Cam kết thực thi công việc của công chức – nhìn từ góc độ quản lý nguồn nhân lực

(QLNN) – Cam kết thực thi công việc đối với công chức là vấn đề đã được quan tâm và áp dụng trong quản lý công chức ở một số quốc gia trên thế giới nhưng ở Việt Nam đây là vấn đề mới. Bài viết này phân tích những vấn đề cơ bản về cam kết thực thi công việc đối với công chức và khả năng áp dụng vào khu vực công Việt Nam.

Rất cần một cơ chế bảo đảm cam kết thực thi công việc

Hoạt động trong khu vực công rất đa dạng, phong phú nhằm cung cấp dịch vụ công cho đời sống xã hội. Trong đó, nhóm công việc trong khu vực công gắn liền với quyền lực nhà nước do đội ngũ công chức thực hiện và rất cần một cơ chế bảo đảm cam kết thực thi.

Để quản lý hiệu quả khu vực công nhiều quốc gia quan tâm đến cơ chế cam kết thực thi công việc đối với công chức. Vậy cơ chế này được áp dụng như thế nào?

Thuật ngữ “cam kết” được sử dụng khá phổ biến hiện nay trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: cam kết thực thi văn hóa doanh nghiệp, cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm…

Hiểu một cách đơn giản nhất, cam kết là hứa sẽ thực hiện những điều đã được thống nhất giữa mình với người khác, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm, có thể là với cá nhân đã cam kết, với tập thể, tổ chức hoặc pháp luật.

Thông thường, trong một tổ chức, các nội dung cam kết là những phần thuộc trách nhiệm cá nhân và cho dù nếu không có bản cam kết thì cá nhân đó cũng phải thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, bản cam kết vẫn được xây dựng với ý nghĩa giúp cá nhân nhận rõ trách nhiệm của mình hơn, thể hiện sự nghiêm túc trong quá trình thực hiện và thấy rõ hơn hậu quả nếu không làm được những điều đó.

Hai nhóm yếu tố chính thúc đẩy sự cam kết của người lao động là yếu tố thuộc về công việc và yếu tố thuộc về cá nhân.

Yếu tố công việc bao gồm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và cấp trên, phản hồi thực thi công việc, kèm cặp trong công việc, kiểm soát công việc, mở rộng công việc và cơ hội đào tạo, phát triển. Những yếu tố này có vai trò rất lớn trong giảm áp lực công việc cho người lao động, giúp họ nhanh chóng đạt được mục tiêu công việc và khiến họ có động lực học tập, đào tạo phát triển cá nhân.

Yếu tố thuộc về cá nhân bao gồm tinh thần tích cực, hiệu suất làm việc cá nhân, khả năng kiểm soát môi trường và tác động tới nó một cách thành công và một số đặc điểm tính cách khác như: hướng ngoại, tận tâm, ổn định về cảm xúc…

Kiểm soát kết quả làm việc của công chức

Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu để có thể áp dụng cơ chế cam kết thực thi công việc công chức là hết sức cấp thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đơn vị, bên cạnh đó có cơ chế quản lý công chức chặt chẽ hơn, giúp quản lý công chức về đúng bản chất của quản lý nguồn nhân lực, theo đó, người sử dụng công chức có thể kiểm soát được kết quả làm việc của công chức. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc sử dụng cam kết thực thi công việc người lãnh đạo cũng như công chức có kế hoạch rõ ràng trong thực hiện công việc, bảo đảm tính ràng buộc và chịu trách nhiệm trong thực hiện công việc. Đây cũng là nội dung rất cần thiết bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính đi vào khuôn khổ.

Thứ hai, cam kết thực thi công việc giúp cho người quản lý dễ dàng trong quản lý kết quả thực hiện công việc của công chức. Từ đó, đánh giá kết quả thực hiện công bằng và khách quan hơn.

Thứ ba, cam kết thực thi công việc nếu được áp dụng ở nước ta cũng sẽ là tiền đề rất quan trọng để có thể áp dụng mô hình quản lý công vụ theo vị trí việc làm (VTVL) hay là mô hình quản lý công vụ theo kết quả thực thi công việc.

Thứ tư, áp dụng cam kết thực thi công việc đối với công chức sẽ một phần nào đó giải quyết được những vấn đề đang đặt ra trong quá trình cải cách hành chính như quản lý theo VTVL, tinh giản biên chế, cắt giảm biên chế, cắt giảm đầu mối trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Giải pháp có thể áp dụng cam kết thực thi công việc

Để triển khai được tất cả các nội dung về quản lý công chức và sử dụng cam kết thực thi công việc trong thực tiễn, một mặt, cần phải cụ thể hóa hơn nữa những quy định này của Luật để làm căn cứ thực hiện đồng bộ và thống nhất; mặt khác, cần phải có kế hoạch triển khai những nội dung này trong thực tế. Vì vậy, có thể đưa ra các giải pháp sau để áp dụng cam kết thực thi công việc:

Thứ nhất, cần phải xác định được hệ thống VTVL và khung năng lực cụ thể cho mỗi VTVL đó.

Hệ thống việc làm là cơ sở quan trọng để làm căn cứ xây dựng cam kết thực thi công việc của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Chỉ khi xác định được có bao nhiêu VTVL, mỗi vị trí đòi hỏi những năng lực gì, năng lực của người nắm giữ vị trí hiện tại… thì mới có thể định ra tiêu chuẩn thực hiện công việc cho từng vị trí là cơ sở cho việc xây dựng cam kết thực thi công việc.

Thứ hai, cần tuyên truyền, vận động về việc xây dựng cam kết thực thi công việc đối với công chức.

Xây dựng và áp dụng cam kết thực thi công việc là vấn đề khó trong khu vực nhà nước vì nó không dễ dàng được chấp nhận bởi tất cả mọi người, đặc biệt là những người “bị lộ” (theo nghĩa tiêu cực vì năng lực và hiệu suất làm việc kém) về kết quả thực hiện công việc.

Thứ ba, hoàn thiện nội dung, quy trình áp dụng cam kết thực thi công việc.

Để áp dụng cam kết thực thi công việc cần áp dụng từ cấp dưới và có một hệ thống quản lý cam kết thực thi theo các cấp quản lý. Do đó, cần có sự toàn diện, chặt chẽ trong các chính sách nhân sự về khen thưởng, kỷ luật gắn với cam kết thực thi công việc.

Chẳng hạn, không chỉ những người thực thi tốt mới mong được ghi nhận, tổ chức và công chức cũng mong đợi những người thực thi không tốt/chưa tốt sẽ có hình thức kỷ luật tương ứng. Khi nội dung này không được bảo đảm, nó sẽ tác động và làm mất tinh thần của những người có kết quả thực thi tốt cũng như làm giảm động lực làm việc của cả tổ chức.

Ở một nghĩa rộng hơn, điều quan trọng là phải xem cam kết thực thi như là một phần của một hệ thống quản lý theo hiệu suất công việc mà không phải là một hoạt động độc lập bên ngoài việc xây dựng khung pháp lý cho quản lý nguồn nhân lực tổ chức.

Để áp dụng thành công cam kết thực thi công việc, cần có những điều kiện áp dụng, đó là:

– Thực hiện đổi mới quản lý công chức dựa trên cơ sở sử dụng cam kết thực thi công việc để quản lý sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, cần có lộ trình thực hiện và phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, có gắn với trả lương, đánh giá hiệu quả công việc.

Về mặt tổ chức, Nhà nước, các cơ quan quản lý cần xây dựng quy trình đồng bộ, từ xác định hệ thống VTVL, mô tả công việc cho từng vị trí đến tuyển dụng, bố trí công việc, trả lương, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật… Đặc biệt, việc xác định VTVL sẽ khắc phục được tình trạng bố trí người làm việc ở khu vực công một cách tùy tiện, không đúng quy định.

– Về nguồn lực tài chính, đây là yếu tố không thể thiếu cho việc thực hiện sử dụng cam kết thực thi công việc. Do vậy, nên mở rộng quyền tự chủ về ngân sách, tính toán lại các khoản thu chi để ngân sách nhà nước có thể thực hiện được chế độ đãi ngộ hợp lý. Muốn thực hiện được điều này, nhất thiết phải thực hiện hoạt động phân tích công việc của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để sắp xếp lại các VTVL.

Thực tế cho thấy, việc duy trì số lượng đối tượng mà ngân sách nhà nước phải trả lương như hiện nay là quá lớn và không hợp lý nên cần thực hiện nghiêm túc vấn đề tinh giản biên chế mới có thể thực hiện được. Cần giao dần quyền tự chủ về tài chính, về sử dụng nhân lực, người làm việc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị để thích ứng dần với cơ chế thị trường hiện nay.

– Giao quyền và đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quá trình sử dụng cam kết thực thi công việc trong đánh giá, lương, thưởng, đào tạo, bồi dưỡng…

Trong chế độ việc làm, người đứng đầu phải được thực hiện đúng bản chất của người sử dụng lao động, được quyền quyết định những vấn đề liên quan đến quan hệ lao động để đem lại hiệu quả cho cơ quan, tổ chức và hệ thống công vụ.

Tóm lại, cam kết thực thi công việc nếu được áp dụng ở nước ta cũng sẽ là tiền đề rất quan trọng để có thể áp dụng mô hình quản lý công vụ theo VTVL hay là mô hình quản lý công vụ theo kết quả thực thi công việc. Áp dụng cam kết thực thi công việc giữa những người làm việc trong khu vực công sẽ một phần nào đó giải quyết được những vấn đề đang đặt ra trong quá trình cải cách hành chính, như: quản lý theo VTVL, tinh giản biên chế, cắt giảm biên chế, cắt giảm đầu mối các cơ quan hành chính nhà nước./.

Tài liệu tham khảo:
1. Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ. Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát về chế độ công chức, công vụ của New Zealand,năm 2014.
2. MacLeod and Clarke (2011), Engaging for success: Enhancing performance through employee engagement – A report to the government, Institute of Education, London.
3. OECD (2016), Engaging Public employees for high-performing civil service.
TS. Lê Cẩm Hà
Học viện Hành chính Quốc gia