Các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của sinh viên ngành Luật – từ thực tiễn Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Sinh viên nói chung, sinh viên ngành Luật nói riêng là nguồn nhân lực có vai trò quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Việc nâng cao chất lượng đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên là rất cần thiết trong xã hội hiện nay nói chung, đặc biệt đối với sinh viên ngành Luật của Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng. 
Ảnh minh họa (nguồn: TTXVN).
Đặt vấn đề

Công tác định hướng nghề nghiệp (ĐHNN) cho sinh viên ngày càng quan trọng và được các cơ quan, ban, ngành quan tâm. Khi xác định nghề nghiệp, nhiều sinh viên chỉ chú ý đến những điểm hấp dẫn bên ngoài của nghề nghiệp, không phân tích những đặc điểm bản thân, yêu cầu của nghề nghiệp, mà tự lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp, dẫn đến chán nản, học tập không tiến bộ, bỏ học giữa chừng hoặc làm trái nghề, đổi nghề sau khi tốt nghiệp. Điều này gây lãng phí rất lớn về của cải, thời gian, công sức của người học; lãng phí về nguồn lực xã hội và gây bất ổn cho sự phân công lao động cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước.

Theo số liệu thống kê năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có khoảng 1,1 triệu sinh viên đại học và cao đẳng, chia cho trung bình bốn năm học, mỗi năm có gần 300.000 sinh viên ra trường1. Kể từ năm 2020 trở lại đây, số lượng người thất nghiệp có trình độ đại học không tìm được việc làm khoảng 200.000 người. Có đến 60% sinh viên ra trường làm việc không đúng với ngành đã được đào tạo. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quý I/2019, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 1.059.000 người2.

Các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của sinh viên ngành Luật ở Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh

Trong giai đoạn hiện nay, ngành Luật chia ra nhiều nhóm ngành khác nhau, như: Luật Lao động, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Kinh tế, Luật Môi trường… Tuy nhiên, trong số đó ngành Luật Kinh tế hiện được coi là một trong những ngành nghề có số lượng sinh viên đăng ký học cao nhất hằng năm. Điều đáng chú ý ở đây, các doanh nghiệp, công ty luôn luôn quan tâm và đưa ra rất nhiều chính sách tuyển dụng sinh viên ngành này ngay từ khi còn học trong nhà trường. Với tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, các công ty luôn coi luật pháp là một trong những yếu tố quyết định thành công của họ. Vì thế, nhu cầu tuyển dụng của ngành luật có thể khẳng định đang ngày một gia tăng, đặc biệt là với luật kinh tế.

Từ những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, có thể đưa ra mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN của sinh viên ngành luật của Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh (viết tắt là Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh) như sau:

Một là, yếu tố bản thân.

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp cũng như ảnh hưởng đến sự nghiệp của bản thân, đó chính là đam mê và sở thích của chính mình.

Qua bảng khảo sát, cho thấy có đến 66% sinh viên cảm thấy bản thân ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, một số ít sinh viên (khoảng 2%) cho rằng nó không ảnh hưởng gì cả, một vài trường hợp sinh viên khi bắt đầu quá trình lựa chọn nghề nghiệp còn mơ hồ, không biết thực sự đam mê của mình là gì để quyết định. Nếu xác định rõ được bản thân đang thích và mong muốn điều gì, được làm việc đúng đam mê của bản thân, sinh viên sẽ có động lực để làm việc, cống hiến và phát triển sự nghiệp. Trong bối cảnh giáo dục hiện nay có nhiều sự thay đổi và một trong những điều kiện, đó là việc lựa chọn cơ sở đào tạo. Điều này dẫn đến tâm lý thoải mái khi chọn trường và chọn ngành mình mong muốn.

Hai là, yếu tố gia đình.

Từ phản ánh đánh giá của sinh viên về ảnh hưởng của gia đình đến ĐHNN của họ, các số liệu thu được ở bảng 2 cho thấy gần như tất cả sinh viên đều khẳng định sự ảnh hưởng của gia đình đến ĐHNN của mình, trong đó có 50% sinh viên cho rằng, gia đình có vai trò quan trọng. Có tới 42% sinh viên cho rằng gia đình chỉ có ảnh hưởng ít; thậm chí không có ảnh hưởng gì đến ĐHNN của họ chiếm đến 8%.

Tuy vậy, đánh giá vai trò tác động của gia đình đối với ĐHNN của sinh viên ở một khía cạnh khác lại cho thấy hầu hết sinh viên ở mức độ nhiều hay ít đều có trao đổi với gia đình về ĐHNN của mình, câu chuyện ĐHNN tạo ra mâu thuẫn giữa bản thân con cái với bố mẹ cũng thường hay xảy ra. Có rất nhiều học sinh lựa chọn nghề nghiệp theo ước mơ nhưng không nhận được sự đồng thuận của cha mẹ nên họ không có hướng phát triển ngành học và cũng hoang mang khi ra trường với công việc không yêu thích. Có nhiều trường hợp đã bị khủng hoảng từ mâu thuẫn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Chính vì thế, để tránh những sai lầm, cha mẹ và con cái cần phải lắng nghe nhau và tôn trọng ý kiến phân tích của đối phương để đi đến quyết định sáng suốt nhất.

Ba là, yếu tố bạn bè.

Mặc dù bạn bè có tác động đến ĐHNN của sinh viên không mạnh mẽ nhưng lại có vai trò quan trọng đối với sự gắn bó của sinh viên với môi trường học tập đại học.

Cơ chế tác động của yếu tố bạn bè đến sinh viên trong quá trình hình thành và ĐHNN cho bản thân diễn ra tự nhiên. Nó hoàn toàn không phải mối quan hệ phụ thuộc như với gia đình hay trường học mà hết sức bình đẳng, có ý nghĩa hỗ trợ tinh thần là chủ yếu. Việc trao đổi giữa bạn bè cũng có tác động tạo nên xu hướng nghề nghiệp, đặc biệt với những nhóm bạn có điều kiện hoàn cảnh tương đối đồng nhất với nhau.

Bốn là, yếu tố trường học.

Phương pháp học truyền thống lấy giảng viên làm trung tâm thông qua việc thuyết giảng đã dần chuyển sang phương pháp học hiện đại với người học là trung tâm, ở đó sinh viên phải được khuyến khích để trình bày quan điểm của mình về vấn đề học thuật. Ngoài việc giảng dạy kiến thức và phát triển kỹ năng cho sinh viên thì giảng viên còn đóng vai trò quan trọng đối với việc ĐHNN cho sinh viên. Điều này cho thấy, phương pháp giảng dạy của giảng viên và trường học là một yếu tố quan trọng trong việc tạo mục tiêu học tập cũng như định hướng công việc tương lai cho sinh viên.

Năm là, yếu tố truyền thông đại chúng.

Trong quá trình học tập của sinh viên, các kênh truyền thông đã có ảnh hưởng tới quá trình định hình xu hướng nghề nghiệp của sinh viên, thậm chí tác động của nó còn chiếm ưu thế so với ảnh hưởng của gia đình và môi trường học tập. Truyền thông có khả năng tác động một cách khách quan đến ĐHNN của sinh viên đồng thời cũng chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho sinh viên để từng bước định hình, tích lũy và phát triển ĐHNN của mình.

Thực tế cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các kênh truyền thông, đặc biệt là hệ thống internet đã hỗ trợ rất nhiều cho sinh viên trong quá trình học tập và phát triển hướng chuyên môn của mình. Hơn nữa, các kênh truyền thông cũng đồng thời ngày càng được áp dụng một cách hiệu quảtrong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, đặc biệt có các nội dung về vấn đề tuyển dụng lao động, ĐHNN, hỗ trợ kỹ năng sống, truyền đạt giá trị nghề nghiệp… sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên.

Sáu là, yếu tố môi trường nghề nghiệp việc làm.

Trong quá trình học tập ở trường đại học, sinh viên chịu sự tác động của môi trường nghề nghiệp việc làm hết sức rộng lớn và phong phú thông qua nhiều cách thức khác nhau, như: trực tiếp qua các công việc làm thêm; gián tiếp thông qua các kênh truyền thông, các sự kiện hoạt động cộng; thông qua chính bạn bè… Nhiều sinh viên khẳng định họ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các môi trường nghề nghiệp: 50,6% cho rằng các môi trường nghề nghiệp có ảnh hưởng rất nhiều đến ĐHNN của họ. Như vậy, thông qua đánh giá của chính sinh viên thì các môi trường nghề nghiệp, việc làm hiện đang chiếm ưu thế so với các yếu tố tác động khác đến ĐHNN của sinh viên.

Thực tiễn cho thấy tỷ lệ sinh viên đi làm thêm trong thời gian đang học đại học là rất lớn, hơn thế nữa một bộ phận sinh viên đã chính thức tham gia vào các môi trường nghề nghiệp, thậm chí còn khẳng định được vị thế của mình. Trong nền kinh tế thị trường cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các kênh truyền thông đại chúng, sinh viên được tiếp cận các nguồn thông tin phong phú về các môi trường nghề nghiệp, việc làm, đặc biệt với sinh viên năm cuối khi sắp kết thúc thời gian học đại học và chuẩn bị bước vào thị trường nghề nghiệp, lao động.

Bảy là, yếu tố xu hướng phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu lao động.

Hiện nay, trước xu thế phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, tiến đến toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thị trường lao động cần nhiều ngành nghề hơn, đa dạng hơn nhưng đòi hỏi chuyên môn cao. Các bạn sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận với nền kinh tế tri thức và có nhiều sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và nguyện vọng. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức, sinh viên ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức mới, vì vậy họ phải tự nâng mình lên để đáp ứng với nhu cầu xã hội về nghề nghiệp. Theo số liệu khảo sát, có đến 56,7% sinh viên cảm thấy xu hướng phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu lao động ảnh hưởng đến ĐHNN của mình; 30% sinh viên cảm thấy ít ảnh hưởng và có đến 13,3% cho rằng, nó không ảnh hưởng gì đến quyết định lựa chọn nghề nghiệp.

Một số đề xuất đối với phân hiệu trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh

Trên cơ sở các yếu tố ảnh hưởng đến ĐHNN của sinh viên ngành Luật của Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy, đa số sinh viên sớm có ĐHNN tương lai; các tiêu chí cũng như công việc lựa chọn sau khi tốt nghiệp rất phong phú và có sự khác biệt giữa các nhóm sinh viên khác nhau. Điều này cho thấy, sinh viên ngành Luật đã có những nhận thức nhất định về vai trò của hoạt động ĐHNN và có sự am hiểu về những nghề nghiệp có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa có định hướng cụ thể xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

Các yếu tố đã có những ảnh hưởng nhất định đến ĐHNN của sinh viên ngành Luật tại Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh, trong đó hai yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất hiện nay là: yếu tố bản thân (chiếm tỷ lệ 66%) và yếu tố trường học (chiếm tỷ lệ 63,3%)13. Do đó, nhà trường và gia đình cần có sự quan tâm, phối hợp tốt hơn để định hướng cho sinh viên lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và phù hợp với xu thế thời đại trong tương lai. Đó là:

Thứ nhất, nhà trường kết hợp với các doanh nghiệp tổ chức chương trình hướng nghiệp cho sinh viên.

Thứ hai, thường xuyên cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng cường các môn học có tính chất kỹ năng nghề nghiệp, như: kỹ năng giao tiếp nghề luật, kỹ năng tư vấn, đàm phán, soạn thảo hợp đồng, nghiên cứu hồ sơ… Đối với các môn học có nhiều tính lý thuyết cần phải được gắn với thực tiễn để giúp sinh viên có thể vận dụng kiến thức lý thuyết vào trong thực tiễn công việc.

Thứ ba, tổ chức các lớp ngắn hạn về đào tạo các kỹ năng làm việc cho sinh viên (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng lập kế hoạch mục tiêu,…).

Thứ tư, xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp, thường xuyên cập nhật nhu cầu lao động của thị trường cho sinh viên nắm bắt và tự trang bị thêm cho mình.

Thứ năm, nhà trường khuyến khích đội ngũ giảng viên và cố vấn học tập nên tư vấn cho sinh viên biết môn học mà mình đang giảng dạy hoặc thuộc chuyên môn của mình sẽ giúp ích gì cho công việc cho sinh viên sau khi ra trường, để sinh viên hiểu và hào hứng hơn trong học tập cũng như trong việc xác định công việc sau này của bản thân.

Chú thích:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo cáo tại hội nghị tuyển sinh toàn quốc năm 2018. Hà Nội, 2018.
2. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Báo cáo quý 1/2019. Hà Nội, 2019
3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13. Số liệu tác giả thu thập, tổng hợp và phân tích từ phiếu khảo sát 150 sinh viên ngành Luật tại Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020 và lấy ý kiến chuyên gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thị Phụng Hà. Định hướng giá trị nghề nghiệp của sinh viên Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 34/2014.
2. Phạm Đăng Khoa. Quản lý giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh. Luận án tiến sỹ Trường Đại học Giáo dục. Hà Nội, 2016.
ThS. Hồ Đức Hiệp
Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Ngô Thúy Vy
Sinh viên ngành Luật
, Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh