TS. Ngô Ngân Hà
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư được xem là giải pháp giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và cần sự thúc đẩy từ các bên. Bài viết luận bàn về đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư, thực trạng đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư tại Việt Nam, phân tích vấn đề lợi ích và chia sẻ rủi ro và đề xuất một số giải pháp nhằm hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư tại Việt Nam.
Từ khóa: Lợi ích; rủi ro; hợp tác công – tư, nhà đầu tư, hài hòa, nhà nước, phương thức hợp tác.
1. Đặt vấn đề
Với tốc độ tăng trưởng bình quân 6 – 7%/năm, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực. Tốc độ tăng trưởng cao đòi hỏi nhu cầu đầu tư rất lớn về phát triển hạ tầng logistics, nhà ga, sân bay hay y tế, giáo dục… Trong giai đoạn 2021 – 2025, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân của Việt Nam chiếm khoảng 32 – 34% GDP. Tuy nhiên, vốn đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 16 – 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội1. Như vậy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế – xã hội. Do đó, huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư là tất yếu khách quan nhằm phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đầu tư theo phương thức đối tác đầu tư công – tư (Public – Private Partnership – PPP) là một trong những giải pháp quan trọng.
Trong phương thức đối tác đầu tư PPP, lợi ích của việc huy động tư nhân tham gia các dự án PPP là làm tăng hiệu quả đầu tư của dự án, huy động được nguồn vốn, kỹ năng, công nghệ của khu vực tư nhân, nhất là trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, nợ công tiềm ẩn những vấn đề nhất định. Tuy nhiên, nếu Nhà nước không có cơ chế hài hòa hóa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư thì sẽ khó kích thích được đầu tư của tư nhân. Do đó, nghiên cứu về hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong đầu tư theo phương thức hợp tác PPP tại Việt Nam là hết sức cần thiết.
2. Tổng quan về đầu tư theo mô hình hợp tác PPP
Trên cơ sở lý luận, các nghiên cứu có cách tiếp cận khác nhau đưa ra những khái niệm khác nhau về phương thức hợp tác PPP.
Theo Skelcher, C, (2007), hình thức PPP là kết hợp nguồn lực của chính phủ với nguồn lực của các tổ chức tư nhân nhằm đạt được các mục tiêu xã hội2. Young Hoon Kwak, (2009) cho rằng, hình thức PPP là một thỏa thuận hợp tác giữa khu vực công và tư trong đó chia sẻ nguồn lực, rủi ro, trách nhiệm, lợi ích với nhau nhằm đạt được các mục tiêu chung3. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (2007), mô hình hợp tác công tư là mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân hay còn gọi là hợp tác công – tư là mô hình mà theo đó, Nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của Nhà nước4.
Tại Việt Nam, theo khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư quy định: “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là phương thức đầu tư thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”.
Như vậy có thể hiểu, phương thức hợp tác công – tư là phương thức Nhà nước và tư nhân cùng thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở hợp đồng phân chia rõ trách nhiệm, lợi ích và rủi ro, trong đó một phần hoặc toàn bộ dự án sẽ do tư nhân thực hiện trên cơ sở đấu thầu cạnh tranh, bảo đảm các lợi ích cộng đồng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng công trình, sản phẩm hoặc dịch vụ do Nhà nước quy định. PPP được hiểu là phương thức đầu tư trong đó khu vực công và khu vực tư trở thành đối tác thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội để cung cấp dịch vụ công. Đây là phương thức hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư tư nhân và cộng đồng vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân trong khi vẫn bảo đảm các lợi ích cho người dân. PPP thể hiện một khuôn khổ có sự tham gia của khu vực tư nhân nhưng vẫn ghi nhận vai trò của Chính phủ bảo đảm đáp ứng các nghĩa vụ xã hội và thúc đẩy trong cải cách đầu tư công.
PPP là thỏa thuận giữa Nhà nước và tư nhân được ký kết thể hiện bằng một hợp đồng có thời hạn dài. Mỗi loại hình hợp đồng có những đặc điểm và ưu thế riêng. Hiện nay trên thế giới có một số hợp đồng như sau: BOT: Build – Operate – Transfer (xây dựng – vận hành – chuyển giao); BTO: Build – Transfer – Operate (xây dựng – chuyển giao – vận hành); BOO: Build – Own – Operate (xây dựng – sở hữu – vận hành); O&M: Operate & Management (hợp đồng kinh doanh và quản lý) – hình thức thu phí từ người sử dụng; BLT: Build – Lease – Transfer (xây dựng – cho thuê – chuyển giao); BTL: Build – Transfer – Lease (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ) – hình thức Nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ; BT: Build – Transfer (xây dựng – chuyển giao) – hình thức đổi nguồn lực công lấy công trình.
3. Thực trạng đầu tư theo phương thức hợp tác PPP tại Việt Nam
Thứ nhất, về quy mô đầu tư.
Trong giai đoạn 2010 – 2020, bằng chủ trương xã hội hóa, cả nước đã có 336 dự án PPP được ký kết hợp đồng (chủ yếu là BOT và BT) với tổng vốn huy động khoảng 1.609 triệu tỷ đồng. Từ năm 2021 – 2024 (tính từ thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư có hiệu lực), Việt Nam có tổng cộng 36 dự án PPP mới được triển khai trên cả nước. Đây là những dự án quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 235.000 tỷ đồng. Các dự án này khi hoàn thành dự kiến sẽ hình thành gần 700 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không quốc tế, góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng của quốc gia và một số địa phương. Thông qua các dự án này, dự kiến huy động được gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng5.
Thứ hai, về cơ cấu đầu tư.
Xét theo lĩnh vực đầu tư: hiện nay, các dự án được đầu tư theo phương thức PPP chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông. Còn lại là các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng văn phòng làm việc, trung tâm hành chính, lĩnh vực năng lượng, cấp thoát nước… Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, có 30 dự án giao thông, 5 các dự án xử lý nước thải, cung cấp nước sạch, dự án hạ tầng và 1 dự án trong lĩnh vực y tế6.
Xét về loại hợp đồng: phương thức PPP chủ yếu vẫn là BOT với 28 dự án. Còn lại là hợp đồng BLT với 3 dự án, hợp đồng BOO với 4 dự án và hợp đồng O&M với 1 dự án7.
Việt Nam luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Nhất là khi vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021 – 2025 chỉ đáp ứng được khoảng 16 – 17% tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội8. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư ra đời với nhiều kỳ vọng thu hút vốn đầu tư xã hội để phát triển đất nước, đặc biệt là về hạ tầng. Nhưng thực tiễn hơn 3 năm qua đã cho thấy bức tranh ngược lại. Một trong những “nút thắt” khiến đầu tư theo phương thức PPP chưa thực sự khởi sắc xuất phát từ vấn đề hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân.
4. Những vấn đề lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước – nhà đầu tư trong phương thức hợp tác PPP
Vấn đề này đã được đề cập trong hệ thống khung pháp luật về phương thức PPP, như: Luật Ngân sách nhà nước (đối với việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án PPP), Luật Đầu tư công (vốn đầu tư công trong dự án PPP), Luật Doanh nghiệp (hoạt động của doanh nghiệp dự án), Luật Xây dựng (thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán), Luật Quản lý nợ công (vốn vay ODA sử dụng trong dự án PPP)… Đồng thời, ngày 18/6/2020, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tiếp theo đó là: Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công – tư và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư đưa ra những quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Luật, quy định về quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên, vấn đề này còn có những “nút thắt” nhất định cần phải tháo gỡ, trong đó:
Thứ nhất, vấn đề liên quan đến doanh thu của dự án.
Vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu đó là doanh thu, lãi hoặc lỗ nhiều hơn phương án trong hợp đồng. Theo đó, đây là cơ chế thị trường, doanh thu tăng hay giảm là cơ chế thị trường quyết định và lời ăn lỗ chịu. Nhưng thực tế, trong nhiều lĩnh vực, việc xác định lời, lỗi theo cơ chế thị trường là rất khó. Ví dụ: trong lĩnh vực giao thông, rất khó có thể dự báo chính xác được lưu lượng phương tiện lưu hành trên quãng đường cụ thể nào đó tại một thời điểm nhất định, bởi phụ thuộc nhiều yếu tố. Do đó, trong hợp đồng PPP cần có một điều khoản về chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia.
Phương án chia sẻ rủi ro khi doanh thu từ thực tế không đạt so với phương án tài chính đã được đề cập trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Cụ thể, theo Điều 82 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP phần chênh lệch (giữa mức 75% mức doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế). Chi phí xử lý cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu được sử dụng từ dự phòng ngân sách. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách nhà nước, mức bố trí dự phòng ngân sách rất thấp (chỉ từ 2 – 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp). Bên cạnh đó, quy định lấy nguồn dự phòng ngân sách để chia sẻ với nhà đầu tư trong trường hợp doanh thu của dự án giảm là chưa phù hợp với mục đích sử dụng nguồn ngân sách dự phòng theo Luật Ngân sách nhà nước.
Như vậy, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đưa ra cơ chế Nhà nước cam kết ứng tiền chia sẻ rủi ro nhưng quy định tại Luật Ngân sách nhà nước cho rằng dùng dự phòng ngân sách là không đúng quy định, chưa kể nguồn dự phòng ngân sách lại phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách hằngnăm. Hơn nữa, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư chưa có quy định về hỗ trợ doanh thu khi dự án bị sụt giảm không do lỗi của nhà đầu tư. Với cơ chế chia sẻ rủi ro này thì khó kêu gọi được các nhà đầu tư.
Quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với công trình là vấn đề cốt yếu được nhà đầu tư quan tâm. Trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành không có điều khoản nào quy định về việc quyền sở hữu các công trình. Nhà nước giữ quyền sở hữu, còn nhà đầu tư chỉ có quyền khai thác. Nhưng khai thác đến đâu, trong phạm vi nào và với điều kiện ra sao lại chưa được luật định rõ. Chính điều này tạo ra một “vùng xám”, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc lập kế hoạch và triển khai dự án. Bên cạnh đó, để bảo đảm giao thông thông suốt và khai thác hiệu quả, các tuyến cao tốc luôn có các hạng mục phụ trợ như trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu, biển quảng cáo…
Thực tế hiện nay, chính quyền một số địa phương (UBND cấp tỉnh) nơi có dự án đường bộ cao tốc đi qua đã quyết định doanh nghiệp, tập đoàn nào có quyền xây dựng, khai thác, kinh doanh các công trình phụ trợ này. Chính điều này đã tạo ra những tiêu cực và sự thiếu công bằng trong hoạt động đầu tư các dự án PPP. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, muốn kêu gọi BOT Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc có quy mô 50.000 chỗ ngồi, hiện đại để có thể tổ chức đá bóng, đại nhạc hội, hoạt động 4 mùa, tổng vốn khoảng 400 – 500 triệu USD9. Trong đó, một số công trình khác trong khu, như: hồ bơi, tennis, nhà thi đấu trong nhà thì Nhà nước làm nhưng khai thác thì khai thác tổng thể. Nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi, chính quyền Thành phố có thể cam kết chọn nơi này để tổ chức các sự kiện của Nhà nước hay không? qua đó để tạo ra doanh thu cho nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP.
Trong quá trình khai thác dự án tạo doanh thu, một yếu tố nữa có thể tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư, đó là lợi ích của người sử dụng và cộng đồng. Thực tế cho thấy, các quyết sách của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến dự án PPP thường chịu rất nhiều áp lực, tác động của xã hội, dư luận. Đặc biệt, khi xuất hiện các yếu tố khách quan gây khó khăn cho việc thực hiện, triển khai dự án mà ảnh hưởng tới lợi ích cộng đồng thì nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thường là đối tượng chịu thiệt hại nhiều hơn do cơ quan có thẩm quyền khó có thể đưa ra các quyết sách kịp thời, phù hợp để vừa hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án giải quyết vấn đề, trở ngại khách quan vừa hài hòa được lợi ích của cộng đồng. Chẳng hạn, khi xảy ra sự cố hoặc các yếu tố khách quan khác dẫn đến ách tắc tại trạm thu phí BOT thì cơ quan có thẩm quyền có thể đưa ra quyết định yêu cầu doanh nghiệp dự án xả trạm không thu phí. Quyết định này giúp giải quyết được ngay tình hình ách tắc thực tế nhưng tại thời điểm ra quyết định trên, cơ quan có thẩm quyền lại chưa sẵn sàng phương án hỗ trợ tài chính hay hỗ trợ khác cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để bù đắp thiệt hại do bị hụt nguồn thu từ trạm thu phí.
Thứ hai, vấn đề về bảo lãnh của Nhà nước đối với nhà đầu tư.
Phương thức PPP là sự phân chia lợi ích giữa nhà đầu tư với Nhà nước. Với phương thức PPP, không có nhà đầu tư nào bỏ 100% vốn. Bên cạnh phần vốn do nhà đầu tư bỏ ra, Nhà nước có thể đóng góp bằng nguồn vốn ngân sách, hoặc vốn vay, vốn từ phát hành trái phiếu dự án. Theo quy định “trần” phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP tối đa bằng 50% tổng mức vốn đầu tư là chưa phù hợp để đảm bảo lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên. Thực tế đối với các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thông thường, trong giai đoạn đầu, nhu cầu vận tải của các dự án này chưa cao nhưng một số dự án chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Vì vậy, ở các dự án này đòi hỏi Nhà nước phải tăng tỷ lệ đầu tư để thu hút và đồng hành cùng nhà đầu tư tư nhân.
Bên cạnh đó, mức trần tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia thấp (không quá 50%) nhưng lại hạn chế nhà đầu tư về các loại hình đầu tư, yêu cầu về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu quá cao cũng dẫn đến những e dè của nhà đầu tư vì lo ngại vấn đề lợi ích và rủi ro khi đầu tư. Cụ thể, Điều 4 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư quy định các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: (1) Giao thông vận tải; (2) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; (3) Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; (4) Y tế; giáo dục – đào tạo; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin.
Thứ ba, quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm chia sẻ rủi ro của Nhà nước và nhà đầu tư.
Hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm chia sẻ rủi ro của chính quyền địa phương và trung ương. Cũng xuất phát từ nguyên lý nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được làm những gì luật không cấm, nhưng cơ quan có thẩm quyền chỉ được làm những gì pháp luật quy định, nên trong hợp đồng dự án PPP, phần quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà đầu tư thường rất chặt chẽ kèm theo những chế tài cụ thể nếu có vi phạm. Trong khi đó, quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm và chế tài đối với cơ quan ký kết hợp đồng thường chỉ chung chung. Do đó, khi xảy ra vi phạm hoặc tranh chấp, việc quy trách nhiệm cho cơ quan ký kết hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư là rất khó khăn, phức tạp. Chẳng hạn, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư còn thiếu quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong trường hợp chậm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án; về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình xử lý phần doanh thu tăng, giảm…
Như vậy, vấn đề hòa hóa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam còn có những bất cập nhất định, tạo tâm lý “e dè” và “nản lòng” đối với nhà đầu tư tư nhân. Do đó, cần thúc đẩy tháo gỡ về mặt chính sách, sửa đổi hệ thống các văn bản pháp lý có liên quan nhằm khắc phục các vấn đề cản trở đầu tư tư nhân.
5. Một số giải pháp
Trong bối cảnh phát triển kinh tế năng động của Việt Nam, phương thức PPP là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng, nơi dòng vốn Nhà nước và tư nhân giao thoa, cùng kiến tạo nên những công trình lớn phục vụ cộng đồng. Do đó, tháo gỡ nút thắt và hài hòa hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro là vấn đề cấp thiết để PPP trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư, trong đó Nhà nước cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng cơ chế bổ sung thêm nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chia sẻ giảm doanh thu. Ngoài ngân sách dự phòng, Nhà nước cần có cơ chế sử dụng nguồn từ dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, nguồn tăng thu ngân sách hằng năm dành cho chi đầu tư phát triển. Đặc biệt, các cơ chế, như: quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính, quỹ dự phòng dành cho bảo lãnh chính phủ, áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu và bảo đảm rủi ro về ngoại tệ, chính sách, chính trị…, nên được nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng thu hút được các nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm được kết nối với việc lập kế hoạch ngân sách, kế hoạch vay, trả nợ công để tránh gây hệ lụy lớn cho ngân sách nhà nước.
Hai là, sửa đổi, bổ sung không hạn chế các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và bãi bỏ hạn mức quy mô tối thiểu với các dự án PPP. Theo đó, trừ các dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, còn lại dự án PPP được khuyến khích thực hiện ở tất cả dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
Ba là, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh của Nhà nước đối với nhà đầu tư. Cụ thể, cần xem xét nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP. Tuy nhiên, để bảo đảm ngân sách nhà nước, cần quy định rõ tiêu chí để xem xét tỷ lệ vốn nhà nước cho các dự án PPP. Có thể căn cứ trên một số tiêu chí, như: chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; điều kiện kinh kinh tế – xã hội của địa phương nơi thực hiện dự án; chuyển giao công nghệ cao, tiên tiến.
Bốn là, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể này trong hoạt động xây dựng theo phương thức PPP, làm căn cứ xây dựng các hợp đồng trên nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhà đầu tư.
6. Kết luận
Là một trong các phương thức huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, phương thức PPP đã và đang trở thành mô hình hợp tác có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động nguồn lực đầu tư PPP đang gặp nhiều trở ngại, cũng như quá trình triển khai dự án PPP còn nhiều bất cập, làm giảm hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, vấn đề hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư như chia sẻ rủi ro khi doanh thu từ thực tế không đạt so với phương án tài chính; rủi ro liên quan đến khai thác dự án; rủi ro từ vấn đề bảo lãnh của Nhà nước đối với nhà đầu tư…, đã tạo ra những rảo cản đối với nhà đầu tư. Do đó, để phá vỡ rào cản, kích thích nhà đầu tư tham gia PPP, Nhà nước cần có những giải pháp về hoàn thiện môi trường thể chế, tạo sự công bằng, từ đó hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Chú thích:
1. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025.https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM207079
2. Skelcher, C. (2007). PPP and hybridity. The Oxford handbook of public management, Oxford University Press
3. Young Hoon Kwak, YingYi Chih and C. William Ibbs (2009). Towards a Comprehensive Understanding of PPP for Infrastructure Development. California management Review, Vol. 51, NO. 2 winter 2009.
4. Asian Development Bank (2007). Public Private Partnership Handbook.
5. Cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư cần linh hoạt hơn để dự án PPP tăng tính hấp dẫn. https://vneconomy.vn/co-che-chia-se-rui-ro-giua-nha-nuoc-va-nha-dau-tu-can-linh-hoat-hon-de-du-an-ppp-tang-tinh-hap-dan.htm
6. Nhiều quy định mới về PPP có hiệu lực: Mở rộng không gian thu hút đầu tư tư nhân.https://baodauthau.vn/nhieu-quy-dinh-moi-ve-ppp-co-hieu-luc-mo-rong-khong-gian-thu-hut-dau-tu-tu-nhan-post172979.html
7, 9. Gỡ nút thắt PPP, khơi thông nguồn vốn xã hội. https://www.sggp.org.vn/go-nut-that-ppp-khoi-thong-nguon-von-xa-hoi-post756007.html
8. Đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025: kích hoạt, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư.https://baodauthau.vn/dau-tu-cong-giai-doan-2021-2025-kich-hoat-dan-dat-cac-nguon-luc-dau-tu-post110480.html
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2021). Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 về quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công – tư.
2. Chính phủ (2021). Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư.
3. Quốc hội (2019). Luật Đầu tư công năm 2019.
4. Quốc hội (2015). Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
5. Quốc hội (2017). Luật Quản lý nợ công năm 2017.
6. Làm sao để hợp tác công tư PPP trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư? https://thesaigontimes.vn/lam-sao-de-hop-tac-cong-tu-ppp-tro-nen-hap-dan-voi-nha-dau-tu/
7. Triển khai Luật PPP: Nhiều kết quả tích cực, song rào cản vẫn lớn. https://baodauthau.vn/trien-khai-luat-ppp-nhieu-ket-qua-tich-cuc-song-rao-can-van-lon-post161262.html
8. Thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng: Cần gỡ vướng đồng bộ. https://baochinhphu.vn/thuc-day-hop-tac-cong-tu-trong-phat-trien-ha-tang-can-go-vuong-dong-bo-10223071117461136.htm
9. “Gỡ khó” cho dự án PPP: Cần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên. https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/go-kho-cho-du-an-ppp-can-hai-hoa-loi-ich-va-chia-se-rui-ro-giua-cac-ben-post1134190.vov
10. Hợp tác công – tư trong cải cách khu vực công ở Việt Nam.https://www.quanlynhanuoc.vn/2018/05/04/hop-tac-cong-tu-trong-cai-cach-khu-vuc-cong-o-viet-nam/