Nâng cao chất lượng thực hành, thực tập của học viên các nhà trường quân đội trong tình hình mới

Trung tá, TS. Lã Trọng Đại
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hành, thực tập là những hình thức dạy học cơ bản ở các nhà trường quân đội để học viên kiểm nghiệm và vận dụng những kiến thức đã được học vào thực tiễn, qua đó củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi ra trường. Trước yêu cầu ngày càng cao đối với công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là để thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, việc nâng cao chất lượng thực hành, thực tập của học viên càng trở nên đặc biệt quan trọng. Bài viết tập trung làm rõ vị trí, vai trò và những giải pháp nâng cao chất lượng thực hành, thực tập của học viên các nhà trường quân đội trong tình hình mới hiện nay.

Từ khóa: Thực hành, thực tập, học viên, nhà trường quân đội.

1. Thực hành, thực tập là những hình thức dạy học cơ bản góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường

Tính tất yếu của hình thức tổ chức dạy học thực hành, thực tập xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành. Theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn vừa là nhận thức luận, vừa là phương pháp luận khoa học. Lý luận chỉ trở thành khoa học khi xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm cơ sở, mục đích, động lực để phát triển, làm tiêu chuẩn để kiểm tra tính đúng đắn. Đồng thời, hoạt động thực tiễn chỉ đạt được mục đích khi được lý luận khoa học soi đường.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”1. Trên cơ sở đó, Đảng ta đã xác định phương châm, nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”2. Xa rời phương châm, nguyên tắc này thì tất yếu sẽ không bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Thực hành, thực tập tại đơn vị cơ sở là một nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo của các nhà trường quân đội; là khâu bắt buộc để thực hiện nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn; là điều kiện để học viên vận dụng những kiến thức đã được trang bị trong nhà trường vào thực tiễn hoạt động tại đơn vị cơ sở. Thông qua thực hành, thực tập mà bổ sung và làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của học viên, hình thành ở họ khả năng củng cố, khơi sâu trong việc thu nhận kiến thức, cách sử dụng những kiến thức khoa học đã học vào giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn. Kết quả thực hành, thực tập là một trong những cơ sở quan trọng để nhà trường đánh giá chính xác năng lực, phẩm chất của mỗi học viên.

Thông qua tổ chức cho học viên đi thực tập, các đơn vị sẽ cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn phong phú về huấn luyện và giáo dục để bổ sung cho quá trình dạy học trong các nhà trường. Tri thức khoa học trong nhà trường vừa là sản phẩm được đúc kết, khái quát từ thực tiễn, vừa có vai trò dự báo, soi đường cho hoạt động thực tiễn của đơn vị. Song do tính năng động của thực tiễn nên nếu không được kịp thời bổ sung, cập nhật, các tri thức được giảng dạy trong nhà trường sẽ đối mặt với nguy cơ bị lạc hậu, không thể phát huy vai trò trong chỉ đạo và soi đường cho thực tiễn. Thông qua quá trình thực hành, thực tập của học viên, các nhà trường sẽ được cung cấp cơ sở thực tiễn quan trọng để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học, bảo đảm có thể rút ngắn đến mức tối đa khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, giữa nhà trường và đơn vị.

Thực hành, thực tập vừa là sự vận dụng kiến thức để xử lý các nhiệm vụ cụ thể đặt ra, vừa là quá trình tự khám phá để hình thành kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động cho mỗi học viên; giúp cho việc hình thành kỹ xảo, kỹ năng ở học viên một cách nhanh chóng, vững chắc, tạo được năng lực hoạt động thực tiễn và hạn chế được sự vận dụng lý luận một cách máy móc; củng cố kiến thức đã học, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện các thao tác chuyên môn kỹ thuật, kích thích tính năng động tích cực của họ trong quá trình dạy học.

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” theo Chỉ lệnh số 971/CT-TM ngày 04/12/2020 của Tổng tham mưu trưởng về công tác quân sự, quốc phòng năm 2021, việc nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó có nâng cao chất lượng thực hành, thực tập của học viên các nhà trường quân đội đang là một đòi hỏi rất cấp thiết.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng, công tác giáo dục, đào tạo của các nhà trường quân đội cần phải có sự đổi mới cho phù hợp. Học viên sau khi tốt nghiệp phải có khả năng thích ứng nhanh, làm việc hiệu quả, giảm thiểu tối đa “độ trễ” trong việc ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị vào thực tiễn. Việc nâng cao chất lượng thực hành, thực tập của học viên cần phải được coi là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Thực hành, thực tập càng hiệu quả, học viên sau khi ra trường càng có khả năng thích ứng nhanh với thực tiễn hoạt động của đơn vị, càng bảo đảm cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả, chất lượng.

2. Giải pháp nâng cao chất lượng thực hành, thực tập của học viên các nhà trường quân đội trong tình hình mới

Một là, thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm của các lực lượng trong tổ chức thực hành, thực tập của học viên.

Thực tiễn cho thấy, những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hành, thực tập của học viên các nhà trường quân đội thời gian qua chủ yếu xuất phát từ sự thiếu thống nhất trong nhận thức của các chủ thể, lực lượng về tầm quan trọng và tính cấp thiết của hình thức học tập này; chưa ý thức rõ về yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao khả năng gắn kết lý luận với thực tiễn, phát huy tính độc lập sáng tạo của người học; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong tiến hành các khâu, các bước tổ chức thực hành, thực tập của học viên.

Để thực hiện tốt giải pháp này, trước hết đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội phải đẩy mạnh việc học tập, nghiên cứu, quán triệt, đường lối, quan điểm của Đảng về công tác giáo dục, đào tạo, về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Để xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nhà trường quân đội sẽ phải có sự điều chỉnh phương châm, nguyên tắc giáo dục, đào tạo theo hướng tăng cường hơn nữa các hình thức thực tập, thực hành; rèn luyện cho học viên khả năng thực hiện các nhiệm vụ một cách thuần thục, nhuẩn nhuyễn, nhanh chóng ngay khi ra trường, giảm bớt thời gian “bỡ ngỡ” khi rời nhà trường ra đơn vị. Do đó, mọi chủ thể, lực lượng trong các nhà trường cần phải ý thức rõ ràng, đầy đủ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng thực hành, thực tập của học viên; ý thức rõ trách nhiệm của bản thân; tích cực tham gia vào các khâu, các bước nhằm nâng cao chất lượng của hình thức học tập này, đồng thời triệt để khắc phục nhận thức sai lệch cho rằng đây chỉ là hình thức phụ, không quan trọng.

Hai là, chuẩn hóa và thực hiện nghiêm túc quy trình thực hành, thực tập của học viên.

Trước hết, các nhà trường quân đội cần quan tâm chuẩn hóa quy trình tổ chức cho học viên thực hành, thực tập. Thực chất, đây là tổng thể việc nghiên cứu, sắp xếp các khâu, các bước khác nhau để quá trình thực hành, thực tập của học viên được thực hiện một cách thuận lợi, giảm thiểu tốn kém thời gian, công sức và đạt được hiệu quả mong muốn. Để chuẩn hóa được quy trình, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các cơ quan, đơn vị cả trước, trong và sau khi học viên đi thực tập. Trước khi học viên đi thực tập tại đơn vị, nhà trường phải phối hợp với các đơn vị để xây dựng kế hoạch khoa học, chi tiết, cụ thể. Kế hoạch thực tập cần được xây dựng sớm, thông báo đến đầu mối các đơn vị học viên đến thực tập. Nội dung thực tập phải được bố trí hợp lý; yêu cầu kế hoạch phải bám sát mục tiêu đào tạo, thực tiễn hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị.

Thực tế những năm qua cho thấy, một số nhà trường do công tác phối hợp xây dựng kế hoạch chưa chặt chẽ nên nhiều học viên chưa thực sự tham gia vào việc thực hành các công việc tại đơn vị trong quá trình thực tập, làm giảm hiệu quả học tập, tích lũy kinh nghiệm. Trong quá trình học viên thực hành, thực tập, cần phải xây dựng quy trình hợp lý để có thể thường xuyên kiểm tra, kiểm soát học viên, kịp thời điều chỉnh những thiếu sót, lệch lạc, tránh tình trạng buông lỏng. Sau khi thực tập, cần phải tiến hành đầy đủ các bước thu hoạch, đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm đối với cả học viên và cả phía nhà trường, đơn vị.

Ba là, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường với đơn vị trong quá trình thực hành, thực tập của học viên.

Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với đơn vị là một yêu cầu có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng thực tập của học viên; do vậy, phải được tiến hành có kế hoạch và tổ chức chặt chẽ. Trong đó, về phía nhà trường, trước hết cần phải chú trọng phát huy tốt vai trò các cơ quan, khoa giáo viên, cán bộ quản lý học viên của nhà trường trong tổ chức, quản lý hoạt động thực tập của
 học viên.

Các cơ quan với chức năng làm công tác tham mưu cho đảng uỷ, chỉ huy nhà trường, trong đó cơ quan Đào tạo là trung tâm điều hành huấn luyện, kết nối hoạt động giáo dục, huấn luyện giữa nhà trường với đơn vị. Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch thực tập, tiêu chí đánh giá chất lượng thực tập; nắm tình hình các đơn vị cơ sở, lựa chọn đơn vị có điều kiện, môi trường thuận lợi để bố trí học viên đến thực tập.

Đối với các khoa chuyên ngành, cần thường xuyên nắm vững kế hoạch thực tập cuối khoá, chủ động phối hợp với cơ quan đào tạo, đơn vị quản lý hướng dẫn học viên xây dựng kế hoạch thực tập, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng quan sát, tổ chức, kinh nghiệm thực tế và những yêu cầu cần phải đạt được của nhiệm vụ thực tập. Phân công giảng viên có kinh nghiệm tham gia bồi dưỡng thực tập và thường xuyên giữ mối liên hệ với các đơn vị có học viên đến thực tập; cùng các hệ quản lý học viên kiểm tra, nắm tình hình thực tập, phối hợp với đơn vị định hướng cho học viên trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ tại đơn vị làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả thực tập tại đơn vị và chấm bài thu hoạch thực tập.

Kịp thời khắc phục các biểu hiện tự ti, thiếu chủ động, tích cực của học viên trong quá trình thực tập, mặt khác tiếp thu ý kiến của các đơn vị để có những điều chỉnh, bổ sung về nội dung, phương pháp giáo dục góp phần tăng cường mối quan hệ người dạy – người học, giữa lý luận và thực tiễn, gắn kết nhà trường với đơn vị.

Đối với các đơn vị cơ sở, cần xác định rõ đơn vị là cầu nối với nhà trường, nơi kiểm định tri thức, rèn luyện cán bộ, thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo chỉ huy đơn vị đối với công tác giáo dục, đào tạo. Đón nhận học viên đến thực tập là một nhiệm vụ, nội dung huấn luyện của đơn vị cơ sở. Điều 68, Điều lệ công tác nhà trường Quân đội quy định: “Các đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ; tiếp nhận nhà giáo, cán bộ quản lý và học viên các trường đi thực tế, thực tập tại đơn vị; tham gia ý kiến và giúp đỡ các trường nâng cao chất lượng đào tạo”3. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp với nhà trường để giúp đỡ học viên trong quá trình thực tập, bảo đảm cho học viên có cơ hội, điều kiện để thể nghiệm tri thức đã được trang bị trong nhà trường vào thực tiễn, nâng cao tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sau khi ra trường.

Bốn là, nâng cao tính tích cực, tự giác của học viên trong thực hành, thực tập.

Đây là giải pháp cơ bản nhằm huy động tối đa khả năng, năng lực, phẩm chất của học viên, qua đó bảo đảm chất lượng thực hành, thực tập. Trong chương trình học tập, thời gian thực tập thường có hạn, do đó yêu cầu đặt ra đối với học viên là phải rất tích cực, tự giác, vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng đã được học vào trải nghiệm thực hiện chức trách gắn với thực tế hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của một đơn vị.

Học viên đi thực tập, dưới sự quản lý lãnh đạo chỉ huy đơn vị, xa sự quản lý của nhà trường, thời gian thực tập ngắn, đơn vị mới lạ, do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, người học viên không chỉ nhận thức, xác định đúng nhiệm vụ mà phải nêu cao trách nhiệm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tiền phong, gương mẫu; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, thách thức: từ công tác chuẩn bị thực tập, thực hành chức trách cho đến kết thúc nhiệm vụ thực tập. Trong đó, trước khi đi thực tập, học viên phải chủ động chuẩn bị về kiến thức, nội dung thực tập, kỹ năng tổng hợp, nắm bắt tình hình, trao đổi, tích luỹ kinh nghiệm; chủ động nắm trước tình hình nhiệm vụ đơn vị đến thực tập.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thực tập tại đơn vị phải tuân thủ đúng kế hoạch đã được phê duyệt; xác định rõ nhiệm vụ, chức trách, cương vị thực tập, nêu cao trách nhiệm với đơn vị – nhà trường, đoàn kết kỷ luật nghiêm, không ngại khó, tích cực học hỏi, bám nắm đơn vị. Kết thúc thời gian thực tập, học viên phải chủ động kiện toàn nội dung, thủ tục, hồ sơ thực tập, báo cáo lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nhận xét đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ thực tập, kết thúc nhiệm vụ thực tập về trường theo đúng kế hoạch, bảo đảm thời gian và an toàn. Mỗi khâu, mỗi bước của quá trình thực tập, học viên đều cần phải vừa bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của nhà trường, đơn vị, vừa phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, sáng tạo, qua đó mới có thể thực sự thu về được cho mình những bài học bổ ích, phục vụ cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao sau khi ra trường.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 95.
2. Quốc hội (2019). Luật Giáo năm 2019.
3. Bộ Quốc phòng (2000). Điều lệ công tác nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam. H. NXB Quân đội nhân dân, tr. 31.