Vực dậy nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Các chỉ số kinh tế hai tháng đầu năm 2022 cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đang phục hồi mạnh mẽ sau cú sốc dịch Covid-19 trong năm vừa qua. Điển hình, Thành phố đã giành lại vị trí số 1 cả nước về giá trị kim ngạch xuất khẩu. Nỗ lực phục hồi kinh tế đã và đang thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh ổn định và sự tăng trưởng mạnh mẽ của TPHCM trong năm 2022.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao (Ảnh: Internet)
Nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư

TPHCM xây dựng chủ đề năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần XI; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội Thành phố giai đoạn 2022 – 2025…

Để thực hiện mục tiêu đó, Thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 với 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) đạt 6% – 6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,75%/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm. Tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 86,05%…

Nhận định về kế hoạch này, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đánh giá việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra sẽ có nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp ở các quốc gia trên thế giới với các biến chủng mới, nhất là biến chủng mới Omicron đã xuất hiện tại Thành phố.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021 có thể đạt được mức tăng trưởng năm 2022 từ 6 – 6,5% và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức bao trùm đối với kinh tế Thành phố. Điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu của năm là nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện và nâng cao hiệu lực – hiệu quả của chính quyền cơ sở; mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư, điều hành doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhất là ở các lĩnh vực: doanh nghiệp tư nhân, xây dựng, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, thuế, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cấp chính quyền.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, Thành phố cũng xác định một số biện pháp trọng điểm như: (1) Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp; (2) Đầu tư hạ tầng, phát triển các đô thị vệ tinh như Thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Nhà Bè…; (3) Đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế số; (4) Tháo nút thắt cho du lịch Thành phố; (5) Tăng tốc các dự án trọng điểm của Thành phố; (6) Đẩy mạnh các giải pháp an sinh xã hội…

Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, năm 2022, Sở sẽ tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trước tiên là đồng hành cùng DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vấn đề của DN hiện nay là thiếu vốn. Do vậy, ngành Công thương sẽ phối hợp với ngân hàng tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng – DN giúp kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Sở Công thương cũng tập trung chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho DN từng bước ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo dự báo, kinh tế TPHCM 4 năm tiếp theo có thể bù lại những mất mát của năm 2021 và không cần phải thay đổi mục tiêu 5 năm. Đồng thời, TPHCM tiếp tục khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng của mình trước bối cảnh nguy cơ dịch bệnh Covid-19 vẫn hiện hữu.

Theo đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ, đến nay, 100% thủ tục hành chính (114 thủ tục) của Sở đã được cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân và DN tiếp cận còn chưa cao; do đó, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền về chủ trương cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giúp DN giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện, vừa đảm bảo an toàn, thích ứng trong điều kiện dịch bệnh.

Cùng với Sở Công thương, Sở Nội vụ sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền đô thị gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tính minh bạch của chính quyền địa phương và hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Chủ động tháo gỡ khó khăn cho DN trong giải quyết thủ tục hành chính, định kỳ 3 tháng tổ chức đối thoại về cải cách thủ tục hành chính để kịp thời ghi nhận, giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc và đồng hành cùng DN.

Đề cập đến một số giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, đã hình thành các cơ sở đào tạo trong DN để chia sẻ nguồn lực, rút ngắn thời gian chuyển giao vào hoạt động kinh doanh của DN. Đối với ngành du lịch khôi phục tất cả các sản phẩm du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn; triển khai phát triển ngành logictis; mở rộng quy mô xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; mở rộng thị trường; hỗ trợ DN tìm kiếm trị trường xuất nhập khẩu; nghiên cứu hình thành khu công nghiệp công nghệ cao. Song song với đó là cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN, thúc đẩy hỗ trợ DN nhỏ và vừa, tăng cường liên kết trong và ngoài nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường đầu tư. Ngoài ra, một trong những giải pháp Thành phố đã và đang hướng tới là việc thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương khác trở lại làm việc. Do đó, phải có chính sách về chỗ ở, lương thưởng để người nhập cư cảm thấy Thành phố là nơi an toàn để sinh sống, làm việc và đầu tư.

Tìm những động lực mới cho tăng trưởng

Những yêu cầu nhằm giải quyết bài toán tăng trưởng và phát triển trong năm 2022 đã được Đảng bộ, chính quyền Thành phố nhìn ra, nhận định trong “nguy” có “cơ”, trong “mất” có “được”, đại dịch Covid-19 thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thay đổi cách thức vận hành nền kinh tế, trong đó có thói quen người tiêu dùng, cách thức giao tiếp, kinh doanh và làm việc.

Trước dịch, TPHCM đã có quy mô thương mại điện tử lớn nhất cả nước, với tổng số người bán hàng trực tuyến chiếm 40-50%. Do ảnh hưởng của giãn cách xã hội trong năm 2020 và tiếp diễn trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi phương thức làm việc và giao dịch từ offline (trực tiếp) sang online (trực tuyến), trong đó có các website thương mại điện tử… Du lịch là ngành ảnh hưởng trầm trọng do dịch, ngừng hoạt động, không doanh thu, nhưng các doanh nghiệp thuộc ngành này không “nằm im”, mà luôn tìm cách để khôi phục nhanh nhất sau dịch. Nhiều doanh nghiệp vẫn hình thành tour tuyến mới, đẩy mạnh chuyển đổi số từ khâu chào hàng, giới thiệu sản phẩm đến nhận và phục vụ khách an toàn… Các doanh nghiệp khác cũng chuyển đổi tương tự theo đặc thù của ngành mình. Cho nên, việc khôi phục sản xuất, kinh doanh không chỉ đơn thuần là sản xuất, kinh doanh lại, mà phải là sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới – điều kiện có dịch, điều kiện hạn chế tiếp xúc trực tiếp, điều kiện thói quen tiêu dùng đã thay đổi…

Để kinh tế phát triển cất cánh, việc cần làm là chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Theo Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Lê Minh Tấn, ngành tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh cho các diện yếu thế, người có đời sống khó khăn sau đại dịch Covid-19 như hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi vì Covid-19; hỗ trợ nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân, người mắc Covid-19. Với truyền thống năng động, TPHCM có nhiều yếu tố tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế số. Trong dịch kéo dài, Thành phố đã chuyển phần lớn công việc sang trực tuyến, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, điều hành công tác chống dịch, tiếp dân. Các thủ tục hải quan, thuế gần như chuyển sang trực tuyến và không bị gián đoạn do dịch. Chương trình “Dân hỏi Thành phố trả lời” trên nền tảng mạng xã hội thu hút sự quan tâm của người dân. Trung tâm điều hành thông minh của Thành phố Thủ Đức là cơ sở để điều hành cả chống dịch và phục hồi kinh tế – xã hội.

Đồng thời, Sở cũng tham mưu cho UBND Thành phố giải quyết việc làm cho 300.000 lao động, trong đó có 140.000 việc làm mới; đào tạo nghề cho 371.000 lao động. Đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động giữa người lao động và doanh nghiệp; tổ chức các phiên, các sàn giao dịch việc làm, chú trọng đào tạo nghề cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 ngành dịch vụ của Thành phố và 8 ngành dịch chuyển tự do của khu vực để đáp ứng nhu cầu của DN và thị trường lao động. Đồng thời, hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc tại DN gắn với các chính sách đặc thù của Thành phố về an sinh xã hội như: nhà ở xã hội giá thấp, vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng, xây dựng các khu lưu trú cho công nhân tại các DN.

“Phải tìm ra những động lực mới cho kinh tế thành phố tăng trưởng” – Đó là nhận định và cũng là chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Văn Nên. Theo đó, TPHCM kiên trì, chủ động, nhất quán phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phải thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế”, quyết tâm phục hồi sau đại dịch. TPHCM đã chủ động cập nhật các kịch bản phục hồi kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến của dịch bệnh; khẩn trương triển khai chiến lược kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”; tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách; phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền đô thị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính…

Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ rõ: “Thành phố cần tăng cường các hoạt động liên kết vùng, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện hai mục tiêu hiện nay là phòng chống dịch của phục hồi kinh tế. Hiện nay chúng ta đang làm nhưng phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, làm bài bản hơn nữa, chia sẻ để cùng nhau phát triển. Vấn đề phục hồi kinh tế Thành phố không phải vấn đề riêng của Thành phố mà là vấn đề quốc gia và đặc biệt, trước hết là liên quan vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long trong hệ thống này”./.

Phạm Quý Trọng
Theo: tuyengiao.vn