Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở các nhà trường Công an nhân dân

ThS. Trần Thị Hạnh
Học viện Chính trị Công an nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Các học viện, trường đại học Công an nhân dân là những trung tâm đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học của Bộ Công an. Trước tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế cũng như yêu cầu nhiệm vụ mới, các học viện, trường đại học Công an nhân dân xác định việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên chất lượng cao là đòi hỏi cấp thiết, bởi đây là nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ Công an nhân dân trong tình hình mới.

Từ khóa: Đội ngũ giảng viên; đào tạo; bồi dưỡng; nhà trường Công an nhân dân.

1. Đặt vấn đề

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới về giáo dục, đào tạo, đồng thời, là một trong ba đột phá chiến lược là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”1. Đội ngũ giảng viên ở các học viện, trường đại học Công an luôn được xem là lực lượng cốt cán quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Vì vậy, Bộ Công an luôn quan tâm phát triển, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Trong tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp về các loại tội phạm, để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự hiện nay, việc nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là đối với các giảng viên trong các nhà trường Công an nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là cấp thiết.

2. Những kết quả đạt được về nâng cao trình độ, chuyên môn đối với giảng viên ở các nhà trường Công an nhân dân 

Nhận thức rõ tầm quan trọng về vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên đối với công tác giáo dục, đào tạo, đảng ủy, ban giám đốc (ban giám hiệu) các học viện, trường đại học Công an nhân dân đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, trong đó chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quán triệt và vận dụng tốt phương châm đề ra, cấp ủy, chỉ huy các cấp và cơ quan chức năng đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên thường xuyên, toàn diện trên tất cả các mặt, với các hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng và đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Trong đó, thực hiện công tác quy hoạch tạo nguồn, luân chuyển bảo đảm giảng viên có trình độ học vấn và kinh nghiệm thực tế phong phú, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở các học viện, nhà trường ngoài Bộ Công an. Đến nay, các trường Công an nhân dân có tổng số hơn 3.250 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có hơn 700 tiến sĩ và gần 2.100 thạc sĩ; có 21 nhà giáo nhân dân, 165 nhà giáo ưu tú; 13 giáo sư, 136 phó giáo sư và hơn 830 nhà giáo có chức danh cao cấp2.

Chất lượng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên ngày được nâng lên, ứng dụng và đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phục vụ công tác giảng dạy của giảng viên. Điển hình, như: Đại học Hậu cần – Kỹ thuật Công an nhân dân đã trang bị được 30 phòng thực hành, chấm thi và nhiều phần mềm phục vụ công tác giảng dạy; 1 phòng hội thảo; 1 hệ thống camera giám sát phòng học; 70 máy tính xách tay phục vụ giảng dạy giáo án điện tử3.

Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực trong lực lượng Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu công tác trong từng giai đoạn. Ban hành các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn với đội ngũ giảng viên các trường Công an nhân dân giúp các trường có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời các giảng viên có hướng phấn đấu, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực cho bản thân. 

Ngoài ra, chỉ đạo, phê duyệt những vấn đề quan trọng khác nhằm bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân; áp dụng các chế độ, chính sách động viên đối với đội ngũ giảng viên; đẩy mạnh chủ trương hợp tác quốc tế trong công tác giáo dục, đào tạo và xây dựng đội ngũ giảng viên ở các nhà trường Công an nhân dân. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nâng chất lượng đội ngũ giảng viên trong các trường Công an nhân dân còn một số hạn chế, tồn tại, bất cập như: (1) Việc triển khai, hệ thống hóa các văn bản, quy định về chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ giảng viên; (2) Công tác hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo nói chung và xây dựng đội ngũ giảng viên; (3) Tiêu chí, tiêu chuẩn đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân chưa được cụ thể; (4) Công tác phối hợp lực lượng, tổ chức giữa các trường, cơ quan chức năng trực thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương, các trung tâm nghiên cứu của Bộ Công an còn một số bất cập; (5) Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất một số trường còn hạn chế trước sự phát triển của khoa học, công nghệ,…

3. Kinh nghiệm của các nhà trường Công an nhân dân về nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên 

Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân đến năm 2030 đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, trong đó với mục tiêu “Xây dựng đội ngũ cán bộ Công an nhân dân vững mạnh, toàn diện, bảo đảm số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đến năm 2030 có trên 70% cán bộ có trình độ đại học Công an và trung cấp lý luận chính trị trở lên”4. Trong đó, xác định việc cần hoàn thiện hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân. Tập trung các nguồn lực đầu tư cho các học viện, trường đại học, trung cấp Công an nhân dân đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí của cấp có thẩm quyền. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí và đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân. Đồng thời, hoàn thiện ngành nghề, nội dung, chương trình và phương thức tổ chức đào tạo trong các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an. 

Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công ancần phải:

Một là, xây dựng và hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý và ban hành chiến lược tổng thể về nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân. 

Cơ sở chính trị, pháp lý và những văn bản chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, quy định của Bộ Công an về các vấn đề có liên quan đến đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo của lực lượng Công an nhân dân; về quy hoạch các học viện, trường đại học Công an nhân dân; các quy định về chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ giảng viên; về công tác hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo nói chung và xây dựng đội ngũ giảng viên; về tiêu chí, tiêu chuẩn đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân cần xây dựng cụ thể, chặt chẽ, sát với yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong tình hình mới. Thông qua đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, các học viện, trường đại học Công an nhân dân và bản thân mỗi giảng viên tiến hành cụ thể hóa và tổ chức triển khai trong thực tiễn nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Để việc xây dựng đội ngũ giảng viên các học viện, trường Công an nhân dân được thống nhất và phù hợp với tổng thể chung của công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân, công tác giáo dục, đào tạo của ngành Công an trong từng giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm thì cần xây dựng và ban hành chiến lược tổng thể của Bộ Công an về công tác này. Chiến lược tổng thể sẽ đưa ra những định hướng chung về mục tiêu, lộ trình và những nội dung trọng tâm trong quá trình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân. Theo đó, chiến lược tổng thể cần được xây dựng trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên của các trường Công an nhân dân nói chung và của các học viện, trường đại học Công an nhân dân nói riêng; căn cứ vào định hướng, quy mô đào tạo của mỗi trường và định hướng phát triển công tác giáo dục, đào tạo của ngành Công an,… 

Trong chiến lược tổng thể về xây dựng đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân cần xác định rõ mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, quan điểm, lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân, bảo đảm đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác đặt ra trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Căn cứ vào chiến lược tổng thể về xây dựng đội ngũ giảng viên của các học viện, trường đại học Công an nhân dân cũng như các cơ sở chính trị, pháp lý được ban hành, các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là các học viện, trường đại học Công an nhân dân cần cụ thể hóa và chủ động tham mưu, phối hợp thực hiện nội dung nhiệm vụ được phân công. 

Đối với mỗi học viện, trường đại học Công an nhân dân, cần chủ động xây dựng và ban hành chiến lược xây dựng đội ngũ giảng viên của trường căn cứ vào tình hình thực tiễn và định hướng phát triển, đặt ra các mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, phân công nhiệm vụ cho các tổ chức, lực lượng để thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. 

Hai là, chú trọng phối hợp giữa các lực lượng, tổ chức.

Mục tiêu đặt ra đối với đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân llà xây dựng được một đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp và không ngừng nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo trong từng giai đoạn và mang tính bền vững, ổn định. Do đó, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên không chỉ là nội dung phấn đấu của mỗi giảng viên và các khoa chủ quản mà còn có liên quan đến công tác của các phòng, viện, trung tâm thuộc các học viện, trường đại học Công an nhân dân. 

Trong quá trình xây dựng đội ngũ giảng viên, các học viện, trường đại học Công an nhân dân cần tăng cường quan hệ phối hợp với các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương nhằm kịp thời tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch tổng thể và cụ thể trên các lĩnh vực khác nhau liên quan đến công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên. Đồng thời, cần đầu tư kinh phí cho chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo cho hợp lý; đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo và xây dựng đội ngũ giảng viên; phối hợp với công an các đơn vị, địa phương khác trong tổ chức cho giảng viên đi thực tế nhằm trau dồi kiến thức chuyên môn, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. 

Ba là, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giảng viên ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân.

Nguồn kinh phí, phương tiện được đầu tư không chỉ góp phần xây dựng và nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc và công tác của đội ngũ giảng viên mà còn góp phần tạo điều kiện triển khai các hoạt động nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Thực tiễn cho thấy, giai đoạn từ năm 2014 – 2020, nhờ việc triển khai thực hiện Đề án số 1229, trong đó Chính phủ và Bộ Công an đã ưu tiên nguồn kinh phí dành cho việc xây dựng đội ngũ giảng viên của các trường Công an nhân dân đã có nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức ở cả trong và ngoài nước, qua đó tạo chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân. 

Ngoài ra, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy của đội ngũ giảng viên nhằm tăng cường, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường làm việc đáp ứng với yêu cầu giáo dục, đào tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra hiện nay.

Hiện nay, muốn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân cần có các chính sách đãi ngộ xứng đáng về cả vật chất và tinh thần. Theo đó, các nhà trường cần chủ động nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các quy định của Nhà nước, ngành Công an để có giải pháp phù hợp động viên, khuyến khích, thu hút đội ngũ giảng viên. Đồng thời, cần vận dụng tối đa chế độ, chính sách theo quy định trong sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, sắp xếp, kéo dài năm phục vụ tại ngũ đối với những giảng viên có năng lực, có nguyện vọng tiếp tục phục vụ khi đến thời hạn nghỉ chế độ hưu trí. 

Quan tâm thực hiện chính sách về nhà ở, ưu tiên bảo đảm về phương tiện, vật tư, trang thiết bị, nơi làm việc, sinh hoạt và chính sách hậu phương Công an nhân dân; cung cấp tài liệu, thông tin cập nhật, tổ chức khảo sát thâm nhập thực tế, mở rộng giao lưu, trao đổi khoa học, kinh nghiệm giảng dạy, năng lực tham gia nghiên cứu khoa học, tham quan… và tạo môi trường tốt cho giảng viên thăng tiến và phát triển.

4. Kết luận

Đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân có vai trò hết sức quan trọng và cần thiết, là nhân tố quyết định đến chất lượng đào tào, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên Công an nhân dân. Nâng cao chất lượng đội ngũ này cần xây dựng và hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý và ban hành chiến lược tổng thể về nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân; chú trọng phối hợp giữa các lực lượng, tổ chức; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giảng viên ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân. 

Với quyết tâm chính trị của đảng ủy, ban giám đốc, ban giám hiệu ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân và sự đoàn kết, đồng lòng, tinh thần xung kích của đội ngũ giảng viên, các học viện, trường đại học Công an nhân dân tiếp tục có nhiều chủ trương, biện pháp phù để phát huy các thế mạnh, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ cán bộ, giảng viên ở các học viện, trường đại học Công an nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công an và đất nước.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 115.
2, 3. Tác giả tổng hợp số liệu từ Cục Đào tạo, Bộ Công an cung cấp năm 2023 (thực hiện từ tháng 6/2024).
4. Bộ Công an (2023). Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân đến năm 2030 đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Hà Nội.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thư Anh (2023). Hợp tác quốc tế trong đào tạo, bổi dưỡng lực lượng công an nhân dân. Tạp chí Quản lý nhà nước số 327 (tháng 4/2023).
2. Bộ Công an (2023). Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân đến năm 2030 đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, tổ chức tại Hà Nội, ngày 04/4/2023.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các học viện, trường quân đội. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/12/19/nang-cao-chat-luong-giao-duc-dao-tao-nghien-cuu-khoa-hoc-cho-doi-ngu-giang-vien-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-o-cac-hoc-vien-truong-quan-doi/