Thực hiện quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng thế trận lòng dân trong giai đoạn hiện nay

(QLNN) – Trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa tư tưởng vì dân trong lịch sử truyền thống dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng “thế trận lòng dân”, coi đó là cơ sở để tạo nền tảng vững chắc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.

 

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh: http://tuyengiao.vn).
Quan điểm của Đảng về xây dựng “thế trận lòng dân”

“Thế trận lòng dân”, chính là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, quyết tâm chiến đấu của toàn dân tộc đã được khơi dậy, quy tụ, phát huy, tạo thành nền tảng chính trị – tinh thần vững chắc, cho phép huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng trong từng giai đoạn.

Thế trận lòng dân được biểu hiện tập trung ở toàn dân đoàn kết thành một khối vững chắc xung quanh Đảng và Chính phủ, cùng hành động thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ; giữ vững niềm tin, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phấn đấu quên mình vì mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Quan niệm về “thế trận lòng dân” của Đảng ta ngày nay kế thừa tinh thần độc lập dân tộc và truyền thống quy tụ “sức mạnh lòng dân”. Trong chiếu dời đô, Lý Công Uẩn viết: “Làm như thế cốt để mưu việc lớn, chọn chỗ ở giữa làm kế cho con cháu muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân”1.

Trần Quốc Tuấn chủ trương thực hiện “khoan thư sức dân” và lấy đó là kế “sâu rễ bền gốc” làm “thượng sách giữ nước”. Theo ông, những vị anh hùng làm nên nghiệp lớn đều dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân, bởi họ cũng từ nhân dân mà ra. Do đó, trong thời bình cũng như trong thời chiến phải xây dựng “thành lũy lòng dân” bằng những việc làm cụ thể như “khoan thư sức dân”, “việc làm trước hết là chú ý ngay đến nhân dân” thì mới có thể huy động được sức người, sức của toàn dân.

Cách đây hơn 500 năm, Nguyễn Trãi – nhà quân sự, chính trị lỗi lạc của dân tộc đã có tư tưởng sâu sắc về vai trò của nhân dân. Ông nói: “Mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”2.

“Lòng dân” và “thế trận lòng dân” không phải tự nhiên mà có, càng không thể chỉ chờ đợi đến khi có giặc mới phát lời kêu gọi, mà đó là kết quả của quá trình dày công xây dựng của nhiều thế hệ người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lực lượng và sức mạnh chính là ở dân”, “có dân là có tất cả”3.

Từ đó, Người đã nhắc nhở rằng: “Đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”4 và Đảng, Nhà nước ta phải hoạch định đường lối, chính sách của mình theo “đường lối nhân dân”. Tiếp thu tinh thần đó, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân, đế quốc, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước theo con đường XHCN.

Trên cơ sở kế thừa tư tưởng, truyền thống “dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân” trong lịch sử giữ nước của dân tộc; vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Đảng ta nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân”.

Chủ trương của Đảng về xây dựng “thế trận lòng dân” lần đầu tiên được đề cập tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX). Tại Hội nghị này, Đảng ta xác định: “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân mà mấu chốt là thế trận lòng dân”5.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Giữ vững an ninh nội địa; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”6. Đến Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc”7. Trên cơ sở kế thừa tư duy của Đảng qua các kỳ Đại hội trước, Đại hội XII của Đảng xác định: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”8. Đây là chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng ta.

Thực tiễn thực hiện quan điểm của Đảng về xây dựng “thế trận lòng dân”

Những năm qua, để xây dựng “thế trận lòng dân”, Đảng ta đã tăng cường xây dựng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, với quyết tâm của lãnh đạo Đảng về việc “không có vùng cấm” đã đạt những kết quả to lớn, bước đầu mang lại niềm tin lớn lao trong nhân dân.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở những năm gần đây được chỉ đạo quyết liệt. Việc thực hiện quy chế, quy định, hương ước, quy ước ở nhiều địa phương đã trở thành nền nếp. Quyền làm chủ của nhân dân được coi trọng, phát huy, qua đó tạo bầu không khí dân chủ cởi mở hơn trong xã hội. Nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Chủ trương thực hiện một Chính phủ “kiến tạo, liêm chính, nghiêm minh” và công cuộc cải cách hành chính bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được thực hiện có nền nếp, nghiêm túc. Chính phủ và chính quyền các cấp đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, tập trung chỉ đạo tăng cường đối thoại với công dân; chủ động nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo ngay từ khi phát sinh ở cơ sở; nâng cao chất lượng giải quyết các khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; hạn chế đến mức thấp nhất việc hình thành các “điểm nóng”.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên (CBĐV) và nhân dân nắm vững, đồng thuận với mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân vận. Đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo” và các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực.

Tập trung xây dựng, ban hành các nghị quyết, quy chế, quy định để chấn chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên; ban hành các quy trình, quy định giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. Xây dựng đội ngũ CBĐV thực sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với nhân dân,…

Những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, “củng cố thế trận lòng dân”, tạo ra thế và lực mới cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Tuy nhiên, công tác dân vận và việc xây dựng “thế trận lòng dân” những năm qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sự tác động từ mặt tiêu cực của cơ chế thị trường đã dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội, tình trạng phân hóa giàu – nghèo ngày càng gia tăng, đời sống vật chất của nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Tình trạng thiếu việc làm, nhất là ở những vùng nông thôn đang bị quá trình đô thị hóa tác động (nông dân ở nhiều nơi, nhất là lực lượng lao động chủ chốt đã đổ về thành phố để làm ăn, kiếm sống, làng quê chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em). Điều này đã xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở những vùng nông thôn sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Một bộ phận cán bộ giàu lên nhanh chóng, không phải bằng lao động của chính mình mà là lợi dụng sự sơ hở của cơ chế, chính sách và bằng việc lợi dụng “quyền lực” của mình để vơ vét của Nhà nước, “ăn chặn, ăn bớt” của nhân dân.

Tình trạng triển khai các dự án tràn lan, thậm chí không triển khai theo ký kết, chậm tiến độ, kém hiệu quả, thất thoát tài nguyên của đất nước, tiền của của nhân dân, nhất là những dự án có quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân và môi trường sinh thái. Một số cơ chế, chính sách không hợp lòng dân, không phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đại đa số quần chúng nhân dân; một số cơ chế, chính sách đúng, nhưng quá trình triển khai thực hiện lại bộc lộ nhiều sai sót, khuyết điểm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là trên lĩnh vực giáo dục, y tế…

Một bộ phận CBĐV, kể cả cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sống xa dân, “vác mặt làm quan cách mạng”; trình độ năng lực yếu kém, làm việc kém hiệu quả, được thăng tiến do quan hệ, chạy chọt; tác phong, phương pháp làm việc không tốt. Công tác cải cách hành chính triển khai còn nhiều hạn chế, bất cập; tác phong, phương pháp làm việc của một bộ phận cán bộ, nhân viên trong bộ máy nhà nước, trong các cơ quan chính quyền còn hạn chế, làm phiền hà dân, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân.

Ở một số nơi, trật tự và an toàn xã hội chưa được bảo đảm, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, nhất là vấn đề tiêu cực và tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng; trật tự trong quản lý đô thị, nông thôn; tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy ngày càng gia tăng ở cả thành thị và nông thôn, miền núi; vấn đề an toàn thực phẩm đang ở mức báo động.

Những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo, nhất là thái độ và hành động của Trung Quốc trong hoạt động lấn chiếm biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa diễn biến phức tạp. Chính sách của Việt Nam trước những vấn đề đó cũng là một trong những vấn đề có thể gây nên những nhận thức khác nhau trong một bộ phận nhân dân, nhất là những người còn thiếu thông tin.

Thách thức từ những mối đe dọa đến an ninh phi truyền thống không thể không gây nên tâm trạng lo lắng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em; ma túy, mại dâm; dịch bệnh hoành hành; các sản phẩm phản văn hóa xâm nhập vào nước ta tác động đến một bộ phận nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những biến động nhanh chóng và rất khó đoán định. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã thực sự coi mặt trận tư tưởng – văn hóa là hướng tiến công chủ đạo để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm lật đổ chế độ của nước ta.

Cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong tương lai sẽ là một cuộc tấn công toàn diện và khốc liệt. Trong đó, những biện pháp để chia rẽ lòng dân, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc được sử dụng làm khởi điểm; tấn công răn đe, gây hỗn loạn hệ thống kinh tế là chủ đạo; và cuối cùng, khi sức “đề kháng”của chúng ta suy yếu thì kẻ địch sẽ sử dụng cuộc tấn công chiến lược bằng vũ khí công nghệ cao mà ở đó, nếu không có sức mạnh lòng dân để làm cơ sở hình thành nhân tố chính trị tinh thần, chúng ta sẽ không thể giành chiến thắng.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành cần nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của “lòng dân” và “thế trận lòng dân” để có chiến lược, biện pháp đúng đắn trong tổ chức xây dựng. Trước hết là khơi dậy, quy tụ lòng tin của dân đối với Đảng, chính quyền và chế độ xã hội; tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, hướng đến mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phương hướng, giải pháp tiếp tục quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng về xây dựng “thế trận lòng dân” trong tình hình hiện nay

Một là, chăm lo xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển nhanh và bền vững, đi đôi với bảo đảm cho nền kinh tế thị trường phát triển đúng định hướng XHCN, bên cạnh đó, phát triển lực lượng sản xuất, tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật để không ngừng nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Hai là, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cần có những chủ trương, chính sách phù hợp để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở những vùng khó khăn, thiếu thốn, vùng căn cứ cách mạng trước đây, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo.

Ba là, quan tâm giải quyết tốt những vấn đề xã hội, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam, kể cả những người đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc, tạo nên sự đồng thuận xã hội rộng lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Trước mắt, phải giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan đến chính sách đất đai, chưa hợp lòng dân; đặc biệt là những sai phạm, khuyết điểm của chính quyền các cấp liên quan đến việc thực hiện chính sách đất đai ở một số địa phương để lấy lại lòng tin của nhân dân.

Bốn là, Đảng và Nhà nước phải luôn có chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp và hợp lòng dân nhằm huy động sức mạnh của nhân dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Năm là, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, yêu cầu lãnh đạo xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhất là chăm lo xây dựng đội ngũ CBĐV xứng đáng là người lãnh đạo, “người đầy tớ” trung thành của nhân dân.

Sáu là, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN; tăng cường cải cách hành chính. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp, tác phong công tác tốt, xứng đáng là “công bộc” của dân.

Bảy là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, nhất là trong bộ máy Đảng và Nhà nước, trong đội ngũ CBĐV; làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ CBĐV; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, dứt điểm các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng gây hậu quả lớn nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN./.

Chú thích:
1. Thăng Long – Hà Nội: “Nơi đô hội trọng yếu để bốn phương tụ họp”. https://luutru.gov.vn, ngày 04/01/2010.
2. Nguyễn Trãi. Toàn tập. H. NXB Khoa học xã hội, 1976, tr. 141.
3. Hồ Chí Minh. Những bài viết về quân sự. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, Tập 1, tr. 95.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 169.
5. Nông Đức Mạnh. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế – xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước. Tạp chí Cộng sản số 21, tháng 7/2003.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 109.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 234.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016, tr. 149.

   NCS. Nguyễn Minh Cường
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng