Đổi mới, sáng tạo phương thức tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời đại kỹ thuật số

(Quanlynhanuoc.vn) – Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Để đạt hiệu quả tốt nhất, cần phải thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục, bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Ảnh minh họa. Nguồn: baohaugiang.com.vn.
Đặt vấn đề

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn giữ vị trí quan trọng của đời sống xã hội trong công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng quyết tâm thực hiện thắng lợi các quan điểm, mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xác định: “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.”1

PBGDPL được hiểu là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có chủ định nhằm đạt mục đích hình thành ở đối tượng được tác động tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội và nâng cao trình độ văn hoá pháp lý của công dân.

Thuật ngữ “thời đại kỹ thuật số (KTS)” (Digitalage) còn gọi dưới các thuật ngữ khác như: thời đại máy tính, thời đại thông tin hoặc thời đại truyền thông mới… Đây là một giai đoạn trong lịch sử nhân loại với sự chuyển đổi từ ngành công nghiệp truyền thống mà cách mạng công nghiệp đã mang lại thông qua công nghiệp hoá và hướng tới nền kinh tế dựa trên tin học hoá. Thời đại KTS được hình thành bằng cách tận dụng sự tiến bộ của máy tính. Sự tiến triển của công nghệ trong cuộc sống hàng ngày và tổ chức xã hội đã dẫn đến sự hiện đại hoá các quá trình thông tin và truyền thông, trở thành động lực của tiến hoá xã hội.

Thời gian qua, công tác PBGDPL luôn được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện đạt kết quả theo kế hoạch đề ra với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: PBGDPL trực tiếp thông qua các hội nghị, hoạt động ngoài giờ trong trường học; thông qua báo chí, trợ giúp pháp lý, công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; biên soạn tài liệu pháp luật (tờ gấp, tờ rơi), băng rôn, pano, áp phích, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật, hội thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động hòa giải, các phương tiện thông tin đại chúng; văn hóa, văn nghệ. Các hình thức này đã thu hút được một số lượng người nhất định tham gia vào các hoạt động tuyên truyền pháp luật, thông tin pháp lý và giúp các đối tượng được PBGDPL hình thành thói quen, tình cảm đối với pháp luật và có hành vi xử sự phù hợp, có ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại KTS và trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, công tác PBGDPL cần được tăng cường thường xuyên, liên tục, kịp thời, nhanh chóng và ở tầm cao hơn. Do đó, ngày 26/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 471/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 – 2021” với mục tiêu đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người dân.

Để công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần xem xét đến mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, bởi hình thức PBGDPL luôn giữ vai trò hỗ trợ hoặc tác động trở lại đối với kết quả chung của toàn bộ hoạt động PBGDPL. Nếu nội dung PBGDPL phù hợp, thiết thực, dễ hiểu, gần gũi nhưng hình thức tổ chức mờ nhạt, thiếu sáng tạo, xa rời thực tiễn thì tất yếu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả PBGDPL.

Đổi mới phương thức tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật

Để thu hút đông đảo đội ngũ CBCCVC, người lao động, người sử dụng lao động, đoàn viên, hội viên, sinh viên, học sinh và Nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động PBGDPL, cần ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới, sáng tạo hình thức PBGDPL trong thời đại KTS, với các hình thức sau:

Một là, PBGDPL thông qua cổng, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và những tiện ích của các trang mạng xã hội, cổng trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ trung ương đến địa phương đã giúp người dùng dễ dàng tiếp cận, thu hút ngày càng lớn số lượng người tham gia và chia sẻ thông tin, vượt qua trở ngại về không gian, thời gian. Do đó, việc tuyên truyền, PBGDPL trên các trang mạng xã hội, cổng, trang thông tin điện tử là phù hợp, bắt kịp sự phát triển kinh tế – xã hội và sẽ giúp cho người tham gia có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng, dễ dàng để tìm kiếm được những thông tin pháp luật chính xác và giúp cho người truy cập tự nâng cao kiến thức pháp luật, tự điều chỉnh tư duy và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, góp phần trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc sử dụng cổng, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội vừa tăng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vừa giúp giảm bớt một phần kinh phí cho ngân sách nhà nước và góp phần đa dạng hóa, hiện đại hóa hình thức tuyên truyền, PBGDPL.

Với những điều kiện thuận lợi nêu trên, các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ trung ương đến địa phương tăng cường vận dụng, khai thác, sử dụng hiệu quả các tính năng của công nghệ và chuyển hóa các hình thức tuyên truyền trực tiếp, truyền thống như hội nghị, tư vấn pháp luật, phiên tòa giả định, sinh hoạt câu lạc bộ, tờ gấp pháp luật, hội thi,… sang hình thức trực tuyến, được đăng tải kịp thời trên các cổng, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội. Hình thức này sẽ tạo ra một lượng cơ sở dữ liệu khổng lồ về pháp luật trên hệ thống dữ liệu số; giúp các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có nhu cầu tự tìm hiểu để nâng cao kiến thức pháp luật hoặc phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập hoặc giải quyết các vướng mắc về pháp lý. Đồng thời, cần thường xuyên “làm mới” các chuyên trang, chuyên mục; cập nhật các tiện ích; nâng cấp tốc độ truyền tải internet và đòi hỏi đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải có chuyên môn pháp luật vững chắc, có kiến thức công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng.

Hai là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua “sách nói pháp luật”.

“Sách nói pháp luật” là một loại hình mới của sách điện tử, với nhiều đặc tính ưu việt, phù hợp với nhiều người, nhiều đối tượng và hỗ trợ đắc lực cho những người bận rộn, không có nhiều thời gian để đọc sách pháp luật hằng ngày, giờ đây chỉ cần các thiết bị công nghệ như máy vi tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng… có thể sử dụng sách bất kỳ nơi đâu và bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, “sách nói pháp luật” còn phục vụ cho những người cao tuổi, người nội trợ, người bệnh, người khuyết tật (khiếm thị), đặc biệt là đối tượng đặc thù và các đối tượng khác trong và ngoài nước không bị giới hạn bởi không gian, thời gian… Nội dung tuyên truyền, PBGDPL đối với mô hình này rất đa dạng, ngắn ngọn, dễ hiểu, có trọng tâm, có chọn lọc phù hợp với từng đối tượng, giúp cho mọi người có thêm một hình thức mới để tiếp cận những thông tin pháp luật chính xác nhất.

Ngôn ngữ chính thực hiện “sách nói pháp luật” là tiếng Việt; đồng thời có thể sử dụng các tiếng dân tộc khác như tiếng Hoa, tiếng Khơ-me, tiếng Mường, tiếng Thái,… Ngoài ra, có thể giới thiệu các quy định pháp luật bằng tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn,…) cho những người nước ngoài đang làm việc, học tập, công tác tại Việt Nam biết, hiểu và chấp thành nghiêm các quy định pháp luật của Việt Nam, góp phần đưa pháp luật kịp thời vào cuộc sống.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, những tiện ích của công nghệ thông tin, xu hướng phát triển của mạng xã hội ngày càng tăng và thu hút số lượng lớn người tham gia nên việc phát hành, đăng tải “sách nói pháp luật” thông qua các phương tiện như các trang mạng xã hội (facebook, zing Mp3, Zalo, viber,…) cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử là một phương thức sử dụng lâu dài, có hiệu quả và tốc độ truyền tải nội dung đến người nghe rất nhanh.

Ba là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua báo điện tử.

Có thể nói, loại hình báo điện tử là một trong những công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài muốn tìm hiểu pháp luật Việt Nam một cách đầy đủ, dễ dàng, chính xác, có độ tin cậy cao; với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ báo điện tử đã thể hiện được đặc tính ưu việt đó là truyền tin nhanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu được thông tin, tìm hiểu về pháp luật của người dân.

Về nội dung pháp luật giới thiệu trên loại hình này rất đa dạng, nhưng chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, các văn bản pháp luật mới và đặc biệt là các vụ việc xã hội quan tâm. Trong đó, nêu diễn biến chính của vụ việc một cách khách quan, trung thực, lồng ghép việc phân tích, PBGDPL có liên quan, định hướng dư luận xã hội nhằm tạo ra sức mạnh chung lên án, đấu tranh những vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo vệ công lý.

Để các trang báo điện tử ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong hệ thống truyền thông báo chí, cần quan tâm đến việc củng cố đội ngũ phóng viên, biên tập viên viết về pháp luật phải vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có tư cách đạo đức tốt, đồng thời phải có trình độ trong lĩnh vực pháp luật. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan báo chí với cơ quan tư pháp, thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề, các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật ngắn ngày, nhằm nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên viết về pháp luật; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật có sự tham gia của phóng viên báo chí nhằm trao đổi nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm…

Bốn là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các trò chơi.

Hình thức PBGDPL thông qua trò chơi thường được tìm thấy trong chương trình giáo dục, nhất là bậc tiểu học (tổ chức học tập, vui chơi trực tiếp hoặc các phần mềm ứng dụng được đăng tải trên internet) và một số kênh truyền hình thực tế tổ chức các trò chơi có liên quan đến kiến thức pháp luật cho nhiều đối tượng khác nhau cùng tham gia. Hình thức này là sân chơi lành mạnh, bổ ích, cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý và tác động trực tiếp đến người chơi, thúc đẩy tinh thần học tập, rèn luyện tính kiên nhẫn, sự vận động trí não giúp họ nhớ lâu hơn; đồng thời, khẳng định được năng lực của người tham gia và có thể tăng cảm xúc tích cực, sự kết nối giữa các thành viên tham gia trò chơi; từ đó nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật vì mục tiêu phát triển toàn diện con người, giảm thiểu vi phạm pháp luật

PBGDPL thông qua trò chơi là mô hình tuy không mới nhưng chưa được phổ biến, nhân rộng. Nguyên nhân đến từ việc một phần không nhỏ đội ngũ CBCCVC phụ trách công tác PBGDPL các cấp gặp không ít khó khăn khi thực hiện mô hình này trong thực tiễn bởi các yếu tố về thời gian, kinh phí, nhân lực, vật lực và vấn đề lớn là kỹ năng ứng dụng công nghệ, lựa chọn, thiết kế, phát triển những trò chơi phù hợp với từng đối tượng nhằm tạo sân chơi pháp lý, sôi nổi cho đội ngũ CBCCVC, đoàn viên, hội viên và người dân.

Năm là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động sân khấu hóa.

Hoạt động sân khấu hóa các quy định pháp luật được lưu diễn trong các sự kiện văn hóa, văn nghệ hoặc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, phát hành các đĩa DVD cấp phát đến cơ sở, trình chiếu tại bộ phận một cửa, nhà văn hóa, trên các phương tiện công cộng (xe buýt, taxi, tàu hỏa), nhà ga, nhà chờ xe buýt, căn tin tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học, bệnh viện giúp người xem hiểu đúng, hiểu đủ, tự nâng cao kiến thức pháp luật và từ đó thay đổi hành vi phù hợp với pháp luật. Thông qua cuộc thi tìm hiểu pháp luật (trắc nghiệm, vấn đáp, giải quyết tình huống) trực tiếp hoặc trực tuyến và đặc biệt những câu chuyện pháp luật có trong đời sống xã hội, những vấn đề nóng được xã hội quan tâm đều chuyển thể thành các tiểu phẩm, kịch bản phiên tòa giả định góp phần giúp mọi người có cái nhìn khác hơn về pháp luật, không phải là khô khan, khó hiểu mà mọi quy định đều có thể sân khấu hóa.

Để phát triển hình thức này và duy trì lâu dài trong thời gian tới, yêu cầu đội ngũ CBCCVC làm công tác PBGDPL ở các cấp phải luôn đổi mới, sáng tạo; bồi dưỡng một số kỹ năng đạo diễn, viết kịch bản xây dựng tình huống PBGDPL; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; chuyên môn về pháp luật; bổ sung nguồn kinh phí dành cho công tác PBGDPL đáp ứng được nhu cầu đa dạng hóa hình thức phổ biến pháp luật trong thời đại KTS.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 324-325.
Tài liệu tham khảo
1. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp. Các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật. Tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ. Hà Nội, 2008.
2. Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 – 2021”.
3. Chỉ thị số 32/CT/TW ngày 09/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”.
4. Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW”.
5. Bùi Thị Thanh Thủy. Thời đại kỹ thuật số và những yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tin của người dùng tin. Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 3/2018, tr.17-22.
Hà Tấn Đạt
Quận uỷ Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh