(QLNN) – Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ được coi là chìa khóa nhằm bảo đảm cho các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020. Đến nay, với những nỗ lực và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng trong thực hiện Chiến lược này. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
1. Tăng trưởng kinh tế được coi là nền tảng để xóa đói, giảm nghèo và phát triển con người. Vấn đề đáng quan tâm là tính bền vững của quá trình tăng trưởng này. Một số mô hình tăng trưởng hiện nay đang làm cạn kiệt và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến gia tăng bất bình đẳng. Do đó, mô hình tăng trưởng xanh (TTX) gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững, xóa đói, giảm nghèo và hòa nhập xã hội rất được quan tâm.
Trong hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7% bình quân mỗi năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, nền kinh tế hội nhập cao với kinh tế thế giới, vị thế chính trị và kinh tế của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao.
Tuy nhiên, nhìn nhận lại chặng đường vừa qua, đánh giá chung của Chính phủ và các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế cho thấy, kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định bởi sự phát triển còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, vốn đầu tư, thâm dụng lao động, sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa hiệu quả, ô nhiễm môi trường gia tăng, cường độ phát thải khí nhà kính cao…
Hơn nữa, chúng ta đang phải đối mặt với một số thách thức về bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước trong điều kiện chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã chỉ rõ, đất nước cần phát triển nhanh và bền vững, tăng trưởng kinh tế phải đi kèm với với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh này, TTX là phương thức phát triển phù hợp với Việt Nam. TTX là cụ thể hóa định hướng phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, góp phần giảm nhẹ và phòng, chống tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng mà Chính phủ đề ra. TTX dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, TTX được xây dựng dựa trên các sáng kiến phát triển bền vững tại nhiều quốc gia nhằm mục đích xác định các nguồn lực sạch hơn để tăng trưởng, bao gồm nắm bắt cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ xanh mới, đồng thời quản lý những thay đổi cấu trúc liên quan đến việc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn.
Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập và việc làm thông qua sự đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái, góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu: biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng…
Tại Việt Nam, nhằm phát triển nền kinh tế theo hướng TTX, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX cho thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1393/QĐ- TTg ngày 25/9/2012, trong đó nêu rõ 3 nhiệm vụ chiến lược: giảm phát thải nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững thông qua thực hiện 17 nhóm giải pháp, tập trung vào truyền thông, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực để thực hiện Chiến lược; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng; giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, thực hành tiêu dùng bền vững.
Sau khi Chiến lược quốc gia về TTX được ban hành, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 – 2020, gồm 12 nhóm hoạt động với 66 hoạt động cụ thể theo 4 chủ đề chính: xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch hành động TTX tại địa phương, bao gồm 8 hoạt động; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với 20 hoạt động theo 4 nhóm; thực hiện xanh hóa sản xuất với 25 hoạt động theo 4 nhóm; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững với 13 hoạt động theo 2 nhóm.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính cũng ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 về kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX đến năm 2020 với việc xác định rõ định hướng điều chỉnh chung, phương thức tổ chức thực hiện, cách thức phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm hướng tới thúc đẩy TTX.
Thực hiện mục tiêu này, các chính sách tài chính hỗ trợ TTX ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào nhóm chính sách thuế, chính sách chi ngân sách nhà nước (NSNN) và chính sách tín dụng. Cụ thể, các chính sách thuế, phí từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường. Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.
Chính sách thuế tài nguyên trở thành công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên; góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên đối với phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp.
Các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất – nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược TTX của quốc gia.
Chính sách chi NSNN cũng được chú trọng theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường, chủ yếu tập trung vào: (1) Chi NSNN cho sự nghiệp môi trường, bao gồm chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. (2) Chi NSNN cho các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường. Hàng năm, NSNN bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi cân đối của NSNN trong dự toán ngân sách, trong đó, chủ yếu tập trung vào: hỗ trợ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo dự án; thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường…
Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch (tín dụng đầu tư nhà nước, tín dụng xanh, các chương trình cho vay ưu đãi). Các hoạt động tín dụng xanh hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch thông qua Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) và tín dụng của các ngân hàng thương mại…
Trên cơ sở triển khai Chiến lược quốc gia về TTX và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX, các địa phương đã tích cực triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương. Với trọng tâm là cụ thể hóa các mục tiêu, các chỉ tiêu và giải pháp trong Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX, đến nay, đã có 34/63 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động TTX[1]. Bên cạnh đó, kế hoạch hành động TTX còn được triển khai ở quy mô cấp vùng như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc…
Các tỉnh, thành phố cũng đều thực hiện lồng ghép khía cạnh đầu tư TTX trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; kế hoạch hành động biến đổi khí hậu. Nhờ khung khổ chính sách liên quan đến TTX được hoàn thiện, rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư đã dành sự quan tâm đặc biệt đến TTX tại Việt Nam. Chính vì vậy, các dự án liên quan đến nông nghiệp sạch, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển bền vững… được nhiều nhà đầu tư đến từ Đan Mạch, Đức, Anh, Hoa Kỳ quan tâm…
2. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng TTX ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức:
Một là, TTX mặc dù được nhiều địa phương quan tâm, nhiều DN ứng dụng nhưng tầm quan trọng vẫn chưa thực sự được đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, phần lớn người dân và DN chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của TTX. Đây được coi là điểm yếu của DN Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Bên cạnh đó, nhu cầu tài chính để triển khai thực hiện các hoạt động về TTX trong bối cảnh nguồn NSNN hạn hẹp và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế giảm dần cũng đang là một thách thức lớn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 98% DN nhỏ và vừa, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, công nghệ của DN về cơ bản vẫn đang ở giai đoạn áp dụng, chưa đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ[2].
Hai là, hệ thống pháp luật đang trong quá trình tiếp tục xây dựng hoàn thiện nên chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới TTX. Việc tổ chức quản lý chiến lược về phát triển ngành, vùng, địa phương trên phạm vi cả nước còn rời rạc, cục bộ. Do lối tư duy với tầm nhìn ngắn hạn, trước mắt (tư duy nhiệm kỳ) nên hiện tượng chạy đua xây dựng các khu công nghiệp, các nhà máy, bến cảng, sân golf, thủy điện… trong khi không tính tới hiệu quả kinh tế – xã hội, không đánh giá tác động môi trường một cách thấu đáo đã trở thành phổ biến tại các địa phương.
Ba là, năng lực phát triển công nghệ của Việt Nam còn rất thấp, cơ cấu nền kinh tế lạc hậu, công nghệ sản xuất cũ, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao; công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển; trình độ khoa học – công nghệ, hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn thấp.
Bốn là, tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái nghiêm trọng do phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch và nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp, việc quản lý tài nguyên còn hạn chế…
3. Để tiếp tục thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX ở Việt Nam, trước hết, Việt Nam cần huy động các nguồn lực và cơ chế tài chính trong và ngoài nước, ưu tiên cho TTX. Đặc biệt, cần đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác công tư, chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ tư nhân cũng như triển khai các công cụ tài chính dựa vào thị trường, như thị trường mua bán và trao đổi tín chỉ các-bon để bảo đảm tính bền vững và nguồn lực tài chính ổn định cho TTX. Đối với cơ chế tài chính cho TTX ở cấp địa phương, cần phân cấp rõ nguồn vốn tài chính trung ương và địa phương cho TTX cũng như đa dạng hóa các hình thức thu hút, huy động tài chính cho TTX chẳng hạn phát hành trái phiếu xanh ở các địa phương.
Thứ hai, xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, ban hành chính sách về bảo đảm giá và cơ chế ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo. Các cơ chế mới này sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho các DN sản xuất, nhất là các DN tại địa phương mạnh dạn thay đổi công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm bằng các công nghệ mới với năng suất và hiệu quả cao hơn trong sử dụng các nguồn tài nguyên.
Chú trọng đầu tư tận dụng lợi thế từ nguồn năng lượng tái tạo, nhất là nguồn năng lượng sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp và năng lượng gió từ đường bờ biển dài hơn 3.400 km của Việt Nam. Hơn nữa, cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí, hỗ trợ vốn, đất đai và bảo đảm giá đầu ra nhằm khuyến khích nhiều hơn nữa các DN đầu tư vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, từng bước gia tăng tỷ trọng của các nguồn năng lượng sạch này trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.
Về cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng đầu tư cho các ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên như các ngành dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghệ thông tin…
Thứ ba, thực hiện xanh hóa sản xuất thông qua quy hoạch, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản. Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên của đất nước, tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến quy trình sản xuất sạch hơn.
Bên cạnh đó, thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, đô thị hóa bền vững để nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển hài hòa, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Quy hoạch phát triển đô thị và quản lý quy hoạch cần đạt được các tiêu chí về hiệu quả sinh thái và bảo đảm xã hội để đô thị là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh và cạnh tranh, tăng cơ hội việc làm, giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống, tăng an ninh năng lượng, cải thiện môi trường, tránh được các chi phí và rủi ro trong tương lai.
Thứ năm, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc thực hiện Chiến lược TTX. Với sự phát triển của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, công tác tuyên truyền, giáo dục về Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX cần được thực hiện thông qua các hình thức gần gũi với các tầng lớp nhân dân như triển lãm ảnh, quảng cáo các sản phẩm về TTX trên mạng xã hội, thi tìm hiểu kiến thức về TTX trên truyền hình, phát động các sáng kiến, bộ phim ngắn về TTX cũng như đưa các nội dung liên quan tới TTX vào chương trình giảng dạy ở các cấp học…
Chú thích:
1. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo tham vấn báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh Việt Nam, ngày 24/01/2018.
2. Nâng cao năng lực quản trị tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tapchitaichinh.vn, ngày 23/02/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 1393/QĐ- TTg ngày 25/9/ 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
2. Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/ 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020.
3. Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/ 2015 của Bộ Tài chính về kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
PGS.TS. Nguyễn Cúc
Học viện Chính trị khu vực I