Xây dựng chương trình thực hiện cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025

(QLNN) – Việc xây dựng chương trình thực hiện cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu mới của Chính phủ về tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và những năm sắp tới.

 

Chính phủ đánh giá cao công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính – ngân sách. Ảnh: tapchitaichinh
Quan điểm trọng tâm là:

– Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, giảm tối thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định pháp luật.

– Cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, làm tăng chi phí và gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiêp, người dân.

– Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo đó, mục tiêu của Nghị quyết hướng tới giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm ít nhất 20% số quy định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh gắn với cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ, ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, làm tăng chi phí và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiêp.

Các nhiệm vụ cụ thể:

Năm 2020, tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng làm tiền đề cho các năm tiếp theo như: xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; nhập đầy đủ dữ liệu và tính chi phí tuân thủ của các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực vào phần mềm thống kê; đồng thời, rà soát và kiến nghị cắt giảm ngay những rào cản liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Từ năm 2021 đến năm 2025, hàng năm, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, hiệp hội và đề xuất của các cơ quan quản lý về những quy định hiện hành không còn phù hợp, là rào cản cho hoạt động kinh doanh.

Thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định theo Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm. Tổ chức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, hiệp hội về các quy định không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Hệ thống tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; qua đối thoại, tham vấn trực tiếp. Xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp. Hoàn thiện thể chế để kiểm soát việc ban hành quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung quy trình lấy ý kiến dự thảo chính sách, văn bản quy phạm pháp luật bằng phương thức điện tử qua Hệ thống tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thông qua công tác thẩm định, thẩm tra trong quá trình ban hành văn bản. Xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá, xếp hạng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc thực hiện rà soát, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh không còn phù hơp. Cập nhật các quy định được sửa đổi, thay thế, bổ sung và biến động chi phí tuân thủ trên phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Tập huấn, nâng cao năng lực cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện thống kê, tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tổ chức đánh giá, xếp hạng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh không còn phù hợp. Báo cáo, sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng năm và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông để thông tin về những kết quả đạt được tới người dân, doanh nghiệp trong suốt quá trình thực hiện Chương trình.

Các bộ, ngành, địa phương cần xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, sản phẩm dự kiến hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan liên quan; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng thời hạn, công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ tại Chương trình này. Bên cạnh đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa phải lượng hoá được lợi ích mang lại cho doanh nghiệp và xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và không tạo ra khoảng trống pháp lý.

Chính phủ dự kiến các bộ, ngành, địa phương cần triển khai các giải pháp như:

– Tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lý của mình; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình.
– Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kiện toàn theo Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu của Chương trình này và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được giao.
– Thực hiện nhất quán nguyên tắc giảm tối đa số lượng văn bản, rút ngắn thời gian ban hành và tiết kiệm chi phí, cụ thể: Khi ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định hiện hành thì ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ; riêng thông tư, một thông tư ban hành phải bãi bỏ ít nhất hai thông tư cũ; áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản. Khi ban hành văn bản mới thì với nội dung được giao hướng dẫn hoặc quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến nhiều vấn đề thuộc phạm vi quản lý của một bộ, cơ quan ngang bộ chỉ ban hành tối đa hai văn bản; liên quan đến một vấn đề thuộc phạm vị quản lý của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ chỉ ban hành một văn bản.
– Tăng cường đối thoại giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; huy động sự tham gia tích cực của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, các hiệp hội ngành hàng tích cực phản ánh kiến nghị về các dự thảo văn bản và văn bản hiện hành có vướng mắc bất cập lên Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng tính phản biện, nâng cao chất lượng rà soát, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
– Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ và chất lượng yêu cầu. Tổ chức đánh giá, xếp hạng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về kết quả cải cách, cắt giảm quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh không còn phù hợp.
– Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, nhất là quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy trình tham vấn chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng phối hợp giữa các cơ quan trong việc thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành. Phát triển đồng bộ và song hành, tương hỗ ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thống kê, rà soát quy định hành chính có liên quan đến hoạt động kinh doanh và tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.
– Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của cơ quan hành chính nhà nước, của tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình. Bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện Chương trình.

Ảnh minh hoạ: http://cchc.cinet.vn/
* Để thực hiện tốt nhiệm vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần: chủ động triển khai thực hiện Chương trình theo nhiệm vụ được phân công, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025. Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải quyết chồng chéo, bất cập, cắt giảm những quy định là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng mục tiêu, yêu cầu; quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh đến từng cán bộ, công chức, viên chức.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng năm của Bộ, cơ quan ngang bộ để triển khai thực hiện trước ngày 31 tháng 01 hằng năm (năm 2020, ban hành trước ngày 29 tháng 02). Hoàn thành cập nhật dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ vào phần mềm thống kê theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 2020. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình; xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng cuối quý, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh liên quan đến hai bộ, ngành trở lên.

Thường xuyên đối thoại, tham vấn các tổ chức, hiệp hội, ngành hàng, tiếp nhận, thu thập ý kiến của người dân, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia; thực hiện có hiệu quả việc tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật qua Hệ thống tham vấn chính sách và văn bản quy phạm pháp luật do Văn phòng Chính phủ xây dựng khi Hệ thống đi vào hoạt động trong năm 2020. Thường xuyên cập nhật các quy định được sửa đổi, thay thế, bổ sung và biến động chi phí tuân thủ trên phần mềm thống kê quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tổ chức thực thi các phương án đơn giản hóa được Thủ tướng Chính phủ thông qua thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.

Trong quá trình ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, kiên quyết trả lại hồ sơ thẩm định, thẩm tra trước khi ban hành đối với những văn bản không bảo đảm nguyên tắc. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Lê Thị Thanh Hương
Học viện Hành chính Quốc gia