Nghiên cứu khoa học – động lực và giải pháp cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia

(QLNN) – Những năm qua, trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Hành chính Quốc gia đã thực hiện “chức năng kép”, đó là đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức và đào tạo nguồn nhân lực hành chính chất lượng ở bậc đại học cũng như sau đại học. Đối với chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, điều quan trọng nhất là từng bước bổ sung kiến thức, đồng thời xác định được những “lỗ hổng” trong nhận thức và “lấp đầy” bằng kiến thức lý luận và thực tiễn phù hợp. Trong môi trường thay đổi, việc xác định kiến thức, kỹ năng và thái độ mới để chuẩn bị những nội dung đào tạo, bồi dưỡng nhằm thực sự tạo ra bước chuyển trong năng lực là nội dung hết sức quan trọng.

 

Trước sự phát triển của khoa học và công nghệ, các tri thức dường như trở nên lạc hậu nhanh hơn, vì vậy, làm thế nào để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đã trở thành vấn đề lớn đối với mỗi cơ sở đào tạo. Điều này đòi hỏi mỗi cơ sở đào tạo cần không ngừng vận động, đổi mới chương trình, trở thành một trung tâm chuyển giao tri thức sáng tạo đúng nghĩa. Để làm được điều này, lịch sử phát triển của các trường đại học danh tiếng trên thế giới đã chỉ ra – đó là cần gắn kết giữa nghiên cứu khoa học (NCKH) và đào tạo.

Có thể nói, sự gắn kết giữa NCKH và đào tạo là mối quan hệ tương tác, tạo động lực cho phát triển tri thức. Nghiên cứu cung cấp tri thức cho đào tạo. Đào tạo tìm thấy mạch nguồn của mình ở những kết quả nghiên cứu. Mặt khác, nhờ đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) mà kết quả nghiên cứu được chuyển giao, từ “hạt kiến thức” trở thành “cây tri thức”. Nếu đào tạo chuyển giao tri thức tĩnh thì nghiên cứu tạo ra tri thức động; đào tạo và nghiên cứu giúp cho tri thức trở thành một dòng chảy không ngừng.

Những kết quả đạt được về sự gắn kết giữa NCKH và ĐTBD

Đối với Học viện Hành chính Quốc gia, cùng với ĐTBD kiến thức hành chính và quản lý nhà nước, NCKH hành chính là một trong hai trụ cột hoạt động của Học viện. Những năm qua, lãnh đạo Học viện luôn quan tâm đến việc gắn kết giữa NCKH và ĐTBD. Điều này được thể hiện trước hết trong định hướng hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện giai đoạn 1989 – 2011, theo đó, NCKH phục vụ công tác nâng cao chất lượng ĐTBD và đây được xem là một định hướng đặc biệt quan trọng.

Lãnh đạo Học viện đã xác định trọng tâm NCKH để phục vụ đổi mới nội dung chương trình ĐTBD. Trong số 261 đề tài NCKH các cấp của Học viện thì có 69 đề tài trực tiếp hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng ĐTBD. Mục tiêu này thể hiện ở việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ NCKH liên quan đến ĐTBD trên các phương diện:

Nghiên cứu đánh giá thực trạng chất lượng ĐTBD, phản ánh những mặt thành công hay hạn chế trong chất lượng ĐTBD, chỉ ra nguyên nhân và định ra các giải pháp cụ thể hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng ĐTBD;

Nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý công tác ĐTBD, tạo ra sự chuyển đổi từ quản lý đào tạo thuần túy mang tính hành chính, nghiệp vụ sang mục tiêu quản lý chất lượng ĐTBD;

Nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện chương trình ĐTBD trên cơ sở nghiên cứu đánh giá các chương trình, tài liệu hiện có, chỉ ra những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện. Bên cạnh đó, các nghiên cứu đánh giá nhu cầu đào tạo, xác định các định hướng ĐTBD giúp cho việc xây dựng chương trình ĐTBD có tính thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu ĐTBD. Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài thực sự là tiền đề quan trọng quyết định phục vụ cho việc biên soạn, đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, bài giảng của Học viện, giúp cho hệ thống giáo trình, tài liệu này cập nhật hơn, góp phần vào việc bảo đảm chất lượng ĐTBD.

Nghiên cứu phục vụ việc mở rộng các chuyên ngành đào tạo, bảo đảm chất lượng của các khóa đào tạo đại học chính quy. Với việc mở rộng chuyên ngành đào tạo của Học viện, các đề tài nghiên cứu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng tài liệu, chương trình phục vụ cho việc bảo đảm chất lượng của các chuyên ngành. Nếu thiếu vắng hoạt động NCKH thì việc mở rộng các chuyên ngành đào tạo sẽ gặp nhiều khó khăn, không thể triển khai thực hiện có hiệu quả;

Nghiên cứu đổi mới phương pháp ĐTBD ở các cấp học, bậc học, các loại hình đào tạo;

Nghiên cứu xây dựng đội ngũ giảng viên hành chính và quản lý nhà nước chuyên nghiệp, có đủ năng lực, phẩm chất chuyên môn, bảo đảm chất lượng ĐTBD.

Trong những năm gần đây, các NCKH ngày càng tập trung vào mục tiêu phục vụ ĐTBD. Từ năm 2007 – 2011, trong số 61 đề tài nghiên cứu, có tới 26 đề tài có nội dung phục vụ hoạt động ĐTBD của Học viện.

Trong đó, nghiên cứu xây dựng đổi mới chương trình có 13 đề tài; nghiên cứu xây dựng đội ngũ giảng viên có 3 đề tài; nghiên cứu đổi mới công tác quản lý ĐTBD và nghiên cứu đánh giá chất lượng ĐTBD có 7 đề tài; nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy và phát triển đào tạo hành chính có 3 đề tài. Cùng với việc đầu tư nghiên cứu hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng ĐTBD, NCKH cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy của Học viện. NCKH giúp các giảng viên của Học viện cập nhật kiến thức, đào sâu và phát triển những kiến thức đã có. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện ngày càng trưởng thành về năng lực chuyên môn, nhanh nhạy trong phát hiện các vấn đề thực tiễn.

Những hạn chế trong sự gắn kết giữa NCKH và ĐTBD

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự gắn kết giữa NCKH và ĐTBD của Học viện cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là, NCKH vẫn chưa thực sự trở thành động lực, là nền tảng cho việc nâng cao chất lượng ĐTBD. NCKH chưa tìm được vị trí thực sự trong quá trình ĐTBD, chưa trả lời được câu hỏi ĐTBD đang thiếu những tri thức nào và NCKH phải làm gì để trả lời câu hỏi đó.

Theo quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên được ban hành kèm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2008 và Thông tư số 36/2010/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giảng viên ban hành kèm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên bình quân trong 1 năm học là 1.760 giờ. Tổng quỹ thời gian này được phân chia theo chức danh giảng viên và cho từng nhiệm vụ.

Như vậy, thời gian dành cho NCKH đối với giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp lần lượt chiếm khoảng 28,4%; 34,1% và 39,8% thời gian làm việc mỗi năm. Thời gian làm công tác NCKH về tổng thể chiếm gần 1/3 tổng thời gian làm việc của giảng viên. Càng ở trình độ cao hơn, giảng viên càng cần dành nhiều thời gian hơn cho NCKH.

Tìm hiểu về khung thời gian dành cho các hoạt động nghiên cứu của giảng viên ở các trường đại học trên thế giới, có thể nói, tỷ lệ thời gian dành cho hoạt động NCKH thường khá cao, như Trường Đại học Chiềng Mai (Thái Lan) quy định thời gian NCKH của giảng viên tối thiểu 40% mỗi năm; Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) quy định thời gian NCKH của giảng viên: tiến sĩ là 40%, giảng viên có vị trí như phó giáo sư ở Việt Nam là 45% và giảng viên có vị trí như giáo sư ở Việt Nam là 50%.

Như vậy, hoạt động NCKH là quy định bắt buộc, hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy. Giảng viên đại học phải nghiên cứu, tiếp cận với khoa học – công nghệ để làm phong phú, sinh động bài giảng. Tuy nhiên, với mức lương cơ bản còn thấp,  nguồn thu nhập chủ yếu là lương giảng dạy nên hiện nay, giảng viên thường dành phần lớn thời gian cho công tác giảng dạy (nhiều giảng viên dạy vượt giờ từ 200 -300%). Thời gian NCKH  chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng thời gian làm việc của giảng viên.

Bên cạnh đó, nhiều giảng viên còn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của NCKH đối với hoạt động ĐTBD nên ít có sự đầu tư cho NCKH. Mặt khác, nhiều đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu thì kết quả không được sử dụng hoặc sử dụng một cách hạn chế. Chính vì sự thiếu gắn kết giữa NCKH với hoạt động ĐTBD nên chất lượng ĐTBD không được nâng cao. Bởi một quá trình đào tạo không gắn kết với nghiên cứu sẽ khó có động lực để đổi mới. Trên thế giới, các nước phát triển đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao vì họ luôn gắn đào tạo và NCKH thành một khối thống nhất.

Các thành tựu nghiên cứu mới được đưa vào quá trình đào tạo, trên cơ sở đó, chương trình được đổi mới, cập nhật không ngừng. Chẳng hạn, Đại học Ca-li-pho-ni-a (Hoa Kỳ) trong một năm đã loại bỏ khỏi chương trình đào tạo 5.000 môn học, mặt khác, đưa số lượng môn mới tương đương  vào thay thế. Để làm được việc này, họ sử dụng kết quả của nhiều đề tài nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau: khoa học cơ bản, thị trường lao động, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội…

Đặt trong điều kiện của Học viện hiện nay, vấn đề đổi mới và cập nhật chương trình ĐTBD còn tương đối chậm. Chương trình đào tạo của Học viện chưa có nhiều môn học mới, một số môn đang giảng dạy thì nội dung đã cũ. Chất lượng các nghiên cứu phục vụ ĐTBD cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Có thể nói, đây là một vấn đề nan giải trong mối quan hệ giữa NCKH và đào tạo ở Học viện.

Hơn nữa, hiện nay, các tiêu chuẩn đánh giá giảng viên ở Học viện đã được nghiên cứu với những quy định cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy nhưng chưa áp dụng thành Quy chế giảng viên của Học viện. Các nghiên cứu về đổi mới chương trình, tài liệu cũng chưa thực sự tạo ra bước chuyển trong chương trình đào tạo, một phần vì không được áp dụng, một phần vì kết quả nghiên cứu chưa thực sự thuyết phục những đơn vị làm công tác giảng dạy.

Rõ ràng, NCKH chưa trở thành một hoạt động có tính chất sống còn trong mối tương quan với ĐTBD. Các nhiệm vụ nghiên cứu được thực hiện bởi từng nhóm giảng viên và điều quan trọng hơn là các sản phẩm nghiên cứu không được quảng bá, phổ biến rộng rãi để mọi người cùng thụ hưởng. Điều này không chỉ dẫn đến sự lặp lại trong các NCKH mà còn dẫn đến các nghiên cứu giá trị không góp được tiếng nói của mình vào quá trình ĐTBD của Học viện.

Định hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động NCKH và ĐTBD ở Học viện Hành chính Quốc gia

Thứ nhất, gắn kết giữa NCKH và ĐTBD. Nội dung này cần được thực hiện trong suốt quá trình ĐTBD, từ xác định nhu cầu đến việc đánh giá chất lượng sau khi kết thúc khóa học. Những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của nguồn nhân lực hành chính trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo cần được nhận diện để định hướng cho đào tạo. NCKH ở Học viện phải hướng đến cung cấp cho công tác ĐTBD bức tranh tổng thể xã hội đang cần ĐTBD những kiến thức, kỹ năng nào để ĐTBD đáp ứng yêu cầu của xã hội. NCKH sẽ cung cấp cơ sở cho việc xây dựng chương trình, tài liệu, tìm ra cơ sở khoa học cho việc xác định các chuyên đề, môn học. Đồng thời, NCKH sẽ cung cấp tri thức cho việc xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu ĐTBD thực sự cập nhật, khoa học.

Thứ hai, nâng cao chất lượng NCKH của Học viện. Để nâng cao chất lượng nghiên cứu, cần tạo điều kiện để giảng viên Học viện có đủ thời gian cho NCKH. Vì vậy, phải có sự quy định cân đối về thời gian nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên. Mặt khác, vấn đề NCKH cần được nhận thức, đánh giá có tầm quan trọng như công tác đào tạo. Điều này hàm ý, việc lựa chọn các vấn đề nghiên cứu phải thực sự khoa học, xác định những nhiệm vụ nghiên cứu thiết thực, có tính khả thi. Học viện cũng cần có cơ chế đánh giá chất lượng NCKH nghiêm túc hơn để các nhiệm vụ nghiên cứu được nghiên cứu có trách nhiệm hơn, luận giải được các vấn đề sâu sắc hơn, khả dụng hơn trong phục vụ mục tiêu ĐTBD.

Thứ ba, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học hành chính. Việc tập hợp và phân loại các kết quả nghiên cứu, tạo điều kiện cho giảng viên tiếp cận các kết quả nghiên cứu, phục vụ trực tiếp cho việc đổi mới bài giảng, là nguồn tư liệu phục vụ cho việc xây dựng, đổi mới chương trình. Cơ sở dữ liệu được xây dựng đồng bộ, toàn diện cũng giúp cho cán bộ, giảng viên Học viện có sự hình dung đầy đủ hơn về kết quả nghiên cứu, những khoảng trống mà các nghiên cứu đi trước chưa phát hiện. Từ đó, tạo tiền đề hình thành những ý tưởng, những nghiên cứu mới thiết thực hơn, tạo ra những kết quả nghiên cứu thực sự thay vì chỉ là sự lặp lại những ý tưởng nghiên cứu cũ.

Thứ tư, xây dựng quy chế về giảng viên. Việc xây dựng quy chế giảng viên với những quy định cụ thể sẽ bảo đảm sự cân đối giữa nhiệm vụ giảng dạy và NCKH. Ở đây, có thể xác định những nhiệm vụ của giảng viên trên bốn phương diện: giảng dạy; hoạt động NCKH; dịch vụ chuyên môn phục vụ nhà trường, cộng đồng; trách nhiệm công dân với tư cách là nhà khoa học. Trong giai đoạn trước mắt, Học viện cần có quy định chuẩn về khung thời gian thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm giảng viên dành thời gian tương xứng cho hoạt động NCKH, cập nhật kiến thức lý luận và thực tiễn.

Về lâu dài, cần định hướng xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia trở thành một “Học viện nghiên cứu”, bởi lẽ trong định nghĩa về trường đại học có chất lượng, đặc điểm trọng yếu nhất được nêu lên là cương vị của nhà trường với tư cách một tổ chức nghiên cứu quốc tế và trách nhiệm trong việc kiến tạo những tri thức mới có liên quan đến kinh tế tri thức và những cải cách cốt lõi của khoa học – công nghệ nhằm gắn kết đào tạo với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Sáng tạo những tri thức mới là cơ sở để có những tri thức mới phục vụ cho quá trình đào tạo, mở đường cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Học viện cần đa dạng hóa các hình thức NCKH, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia NCKH. Mặt khác, cần đổi mới toàn diện các hoạt động NCKH để tạo ra những sản phẩm thiết thực hơn, có sự gắn kết chặt chẽ hơn với yêu cầu ĐTBD.

Như vậy, suy đến cùng, đào tạo là cung cấp điều kiện để người học có những tri thức khoa học. Vì thế, Học viện Hành chính Quốc gia cần gắn kết hoạt động đào tạo với NCKH. NCKH cần thực sự là động lực nội sinh để phát triển đào tạo và là lý do tồn tại của đào tạo. Quá trình đào tạo của Học viện cần đi sâu tổng kết những tri thức thực tiễn, những thành tựu khoa học để hình thành những công trình khoa học, tạo ra giáo trình, sách giáo khoa, giáo án phục vụ đào tạo. Đào tạo không chỉ nhằm phổ biến, truyền bá và chiếm lĩnh những tri thức khoa học mà còn là cơ sở cho người học sáng tạo, hình thành những tri thức mới, tạo ra cuộc sống mới, con người mới.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2011 – 2015.
2. Kỷ yếu Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục đại học và cao đẳng ở Việt Nam”. Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2010.

 PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – TS. Đoàn Văn Dũng
Học viện Hành chính Quốc gia