phẩm có ít hàm lượng chất xám, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.

Ba là, bất cập về trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động. Thực tế cho thấy, hiện nay lực lượng lao động trong các DNTN phần lớn chưa được qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, công việc đảm nhận còn giản đơn; năng lực quản lý sản xuất, quản trị DN của đội ngũ doanh nhân còn hạn chế, điều này ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh và quản lý, phòng tránh các rủi ro. Bên cạnh đó, tình trạng thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động chưa nghiêm túc, đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, chưa tạo ra động lực thực sự để người lao động cống hiến.

Bốn là, chính sách đào tạo NNL còn bất hợp lý. Ở nhiều DN, công tác này vẫn chưa thực sự hiệu quả, cán bộ chuyên trách công tác đào tạo NNL lại là người chưa qua đào tạo đúng chuyên ngành, trình độ chuyên môn; vẫn còn tình trạng chênh lệch về cơ cấu ngành, nghề đào tạo.

Ngoài ra, chương trình đào tạo còn nhiều bất cập, nhiều ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu công việc; trang thiết bị thực hành còn thiếu, ý thức học tập của người lao động chưa cao; mức hỗ trợ học nghề còn thấp, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao; vẫn còn thiếu các chương trình đào tạo về quản trị DN, khởi nghiệp đối với những người làm công tác quản lý. Đây là khó khăn, rào cản trước sự phát triển và yêu cầu NNL đáp ứng thách thức mà cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra.

Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Hà Nội

Thứ nhất, phát triển NNL trong DNTN cần gắn với những yêu cầu phát triển khoa học – công nghệ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra. Trong điều kiện hiện nay, khoa học – công nghệ phát triển đòi hỏi DN cần phải có NNL chất lượng cao, có khả năng tiếp cận và ứng dụng những thành tựu khoa học vào thực tiễn. Việc phát triển NNL từ đó gắn với những đổi mới của công nghệ, áp dụng các mô hình kinh doanh mới mang lại hiệu quả cao.

Phát triển NNL cần hướng tới mục tiêu đổi mới, sáng tạo dựa trên những tiến bộ công nghệ mới, khẳng định vai trò, vị trí của DN trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đòi hỏi hệ thống chính sách và các biện pháp phát triển NNL trong DNTN cần có sự gắn kết chặt chẽ với các trường đại học, các viện nghiên cứu để đưa các thành tựu khoa học – công nghệ vào sản xuất, đồng thời tham gia hiệu quả vào đào tạo NNL chất lượng cao, phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực đổi, mới sáng tạo của mỗi DN.

Thứ hai, phát triển NNL trong DNTN cần gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của thành phố, đây là yêu cầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô chuyển sang mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Thứ ba, phát triển NNL cần gắn với cơ cấu lại hệ thống DN. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định, DN Việt Nam giữ một vị trí quan trọng nền kinh tế quốc dân với các mối liên hệ liên kết, hợp tác, cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, để phát huy vai trò của mình đòi hỏi các DNTN phải cơ cấu lại nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh để đảm nhận vai trò và vị trí xứng đáng trong hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Hệ thống chính sách phát triển NNL trong DN phải đáp ứng yêu cầu đổi mới, tái cơ cấu kinh tế, đáp ứng được yêu cầu về NNL có chất lượng cao để tăng cường năng lực sản xuất và cạnh tranh.

Thứ tư, đổi mới hệ thống chương trình đào tạo nhân lực theo hướng gắn với nhu cầu thị trường lao động; gắn việc “học với hành”; xây dựng các cơ chế tài chính đặc thù, phù hợp để huy động các nguồn lực của xã hội. Thành phố Hà Nội cần rà soát, khảo sát hệ thống chương trình đào tạo trên cơ sở đánh giá đúng nhu cầu đào tạo của từng nhóm ngành kinh tế để có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng NNL, giải quyết lao động, việc làm trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người lao động và DN.

Muốn xây dựng, phát triển nguồn lực con người phải đẩy mạnh đồng bộ giữa giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần đẩy mạnh việc bố trí lao động đúng người, đúng việc, đánh giá đúng khả năng và kết quả của người lao động, trả lương, thưởng đúng theo năng lực của người lao động, điều này góp phần động viên, khuyến khích người lao động thực hiện công việc nhiệt tình, hăng say hơn, tạo sự gắn bó giữa người lao động và DN…

Chú thích:
1. Báo cáo số 133-BC/TU ngày 16/9/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2. Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. https://nhandan.vn, ngày 10/12/2020.
3. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân – chìa khóa phát triển bền vững kinh tế Thủ đô. https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn, ngày 28/12/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Nghị quyết số 04/2018/NQ-HÐND ngày 05/7/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua chủ trương ban hành Ðề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 – 2020.
ThS. Phạm Văn Bền
Viện Kinh tế, Pháp luật và Quản lý