Bàn giải pháp xây dựng “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài”

(QLNN) – Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công” vừa được Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Kế hoạch xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài”, được Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành vào đầu tháng 6/2019, nhằm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Cần thêm căn cứ để xây dựng chiến lược nhân tài

Mới đây, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Đề án “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài. Đồng thời, quy định khung cơ chế chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn nhằm phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Để có thêm cơ sở khoa học cung cấp thêm lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng Đề án quan trọng này, sáng ngày 17/7/2019, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cùng sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Hội thảo nhằm mục đích thu thập các ý kiến, trao đổi của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý về các nội dung có liên quan để góp phần hoàn thiện dự thảo đề cương Đề án.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, nhân tài đa dạng, nhiều cấp độ, xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, dưới góc nhìn chính sách và tính chất đặc thù trong khu vực công, cần nhìn nhận nhân tài ở một “mẫu số chung nhất định” để có chính sách phát hiện, lựa chọn, trọng dụng đồng bộ, phù hợp, tránh tình trạng phát hiện tràn lan theo kiểu đại trà, khó chọn lọc. Hay nói cách khác, tránh tình trạng thu hút thiếu trọng tâm, dàn trải, thu hút không đúng người có năng lực, trình độ vào làm việc trong nền công vụ, gây khó khăn trong việc bố trí, sử dụng như đã từng xảy ra ở một số ngành, địa phương thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội thảo khoa học: “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công” (Ảnh: Kim Huy).

Nhấn mạnh đây là nội dung phức tạp, trong khi đòi hỏi hoàn thiện trong thời gian ngắn, Bộ trưởng đề nghị các nội dung trao đổi cần tập trung làm rõ các vấn đề lý luận về nhân tài và thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công; đánh giá đúng thực trạng chính sách và việc thực hiện các quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài ở nước ta thời gian qua.

Cùng với đó là kinh nghiệm trong và ngoài nước về xây dựng và thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài; xác định các yêu cầu, điều kiện cùng những khó khăn, thách thức trong xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài ở nước ta. Đồng thời, đề xuất quan điểm, phương hướng và giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công ở nước ta và tập trung vào các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể cần được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Gợi ý chính sách nhân tài từ góc nhìn khoa học

Tại Hội thảo, chia sẻ quan niệm về nhân tài, TS. Dương Quang Tung – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước cho rằng, nhân tài không phải chỉ dừng lại ở khả năng, mà phải là những người có năng lực vượt trội, có ý chí và có cống hiến bằng kết quả làm việc cụ thể… Đặc biệt, nhân tài phải luôn gắn với lĩnh vực cụ thể, không có nhân tài chung chung, không phải chỉ căn cứ theo bằng cấp…

Ở khu vực công, các vị trí cần thu hút nhân tài gồm: (1) Lãnh đạo, quản lý; (2) Tham mưu, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển; (3) Các vị trí cần kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cao. Còn các vị trí có tính chất thừa hành, thực thi cụ thể không nhất thiết phải thu hút. Cho rằng nhân tài là những người có nhân cách và tự trọng cao nên việc xây môi trường làm việc có ý nghĩa quan trọng, TS. Dương Quang Tung nhấn mạnh: muốn trọng dụng nhân tài, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thực sự là “minh chủ”.

TS. Dương Quang Tung – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước: “Không phải vị trí nào trong khu vực công cũng cần thu hút nhân tài” (Ảnh: Kim Huy)

Còn theo PGS.TS. Lê Minh Thông – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội: không nên hiểu máy móc về khái niệm nhân tài, mà “nhân tài” phải được hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau, và cần có chính sách đa tầng, đa lớp mới có thể thu hút được nhiều nhân tài, không nên chỉ có chính sách cho nhân tài nói chung. Ông cũng nhấn mạnh, nhân tài thời nào cũng có, nhưng làm sao để họ xuất hiện mới là quan trọng, do đó việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài là việc làm có ý nghĩa hơn nhiều.

Trước thực trạng nhiều người tốt nghiệp loại giỏi, tốt nghiệp ở nước ngoài về, không lựa chọn dự tuyển vào làm việc trong khu vực công, PGS.TS. Lê Minh Thông lý giải: bên cạnh chính sách đãi ngộ chưa tốt, cơ hội thăng tiến chưa nhiều thì uy tín hình ảnh về người công chức hiện nay còn thấp do các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, không gương mẫu của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn diễn ra trong thời gian qua. Đây cũng là những nguyên nhân đáng để xem xét… Do vậy, để thu hút nhân tài, trước hết bộ máy khu vực công cần phải được “sàng lọc”, bảo đảm tinh gọn, chất lượng, khẳng định lòng tin của người dân và xã hội đối với bộ máy công quyền.

PGS.TS. Lê Minh Thông – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội: “Muốn thu hút nhân tài, trước hết bộ máy khu vực công cần phải được “sàng lọc”, bảo đảm tinh gọn, chất lượng, khẳng định được lòng tin của người dân và xã hội” (Ảnh: Kim Huy).

Về cơ chế, chính sách, PGS.TS. Lê Minh Thông và GS.TS. Phạm Hồng Thái – nguyên Trưởng Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng quan điểm: cần đa tầng hóa, đa dạng hóa chính sách cho các cấp độ nhân tài để có chính sách phù hợp. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ hợp lý để đội ngũ công chức bảo đảm được đời sống ở mức bậc trung trong xã hội.

Ngoài ra, cần có biện pháp sử dụng người đúng chuyên môn, năng lực, tạo môi trường làm việc được tôn trọng, được sáng tạo để công chức phát huy tài năng, cống hiến hiệu quả nhất cho cơ quan, tổ chức, cho xã hội, xứng đáng với hình ảnh được thừa nhận là đội ngũ “tinh hoa” như ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Đặc biệt, để thu hút, “giữ chân” được người tài, người đứng đầu phải là người thực sự tài giỏi, có nhân cách, xứng đáng là tấm gương đủ sức lôi cuốn, quy tụ các nhân tài.

GS.TS. Phạm Hồng Thái – nguyên Trưởng Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Nhân tài giữ vị trí quản lý phải có năng lực tổ chức lao động, không nhất thiết phải giỏi chuyên môn” (Ảnh: Kim Huy).

Trước những bất cập về chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các trường đại học công lập hiện nay, GS.TS. Phạm Hồng Thái cho rằng, cần trao cho các trường đại học quyền tự chủ về mọi mặt (về tài chính, tổ chức, nhân sự, lương thưởng) để các trường tự vươn lên trong cơ chế thị trường, cạnh tranh với các đơn vị sự nghiệp công lập và tư nhân khác, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách tập trung cho các ngành, lĩnh vực nhất định, để định hướng những người tài cống hiến ở các lĩnh vực đó, ngoài khu vực công lập.

Cùng trao đổi về nội dung này, PGS.TS. Hoàng Phúc Lâm – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa tổ chức cũng là yếu tố quan trọng để thu hút nhân tài vào làm việc trong tổ chức. Minh chứng cho điều này, ông cho biết, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, việc xây dựng văn hóa Trường Đảng luôn được coi trọng. Điều này cũng giúp mỗi cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên, học viên nhận thức rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của Học viện và của bản thân để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là những giá trị cốt lõi mà thông qua đó, nhiều nhân tài luôn mong muốn được công tác, cống hiến trong môi trường Học viện mang tên Bác.

PGS.TS. Hoàng Phúc Lâm – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Văn hóa tổ chức cũng là yếu tố quan trọng để thu hút nhân tài vào làm việc trong tổ chức” (Ảnh: Kim Huy).

PGS.TS. Hoàng Phúc Lâm cũng chia sẻ thêm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã có quy định và tiến hành tuyển dụng nhiều cán bộ trẻ tài năng tốt nghiệp các trường đại học tốp đầu cả nước, xếp loại học lực từ khá, giỏi trở lên, trình độ tiếng Anh IELTS 5.0 trở lên và tương đương ở các ngôn ngữ khác. Đây là những người có triển vọng, say mê nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị, góp phần bổ sung cho đội ngũ cán bộ khoa học kế cận của Học viện. Ngoài ra, Học viện cũng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có thực tiễn công tác thông qua hình thức giảng viên kiêm chức đối với lãnh đạo, quản lý ở các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương. Đây là nguồn cung cấp, bổ sung kiến thức thực tiễn phong phú cho các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên của Học viện.

Thực tiễn thu hút, trọng dụng nhân tài từ kinh nghiệm địa phương

Ở góc độ kinh nghiệm thực tiễn từ địa phương, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho hay, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đã được Đà Nẵng quan tâm chỉ đạo từ đầu năm 1998 – ngay sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Từ đó đến nay, theo từng giai đoạn, Đà Nẵng đã có những điều chỉnh về chính sách cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và nhu cầu nhân lực của địa phương cũng như đối tượng thu hút.

Từ 1998 đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, thực hiện chính sách hỗ trợ về mọi mặt, bảo đảm có tính vượt trội so với đối tượng khác trong cùng cơ quan. Nhờ đó, đội ngũ này đã yên tâm công tác, có đóng góp tích cực và nổi trội với cống hiến bằng nhiều sản phẩm cụ thể. Đặc biệt, nhiều cán bộ được thu hút đã trưởng thành, được bố trí đảm đương các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức.

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng: “Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng hình thức, đối tượng thu hút, bao gồm cả đối tượng chuyên gia có uy tín đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian” (Ảnh: Kim Huy).

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện chính sách này thời gian qua cũng còn một số hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm tiếp nhận, sử dụng và bố trí việc làm cho người được thu hút dù trước đó có đăng ký nhu cầu. Ngược lại, một số trường hợp sau khi được tiếp nhận, bố trí công tác lại ngại khó, chưa thực sự gắn bó với công việc, thậm chí có trường hợp xin thôi việc hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác có cơ hội thăng tiến cao hơn. Ngoài ra, việc phối hợp quản lý và thực hiện chính sách, chế độ đối với các đối tượng thu hút cũng chưa thực sự đồng bộ và chặt chẽ.

Do vậy, lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục mở rộng hình thức, đối tượng thu hút, bao gồm cả đối tượng chuyên gia có uy tín đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành phố. Đồng thời, điều chỉnh chế độ đãi ngộ theo hướng quy định cao hơn mức hỗ trợ 01 lần và có phân nhóm theo đối tượng, trình độ đào tạo và cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ chú trọng làm tốt hơn nữa công tác sử dụng và “giữ chân nhân tài”.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ Lâm Hùng Tấn cho biết, ngay từ năm 1999 – 2000, Thành phố đã chú trọng đào tạo cán bộ trẻ, nhằm tạo nguồn lãnh đạo, quản lý, chuyên gia khoa học cho hệ thống chính trị thông qua 3 chương trình gồm: (1) Chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi; (2) Chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân; (3) Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Đến nay, đã có trên 350 cán bộ (chiếm 50,7%) đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trở lên; trên 65 cán bộ (chiếm (9,4%) tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở và hơn 170 cán bộ (chiếm 24,9%) tham gia cấp ủy cơ sở… Đội ngũ cán bộ trẻ của 3 chương trình này đã phát huy tốt vai trò, đi đầu trong sáng tạo, có nhiều cống hiến đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp.

Phó Giám đốc Sở Nội Vụ Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Hùng Tấn: “Cơ chế, chính sách khuyến khích và đề bạt, bổ nhiệm chưa thực sự tạo được bước đột phá để thu hút nhân tài trong khu vực công” (Ảnh: Kim Huy).

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có chính sách thí điểm thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ với mức lương khoán hằng tháng tối đa 150 triệu đồng. Đồng thời, hiện đang đề xuất xây dựng đề án về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.

Bên cạnh những kết quả tích cực, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng “chảy máu chất xám” trong khu vực công của Thành phố, nhất là trong các chương trình cán bộ trẻ do cơ chế, chính sách khuyến khích và đề bạt, bổ nhiệm chưa thực sự tạo được bước đột phá (bởi quy định hiện hành về chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thống nhất trong cả nước)…

◊ Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ Nội vụ đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài”. Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 12 thành viên do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Trưởng ban. Tổ Biên tập gồm 19 thành viên là đại diện các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính,…

Kim Huy