Đề xuất Điều lệ tổ chức, hoạt động Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

(QLNN) – Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Ảnh minh họa (Nguồn: http://baochinhphu.vn).

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 05/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vốn vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn (hỗ trợ tài chính) cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

Đến năm 2018, sau gần 3 năm chính thức đi vào hoạt động, Quỹ đã tiếp nhận gần 1000 đề xuất nhiệm vụ, dự án đổi mới công nghệ tại 35 tỉnh, thành phố trong cả nước; thực hiện tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện đề xuất nhiệm vụ, xây dựng dự án; tổng hợp, đánh giá, phân loại hơn 300 nhiệm vụ; tổ chức xét chọn 184 nhiệm vụ; phê duyệt 79 nhiệm vụ và ký hợp đồng tài trợ cho 27 nhiệm vụ.

Với 27 nhiệm vụ đã ký hợp đồng, tổng kinh phí đối ứng của doanh nghiệp là 782,5 tỷ đồng, lớn gần gấp 3 lần kinh phí Nhà nước tài trợ cho doanh nghiệp từ Quỹ (268,1 tỷ đồng). Điều này cho thấy, cơ chế hợp tác công – tư đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ là phương thức hiệu quả và cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới để thu hút nguồn lực xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Luật ngân sách nhà nước năm 2015 có hiệu lực từ năm 2017 quy định các Quỹ tài chính nhà nước hiện hành sẽ chuyển sang mô hình Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Theo đó Ngân hàng nhà nước chỉ cấp cho các Quỹ vốn điều lệ và các hoạt động tài chính của Quỹ phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn vốn này (nguồn vốn phải được bảo toàn trừ phần trăm rất nhỏ chi cho rủi ro trong hoạt động tín dụng: cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vốn vay).

Quy định này dẫn đến hoạt động tài trợ (hỗ trợ vốn) và chi phí quản lý của Quỹ bị thu hẹp đáng kể làm cho hiệu quả sử dụng vốn của Quỹ bị giảm đi rất nhiều. Trên thực tế các doanh nghiệp của Việt Nam còn nhỏ bé về quy mô, doanh số và thị trường nên tài trợ từ nhà nước có vai trò quan trọng, vừa là cú hích, vừa là điểm xuất phát cho quá trình đổi mới công nghệ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp.

Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 tiếp tục tái khẳng định vị trí, vai trò và sự cần thiết của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia trong việc thúc đẩy nâng cao tiềm lực công nghệ quốc gia thông qua hoạt động đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mới, khi công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là đột phá chiến lược thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, là nhân tố đầu vào quyết định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Trách nhiệm của Nhà nước là đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và cải tiến công nghệ; từ đó, giúp hình thành một lực lượng doanh nghiệp trong nước mạnh về công nghệ và đổi mới sáng tạo, đủ năng lực tạo ra ngày càng nhiều của cải, vật chất và sự thịnh vượng cho người dân và đất nước. Để đáp ứng yêu cầu thách thức đó, việc đổi mới mô hình hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, ban hành Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ thay thế cho Quyết định số 1051/QĐ-TTg là hết sức cần thiết và cấp bách.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Trong đó, Bộ đề xuất Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có báo cáo tài chính riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Quỹ có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn (sau đây gọi chung là hỗ trợ tài chính) cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo được Quỹ xét chọn để hỗ trợ tài chính dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng. Quỹ được miễn thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Quỹ bao gồm: 1. Hội đồng quản lý Quỹ; 2. Kiểm soát viên; 3. Giám đốc Quỹ; 4. Bộ máy giúp việc.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn
Theo: http://baochinhphu.vn.