Nâng cao năng lực quyết định của Hội đồng nhân dân – Gợi mở từ một hội nghị của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội

(QLNN) – Giải pháp nâng cao năng lực quyết định của Hội đồng nhân dân luôn là vấn đề thời sự. Từ những kiến nghị tâm huyết của cơ sở, Hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội với Thường trực Hội đồng nhân dân các quận, huyện, thị về chuyên đề này thực sự sôi động, gợi mở nhiều lời giải hay.

 

Xác định đúng và trúng vấn đề cần quyết định

Thảo luận tại Hội nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) các quận, huyện, thị đều khẳng định: nghị quyết của HĐND ngày càng bám sát tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Tuy nhiên, do chưa nắm bắt đúng tình hình thực tế, yêu cầu phát triển và nguyện vọng của nhân dân nên một số ngành, lĩnh vực như giáo dục, du lịch, quy hoạch gắn với đầu tư xây dựng cơ bản…

HĐND chậm ban hành nghị quyết chuyên đề để tạo cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển. Một số nghị quyết do không đánh giá đúng tình hình, nguồn lực thực hiện, chưa lường được những thay đổi về tình hình KT – XH khi xây dựng đề án, những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai… dẫn đến phải điều chỉnh lại mục tiêu, kéo dài thời gian thực hiện, thậm chí gây ra những cản trở, lãng phí trong đầu tư phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các địa phương.

Mặt khác, việc soạn thảo và ban hành các nghị quyết chuyên đề quan trọng vẫn theo quy trình chung: cấp ủy ra chủ trương, UBND lập đề án, kế hoạch trình HĐND thể chế hóa thành nghị quyết và giao UBND tổ chức thực hiện. Bên cạnh  ưu điểm bảo đảm việc tuân thủ nghị quyết của Đảng, chủ trương phát triển chung của địa phương, quy trình này đã bộc lộ hạn chế nhất định trong việc huy động đầy đủ trí tuệ của đại biểu dân cử trong giai đoạn nghiên cứu, xác định thứ tự ưu tiên trong dự án phát triển.

Từ thực tế hoạt động tại cơ sở, đề xuất của Thường trực HĐND các địa phương đều gặp nhau ở một điểm: nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quyết sách của HĐND, trước tiên phải chọn đúng nội dung để quyết định. Để quyết định đúng và trúng, chương trình ban hành nghị quyết của HĐND phải bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương; căn cứ vào yêu cầu từ thực tế thông qua hoạt động giám sát và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua thực tế điều hành công việc và các kênh thông tin khác; căn cứ vào điều kiện thực tế, khả năng thực hiện của địa phương.

Trên cơ sở đó, HĐND đưa ra những nội dung có tính chất thường kỳ và chuyên đề để bàn thảo và quyết định tại các kỳ họp. Một vấn đề cần lưu ý nữa là trước khi quyết định một vấn đề, các ban (khi thẩm tra), đại biểu HĐND (khi thảo luận và biểu quyết) phải đặt câu hỏi: vấn đề đó có thuộc thẩm quyền của HĐND cấp mình không?

Nâng cao năng lực của đại biểu

HĐND hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số tại kỳ họp. Vì vậy, đại biểu là nhân tố quan trọng bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và năng lực thực hiện chức năng quyết định của HĐND nói riêng. Thực tế cũng cho thấy, năng lực của đại biểu chỉ có thể được phát huy khi đại biểu ý thức rõ được trách nhiệm, nắm vững các quy định của pháp luật, thể hiện bản lĩnh và vượt qua được những ràng buộc cá nhân trong quá trình hoạt động.

Để góp phần thiết thực nâng cao năng lực quyết định của cơ quan dân cử địa phương, mỗi đại biểu cần tăng cường khảo sát thực tế; bám sát các cơ quan chức năng trong việc trả lời, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu sớm các tài liệu trình kỳ họp để thảo luận và chất vấn có chất lượng, tham gia hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các hoạt động tập huấn, học tập, trao đổi kinh nghiệm cho đại biểu. Tăng số lượng đại biểu chuyên trách, giảm bớt đại biểu kiêm nghiệm để tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động của HĐND. Đối với các ban HĐND, cần lựa chọn các thành viên hiểu biết sâu các chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của ban, nhất là lĩnh vực kinh tế – ngân sách để khi tổ chức thẩm tra, giám sát đưa ra được những thông tin chính xác, luận cứ thuyết phục, giúp các quyết sách HĐND khả thi. Mặt khác, phải có cơ chế, chính sách cụ thể về chế độ làm việc và hình thức khen thưởng thích đáng cho những đại biểu có hoạt động xuất sắc, được cử tri tín nhiệm; đồng thời có chế tài xử lý các trường hợp không làm tròn trách nhiệm đại biểu.

Bảo đảm chất lượng thông tin

Thông tin có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND. Để có được các quyết sách đúng đắn, bảo đảm tính khoa học và phù hợp với thực tiễn, Thường trực, các ban, đại biểu HĐND phải có được lượng thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Do vậy, các báo cáo, đề án trình HĐND xem xét, quyết định phải bảo đảm thông tin số liệu chính xác, trung thực và được cập nhật thường xuyên. Các nhận định, đánh giá cần khách quan, không áp đặt, không vì mục đích vụ lợi, bảo đảm tính đa chiều trong thông tin và nhận xét, đánh giá.

Đặc biệt, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND là cơ sở phản biện quan trọng để đại biểu thảo luận, quyết định tại kỳ họp. Do vậy, các ban HĐND cần tham gia với cơ quan chức năng ngay từ khâu khởi thảo, kết hợp tăng cường tổ chức khảo sát, giám sát những nội dung liên quan, huy động sự tham gia của các chuyên gia, đại biểu am hiểu lĩnh vực thẩm tra… để báo cáo thẩm tra có chính kiến khách quan, căn cứ khoa học, phù hợp với thực tiễn. Đối với những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, Thường trực nên phân công các ban HĐND cùng thẩm tra và báo cáo HĐND những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Tăng cường hoạt động giám sát

Kết quả công tác giám sát là căn cứ quan trọng để HĐND ra quyết định đúng, khả thi. Thông qua hoạt động giám sát, bên cạnh khẳng định kết quả, những ưu điểm còn chỉ ra những khuyết điểm trong việc thực thi và áp dụng pháp luật; những hạn chế, tồn tại trong điều hành chỉ đạo của chính quyền địa phương; những thiếu sót trong việc thực thi nghị quyết của HĐND, giúp HĐND hoạch định các chính sách phù hợp.

Thực tiễn hoạt động giám sát của HĐND thời gian qua mặc dù đã được cải tiến về nhiều mặt nhưng vẫn còn những hạn chế. Do vậy, cần tăng cường thời gian cho hoạt động giám sát, tập trung vào những vấn đề còn nhiều bức xúc. Quá trình làm việc tại cơ sở và ngành hữu quan cần đi sâu phân tích nguyên nhân của những sai sót, bất cập, làm cơ sở cho HĐND quyết định, điều chỉnh những chính sách kịp thời, phù hợp.

Thực tế đã chứng minh: có nhiều chính sách khi ban hành phù hợp với tình hình nhưng khi triển khai thực hiện do hiểu sai, không bám sát tinh thần của văn bản dẫn đến những hậu quả rất khó khắc phục. Vì vậy, sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực, các ban, đại biểu HĐND phải giám sát thường xuyên, chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết để sớm phát hiện và chấn chỉnh những trường hợp triển khai chậm, không đầy đủ hoặc không đúng với tinh thần nghị quyết.

Đây là khâu có ý nghĩa quan trọng đánh giá chất lượng và hiệu quả tác động của nghị quyết, bảo đảm nghị quyết được thực thi đồng bộ, hiệu quả. Vấn đề này được thể hiện cụ thể ở chương trình giám sát, khảo sát hàng năm của HĐND với nhiều hình thức: qua TXCT, giám sát chuyên đề và giám sát trực tiếp tại kỳ họp thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét báo cáo của UBND và các ngành tại kỳ họp…

Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy Hội đồng nhân dân

Cần hạn chế việc kiêm nhiệm đối với các chức danh của HĐND, nhất là đối với các ban HĐND quận, huyện, thị. Nên bố trí cấp phó 2 ban HĐND hoạt động chuyên trách. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc bố trí các chức danh Thường trực HĐND, Trưởng, Phó ban HĐND. Xem xét, kiến nghị điều chỉnh một số quy định liên quan về vị trí và địa vị pháp lý của chức danh ủy viên Thường trực HĐND. Mặt khác, cần quy định cụ thể số lượng, chất lượng đội ngũ chuyên viên giúp việc trực tiếp cho HĐND cấp huyện, xã… Với bộ máy được tăng cường cả về số lượng và chất lượng sẽ bảo đảm công tác TXCT, giám sát… của HĐND có hiệu quả, góp phần thiết thực nâng cao năng lực quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Nguyên Nhung