Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế ở tỉnh Ninh Bình 

ThS. Đinh Thị Thu Hương
Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình

(Quanlynhanuoc.vn) – Xác định được tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, Ninh Bình đã thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương, đồng thời ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng yêu cầu hội nhập, mang lại cơ hội phát triển đối với doanh nghiệp nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa để các ngành kinh tế trong tỉnh tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Từ khóa: Ninh Bình; hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao hiệu quả.

1Đặt vấn đề

Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình gắn kết, giao lưu, hợp tác giữa nền kinh tế quốc gia vào nền kinh tế quốc gia khác hay tổ chức kinh tế khu vực và toàn cầu. Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những xu thế lớn và tất yếu trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới. Ngay từ những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã hướng đến xây dựng nền kinh tế mở theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một hướng đi đúng đắn, sáng suốt, định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển. Thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống Nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tỉnh Ninh Bình nằm ở phía Nam khu vực Đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên là 1411,78 km2gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, với 143 xã, phường, thị trấn, với dân số 1.010.751 người1. Trong nửa nhiệm kỳ đầu thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, tình hình quốc tế khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng dự báo… đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống sinh hoạt của Nhân dân và quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trước tình hình đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực, hiệu quả, tạo ra những chuyển biến tích cực ở các lĩnh vực xuất khẩu, thu hút đầu tư… mang lại cơ hội phát triển đối với doanh nghiệp nói riêng và kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung.

2. Thực trạng thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế ở tỉnh Ninh Bình

Một là, công tác thông tin tuyên truyền.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; phổ biến các cam kết khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do… trong toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Trong đó, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung phổ biến cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, như:Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… đến các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội và người dân dưới nhiều hình thức. 

Phối hợp tổ chức nhiều hội nghị trực tiếp và trực tuyến về xuất xứ hàng hóa, các cam kết về thuế quan, lộ trình mở cửa thị trường thuận lợi hóa thương mại… Hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tra cứu thông tin trực tuyến về các Hiệp định thương mại tự do từ Cổng thông tin FTA (FTAP) của Bộ Công Thương; cung cấp các video clip ngắn về các nội dung chính của các Hiệp định CPTPP và EVFTA… Xây dựng cơ sở dữ liệu về các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký; thực hiện tốt việc cung cấp thông tin về tình hình thị trường, việc áp dụng các rào cản thuế và phi thuế quan trong thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tra cứu thông tin về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi và chủ động ứng phó với rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu.

Chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành in ấn cung cấp tài liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, như: danh mục dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư tỉnh Ninh Bình; các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, tiềm năng thế mạnh của tỉnh; ấn phẩm “Cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình cơ hội đầu tư và phát triển bền vững”; bộ ấn phẩm giới thiệu Quy hoạch chi tiết 10 Cụm Công nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng tiếng Việt và tiếng Anh để quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh đến các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ các nước đã ký FTA đa phương và song phương với Việt Nam.

Hai là, xây dựng các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính.

Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ban hành các văn bản mới, rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, thống nhất, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế tại địa phương. Chất lượng công tác xâydựng văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên giúp hệ thống pháp luật minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước trong triển khai thực hiện. Trong năm 2022, Ninh Bình đã thẩm định 93 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã tiến hành rà soát, tự kiểm tra 129 văn bản quy phạm pháp luật2 do Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và thực hiện theo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ – thông tin trong công tác quản lý điều hành được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chínhthuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã gắn với triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã công khai bộ thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử và trên Cơ sở dữ liệu quốc gia bảo đảm đầy đủ, dễ tra cứu. Hiện nay, việc thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu tiến hành 24/24 giờ qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, cấp điện tử C/O qua hệ thống eCoSys, triển khai hệ thống Dịch vụ thuế điện tử và áp dụng hóa đơn điện tử cho tổ chức và cá nhân nộp thuế.

Công tác xúc tiến thu hút đầu tư tiếp tục được đổi mới. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư tiềm năng, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan ở các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, nông nghiệp công nghệ cao… Đồng thời, tích cực vận động, thu hút và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Nếu như năm 2007 (thời điểm Việt Nam gia nhập WTO), toàn tỉnh chỉ có 12 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 607 triệu USD thì đến nay, Ninh Bình có 93 dự án FDI đang hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.578,82 triệu USD3

Ba là, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Các cấp chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI); ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 13/7/2022 thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương tỉnh Ninh Bình năm 2022, kết quả đánhgiá chỉ số DDCI tỉnh Ninh Bình là cơ sở quan trọng để lãnh đạo tỉnh xác định rõ điểm nghẽn trong việc chỉ đạo, điều hành tại các sở, ngành địa phương, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh và hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng. 

Nhằm hỗ trợ, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn, như: hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các gian hàng miễn phí trên các nền tảng Thương mại điện tử Việt Nam như sendo, tiki, lazada…; xây dựng và phát triển gian hàng trên sàn thương mại điện tử quốc tế Alibaba; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tham gia chương trình xúc tiến bán hàng trên nền tảng ECVN do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hợp tác với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thực hiện; đồng thời tăng cường cung cấp thông tin thị trường, quảng bá, giới thiệu mặt hàng tiềm năng của tỉnh, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của tỉnh tiếp tục có tăng trưởng khá, ước đạt trên 3.180,2 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm trước, đạt 97,9%4. Đến nay, nhiều sản phẩm của tỉnh, như: linh kiện điện tử, xi măng – clinker, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ, giày dép, quần áo… đã được xuất khẩu sang thị trường trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là các thị trường đã ký FTA với Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã nâng cao được năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, tỉnh đã tập trung hỗ trợ việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng đổi mới công nghệ vào phát triển sản xuất, xây dựng và hoàn thiện nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đến nay, Ninh Bình đã nộp 236 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 120 đơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ5. Ngoài ra, Ninh Bình còn thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, cung ứng lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu thịtrường lao động. Năm 2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo 14.245 lượt người, giải quyết việc làm cho16.340 người (xuất khẩu lao động 1212 người)6.

Bốn là, phát triển nông nghiệp nông thôn.

Tỉnh đã tập trung cho việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật xây dựng và hoàn thiện nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, đã lựa chọn phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, áp dụng các biện pháp canh tác, nuôi trồng, thu hoạch tiên tiến gắn với thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chế biến của tỉnh, như: vải, dứa, măng, dưa chuột… đã được xuất khẩu sang thị trường các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Các địa phương trong tỉnh cũng đã ưu tiên lựa chọn phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, tiếp nhận và chuyển giao cho nông dân những tiến bộ khoa học – kỹ thuật và các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến hàng nông sản xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam (EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Đồng thời, tập trung triển khai các biện pháp canh tác tiên tiến, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; chuyển đổi tập quán sản xuất nông nghiệp thủ công, phụ thuộc vào thời tiết sang sử dụng nhà lưới, nhà kính; ứng dụng công nghệ tưới và bón phân tự động tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp… Hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm OCOP. Tính đến nay, toàn tỉnh có 54 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 39 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 15 sản phẩm đạt hạng 3 sao7.

Năm là, tăng cường quảng bá tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch.

Ninh Bình quan tâm chỉ đạo thực hiện hoạt động xúc tiến, như: xây dựng các gian hàng quảng bá du lịch tại các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; mời đại biểu là các phóng viên báo chí, các công ty lữ hành trong nước và quốc tế đến khảo sát các tuyến, điểm du lịch, viết bài, quay phim và xây dựng tour du lịch về Ninh Bình nhằm giới thiệu cho khách du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là các khu du lịch trọng điểm.

Trên địa bàn tỉnh có 800 cơ sở lưu trú du lịch với 9.826 phòng ngủ, trong đó có 38 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 – 5 sao8. Nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn, như: du lịch văn hóa; du lịch Golf; hoạt động cắm trại, trải nghiệm, tâm linh… đã góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi ngành Du lịch sau đại dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh ước đón trên 6.281,7 nghìn lượt khách, (tăng 38,47% so với cùng kỳ năm trước) đem lại doanh thu ước đạt trên 5.936,8 tỷ đồng (gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước)9.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh vẫn còn hạn chế, khó khăn: hệ thống chính sách, pháp luật và thủ tục đầu tư chưa đồng bộ, nhiều nội dung chưa có hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa kịp thời; còn chồng chéo giữa hệ thống pháp luật. Hiệu quả triển khai một số thỏa thuận hợp tác kinh tế quốc tế đã ký kết chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế và mong muốn của các bên. Kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao; một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao của tỉnh chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan từ FTA thế hệ mới. Chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông nghiệp còn chậm, nhất là lĩnh vực trồng trọt vẫn còn chiếm tỷ trọng cao. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tính ổn định chưa cao, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, bảo quản sau thu hoạch và dịch vụ nông nghiệp chưa phát triển; diện tích sản xuất hàng hóa tập trung gắn kết giữa sản xuất với chế biến, xuất khẩu chưa nhiều, công tác thu hút đầu tư cho nông  nghiệp, nông thôn còn hạn chế. 

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế ở tỉnh Ninh Bình.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế. Chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về quan điểm, chủ trương,chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về các FTA mà Việt Nam đã ký kết, tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…

Thứ hai, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng cơ hội thị trường và ưu đãi theo tinh thần các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc, EU, các nước CPTPP, RCEP… để thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng. Chủ động vận động, thu hút nguồn vốn ODA, vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài có tính ưu đãi cao, phù hợp với nguồn lực, khả năng hấp thụ của tỉnh để đầu tư cho các công trình quan trọng, trọng điểm, có tính lan tỏa làm động lực phát triển kinh tế – xã hội. Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành chủ lực của tỉnh áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến, như: công nghiệp phụ trợ, dệt may xuất khẩu, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản – thực phẩm… Từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, hải quan, thuế, xuất nhập khẩu… nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; tiếp tục cải tiến quy trình, áp dụng hệ thống thông quan điện tử tạo môi trường chuyên nghiệp, minh bạch.

Thứ tư, tổ chức triển khai thực hiện tốt chính chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, trọng tâm là hình thành các khu sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ; hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao… Kết hợp tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, dự án tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy sự tham gia của các thành phần kinh tế. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh một cách đồng bộ, toàn diện gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng khai thông hiệu quả không gian tăng trưởng mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát huy tối đa công suất hiện có của các nhà máy. Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, an toàn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tiên tiến. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ. Đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm du lịch mới, nhất là sản phẩm du lịch chất lượng cao.

4. Kết luận

Với quyết tâm chính trị cao nhất, Ninh Bình đang từng bước hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra, góp phần tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Điều này cho thấy, việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực, hiệu quả trong thời gian qua của tỉnh đã góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tăng khả năng tự chủ của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Ninh Bình trên trường quốc tế.

Chú thích:
1. Ninh Bình. https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 12/6/2024.
2, 3, 5, 6, 7, 8. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình (2022). Báo cáo số 207/BC-UBND ngày 13/12/2022 về tình hình thực hiện Chỉ thị số 26/ CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn.
4. Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình (2023). Báo cáo số 1068/BC-CTK ngày 29/12/2023 về tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Bình năm 2023.
9. Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình (2024). Báo cáo số 441/CTK-TTTTTK ngày 17/6/2024 về tình hình hoạt động du lịch tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng bộ tỉnh Ninh Bình (2020). Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2. Thủ tướng Chính phủ (2018). Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.
3. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với sự phát triển bền vững ngành Chè của tỉnh Thái Nguyên. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/14/tang-cuong-vai-tro-quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-su-phat-trien-ben-vung-nganh-che-cua-tinh-thai-nguyen/.
4. Quản lý nhà nước gắn với xã hội hóa để phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/18/quan-ly-nha-nuoc-gan-voi-xa-hoi-hoa-de-phat-trien-he-thong-giao-duc-va-dao-tao-tren-dia-ban-tinh-binh-duong.