Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành trung tâm tài chính quốc tế

(Quanlynhanuoc.vn) – TP. Hồ Chí Minh hiện là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (đóng góp hơn 22% GDP, chiếm gần 27% tổng thu ngân sách quốc gia). TP. Hồ Chí Minh đã và đang đáp ứng đủ điều kiện để trở thành một trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế.
TP. Hồ Chí Minh đã và đang đáp ứng đủ điều kiện để trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Ảnh: Internet.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 của Đảng đã xác định “Lựa chọn một số địa điểm, đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao”. Đồng thời, Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 10 năm 2021-2030 được Đại hội XIII của Đảng thông qua nội dung: “thúc đẩy phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 -2025 cũng đề ra mục tiêu phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn 2045, trong đó xác định đến năm 2030 Thành phố trở thành “trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học và công nghệ và văn hoá của khu vực Đông Nam Á”; tầm nhìn đến năm 2045: “trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu”.

Để hình thành và vận hành hiệu quả các TTTC tầm cỡ khu vực và quốc tế, cần rất nhiều nỗ lực và các giải pháp mang tính đột phá. Trước hết cần định hướng mô hình phù hợp để xây dựng TTTC; xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực… Việc xây dựng TTTC quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện khát vọng phát triển của Thành phố mà còn thể hiện ý chí quyết tâm nhằm nỗ lực hiện thực hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đề án Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành TTTC quốc tế  do Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Fulbright Việt Nam xây dựng. Ba nội dung cốt lõi của Đề án là: (1) Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh để phát triển thành TTTC quốc tế; (2) mô hình TTTC quốc tế; (3) xây dựng hệ sinh thái fintech, ngân hàng số.

Đề án xác định mô hình TTTC quốc tế TP. Hồ Chí Minh được xây dựng gồm ba cấu phần. Một là, là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng với mục tiêu hội tụ và phát triển các dịch vụ, thị trường và tổ chức tín dụng truyền thống; hình thành các tập đoàn tài chính. Hai, là thị trường vốn, bao gồm phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp; dịch vụ quản lý quỹ đầu tư và quản lý tài sản phục vụ nhà đầu tư nội địa và quốc tế. Ba, là thị trường hàng hóa phái sinh gồm việc hình thành và phát triển Sở Giao dịch hàng hóa Thành phố gắn với thị trường nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; kết nối với các sở giao dịch hàng hóa và nhà đầu tư toàn cầu.

Ảnh minh hoạ.

Trên cơ sở đó, TP. Hồ Chí Minh xác định từ nay đến năm 2025, Thành phố cần tập trung triển khai 4 chương trình hành động:

Thứ nhất, phát triển fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số tại TTTC quốc tế TP. Hồ Chí Minh. Đây là cấu phần quan trọng nhất trong mô hình TTTC quốc tế TP. Hồ Chí Minh. Đó sẽ là đột phá trong chính sách, giúp hình thành và đi vào hoạt động các ngân hàng số 100%.

Thứ hai, thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực cho TTTC quốc tế TP. Hồ Chí Minh. Việc này có mức độ ưu tiên cao nhất để triển khai Đề án TTTC quốc tế TP. Hồ Chí Minh cần có cơ sở bằng văn bản xác định rõ chủ trương, định hướng và nhiệm vụ ở cấp cao nhất. Nghị quyết của Bộ Chính trị là cơ sở để Chính phủ thành lập Hội đồng Phát triển TTTC quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh và thực hiện các đổi mới về cơ chế chính sách.

Thứ ba, phát triển Khu Tài chính – Thương mại Thủ Thiêm, với điểm nhấn là lựa chọn mô hình thu hút đầu tư xây dựng và phát triển TTTC quốc tế với 4 phương án khác nhau gồm: đấu giá đất để nhà đầu tư tự do quyết định phương thức đầu tư; đấu thầu dự án theo các yêu cầu của thành phố; mô hình đối tác công tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Thứ tư, phát triển thị trường hàng hóa tại TTTC quốc tế TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 01/3/2021, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính báo cáo tiến độ xây dựng TTTC quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành dự thảo lần 1 của Đề án, trong đó làm rõ mô hình TTTC quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, các chương trình hành động cùng với các kiến nghị về cơ chế, chính sách. Do đó, nhằm bảo đảm sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự đồng hành của các bộ, ngành, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng Đề án TTTC quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh do một Phó Thủ tướng là Trưởng Ban chỉ đạo; các thành viên chính gồm lãnh đạo các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 25/02/2021, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo Đề án phát triển TP. Hồ Chí Minh thành TTTC quốc tế, với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, kinh tế của Chính phủ, các doanh nghiệp và bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến hoàn thiện Đề án.

Phương Truyền