Có chế tài đủ mạnh để nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân

(QLNN) – Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quy định tương đối đầy đủ quyền giám sát, nội dung, hình thức, đối tượng giám sát của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc tuân thủ kết luận giám sát của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan chưa nghiêm túc. Vì vậy, rất cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để có chế tài đủ mạnh nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân.

 

Nên quy định bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ

Xem xét các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp là công việc quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả các quyết sách của Hội đồng nhân dân (HĐND). Để việc xem xét đạt kết quả, trước tiên yêu cầu các văn bản phải được chuẩn bị tốt về nội dung như bảo đảm tính pháp lý, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và phải gửi cho thường trực, các ban HĐND theo đúng thời gian quy định để tổ chức thẩm tra.

Thực tế ở Quảng Ngãi thời gian qua, chất lượng một số đề án, dự thảo nghị quyết chưa cao. Khi chuẩn bị soạn thảo, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh chỉ lấy ý kiến của các cơ quan liên quan mà không lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp của nghị quyết; việc đánh giá thực trạng tình hình ở địa phương liên quan đến nội dung đề án chủ yếu dựa vào các số liệu trên các báo cáo, thiếu khâu khảo sát thực tế… Do đó, một số dự thảo chưa đạt yêu cầu về chất lượng cũng như quy định của pháp luật, gây không ít khó khăn cho công tác thẩm tra của các ban.

Để bảo đảm chất lượng thẩm tra, thường trực HĐND tỉnh phân công các ban và chuyên viên tiếp cận các văn bản ngay từ khi dự thảo vừa được gửi đến Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh để chủ động xem xét vấn đề và tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin qua các cơ quan soạn thảo và các cuộc họp của UBND tỉnh thông qua dự thảo. Quá trình thẩm tra, các ban tiếp tục làm việc với cơ quan soạn thảo để có những thông tin cần thiết.

Mặt khác, các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết gửi đến thường trực và các ban không bảo đảm thời gian quy định, gây khó khăn cho công tác thẩm tra của các ban. Thường trực HĐND thường xuyên nhắc nhở và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hữu quan nâng cao chất lượng văn bản dự thảo và khắc phục tình trạng chậm trễ nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được triệt để.

Sự chậm trễ trên dẫn đến chậm trễ trong việc gửi tài liệu cho đại biểu HĐND, nhiều lần, đến ngày khai mạc kỳ họp mới gửi các báo cáo, đề án cho đại biểu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giám sát tại kỳ họp. Đây là sự chậm trễ, chưa tròn trách nhiệm của cơ quan chuẩn bị đề án, dự thảo nghị quyết và sự thiếu kiên quyết của thường trực, các ban HĐND trong việc chấp nhận hay không chấp nhận nội dung trình kỳ họp.

Về chất vấn, Điều 41 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định “đại biểu HĐND có quyền chất vấn, xem xét việc trả lời chất vấn của chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu HĐND tỉnh là lãnh đạo các sở, ngành và huyện, thành phố chưa sử dụng tốt quyền này. Có thể do những vấn đề tế nhị trong quan hệ cấp trên/cấp dưới và ít nhiều còn ảnh hưởng cơ chế xin/cho.

Có ý kiến cho rằng, nên giảm số đại biểu HĐND tỉnh là người đang công tác trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh và huyện để khắc phục tình trạng trầm lắng trong chất vấn và trong hoạt động của các đoàn giám sát. Tuy nhiên, lại có ý kiến băn khoăn khi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội sẽ thiếu những ý kiến đóng góp thiết thực của các tư lệnh ngành và từ các địa phương?

Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu là quy định rất tiến bộ. Tuy nhiên, Điều 65, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Điều 56 Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 chỉ mới dừng lại ở việc quy định trình tự bỏ phiếu tín nhiệm. Những quy định về điều kiện tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm còn chung chung, khó thực hiện. Và thực tế, tại Quảng Ngãi cũng chưa thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm trường hợp nào. Thiết nghĩ nên quy định bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ (hàng năm hoặc giữa nhiệm kỳ).

Có chế tài đủ mạnh để nâng cao hiệu quả giám sát

Trong giám sát giữa 2 kỳ họp, luật và quy chế không quy định rõ nếu những cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát không báo cáo bằng văn bản, không cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát thì hình thức xử lý như thế nào. Trường hợp các đối tượng chịu sự giám sát bất hợp tác (thường là các doanh nghiệp tư nhân) thì Đoàn giám sát không có biện pháp để giải quyết. Điều này ảnh hưởng tiến độ, chất lượng và hiệu lực giám sát của HĐND.

Trước yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác giám sát của HĐND, nhưng quy định mỗi ban HĐND chỉ có Trưởng hoặc Phó ban hoạt động chuyên trách không thể bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ giám sát.

Một số bất cập nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhất là một số điều luật còn quy định chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, thiếu tính ràng buộc pháp lý dẫn đến việc triển khai thực hiện kém hiệu quả. Đó là những quy định về tổ chức và thực hiện chức năng giám sát của HĐND; về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Thực tế, không ít kiến nghị sau giám sát và chất vấn của đại biểu HĐND sau một thời gian đã bị lãng quên do cơ quan, đơn vị được giám sát viện nhiều lý do khó khăn để chậm thực hiện và cấp trên của cơ quan, đơn vị này không theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện của cấp dưới. Luật không quy định các chế tài, biện pháp xử lý đối với những vi phạm này.

Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh vừa là xem xét quá trình các nghị quyết, quyết định được triển khai thực hiện vừa là quá trình nghiên cứu thực tiễn để cung cấp những thông tin cần thiết làm căn cứ cho HĐND xem xét, thảo luận, quyết định chính xác, kịp thời các vấn đề quan trọng ở địa phương. Đến nay hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều nhưng vẫn chưa đồng bộ, thiếu cụ thể, đặc biệt là thiếu hẳn những chế tài, biện pháp xử lý sau giám sát đối với các chủ thể bị giám sát.

Đã có Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, nhưng chưa có Luật Giám sát của HĐND, dẫn đến chưa có công cụ pháp lý đủ mạnh và hữu hiệu trong hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương. Do vậy, cần ban hành văn bản hướng dẫn về căn cứ, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp pháp lý thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, quy định trách nhiệm và các biện pháp chế tài cụ thể tương ứng với mức độ sai phạm của đối tượng.

Cần quy định cụ thể, rõ ràng về việc hạn chế tối đa các thành viên của UBND (trừ Chủ tịch), Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cán bộ lãnh đạo TAND, VKSND tham gia đại biểu HĐND tỉnh. Mặt khác, quy định mỗi ban HĐND tỉnh có ít nhất 2 thành viên chuyên trách là Trưởng và Phó ban. Quy định những biện pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề của chất vấn sau kỳ họp như ai là người có thẩm quyền kiểm tra việc giải quyết này, cách thức tiến hành ra sao, trách nhiệm của người bị chất vấn khi không thực hiện những gì mình đã hứa… Cũng cần quy định rõ trình tự, thủ tục, phạm vi giám sát, giá trị pháp lý của các kết luận giám sát của HĐND.

Võ Phiên
HĐND tỉnh Quảng Ngãi