Cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0            

(QLNN) – Cách mạng công nghiệp 4.0 hình thành trên nền tảng khoa học – công nghệ, do đó, để có thể tiếp cận xu thế của công nghiệp 4.0, một trong những yêu cầu quan trọng là áp dụng khoa học – công nghệ vào hoạt động hành chính, dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh – sản xuất thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển và hội nhập mới. Trong giai đoạn 2016 – 2020, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại hóa đã được xác định là trọng tâm của chiến lược phát triển quốc gia. Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên số hóa và kết nối là xu thế của thế giới và có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng đưa đến những thách thức đối với quá trình phát triển. Trong quá trình thay đổi này, người dân và doanh nghiệp (DN) mong muốn và đòi hỏi bộ máy hành chính cũng phải thực sự đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện dịch vụ công trực tuyến và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thực sự hiệu quả hơn.

Tỉnh Tiền Giang ký kết hợp tác với Zalo chính thức triển khai tra cứu Hành chính công, dịch vụ chính quyền điện tử 4.0 (nguồn: https://vtv.vn).

Thực trạng cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam

Thời gian qua, hoạt động cải cách TTHC của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước (HCNN) đã đạt được những kết quả khả quan. Mối quan hệ giữa cơ quan HCNN với người dân và DN được cải thiện đáng kể, thông qua một loạt các biện pháp như cải cách TTHC gắn với thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; công khai hóa, minh bạch hóa các quy định về TTHC (nhất là TTHC về thuế và bảo hiểm xã hội). Theo đó, các TTHC được rà soát, sửa đổi, bãi bỏ theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện cho người dân và DN.

Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa TTHC theo 25 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ đã được các bộ, ngành thực hiện cơ bản hoàn thành1. Hằng năm, việc rà soát, đơn giản hóa TTHC; việc công bố, niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC đã giúp giải phóng nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh triển khai tại các địa phương. Riêng trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, điều kiện thực hiện TTHC; tăng cường ứng dụng CNTT trong quy trình thực hiện nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC có nhiều chuyền biến tích cực. Chẳng hạn, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 176 TTHC (trong đó, cắt giảm 148 thủ tục và đơn giản hóa 28 thủ tục) thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ. Các lĩnh vực có nhiều TTHC được đề xuất cắt giảm là: chứng khoán (giảm 36 thủ tục); công sản (giảm 23 thủ tục); kho bạc (giảm 10 thủ tục). Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa 30 TTHC liên quan đến đầu tư, kinh doanh (Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ về sửa đổi các nghị định liên quan đến đầu tư kinh doanh, TTHC do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 TTHC liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Bộ Công Thương đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với nhiều TTHC thuộc lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, lĩnh vực xuất, nhập khẩu và lĩnh vực điện. Trong năm 2018, Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành một số nghị định để thực thi phương án đơn giản hóa đối với nhiều TTHC như: sửa đổi, đơn giản hóa 9 thủ tục thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại (Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại thay thế Nghị định số 37/2006/NĐ-CP); đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm thời gian thực hiện đối với 3 thủ tục thuộc lĩnh vực giao dịch hàng hóa (Nghị định số 51/2018/NĐ-CP ngày 09/4/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006); bãi bỏ 5 thủ tục thuộc lĩnh vực cạnh tranh (Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014)2.

Một số địa phương đã rà soát, triển khai các biện pháp cụ thể nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí giải quyết TTHC cho người dân, DN. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Ngãi, sau khi rà soát, đánh giá, đã có tổng số 129 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 5 sở được rút ngắn thời gian giải quyết từ 02 – 12 ngày so với quy định. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành quyết định rút ngắn thời gian giải quyết của 535 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 19 sở, ngành, trong đó có TTHC được rút ngắn thời gian giải quyết 32 ngày so với quy định. Tỉnh Ninh Bình qua rà soát đã rút ngắn 30% thời gian giải quyết đối với 7 thủ tục thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, văn hóa, thể thao; đồng thời, kiến nghị các bộ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ 1 thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp, bỏ việc lấy mẫu xét nghiệm trong 1 thủ tục thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; gộp 2 thủ tục thành 1 thủ tục thuộc lĩnh vực y tế 3.

Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo kế hoạch, các bộ, cơ quan có ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền ban hành 19 luật và 51 nghị định để đơn giản, cắt giảm 3.794/6.191 điều kiện kinh doanh. Tính đến đầu tháng 12/2018, các bộ, cơ quan đã trình ban hành được 3 luật và 25 nghị định, chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 3.346/6.191 điều kiện, đạt 54,5%. Hiện còn 16 luật, 26 nghị định về cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh chưa được ban hành. Việc sửa đổi, bổ sung các luật đã được đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2019. Đã có 8/16 bộ đánh giá tác động và thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh4.

Mục tiêu quan trọng nhất của cải cách TTHC là tạo thuận lợi cho người dân, các tổ chức và DN, đồng thời giảm áp lực cho các cơ quan công vụ. Chính vì vậy, Quyết định số 45/2016/QÐ-TTg ngày 19/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã ra đời, góp phần thực hiện tốt mục tiêu này. Sau hai năm triển khai thí điểm việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện, hiện 63 bưu điện tỉnh, thành phố trên cả nước đã chính thức thực hiện dịch vụ này. Năm 2018, có hơn 12 triệu lượt hồ sơ đã được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện, tăng 33% so với cùng kỳ.

Nhiều thủ tục trước đây người dân phải đi lại, chờ đợi thì nay đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều, bởi việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC đã được triển khai tại gần 1.600 bưu điện văn hóa xã. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày, Sở Tư pháp phải giải quyết từ 600 – 1.200 hồ sơ hành chính phục vụ người dân, DN. Trong đó, khoảng 50% lượng hồ sơ là cấp phiếu lý lịch tư pháp5. Hiện nay, người dân không cần trực tiếp đến Sở vẫn có thể nộp và nhận phiếu lý lịch tư pháp. Rõ ràng, với việc nhận hồ sơ và trả kết quả qua bưu điện, người dân và DN có thể tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại, chờ đợi.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà, một điểm nổi bật khác trong lĩnh vực cải cách TTHC thời gian qua là việc triển khai thí điểm đưa bộ phận một cửa các cấp về đặt tại trụ sở của bưu điện ở một số địa phương theo Nghị định số 61/2018/NÐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Lợi ích mang lại trước hết đối với Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp sẽ không phải bố trí kinh phí để xây dựng trụ sở,  nhất là không phải bỏ chi phí thường xuyên để duy trì, sửa chữa, bảo dưỡng trụ sở, trang thiết bị cho bộ phận một cửa.

Ngoài ra, khi đưa bộ phận một cửa về đặt tại bưu điện, nhân viên bưu điện cũng sẽ phối hợp với cán bộ, công chức, viên chức tại nơi thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Ðiều này không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu triển khai chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, mà còn giúp cơ quan hành chính các cấp giảm tải được công việc để tập trung cho chuyên môn, sắp xếp lao động, tinh giản biên chế. Hiện nay, việc đưa bộ phận một cửa các cấp về đặt tại trụ sở của bưu điện đang được triển khai thí điểm tại một số địa phương, như Ðồng Tháp, Tiền Giang, Quảng Ngãi… Trong đó, riêng ở Ðồng Tháp, sau hai giai đoạn triển khai, tại thị xã Hồng Ngự và các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Lai Vung cũng như 23 đơn vị cấp xã của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, toàn bộ các TTHC thuộc các lĩnh vực người dân quan tâm như: lao động, y tế, giáo dục, văn hóa, nông nghiệp, công thương, nội vụ, tài chính… đã được thực hiện tại điểm giao dịch của bưu điện6.

Các bộ, ngành đã ứng dụng CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, trong đó đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Các tỉnh, thành phố cung cấp gần 14.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã đem lại hiệu quả cao, như: lĩnh vực hải quan, thuế xử lý trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến, Bảo hiểm xã hội xử lý trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến, ngành Ngoại giao trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên 450 ngàn hồ sơ trực tuyến, Bộ Tư pháp trên 258 ngàn hồ sơ trực tuyến7.

Những hạn chế, bất cập trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính

Bên cạnh những kết quả và chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực quản lý, cải cách TTHC vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần  khắc phục. Đó là việc tổ chức thực hiện 25 nghị quyết của Chính phủ tại một số bộ, ngành còn chậm. Hoạt động đánh giá tác động và lấy ý kiến đơn vị kiểm soát TTHC đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; việc thẩm định quy định TTHC trong một số văn bản quy phạm chưa chặt chẽ, dẫn đến TTHC trên nhiều lĩnh vực còn phức tạp và tiếp tục là rào cản trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, đời sống nhân dân.

Tiến độ thực hiện Đề án 896 (Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020) chậm hơn so với kế hoạch được duyệt. Hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC chưa hiệu quả. Việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” còn chồng chéo. Cụ thể, quy trình của nhiều TTHC còn rườm rà, tính công khai còn hình thức, chưa bảo đảm kịp thời, đầy đủ, không thống nhất về số lượng và nội dung thủ tục, gây phiền hà cho người dân và DN.

Thẩm quyền giải quyết các TTHC còn nhiều cửa và khâu trung gian, chưa rõ ràng trong các quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong quản lý một số lĩnh vực. Phương thức thực hiện các TTHC của các cơ quan HCNN còn mang tính kinh nghiệm, chưa tích cực áp dụng những tiến bộ công nghệ tin học để phù hợp với nhu cầu trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, đó là: nhận thức, tư duy về quản lý HCNN trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chậm được đổi mới, chưa thấy được hết ý nghĩa, tầm quan trọng và đòi hỏi cấp bách của cải cách TTHC; chưa xây dựng được cơ chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả đối với đội ngũ công chức thực thi công vụ trong tiếp nhận và giải quyết TTHC trong các lĩnh vực; xây dựng và vận hành chính phủ điện tử chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách TTHC.

Một số giải pháp nâng cao cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội về tầm quan trọng của cải cách TTHC, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là phải nâng cao nhận thức về cải cách TTHC cho toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân để tạo hiệu ứng chung trong toàn xã hội cùng chung tay tham gia thực hiện. Chính vì vậy, tiếp tục phát huy việc chuyển nhận thức từ cơ chế nền hành chính “mệnh lệnh”, “xin – cho” sang nền hành chính “phục vụ”; coi người dân và DN thực sự là “đối tác”, “khách hàng” trong cung cấp dịch vụ công.

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng và vận hành chính phủ điện tử, góp phần cải cách TTHC và các dịch vụ công. Cần tăng Chỉ số phát triển chính phủ điện tử và Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong khu vực và trên thế giới. Ngoài các TTHC trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, hầu hết các thông tin, mẫu biểu hồ sơ liên quan đều được đưa lên mạng internet để người dân, DN có thể tra cứu, tải xuống chuẩn bị trước khi thực hiện các TTHC (đạt mức độ 1, 2), các bộ, ngành, các sở Nội vụ, sở Thông tin và Truyền thông của các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phối hợp thúc đẩy gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính giai đoạn 2017 – 2020 để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính hiện đại.

Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng, vận hành chính phủ điện tử; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 với các nội dung như ứng dụng internet kết nối vạn vận (IoT), ứng dụng điện toán đám mây (Cloud Computing), xử lý dữ liệu lớn (Big Data), mạng xã hội (Social network), đô thị thông minh (Smart city)…

Thứ ba, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ cho đội ngũ công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật trong tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, kịp thời các TTHC của công chức nhà nước. Theo đó, phải lấy kết quả cải cách TTHC hằng năm là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan HCNN các cấp; là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng cho tập thể, cá nhân.

Ban hành và thực hiện hiệu quả cơ chế kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ của đội ngũ công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC. Xử lý nghiêm người vi phạm và khen thưởng kịp thời những người thi hành xuất sắc nhiệm vụ nhằm tiếp tục tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ giữa cơ quan HCNN với cá nhân, tổ chức và DN, giữa các cơ quan HCNN với nhau trong giải quyết và thực hiện các TTHC. Có cơ chế pháp lý hữu hiệu  đối với các cơ quan HCNN trong việc tiếp nhận, xử lý các phản ảnh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và DN về cơ chế, chính sách, TTHC không còn phù hợp.

Thứ tư, tăng cường giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các thành phố, tỉnh và tham quan, học tập kinh nghiệm các nước về cải cách TTHC. Việc trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các thành phố, tỉnh trong nước về cải cách TTHC có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân, qua đó, tìm ra các sáng kiến, các giải pháp hiệu quả nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế trong hoạt động quản lý HCNN và cắt giảm tối đa các TTHC rườm rà để tiết kiệm thời gian, công sức của cá nhân, tổ chức sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bên cạnh đó còn cần phải học tập kinh nghiệm các nước về cải cách TTHC, nhất là các nước có nền hành chính phát triển và điều kiện kinh tế – xã hội tương đồng với Việt Nam.
Chú thích:
1. Báo cáo tóm tắt sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.
2, 3, 4. Báo cáo số 2695/BC-BNV ngày 13/6/2018 của Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018.
5, 6. Bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. http://www.nhandan.com.vn, ngày 20/02/2019.
7. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách thủ tục hành chính. https://mic.gov.vn, ngày 17/11/2017.

TS. Lê Thanh Bình
Viện Nhà nước và Pháp luật – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh