Hội thảo khoa học: Chuyển đổi số tại các bộ ngành, địa phương – Lý luận và thực tiễn

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 21/9, Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học“Chuyển đổi số tại các bộ ngành, địa phương – Lý luận và thực tiễn” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Khoa, Chủ trì Hội thảo.
TS. Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng khoa Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Khách mời dự Hội thảo, có bà Lê Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn (trực tuyến); PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; ông Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ (trực tuyến); đại diện các cơ quan, ban, ngành: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế (trực tuyến); Bảo hiểm Xã hội Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Nội vụ; Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị cùng đông đảo cán bộ, giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính đã tham dự Hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân nhấn mạnh, sự phát triển vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu sắc vào phát triển kinh tế – xã hội. Do dó, chuyển đổi số là điều tất yếu mà các quốc gia đang hướng tới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số quốc gia đang được thực hiện ở cấp trung ương, các bộ ngành, địa phương một cách đồng bộ, từ xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại chính các bộ, ngành, địa phương đó.

Việc chuyển đổi số thành công tại các bộ ngành, địa phương sẽ góp phần vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Do đó, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý cùng chia sẻ, trao đổi, luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới công cuộc chuyển đổi số tại các bộ ngành, địa phương; đồng thời giúp cán bộ, giảng viên của khoa và Học viện có cái nhìn cụ thể và đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cũng như của các quốc gia trên thế giới hiện nay.

Bà Lê Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn tham luận từ điểm cầu tỉnh Lạng Sơn.

Tham luận tại Hội thảo, bà Lê Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn giới thiệu một số thành tựu về chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn. Những khó khăn, thách thức cùng với xuất phát điểm thấp nên Lạng Sơn xác định, chuyển đổi số là giải pháp đột phá chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và đưa Lạng Sơn phát triển về nhiều lĩnh vực trong chuyển đổi số trên cả nước.

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tham luận tại Hội thảo.

Với nội dung “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học”, PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh nêu ra vấn đề: tại sao giáo dục đại học cần chuyển đổi số và lợi ích của chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay. Ông cũng nêu rõ, để có thể thực hiện chuyển đổi số giáo dục đại học, chúng ta cần: (1) Nâng cao kiến thức kỹ thuật số; (2) Tăng cường lực lượng về công nghệ thông tin và kỹ thuật số; (3) Cần tiến hành khảo sát các công nghệ mới một cách triệt để để từ đó lựa chọn áp dụng vào cuộc sống công nghệ hữu dụng nhất; (4) Tích hợp và khai thác sức mạnh của dữ liệu số; (5) Tự động hóa các quy trình. PGS.TS cũng nhấn mạnh cần cải thiện việc giảng dạy, học tập và quản trị giáo dục nói chung. Chuyển đổi số mở rộng ra ngoài học tập điện tử, tận dụng công nghệ và dữ liệu để cải thiện hoạt động thể chế trên quy mô lớn hơn nhằm mang lại lợi ích cho cuộc sống của giảng viên và sinh viên.

Ông Nguyễn Thanh Thảo, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông tham luận tại Hội thảo.

Chuyển đổi số quốc gia và một vài vấn đề thực tiễn hiện nay tại các bộ, ngành, địa phương” là chủ đề tham luận của ông Nguyễn Thanh Thảo, Cục Chuyển đổi số quốc gia. Theo ông, chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy, nhận thức của người đứng đầu, sau đó là đến công nghệ và việc cải cách thể chế chính là bước cụ thể hóa tư duy, cách làm của người đứng đầu trong thực tiễn ứng dụng? Ông cũng nêu, trong nền kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số chính là loại bỏ bớt các khâu trung gian và tiến đến kết nối trực tiếp giữa các bên và hiệu quả là người tiêu dùng sẽ giảm được các chi phí do không còn các khâu trung gian.

TS. Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

TS. Vũ Đăng Minh nêu tình hình thực tiễn trong công tác quản lý chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ. Việc chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của lãnh đạo, công chức, viên chức nhằm thay đổi phương thức, thói quen làm việc, do đó, để chuyển đổi số thành công cần sự chung sức, đồng lòng, thống nhất của cả đội ngũ, nhất là nhận thức của người đứng đầu.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang đưa Trung tâm điều hành thông minh của Bộ vào hoạt động và cơ bản hoàn thành Trung tâm để tiến tới bảo đảm tích hợp tất cả cơ sở dữ liệu của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ trong năm 2023. Bộ cũng tiến hành số hóa tất cả các dữ liệu thuộc mảng văn thư, lưu trữ. Đã hoàn thiện hệ thống báo cáo định kỳ từ trung ương đến cơ sở trên nền tảng số. Đồng thời, tại Hội thảo, đồng chí cũng đặt ra vấn đề cần trao đổi thêm về việc bảo mật, an toàn thông tin; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong chuyển đổi số của Bộ Nội vụ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đóng góp ý kiến, tham gia thảo luận.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đóng góp ý kiến, tham gia thảo luận.

Hội thảo cũng được nghe một số thảo luận, ý kiến về: chuyển đổi số trong khu vực công; vai trò của dữ liệu mở trong quá trình chuyển đổi số; chuyển đổi số trong công tác văn thư, lưu trữ; kinh nghiệm chuyển đổi số của các quốc gia trên thế giới và tại một số tỉnh, thành phố đi đầu về chuyển đổi số tại Việt Nam; vấn đề an ninh mạng, văn minh mạng… và cách xử lý.

Toàn cảnh Hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân phát biểu tổng kết Hội thảo, trân trọng cảm ơn các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn đã gửi hơn 30 bài tham luận rất giá trị để Ban Tổ chức Hội thảo chọn lựa, biên tập và in Kỷ yếu Hội thảo. Đặc biệt, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham luận, trao đổi rất tâm huyết, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động chuyển đổi số tại một số cơ quan, bộ ngành, địa phương trên cả nước, góp phần để Hội thảo thành công tốt đẹp.

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Thu Hương