Về xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Ninh hiện nay

(QLNN) – Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính dựa trên cơ sở xây dựng chính quyền điện tử, ứng dựng công nghệ thông tin vào quản lý thực hiện giải quyết công việc và thủ tục hành chính. Do đó, việc xây dựng chính quyền điện tử và Trung tâm Hành chính công được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

 

Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động góp phần tháo gỡ chính sách, thúc đẩy doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động hiệu quả (Ảnh: Thanh Tân, https://baodautu.vn).                      

 

  1. Công văn số 270/BTTTT-ƯDCNTT ngày 06/02/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn Mô hình thành phần chính quyền điện tử (CQĐT) cấp tỉnh quy định rõ: chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính phủ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Theo đó, để thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên quy định về việc xây dựng CQĐT, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2459/QĐ-UBND ngày 28/9/2012 về phê duyệt Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012 – 2014”.

Từ năm 2015, Quảng Ninh đã tiếp tục triển khai mở rộng Đề án, trong đó xác định rõ ứng dụng rộng rãi CNTT vào hoạt động của tất cả cơ quan trong hệ thống chính trị tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức, điều hành. Đồng thời, vận hành trên hệ thống thông tin (HTTT) thống nhất, phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả; hình thành công dân, công chức điện tử.

Với CQĐT, mọi thủ tục hành chính (TTHC), kết quả giải quyết được công khai và  việc giám sát, đánh giá hiệu quả, thái độ làm việc của cán bộ, viên chức sẽ được thực hiện qua các phần mềm ứng dụng CNTT. Điều này tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tham gia giám sát, quản lý cơ quan nhà nước một cách trực tiếp và hiệu quả nhất.

2. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách TTHC dựa trên cơ sở xây dựng CQĐT, ứng dựng CNTT vào quản lý thực hiện giải quyết công việc và TTHC. Do đó, việc xây dựng CQĐT và Trung tâm Hành chính công được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, đặc biệt từ năm 2012 đến nay, bước đầu đạt được kết quả quan trọng như sau:

Thứ nhất, về hạ tầng phần cứng: đối với Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành cơ bản đạt tiêu chuẩn Tier 3, chuẩn quốc tế TIA-942 về Data Center: là nơi tập trung, tích hợp an toàn các kho dữ liệu, cơ sở sữ liệu (CSDL), HTTT và các dịch vụ CNTT và thông tin toàn tỉnh. Trung tâm tích hợp dữ liệu hoạt động ổn định phục vụ cho việc triển khai, vận hành của hệ thống CQĐT, đồng thời cho phép chuyển các HTTT của tỉnh về cài đặt, vận hành tại Trung tâm.

Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Ninh là Trung tâm thứ 2 trong toàn quốc được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận đạt tiêu chuẩn theo Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT ngày 22/01/2013. Theo đó, đã hoàn thiện xây dựng mạng WAN trong phạm vi toàn tỉnh. Mạng được thiết lập từ Trung tâm tích hợp dữ liệu đến toàn bộ các sở, ban, ngành; 14/14 huyện, thị xã, thành phố và 186/186 xã, phường, thị trấn. 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều có mạng LAN và 100% cán bộ, công chức đều có máy tính kết nối mạng internet để thực hiện nhiệm vụ1.

Thứ hai, đối với hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc: tỉnh Quảng Ninh dùng chung duy nhất một hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, đã được tích hợp chữ ký số (đạt tỷ lệ 100%) được triển khai tại các cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã và hoàn thành việc triển khai đến các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn, như: ngành Thuế, Hải quan, Tòa án, Viện kiểm sát… Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các đơn vị trong toàn tỉnh đạt gần 97%, hệ thống cũng được kết nối liên thông với hệ thống của Văn phòng Chính phủ.

Thứ ba, về hệ thống một cửa điện tử: tỉnh sử dụng duy nhất hệ thống một cửa liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống đang vận hành hiệu quả tại 100% đơn vị có TTHC trong phạm vi toàn tỉnh (các sở, ban, ngành; 14/14 huyện, thị xã, thành phố; 186/186 xã, phường, thị trấn; ngành điện, ngành nước, thuế). Toàn bộ quá trình giải quyết TTHC được theo dõi trên phần mềm, người dân có thể tra cứu được tình trạng giải quyết hồ sơ qua mạng internet.

Số lượng hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện qua hệ thống liên tục tăng, đến ngày 25/6/2018, đã đạt hơn 1.400.349 hồ sơ, với tỷ lệ đúng hạn là 98%2. Toàn bộ quá trình giải quyết, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn, trễ hạn, số lượng hồ sơ được giải quyết… đều được công bố tại cổng http://chinhphu.vn

Thứ tư, đối với cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4: đã triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ duy nhất là http://dichvucong.quangninh.gov.vn, đến nay, đã cung cấp trên 70% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh cho phép tổ chức, cá nhân theo dõi, tra cứu tình hình xử lý khi nộp hồ sơ; đồng thời hệ thống cũng tự động gửi tin nhắn đến điện thoại di động, hộp thư điện tử tổ chức, người dân đã đăng ký để theo dõi, tra cứu quá trình xử lý hồ sơ. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có: mức độ 3 có 1.207 dịch vụ; mức độ 4 có 308 dịch vụ3.

Thứ năm, về công dân điện tử: qua thống kê trên hệ thống, đến nay, đã có 9.407 người dân thiết lập tài khoản giao dịch điện tử (công dân điện tử được định danh duy nhất) trong hệ thống CQĐT để khai thác sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và tra cứu thông tin, kết quả giải quyết TTHC; số lượt người dân, doanh nghiệp truy cập cổng thông tin công là 642.644 lượt; truy cập cổng thông tin điện tử (http://quangninh.gov.vn) là 2.259.248 lượt4.

Thứ sáu, về xây dựng Trung tâm hành chính công và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại: đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, 14/14 Trung tâm hành chính công cấp huyện, 186/186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã và 100% các xã, phường, thị trấn đều tác nghiệp trên hệ thống phần mềm Một cửa hiện đại dùng chung của tỉnh.

Thứ bảy, về tình hình triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và phần mềm chuyên ngành: tỉnh đang tích cực triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia và thực hiện theo phần mềm chung của các bộ, ngành trung ương, như: cơ sở dữ liệu về dân cư, về đất đai; phần mềm về đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm… Bên cạnh đó, cũng đã thực hiện có hiệu quả đối với 19 phần mềm chuyên ngành do tỉnh Quảng Ninh triển khai xây dựng5.

3. Bên cạnh các kết quả đạt được, việc xây dựng CQĐT tại tỉnh Quảng Ninh còn có những khó khăn, hạn chế, như:

– Việc liên thông, kết nối hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành chưa được thực hiện, do các bộ, ngành sử dụng phần mềm riêng, chưa tích hợp, liên thông với hệ thống CQĐT của tỉnh. Điều này dẫn đến một công việc phải nhập dữ liệu nhiều lần để thực hiện thống kê, báo cáo, theo dõi và vẫn phải thực hiện việc gửi văn bản giấy.

– Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp, dẫn đến chưa phát huy được tối đa tiện ích của hệ thống CQĐT về lợi ích xã hội.

– Cán bộ, công chức thuộc các đơn vị cấp xã, vùng sâu, vùng xa, hải đảo khai thác, sử dụng các ứng dụng (internet, máy tính) nói chung và các HTTT còn nhiều hạn chế, chưa có thói quen ứng dụng CNTT trong công việc, ngại thay đổi lề lối làm việc.

– Còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các HTTT đã được đầu tư, đặc biệt là cán bộ quản trị cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, quản trị mạng tại các địa phương.

4. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường hiệu quả ứng dụng CNTT trong xây dựng CQĐT tại tỉnh, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số (digital transformation) giai đoạn 2018 – 2020, từng bước thực hiện chuyển đổi số, tăng cường khả năng hội nhập quốc tế về CNTT nhằm có giải pháp tiếp cận hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hai là, tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các HTTT và cơ sở dữ liệu quốc gia (hộ tịch, tư pháp, khiếu nại tố cáo, hộ chiếu điện tử…); thực hiện triển khai các HTTT và cơ sở dữ liệu quốc gia do các bộ, ngành trung ương chủ trì. Hoàn thiện, mở rộng các phần mềm, HTTT và cơ sở dữ liệu đã xây dựng của hệ thống CQĐT giai đoạn 2012 – 2016, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng của người dùng và bảo đảm kết nối liên thông với các HTTT quốc gia và các ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh.

Ba là, cung cấp tối thiểu 90% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), trong đó tối thiểu 20% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4, hướng tới mục tiêu 40% hồ sơ được xử lý trực tuyến đối với các dịch vụ công được cung cấp mức độ 3 và 30% hồ sơ được xử lý trực tuyến đối với các dịch vụ công được cung cấp mức 4; 100% dịch vụ công mức độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung. 100% TTHC (trừ các thủ tục của lĩnh vực thanh tra, khiếu nại, tố cáo) được cập nhật, đơn giản hóa, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO và đưa vào giải quyết tại các trung tâm hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Trên 50% hồ sơ TTHC cần trao đổi giữa các trung tâm hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã được trao đổi qua môi trường mạng.

Bốn là, cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức để xử lý công việc trên máy tính, sử dụng, khai thác các ứng dụng, tiện ích của CQĐT, bảo đảm an toàn thông tin mạng. Đào tạo, nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ CNTT, đặc biệt là năng lực quản lý, vận hành và an ninh mạng, từ đó làm nòng cốt trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2018 – 2020.

Năm là, các nội dung, dịch vụ, tiện ích của CQĐT và Trung tâm hành chính công được tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp, trong đó người dân, doanh nghiệp tiếp cận sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi CQĐT.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Báo cáo về tình hình thực hiện kết quả triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh từ năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018.

                           ThS. Nguyễn Minh Hải
Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ
  Tỉnh Quảng Ninh