(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 28/4/2023, tại Hà Nội, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia (viết tắt là Học viện) chủ trì tọa đàm khoa học: “Nền quản trị quốc gia hiện đại trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Tọa đàm khoa học số 4 trong khuôn khổ chương trình của Đề tài khoa học cấp quốc gia “Xây dựng nền quản trị quốc gia Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả: Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chính sách” (mã số: KX04.05/21-25).
Dự tọa đàm có: GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa Quản lý xã hội, Học viện; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Khoa học liên ngành, Học viện; TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện; TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện; TS. Đoàn Văn Dũng, Trưởng phòng, Văn phòng Học viện; cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên trong và ngoài Học viện. Tọa đàm tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Lương Thanh Cường nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là xu thế tất yếu. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”. Theo đó, đổi mới quản trị quốc gia là một trong những yếu tố rất quan trọng nhằm đổi mới thực chất quản trị hệ thống bộ máy nhà nước, trên quan điểm kiên định đường lối đổi mới; đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tham luận tại tọa đàm, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh chia sẻ các vấn đề tiếp cận học thuật về nội dung quản trị nhà nước, quản trị quốc gia ở Việt Nam và trên thế giới, thể hiện ở 2 xu hướng Mỹ – Anh và châu Âu. Gốc rễ cốt lõi của quản trị quốc gia là huy động sự tham gia của các chủ thể trong cả hệ thống chính trị. Trong đó, nhà nước là chủ thể trọng tâm, gắn với pháp quyền, lấy pháp luật làm công cụ quản lý. Quản trị nhà nước cần thiết lập hệ thống quản lý dựa trên nền tảng pháp luật, có sự đan xen của kỹ thuật quản trị khu vực tư nhân.
Trên cơ sở những công trình khoa học nghiên cứu về quản lý nhà nước, quản trị quốc gia, TS. Nguyễn Thị Hường đặt ra một số nội dung cần làm rõ về đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Qua đó, làm sáng tỏ nội hàm của quản trị quốc gia hiện đại, tiêu chí nhận diện nền quản trị quốc gia theo cách tiếp cận của Việt Nam. Đồng thời, nhấn mạnh cách thức xây dựng hệ thống công cụ quản trị quốc gia cần kết hợp nhiều yếu tố: pháp luật, đạo đức, định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa trong quá trình hoạch định chính sách… Bên cạnh đó, xây dựng những tiêu chí đánh giá quản trị quốc gia phải bảo đảm phù hợp với cơ sở lý luận khoa học và tình hình thực tiễn tại Việt Nam.
GS.TS. Phạm Hồng Thái trao đổi các nội dung: (1) Đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa các công trình nghiên cứu về nhà nước pháp quyền nói chung và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng; (2) Pháp quyền tiếp cận về hình thức và nội dung; (3) Gợi mở nghiên cứu thêm về thuật ngữ quản trị; (4) Các chủ thể tác động đến quản trị và môi trường, thủ tục trong quản trị quốc gia; (5) Thực tiễn quản trị quốc gia, hình thức, phương pháp, áp dụng quản trị ở các nước trên thế giới và gợi ý áp dụng tại Việt Nam. Theo ông, thể chế trong quản trị quốc gia ngoài yếu tố luật pháp còn có các chuẩn mực của những thiết chế khác, như: Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp…
PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện trình bày một số định hướng nội dung nghiên cứu về nguyên tắc pháp quyền trong quản trị quốc gia, trong đó nhấn mạnh pháp quyền là nội dung nguyên tắc của quản trị quốc gia. Tính thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong xu hướng chuyển đổi của pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay đặt ra vai trò của Nhà nước trong quản lý, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Cùng với đó, cần nghiên cứu những cơ chế quản lý hiệu quả trong bối cảnh tác động của nhiều yếu tố, như: kinh tế, văn hóa – xã hội, toàn cầu hóa…
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà đưa ra những cơ sở pháp lý của quản trị quốc gia hiện nay cần có sự tham gia đóng góp của nhiều chủ thể. Mỗi chủ thể có vị trí, vai trò riêng, trong đó nhà nước là chủ thể cơ bản. Mục đích cuối cùng của quản trị quốc gia là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, qua đó cần bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính phục vụ, thượng tôn pháp luật. Đồng thời, làm rõ thêm vấn đề nghiên cứu tổng thể, xác định rõ các yếu tố tác động đến quá trình xây dựng nền quản trị quốc gia gắn với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên, Phó Trưởng khoa Quản lý kinh tế, Học viện và TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện ý kiến tham luận về các nội dung: vai trò của khu vực tư trong quản trị quốc gia; phân định khái niệm phương thức tổ chức nhà nước pháp quyền và phương thức vận hành nền quản trị quốc gia.
Kết luận Tọa đàm, PGS.TS. Lương Thanh Cường cảm ơn những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu tham gia tọa đàm. Đây là những ý kiến rất quan trọng, thiết thực, có tính chất gợi mở để Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu, tổng hợp, định hướng nghiên cứu, hoàn thiện đề tài khoa học. Qua đó, có những tham vấn thiết thực, hiệu quả trong quá trình xây dựng nền quản trị quốc gia Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, khát vọng mục tiêu vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.