Đầu tư nhiều hơn cho công tác khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở

(QLNN) – Tuyến y tế cơ sở (gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã) là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất,  bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đề ramục tiêu hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Người dân khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang (Ảnh: baodantoc.vn).

Những năm qua, tổ chức mạng lưới y tế tuyến cơ sở luôn được củng cố, chất lượng hoạt động có nhiều chuyển biến; tổ chức bộ máy y tế từng bước phát triển; các chương trình y tế quốc gia được triển khai rộng khắp và đạt hiệu quả đáng khích lệ. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ y tế cơ sở có những kết quả nhất định; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư ngày càng hiện đại nên công tác khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngày một tốt hơn, nhất là việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở vùng có kinh tế khó khăn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. 

Việt Nam là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn thì công tác khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở vẫn còn những hạn chế, tồn tại:

– Mô hình tổ chức y tế tuyến cơ sở chưa được đổi mới căn bản về bộ máy, về hoạt động, nguồn nhân lực, hạ tầng và cơ chế tài chính, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

– Đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Còn thiếu đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học, cán bộ kỹ thuật y dược có trình độ đại học, cán bộ y học cổ truyền.

– Chưa có những chính sách đột phá để thu hút, giữ chân những cán bộ, nhân viên y tế giỏi, được đào tạo tốt; đồng thời, chưa có chính sách khuyến khích cán bộ, nhân viên y tế trẻ về làm việc ổn định, lâu dài ở tuyến y tế cơ sở.

– Chất lượng dịch vụ y tế vẫn còn chênh lệch giữa các vùng, miền và các tuyến y tế. Công tác KCB và phòng bệnh, phòng dịch, nâng cao sức khỏe chất lượng còn chưa tốt, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân. Nhìn chung, các cơ sở KCB tuyến y tế cơ sở chưa thu hút được nhiều người bệnh đến chữa trị. Nhiều người bệnh thường tới các cơ sở y tế tuyến trên hoặc các cơ sở y tế tư nhân để điều trị cho dù phải chi phí tốn kém hơn.

– Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, tuy nhiên, phần lớn kinh phí dành cho xây dựng cơ bản, phần trang thiết bị còn hạn chế, nhất là trang thiết bị y tế tuyến xã còn rất đơn sơ, nghèo nàn, không đồng bộ.

– Các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu ở một số địa phương chưa thực sự đi vào chiều sâu. Cụ thể là các bệnh dịch như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp… vẫn xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi; ô nhiễm môi trường sống và lao động chưa được khống chế có hiệu quả; an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát tốt, các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt vẫn thường xảy ra, nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng ngày càng phức tạp, trầm trọng hơn.

– Hiện nay, các nhiệm vụ của hệ thống y tế cơ sở ngày càng nhiều và đa dạng. Có rất nhiều chương trình, dự án y tế về chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ y tế tuyến trên chuyển xuống cho hệ thống y tế cơ sở triển khai thực hiện. Công tác hành chính, giấy tờ của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã chiếm khá nhiều thời gian làm việc chuyên môn của nhân viên y tế. Quỹ thời gian dành cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân ở gia đình và cộng đồng trở nên hạn hẹp.

– Mặc dù đã có những chuyển biến nhận thức tích cực về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhưng ở một số không ít địa phương, lãnh đạo chủ chốt gần như giao hoàn toàn trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cho ngành Y tế, chưa thực sự coi đây là một trong những trách nhiệm chính của địa phương.

Giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn.

Hai là, bố trí đội ngũ cán bộ và không ngừng nâng cao năng lực của cán bộ y tế tuyến huyện là vấn đề có tính chiến lược. Nhà nước và từng địa phương phải thực hiện chính sách thu hút những thày thuốc giỏi làm trong bệnh viện, trước hết là đội ngũ bác sĩ, có chính sách trợ cấp một lần, trợ cấp lương hằng tháng…, mức trợ cấp phải đủ sức hấp dẫn để cho họ yên tâm công tác.

Ba là, nâng cao trình độ chuyên môn trong KCB; nâng cao năng lực bằng việc tổ chức tập huấn, đào tạo, đào tạo lại để cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới, nâng cao tay nghề; luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị; tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở, các vùng khó khăn.

Bốn là, xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm nhu cầu trang thiết bị là vấn đề cần có sự đột phá. Để giải quyết tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến và trung ương, không có biện pháp nào hiệu quả hơn là thu hút bệnh nhân ở lại tuyến y tế cơ sở. Thu hút bệnh nhân không thể thực hiện được bằng các biện pháp hành chính, không thể đưa ra những quy định ngặt nghèo để hạn chế bệnh nhân vượt tuyến mà cần phải xây dựng bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực đáp ứng được các dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện và nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.

Năm là, cơ chế tài chính y tế hiện nay bộc lộ nhiều bất cập không chỉ với người bệnh, cơ sở y tế mà ảnh hưởng rất nhiều đến đội ngũ cán bộ y tế. Hiện nay, cơ chế phân bổ tài chính cho các cán bộ y tế còn mang tính bình quân, vì vậy không khuyến khích được cán bộ y tế làm việc ở những công việc độc hại, nguy hiểm hoặc ít có thu nhập phụ khác. Do vậy, cần đổi mới cơ chế tài chính để tránh tình trạng dịch chuyển cán bộ y tế từ vùng nông thôn ra thành thị; từ tuyến dưới lên tuyến trên hoặc từ bệnh viện công sang bệnh viện tư.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
 TS. Lê Đình Lung
Học viện Hành chính Quốc gia