Khoa học hành chính – Cội nguồn sáng tạo vô tận của quản lý nhà nước

(QLNN) – Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Học viện Hành chính Quốc gia, Tạp chí Quản lý nhà nước đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Duy Gia – Nguyên Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia (từ năm 1992 – 1997) với chủ đềVai trò, vị trí của khoa học hành chính trong công tác quản lý nhà nước. Tạp chí trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

PV: Thưa Giáo sư, với kinh nghiệm lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia trong nhiều năm, xin Giáo sư cho bạn đọc biết bản chất nền hành chính mà chúng ta đang xây dựng là gì?

GS.TSKH Nguyễn Duy GiaỞ Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân. Và điều này đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 về Nhà nước, về Đảng Cộng sản, về nhân dân, về quyền lực, về các thành phần kinh tế đa sở hữu và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)…

Hiến pháp ghi rõ: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”(Điều 2). Nhà nước ta do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành cho lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có quyền bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật… Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất – kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hoá.

Nền hành chính mà chúng ta đang tiến hành xây dựng và cải cách là nền hành chính quốc gia có bản chất sau đây:

Một là, nền hành chính đang xây dựng là nền hành chính của một nhà nước dân chủ XHCN, một nhà nước của dân, do dân và vì dân, nằm trong hệ thống chính trị, dựa trên nguyên tắc cơ bản là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nền hành chính dân chủ của Nhà nước pháp quyền Việt Nam được quản lý theo pháp luật và bằng pháp luật để có một nền pháp chế XHCN nghiêm ngặt, giữ vững trật tự xã hội, bảo đảm công lý và công bằng xã hội. Hướng tới, xây dựng nền hành chính chính quy, hiện đại mang đậm tính dân tộc.

Hai là, nền hành chính mà Việt Nam đang xây dựng và cải cách là nền hành chính mang tính phục vụ và phục tùng chính trị, quyền lực của nhân dân – nghĩa là thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước đề ra.

Theo đó, những nội dung cải cách quan trọng cần tuân theo những nguyên tắc sau: cải cách kinh tế và cải cách hành chính; điều chỉnh và cải cách hoạt động của Chính phủ với hệ thống hành pháp; cơ cấu thiết chế bộ máy nhà nước, quyền lực và phân bố quyền lực trong khuôn khổ pháp luật hành chính và hệ thống pháp luật, quản lý nguồn nhân lực và nhân sự, quản lý ngân sách và tài chính, tài phán hành chính và toà án hành chính; vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường phải vừa bảo đảm tính tập trung, thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương. Hoàn thiện các chính sách, công cụ quản lý vĩ mô, đồng bộ các yếu tố của thị trường, quản lý chặt chẽ ngân sách, tài chính. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức hành chính nhà nước (HCNN) và có cơ chế đãi ngộ thoả đáng.

Ba là, thể chế hành chính phải bảo đảm nguyên tắc: nhân dân có quyền hạn và điều kiện để kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy hành chính. Nội dung cải cách nền hành chính quốc gia rất rộng lớn và phức tạp, nó liên quan đến mọi khâu, mọi quá trình và toàn bộ hoạt động kinh tế – xã hội. Do vậy, theo quan niệm quyền lực thống nhất, tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ và có hiệu quả, nhất thiết phải chuyển đổi, thay thế cho được bộ máy cồng kềnh, sự vụ, thủ công, lẫn lộn chức năng giữa hành chính, kinh tế với kinh doanh bằng một bộ máy có chức năng,nhiệm vụ và thẩm quyền của cơ quan hành pháp.

Phương thức quản lý nhà nước bằng pháp luật kết hợp phương pháp cưỡng bức hành chính với phương pháp kinh tế, tổ chức, giáo dục chính trị – tư tưởng mà phương pháp giáo dục chính trị – tư tưởng có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Những phương thức quản lý đó được kết hợp lại nhằm mục đích là nâng cao năng lực, quyền lực, hiệu lực và hiệu quả của quản lý hành chính nhà nước.

Để thực hiện mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại,Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục đổi mới sâu rộng và đồng bộ hơn, tập trung ưu tiên tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này đòi hỏi phải có một Nhà nước mạnh, một nền hành chính phục vụ dân, công khai, minh bạch và có một đội ngũ công chức tận tuỵ với công vụ, chống quan liêu, tham nhũng…

Khu trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng (ảnh: http://www.baoxaydung.com.vn).
PV: Vậy khoa học hành chính có vai trò như thế nào trong quản lý nhà nước, thưa Giáo sư?
GS.TSKH. Nguyễn Duy Gia: Tôi có thể khẳng định rằng, khoa học hành chính là cội nguồn sáng tạo vô tận của quản lý nhà nước.

Đảng và Nhà nước ta cũng đã khẳng định khoa học hành chính tạo tiền đề lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, có chất lượng cao, hiệu lực và hiệu quả, đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Điều này thể hiện ở một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, xây dựng và thực hiện cơ chế quản lý nhà nước thể hiện quyền làm chủ của nhân dân ở các cấp. Tăng cường bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương và cơ sở thành một hệ thống thống nhất, có sự phân định rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm từng cấp theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phân biệt rõ chức năng quản lý hành chính – kinh tế với quản lý sản xuất – kinh doanh, kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ hai, cải cách bộ máy nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện thống nhất quyền lực nhưng có sự phân công, phân cấp rành mạch; bộ máy tinh giản, gọn nhẹ và hoạt động có chất lượng cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, quản lý.

Thứ ba, tăng cường pháp chế XHCN. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam – Nhà nước của dân, do dân và vì dân, quản lý mọi mặt hoạt động đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng XHCN.

Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng lãnh đạo.

Thứ tư, thực hiện dân chủ XHCN, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cũng là bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân. Nhà nước phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Kiên quyết chống quan liêu, cửa quyền, chống tham ô, lãng phí, đặc quyền, đặc lợi.

Thứ năm, tăng cường hệ thống hành pháp cả về tổ chức cán bộ, cơ chế hoạt động. Phát huy vai trò điều hành của hệ thống hành pháp. Xác định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền địa phương trên cơ sở pháp luật thống nhất và sự điều hành tập trung của Chính phủ.

Xây dựng quy chế công chức, chế độ trách nhiệm công vụ. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, bảo đảm tính liên tục và hiệu quả của nền hành chính quốc gia.

Xây dựng hệ thống HCNN trong sạch, minh bạch, công khai, vững mạnh, quản lý có hiệu lực, hiệu quả khắc phục những yếu kém kéo dài của bộ máy HCNN, đặc biệt là tệ quan liêu, tham nhũng, sự thoái hoá về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, chúng ta đang thiếu cả lý luận, nhận thức, kiến thức, kỹ năng; thiếu cả cơ chế, chính sách, con người và tổ chức; thiếu sự chỉ đạo cụ thể, trong quá trình thực hiện còn nửa vời; thiếu sự trong sáng, gương mẫu của một bộ phận công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cơ sở.

Như một cuộc cách mạng liên tục, quyết tâm cao, vừa làm, vừa tổng kết, thử nghiệm – các cơ quan HCNN phải tự đổi mới, tự cải cách mình để xây dựng một nền hành chính dân chủ và từng bước hiện đại hoá, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế, kỷ cương nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Điều đó đòi hỏi phải có sự thống nhất cao từ trong Đảng, từ trung ương đến cơ sở, từ lãnh đạo đến đội ngũ cán bộ, công chức và xã hội, vì lợi ích toàn cục, hy sinh lợi ích bộ phận, cá nhân,…

Tình trạng quan liêu, tham nhũng, sức ỳ của cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp cộng với những hiểu biết sai trái, làm méo mó nền kinh tế thị trường để trục lợi, làm xói mòn nếp nghĩ, phong cách làm việc, nghĩa vụ và bổn phận của phần lớn cán bộ, công chức. Hiện tượng này đang trở thành nạn dịch qua nhiều năm tháng! Xã hội lên án và mất lòng tin!

Sự nghiệp đổi mới đang hết sức phức tạp,lại được tiến hành trong điều kiện cò thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý nhà nước trong cơ chế kinh tế mới. Bên cạnh đó, là ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và trật tự xã hội còn lỏng lẻo và yếu kém cả trong bộ máy nhà nước và trong xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước,…

Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu lý luận và thực tiễn, khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung thiết chế cơ bản, quan trọng, tìm ra những thiết yếu phù hợp với từng giai đoạn phát triển mới của đất nước.

PV: Đề nghị Giáo sư cho biết những giải pháp nào để xây dựng nhà nước pháp quyền mà trong đó, vai trò của khoa học hành chính là rất quan trọng?
GS.TSKH. Nguyễn Duy Gia: Để xây dựng nhà nước pháp quyền, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Tiếp tục kiện toàn tổ chức,bộ máy của hệ thống chính trị và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trên nguyên tắc giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao bản chất cách mạng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước ta. Mọi tổ chức của Đảng, Nhà nước và đảng viên không được đứng trên pháp luật và phải gương mẫu chấp hành pháp luật. Thực hiện Hiến pháp năm 2013 theo hướng tăng cường vai trò của hệ thống chính trị, nâng cao quyền lực và năng lực của hệ thống hành chính các cấp, phát huy quyền dân chủ và thanh tra, giám sát của nhân dân – quyền lực tối cao.

Tổ chức nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi một số vấn đề về tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước có liên quan, kể cả nâng cao vai trò và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương theo Hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hệ thống HCNN, nhất là tổ chức chính quyền đô thị, hướng mạnh đến quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Tinh giản, cắt bỏ những trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trực thuộc bộ, trực thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Điều chỉnh chức năng, thẩm quyền của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của bộ trưởng các bộ và của chính quyền địa phương.

Phân công, phân cấp hợp lý giữa Chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương. Xác định cơ cấu tổ chức Chính phủ cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ phát triển mới – phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Cần phải quy định rõ chế độ công vụ, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan HCNN các cấp, tránh lạm quyền, quan liêu, hách dịch và kiên quyết chống tham nhũng và xử lý nghiêm, không có vùng cấm để lấy lại lòng tin trong nhân dân. Hoàn chỉnh và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tính tự quản của cộng đồng.

Bảo đảm tính hiệu lực của kê khai và quản lý tài sản của cán bộ có chức, có quyền. Bảo đảm chế độ tiền lương và đời sống cán bộ, công chức.

Tăng cường phổ biến, truyền đạt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi công dân, cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời, có quyết tâm chống những căn bệnh trầm kha, bôi nhọ bản chất tốt đẹp của chế độ. Tiếp tục xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, hữu nghị và hoà hợp mà điểm nút là: xây dựng nhà nước pháp quyền; xây dựng hệ thống HCNN dân chủ; xây dựng nền dân chủ XHCN; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chế độ công vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức…

                                                                                 Thúy Vân thực hiện
Theo Tạp chí Quản lý nhà nước số 217, tháng 2/2014