Xu hướng thương mại và đầu tư toàn cầu – Một số khuyến nghị cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, thương mại và đầu tư toàn cầu đang có những diễn biến phức tạp. Các thách thức như căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng cao, lạm phát…, đang khiến cho dòng thương mại và đầu tư toàn cầu chưa kịp phục hồi sau Covid-19 thì lại tiếp tục rơi vào những đợt sụt giảm. Trong khi đó, xu hướng xanh hóa thương mại và đầu tư, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đang có những thể hiện rõ nét hơn trong thời gian qua. Điều này sẽ có tác động rất lớn tới hoạt động thương mại và đầu tư ở các khu vực và các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ảnh minh họa (internet).
Về xu hướng thương mại toàn cầu trong năm 2022

Diễn biến chung của thương mại toàn cầu

Thương mại toàn cầu đạt mức kỷ lục 32 nghìn tỷ USD vào năm 2022 (tăng 12,3 % so với mức 28,5 nghìn tỷ USD của năm 2021). Trong đó, thương mại hàng hóa đạt khoảng 25 nghìn tỷ USD (tăng khoảng 10% so với năm 2021), thương mại dịch vụ đạt khoảng 7 nghìn tỷ USD (tăng khoảng 15% so với năm 2021). Các mức tăng trưởng kỷ lục này phần lớn là do sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2022. Ngược lại, tăng trưởng thương mại đã giảm trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là quý cuối cùng của năm 2022. Trong quý 4/2022, giao dịch hàng hóa giảm khoảng 250 tỷ USD so với quý 2/2022, trong khi thương mại dịch vụ hầu như không đổi. UNCTAD dự báo quý 1/2023, thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng khoảng 1%, và thương mại dịch vụ dự kiến tăng khoảng 3%1.

Trong đó, đáng lưu ý là xu hướng xanh hóa dòng thương mại toàn cầu đang có chiều hướng gia tăng dù những diễn biến trái chiều của dòng thương mại chung. Giá trị thương mại quốc tế của hàng hóa môi trường vào năm 2022 đạt 1,9 tỷ đô la, chiếm 10,7% thương mại hàng hóa sản xuất. Nếu lấy tháng 01/2022 làm mốc 100 thì giá trị hàng hóa môi trường ghi nhận tăng tới trên 4% trong năm 2022, tốc độ tăng mạnh nhất được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, đối với các hàng hóa sản xuất khác thì có sự tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm, nhưng 6 tháng cuối năm lại quay đầu giảm, và tính cho cả năm 2022 thì sụt giảm khoảng 0,5%2.

Diễn biến thương mại theo lĩnh vực

Sự suy giảm thương mại của quý 4/2022 đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, trừ một số trường hợp ngoại lệ như: kinh doanh vận tải (tăng 14%) và phương tiện đường bộ (tăng 5%), trong khi thương mại gần như không đổi đối với sản phẩm nông nghiệp (chỉ tăng 1%), dược phẩm (tăng 1%) và thiết bị truyền thông (tăng 2%). So với năm 2021, giá trị thương mại trong năm 2022 giảm ởhầu hết các ngành như: thiết bị truyền thông (giảm 34%), dược phẩm (giảm 16%), may mặc (giảm 17%), thiết bị văn phòng (giảm 18%)…, nhưng lại tăng đáng kể trong lĩnh vực năng lượng (tăng 24%) và phương tiện đường bộ (tăng 7%)3. Giá nhiên liệu cao là nguyên nhân thúc đẩy giá trị thương mại của ngành năng lượng tăng mạnh nhất.

Về xu hướng đầu tư toàn cầu trong năm 2022

Diễn biến chung về đầu tư toàn cầu

Các cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu như: cuộc xung đột ở U-crai-na, giá lương thực và năng lượng tăng, bất ổn tài chính và áp lực nợ nần đã có ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu vào năm 2022. Số dự án đầu tư, bao gồm các dự án đầu tư mới, tài chính dự án quốc tế (IPF) và mua bán, sáp nhập xuyên biên giới (M&A) đều đảo chiều sau quý 1.

Dự án tài chính quốc tế và M&A đặc biệt bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tài chính xấu đi, lãi suất tăng và sự không chắc chắn ngày càng tăng trên thị trường tài chính. M&A xuyên biên giới doanh số thấp hơn 6% trên toàn thế giới và thấp hơn 50% ở Hoa Kỳ – thị trường M&A lớn nhất. Giá trị tài chính dự án quốc tế thấp hơn 30% trong năm 20224. Trong khi đó, dữ liệu sơ bộ về số lượng dự án đầu tư mới vào năm 2022 vẫn cho thấy mức tăng trưởng 6% do đà tiếp tục tăng trong 6 thángđầu năm, và giá trị dự án đầu tư mới tăng đáng kể (+54%) do một số siêu dự án và sự chuyển đổi từ tài chính quốc tế sang tài chính doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo dẫn đến tăng quy mô trung bình của dự án5.

Diễn biến đầu tư theo lĩnh vực, ngành công nghiệp

Sự phân bổ theo ngành của các siêu dự án đầu tư mới được công bố vào năm 2022 minh họa các xu hướng chính trong đầu tư quốc tế. 3 trong số 10 dự án đăng ký lớn nhất liên quan tới các nhà máy sản xuất Chíp điện tử, để đối phó với tình trạng thiếu hụt toàn cầu và xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng. 6 trong số 10 dự án hàng đầu là về năng lượng tái tạo, với 4 dự án ở Ai Cập cho thấy COP27 đã thúc đẩy một số nhà đầu tư công bố các dự án lớn.

Năm 2022, đầu tư mới trong ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh về cả giá trị và số lượng: về giá trị tăng 60%, từ 379 tỷ USD năm 2021 lên 606 tỷ USD năm 2022; về số lượng tăng 15%, từ 9.237 dự án lên 10.660 dự án vào năm 2022. Số lượng dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dịch vụ cao gấp đôi so với ngành sản xuất – chế biến, chế tạo – và cũng ghi nhận sự sụt giảm 10% về số lượng dự án trong năm 2022. Trong số 10 ngành có giá trị đầu tư mới lớn nhất, thì lĩnh vực thông tin liên lạc chiếm tỷ trọng lớn nhất và ghi nhận tăng trưởng ấn tượng về cả số lượng và giá trị (tăng 21% về số dự án và tăng 8% về giá trị)6.

Trong khi số lượng các siêu dự án đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tăng, thì tài chính dự án quốc tế (IPF) trong lĩnh vực này đang bị ảnh hưởng trong những năm gần đây. Số lượng IPF trong năng lượng tái tạo giảm 5% và giá trị giảm 42%7. Kết quả là, tổng đầu tư quốc tế vào lĩnh vực biến đổi khí hậu giảm hơn 9% về giá trị và 6% về số lượng dự án8. Ngược lại, một số dự án lớn trong ngành công nghiệp khai khoáng, than, dầu và khí đốt đã được công bố trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.

Ở các nước đang phát triển, số lượng các dự án trên tất cả các lĩnh vực gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững SDG (bao gồm cơ sở hạ tầng bền vững, an ninh lương thực, nước sạch và vệ sinh môi trường (WASH), và sức khỏe, chỉ tăng 3% trong khi giá trị giảm nhẹ9. Điều này cho thấy sự phục hồi của các lĩnh vực đầu tư SDG vẫn còn rất mong manh sau đợt sụt giảm năm 2020.

Hoạt động M&A xuyên biên giới diễn ra mạnh mẽ nhất ở lĩnh vực dịch vụ, mặc dù có sự sụt giảm về cả giá trị (giảm 7%) và số lượng thương vụ (giảm 9%) so với năm 2021. Về mặt tỷ trọng thì M&A trong lĩnh vực dịch vụ gấp gần 3 lần về giá trị và 4 lần về số lượng thương vụ so với ngành chế biến, chế tạo. Trong 10 ngành ghi nhận giá trị M&A lớn nhất, nổi bật có lĩnh vực thông tin, liên lạc đều ghi nhận giá trị lớn nhất về cả giá trị và số lượng, trong đó năm 2022 đã tăng 17% về giá trị M&A, mặc dù số lượng thương vụ giảm 14% so với năm 202110.

Như vậy, đối với cả hai hình thức đầu tư mới và M&A xuyên biên giới thì dòng vốn đầu tư quốc tế vẫn tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực dịch vụ, với tỷ trọng ngày càng lớn.

Cơ hội và thách thức của thương mại và đầu tư toàn cầu thời gian tới

Bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng, thương mại toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, các điều kiện kinh tế xấu đi, việc dỡ bỏ các chính sách không có Covid-19 và những lo ngại mới về áp lực lạm phát đã dẫn đến tình trạng thương mại chậm lại đáng kể trong quý 4/2022. Trong khi triển vọng kinh tế đã được cải thiện, tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023, với khả năng phục hồi trong 6 tháng cuối năm. Nhìn chung, mặc dù triển vọng thương mại và đầu tư toàn cầu vẫn chưa chắc chắn nhưng những yếu tố tích cực được kỳ vọng sẽ bù đắp cho những tiêu cực.

(1) Các cơ hội của thương mại và đầu tư toàn cầu.

Thứ nhất, cải thiện triển vọng kinh tế tại các nền kinh tế lớn. Chỉ số quản lý mua hàng của Trung Quốc đã tăng hơn 5 điểm phần trăm kể từ tháng 12/202211 cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ đang tăng mạnh mẽ, đồng thời làm giảm bớt lo ngại về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, dự báo tăng trưởng đã được điều chỉnh tăng lên, vì có khả năng các nền kinh tế của Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ tránh được suy thoái kinh tế vào năm 2023.

Thứ hai, giảm chi phí vận chuyển. Các nút thắt hậu cần phần lớn đã được giải quyết và năng lực vận chuyển đã tăng lên trong năm 2022. Chỉ số giá cước vận tải dường như đã trở lại mức trước đại dịch.

Thứ ba, sự suy yếu của đồng đô la Mỹ. Sau khi đạt mức cao trong năm 2022, chỉ số đô la Mỹ đã giảm gần 7% trong khoảng thời gian từ tháng 11/2022 đến tháng 02/202312. Vì hầu hết giao dịch được tính bằng đô la, nên đồng đô la yếu hơn sẽ dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa được giao dịch tăng lên.

Thứ tư, gia tăng nhu cầu toàn cầu về dịch vụ. Thương mại dịch vụ toàn cầu dự kiến sẽ phát triển hơn nữa vào năm 2023, chủ yếu do nhu cầu các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông gia tăng và sự phục hồi hơn nữa trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.

(2) Các thách thức của thương mại và đầu tư toàn cầu.

Một là, ảnh hưởng của cuộc xung đột ở U-crai-na. Cuộc xung đột ở U-crai-na gây áp lực lên giá năng lượng và hàng hóa cơ bản quốc tế. Trong ngắn hạn, do nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm năng lượng và lương thực không co giãn, giá lương thực và năng lượng tăng dẫn đến giá trị thương mại cao hơn và khối lượng thương mại thấp hơn một chút.

Hai là, tiếp tục thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Rủi ro và sự không chắc chắn vẫn còn cao đối với các hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các biện pháp giảm thiểu Covid-19 vẫn tiếp tục tạo ra sự gián đoạn nguồn cung và những bất ổn kinh tế toàn cầu, khiến các khoản đầu tư trở nên rủi ro hơn trong năm 2022. Hơn nữa, các xu hướng dài hạn để rút ngắn chuỗi cung ứng và đa dạng hóa các nhà cung cấp bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường quốc tế, thương mại vào năm 2022.

Ba là, chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn. Các mô hình thương mại dự kiến sẽ phản ánh nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện các chính sách của chính phủ điều chỉnh việc buôn bán các sản phẩm phát thải carbon nhiều. Giá năng lượng cao liên tục cũng có thể dẫn đến sự gia tăng về nhu cầu và thương mại của các sản phẩm cần thiết để hỗ trợ các giải pháp thay thế năng lượng xanh hơn.

Bốn là, lo ngại về tính bền vững của nợ. Với mức nợ toàn cầu kỷ lục, những lo ngại về tính bền vững của nợ tăng lên trong các quý cuối năm do gia tăng áp lực lạm phát và tăng lãi suất liên quan. Việc thắt chặt các điều kiện tài chính làm tăng áp lực đối với các chính phủ mắc nợ nhiều, làm tăng tính dễ bị tổn thương và ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và dòng chảy thương mại quốc tế.

Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Thứ nhất, thúc đẩy chính sách xanh hóa các dòng chảy thương mại. Thúc đẩy thương mại hàng hóa môi trường. Ví dụ như: tấm pin mặt trời, dịch vụ môi trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thương mại xanh thông qua các chính sách khuyến khích, hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận. Tăng cường hợp tác quốc tế để các quốc gia cùng hành động về mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi xanh phải bao gồm xanh hóa các quy tắc thương mại toàn cầu, nếu không các vấn đề khí hậu có thể thay đổi giữa các quốc gia. Tiêu chuẩn cao trong nước có thể bị suy yếu bởi hàng nhập khẩu rẻ hơn được sản xuất theo tiêu chuẩn thấp hơn ở nước ngoài. Tiêu chuẩn cao cũng có thể đẩy các nhà đầu tư và việc làm đến các quốc gia ít đòi hỏi hơn. Có ý kiến cho rằng vì hiện tượng nàyđược gọi là “rò rỉ carbon”, các quốc gia miễn cưỡng thực hiện các cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu.Vì vậy, các quốc gia cần thống nhất các quy tắc tại các diễn đàn đa phương như WTO và thúc đẩy hợp tác môi trường quốc tế và các hiệp định khí hậu đa phương.

Các hiệp định thương mại tự do có thể loại bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan và quy định đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường. Chúng bao gồm hàng hóa được sử dụng để tạo ra năng lượng sạch, như tấm pin mặt trời và tua-bin gió, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải. Các dịch vụ bao gồm nghiên cứu và phát triển và những dịch vụ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.Bên cạnh đó, cần hạn chế trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch có hại cho môi trường và tạo điều kiện dễ dàng hơn để trợ cấp cho năng lượng tái tạo.

Thứ hai, thúc đẩy các chính sách xanh hóa dòng vốn đầu tư. Cùng với thương mại xanh thì đầu tư xanh là rất quan trọng để ứng phó biến đổi khí hậu. Để xanh hóa được dòng vốn đầu tư, Việt Nam cần ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng về chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế – xã hội, chú ý các nhóm ngành có khả năng sinh lợi tốt, hiệu quả, phù hợp với quan điểm chỉ đạo chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Bên cạnh chính sách ưu đãi, Việt Nam cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần ưu tiên thu hút FDI như: công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển, kinh tế xanh… Đặc biệt, cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong thu hút và sử dụng FDI. Các yêu cầu về môi trường và đánh giá tác động về môi trường cần được ưu tiên hàng đầu. Nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án công nghệ cũ, tiêu hao tài nguyên nhiên liệu, và có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Luôn bảo đảm nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá.

Nhìn chung, Việt Nam cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ ba, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Dự báo thời gian tới thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, như căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài, một số nền kinh tế lớn tiếp tục suy giảm tăng trưởng và đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế… Trước bối cảnh đó, Chính phủ định hướng thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19, thúc đẩy tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo dõi chặt chẽ các dịch bệnh khác để chủ động ứng phó các tình huống, kịp thời xử lý hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực quan trọng bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 và tác động bất lợi của thị trường thế giới như: logistics, hàng không, du lịch, dệt may, da giầy, sản xuất và chế biến gỗ…

Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá về phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình hạ tầng chiến lược về giao thông, xã hội, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Chú thích:
1, 2, 3, 11, 12. Global Trade Update (Mar 2023). https://www.unctad.org, truy cập ngày 15/4/2023, p. 2, 1, 6, 3, 3.
4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Global Investment Trends Monitor, No. 44. https://www.unctad.org, Jan 2023, truy cập ngày 15/4/2023, p.1, 2, 5, 5, 3, 3, 5.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
2. World Trade Report 2022. Climate Change and International Trade. https://www.wto.org, access 15 May, 2023.
3. WTO and UNCTAD. Trade growth to slow sharply in 2023 as global economy faces strong headwinds. https://wto.org, 5 Oct, 2022.
ThS. Nguyễn Thị Thanh
ThS. Lê Quốc Cường
Trường Đại học Thương mại