Xây dựng khung năng lực Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã – từ cách tiếp cận chức năng quản lý nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Xuất phát từ tầm quan trọng vị trí, năng lực thực thi công vụ của chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, bài viết trình bày một số khái niệm liên quan đến xây dựng khung năng lực chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; đồng thời, trình bày khung năng lực theo cách tiếp cận chức năng quản lý nhà nước. Từ đó đưa ra đề xuất khung năng lực của chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
Ảnh minh họa (internet)
Một số cách tiếp cận khung năng lực

Cách tiếp cận khái niệm năng lực từ góc độ hoàn thành công việc.

Trên thế giới có nhiều quan niệm khác nhau về năng lực. Khái niệm năng lực xuất hiện năm 1973 trong bài thuyết trình về “kiểm tra năng lực hơn là sự thông minh” của David C.McClelland (nhà tâm lý học người Mỹ). Theo tác giả, năng lực là tổng hợp các yếu tố cần thiết để hoàn thành một công việc được giao. Tương tự như vậy, Spencer, L.M.,& Spencer, S.M. (1993, Competence at Work, 9. New York) cho rằng, năng lực là khả năng một cá nhân thực thi được những yêu cầu kỹ năng bắt buộc đối với một công việc cụ thể1. Cách tiếp cận này đặt khái niệm năng lực trong mối tương quan với công việc để nhận diện ra khả năng hoàn thành công việc. Nói cách khác, năng lực phụ thuộc vào yêu cầu của công việc.

Cách tiếp cận khái niệm năng lực theo các thành tố cấu thành.

Khái niệm năng lực được định nghĩa dựa trên các yếu tố cấu thành của nó. Parry (trong cuốn “Just What is a Competency?) cho rằng, năng lực là tập hợp kiến thức, kỹ năng và thái độ có khả năng ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc của cá nhân. McLean (trong cuốn “A Competency Based Human Resource Development Strategy”) lại quan niệm, năng lực bao gồm kiến thức, kinh nghiệm và thái độ2.

Hai cách tiếp cận trên tuy khác nhau nhưng đều có một điểm chung khi cho rằng, năng lực là khả năng hoàn thành công việc. Điểm khác nhau giữa hai cách tiếp cận trên đó là: một bên không nói rõ các yếu tố cấu thành của năng lực, một bên chỉ ra cụ thể các yếu tố thuộc năng lực là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Tuy nhiên, việc đưa ra các yếu tố cấu thành vào khái niệm có thể tạo ra nhược điểm là vô tình làm giới hạn nội hàm của khái niệm và loại bỏ một số yếu tố khác có thể có của năng lực. Chính điều này làm cho khái niệm năng lực có thể rơi vào trạng thái vừa thừa, vừa thiếu.

Để khắc phục hạn chế trên, trong nghiên cứu, tác giả sử dụng khái niệm năng lực theo cách tiếp cận thứ nhất. Theo đó, năng lực là thuật ngữ chỉ các yếu tố cấu thành và tạo nên khả năng thực hiện và hoàn thành một yêu cầu hay một nhiệm vụ nào đó. Các yếu tố cấu thành, bao gồm: kiến thức, phẩm chất và năng lực thực hiện.

Cấu trúc năng lực chủ tịch Ủy ban nhân dân xã từ các tiếp cận chức năng quản lý nhà nước

Theo Điều 36 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã là người đứng đầu UBND xã và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: (1) Lãnh đạo và điều hành công việc của UBND, các thành viên UBND xã; (2) Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của Hội đồng nhân dân và UBND xã; thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; thực hiện các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; (3) Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao theo quy định của pháp luật; (4) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật; (5) Ủy quyền cho phó chủ tịch UBND xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của chủ tịch UBND; (6) Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; (7) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.

Các yếu tố cấu thành năng lực chủ tịch UBND xã trên xuất phát điểm là những năng lực cần có để hoàn thành chức trách của một chủ tịch UBND xã. Chức năng của vị trí chủ tịch UBND xã phải phủ quát một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, chủ tịch UBND xã phải thực hiện tất cả những hoạt động liên quan đến điều hành UBND xã như: quản lý con người trong UBND xã, quản lý ngân sách phân bố cho hoạt động của UBND xã, quản lý cơ sở vật chất, và xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của UBND. Nói cách khác, đây là chức năng tổ chức/quản lý nội bộ của UBND xã. Liên quan đến năng lực này còn có năng lực tổ chức công việc cho chính mình của vị trí chủ tịch UBND xã.

Thứ hai, chủ tịch UBND xã phải thực hiện những chức năng liên quan đến quản lý nhà nước. Có thể kể ra như: quản lý các lĩnh vực thuộc chức năng và nhiệm vụ của xã, phường, thị trấn.

Thứ ba, chủ tịch UBND xã còn tổ chức các hoạt động cung ứng dịch vụ công theo chức năng và thẩm quyền của UBND xã.

Thứ tư, trong quá trình quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công, chủ tịch UBND xã và UBND xã có tương tác và chịu sự tác động của các thành tố khác trong hệ thống chính trị, khu vực tư, và cơ quan nhà nước cấp trên cho nên chủ tịch UBND xã cần phải có năng lực để đảm đương những mối quan hệ này.

Như đã phân tích ở phần khái niệm năng lực của chủ tịch UBND xã là mức độ đáp ứng và hoàn thành công việc mà chủ tịch UBND xã đảm nhận. Với các tiếp cận như vậy, năng lực nói trên, năng lực của chủ tịch UBND xã là thuật ngữ chỉ các yếu tố cấu thành nên khả năng thực hiện và hoàn thành chức năng, nhiệm vụ tương ứng của vị trí chủ tịch UBND xã.

Đề xuất xây dựng khung phân tích năng lực của chủ tịch Ủy ban nhân dân xã

UBND xã hoạt động thông qua các phiên họp của UBND dưới sự chỉ đạo, điều hành của chủ tịch UBND. Với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, UBND xã cần:

Một là, thể hiện vai trò quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội ở địa phương; đồng thời, cũng là cơ quan quản lý việc chấp hành, thực hiện các quyết định, chỉ đạo của Hội đồng nhân dân cấp xã và UBND cấp huyện gắn với các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Thể hiện trên các hoạt động kinh tế – xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng và môi trường xã hội trên địa bàn.

Hai là, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; ràng buộc trách nhiệm trong giải quyết các công việc; chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt nhất cho các tổ chức, đơn vị kinh tế và nhân dân. Theo đó, UBND xã và chủ tịch UBND xã cần bảo đảm ba nhóm chức năng chính, gồm: chức năng tổ chức nội bộ của UBND xã; chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và chức năng cung ứng dịch vụ công trong phạm vi thẩm quyền.

Theo 3 chức năng trên, giải pháp đưa ra theo mối liên hệ giữa chức năng và những năng lực cần thiết của chủ tịch UBND (xem sơ đồ cuối bài) như sau:

(1) Nhóm năng lực tổ chức/quản lý nội bộ. Đây là nhóm năng lực giúp cho chủ tịch UBND xã thực hiện những công việc mang tính tổ chức, điều hành công việc của bản thân và công việc của các cá nhân khác trong phạm vi công sở hay còn gọi là trong phạm vi UBND xã. Nếu so sánh với các nhóm năng lực khác, thì nhóm năng lực tổ chức/quản lý nội bộ này là nhóm năng lực liên quan đến hoạt động “đối nội” trong UBND xã, bảo đảm một UBND xã hoạt động nền nếp, hiệu quả, quy củ và trôi chảy. Đây là nhóm năng lực có tác động gián tiếp đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước của UBND xã, bởi công tác tổ chức nội bộ tốt thì hoạt động quản lý nhà nước của UBND xã mới có cơ sở bảo đảm.

(2) Nhóm năng lực liên quan đến quản lý nhà nước. Đây là nhóm năng lực thực thi pháp luật, những chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn xã nhằm mang lại sự thay đổi tích cực về kinh tế, chính trị và xã hội của xã. Nói cách khác, đây là nhóm năng lực tạo ra sự phát triển toàn diện của địa phương. Nhóm năng lực này bao gồm năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và năng lực tương tác với các chủ thể khác trong xã hội trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý nhà nước của mình. Đây được xem là nhóm năng lực cốt lõi và trọng tâm của chủ tịch UBND xã, vì nó quyết định đến sự phát triển của địa phương.

(3) Nhóm năng lực quản lý cung ứng dịch vụ công. Bên cạnh chức năng quản lý nhà nước, bộ máy hành chính nhà nước còn thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ công. Để thực hiện chức năng này, cần thiết phải có năng lực phù hợp; đây chính là lý do mà nghiên cứu đưa loại năng lực này vào nhóm thứ 3 trong khung phân tích năng lực khái quát. Cung cấp dịch vụ đòi hỏi chủ tịch UBND xã đáp ứng được các năng lực cụ thể như: năng lực phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan để thực hiện cung ứng các dịch vụ hành chính công liên thông; (2) năng lực tổ chức và áp dụng triển khai các loại dịch vụ công trên địa bàn; (3) năng lực kiến nghị để hoàn thiện các loại thủ tục hành chính và hoạt động cung ứng dịch vụ công của UBND xã.

(4) Nhóm năng lực khác. Một số năng lực khác cũng cần phải đưa vào khung năng lực của chủ tịch UBND xã như: năng lực tổng quát; năng lực hội nhập; năng lực giải quyết vấn đề, và năng lực xử lý những công việc cấp bách và phát sinh; năng lực am hiểu địa phương; năng lực quản lý chất lượng làm việc; năng lực quản lý sự thay đổi; năng lực ra quyết định; năng lực nghiên cứu và phân tích; năng lực làm việc nhóm. Những năng lực này phù hợp trong bối cảnh hội nhập và phân cấp quản lý ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam hiện nay.

Chú thích:
1, 2. Lê Quân. Khung năng lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr. 15 – 16, 17.
Tài liệu tham khảo:
1. Xây dựng chính quyền cấp xã – nhìn từ góc độ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy. https://tcnn.vn, ngày 15/02/2018.
2. Boam, R, & Sparrow,P. (Eds). (1992).Designing and achieving competency: a competence-based approach to developing people and organizations”. McGraw-HillBook Company Limited.
3. Gangani, N., McLean, G.N., & Braden, R.A. (2006). A Competency Based Human Resoure Development Strategy. Performance Improvement Quarterly.
4. Plummer, J. et. Al. Focusing partneships: A sourcebook for municipal capacity building in Public-private partnerships, Municipal capacity building series. Earthscan Publications Ltd, 2022, London, Sterling, VA.
5. Osawe. Time management: an imperative factor to effective delivery in the Nigeria public service. International Journal of Development and Management Review (INJODEMAR), 2017, Vol.12 No. 1 June.
6. Spencer, L.M, & Spencer, S.M (1993). Competence at Work, 9. New York: John.

NCS. Phan Thị Tuyết Minh
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, tỉnh An Giang