Bình Phước đẩy mạnh cải cách hành chính để phát triển kinh tế – xã hội

(QLNN) – Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Bình Phước luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Năm 2018, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã sát sao chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác CCHC và đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận.

Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường biên giới giáp Vương quốc Cam-pu-chia. Hiện nay, tỉnh có 11 đơn vị hành chính, bao gồm 3 thị xã và 8 huyện1. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương, Bình Phước luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Năm 2018, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã sát sao chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác CCHC và đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận.

Một góc thành phố trẻ Đồng Xoài – tỉnh Bình Phước (nguồn: internet).

Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước

 Về cải cách thể chế

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được Bình Phước xác định là trọng tâm của cải cách, qua đó, hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền. Trong năm 2018, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã thông qua và ký ban hành 11 nghị quyết, UBND tỉnh đã thông qua và ký ban hành 47 quyết định liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài chính, nội vụ, tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng, thanh tra, giáo dục2. Các VBQPPL được ban hành theo đúng quy định. Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL năm 2018 được quan tâm. UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra, rà soát các VBQPPL theo đúng quy định. Các văn bản có sai sót qua kiểm tra, rà soát đều được xử lý kịp thời.

Về cải cách thủ tục hành chính

Tỉnh luôn xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC. Hiện nay, tổng số TTHC của tỉnh là 1.864, trong đó: 1.420 TTHC cấp tỉnh, 332 TTHC cấp huyện và 112 TTHC cấp xã. Sau khi rà soát, tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh có 1.333 TTHC được cắt giảm thời gian so với quy định của Trung ương. Các TTHC đều được công khai trên trang www.dichvucong.binhphuoc.gov.vn. Tại các cơ quan, đơn vị đều đã niêm yết, công khai đầy đủ các TTHC tại nơi tiếp nhận và trả kết quả để nhân dân tìm đọc, theo dõi. Các TTHC đều được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo đúng quy định.

Trung tâm hành chính công Bình Phước mới được đưa vào hoạt động năm 2017 (nguồn: internet).

Về kết quả giải quyết TTHC, năm 2018 đã tiếp nhận 718.994 hồ sơ, trong đó: 702.585 hồ sơ đã giải quyết; 16.409 hồ sơ đang giải quyết (16.324 hồ sơ chưa đến hạn giải quyết; 85 hồ sơ đã quá hạn giải quyết)3. Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động hiệu quả. Thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” thông suốt ở các lĩnh vực: đất đai, xây dựng, tư pháp – hộ tịch. Công tác phối hợp thực hiện dịch vụ hành chính công giữa bưu điện và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã luôn được bảo đảm.

 Cải cách tổ chức bộ máy

Tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Trong năm 2018, UBND tỉnh đã thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy tại 5 cơ quan, đơn vị. Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, biên chế đối với 19/20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh  và 11 huyện, thị xã, thành phố. Tính đến ngày 15/12/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ của 8 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh4. Bên cạnh đó, đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đề án cụ thể về giảm số lượng phòng chuyên môn; lộ trình các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tự chủ về tài chính.

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản: Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 về phê duyệt chỉ tiêu biên chế công lập năm 2018 của tỉnh; các quyết định nâng ngạch; các văn bản chỉ đạo việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; chính sách tinh giản biên chế; sắp xếp tổ chức bộ máy… Công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Trong năm, đã bố trí công tác cho sinh viên tốt nghiệp diện cử tuyển 47 trường hợp; điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận 106 trường hợp; bổ nhiệm chuyên viên chính 76 trường hợp, cử đi dự thi chuyên viên cao cấp 2 trường hợp, chuyên viên chính 62 trường hợp; cử đi đào tạo thạc sỹ 1 trường hợp; thỏa thuận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 70 trường hợp; bổ nhiệm ngạch thanh tra viên chính cho 13 trường hợp; nâng lương thường xuyên và nâng lương trước thời hạn 80 trường hợp; giải quyết nghỉ hưu đúng tuổi 22 trường hợp, 26 trường hợp nghỉ việc theo nguyện vọng.

Về thực hiện chính sách tinh giản biên chế: hướng đến mục tiêu giảm biên chế trong các tổ chức hành chính, theo đó, năm 2018 đã tinh giản được 866 biên chế, trong đó: 39 biên chế hành chính (39/30), vượt kế hoạch đề ra, 179 biên chế viên chức (179/541), đạt 33% theo kế hoạch đề ra, 648 hợp đồng lao động5. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút, phát triển nguồn nhân lực năm 2018.

 Cải cách tài chính công

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 36 cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cấp tỉnh, 254 cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cấp huyện và 48 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện cơ chế khoán biên chế và kinh phí theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ; 99 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, 419 đơn vị sự nghiệp cấp huyện, 89 đơn vị cấp xã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ6. Trong năm 2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 thay thế Nghị quyết số 16/2009/NQ-HĐND ngày 14/12/2009 quy định phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh.

 Hiện đại hóa nền hành chính

Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước tại tỉnh, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết về xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án Phát triển Công nghệ thông tin tỉnh giai đoạn 2018 – 2020. Đến nay, có 24 cơ quan cấp tỉnh và 11 huyện, thị xã có trang thông tin điện tử kết nối vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh; 146 cơ quan cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và sử dụng mạng nội bộ (mạng LAN) để trao đổi công việc; 386 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 112 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; cấp phát 5.462 hộp thư công vụ cho cán bộ, công chức7. Bên cạnh đó, áp dụng ISO 9001-2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính khá hiệu quả.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức hội nghị giao ban công tác tuyên giáo quý III/2019 trực tuyến (online) trên phần mềm “họp không giấy” (nguồn: http://tuyengiao.vn).

Công tác CCHC của tỉnh luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm và đạt kết quả. Kế hoạch CCHC đã phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của tỉnh. Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với người dân, doanh nghiệp được cải thiện theo hướng phục vụ thực chất hơn. Công tác xây dựng VBQPPL được thực hiện theo đúng quy định. TTHC thường xuyên được rà soát và niêm yết công khai, rõ ràng tại nơi tiếp nhận và trả kết quả. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích được triển khai thực hiện và ngày càng hiệu quả.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, ngành được thực hiện theo quy định; việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Cải cách chế độ công vụ, công chức đã và đang được triển khai trong tất cả các cơ quan, đơn vị. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan, đơn vị hành chính thực hiện ngày càng hiệu quả. Lề lối và phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị đã được chấn chỉnh và ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra CCHC, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Việc áp dụng tin học hóa quản lý có hiệu quả, giảm giấy tờ hành chính.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hoạt động CCHC đã đạt kết quả song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác chỉ đạo điều hành về CCHC ở một số cơ quan, đơn vị thật sự còn chưa quyết liệt. Nhân lực thực hiện công tác CCHC còn thiếu, trình độ chuyên môn chưa được tập huấn, đào tạo bài bản. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết công việc giữa các cơ quan trên địa bàn tỉnh thiếu sự liên kết đồng bộ.

Phần mềm tại bộ phận một cửa chưa tương thích, dẫn đến việc áp dụng còn bị lỗi hoặc chưa liên thông được ở một số lĩnh vực; tại cấp xã mới chỉ thực hiện việc tiếp nhận văn bản, chưa gửi qua phần mềm điện tử. Tình trạng hồ sơ quá hạn giải quyết tuy đã giảm nhưng vẫn còn (nhất là lĩnh vực đất đai). Công tác tuyên truyền CCHC còn hạn chế và chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Kinh phí bố trí cho công tác CCHC còn hạn hẹp; cơ sở vật chất, phương tiện và điều kiện làm việc chưa được đầu tư đúng mức.

Một số giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính của tỉnh Bình Phước

Để tiếp tục đẩy mạnh CCHC, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 30c /NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỉnh cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, xác định công tác chỉ đạo điều hành về CCHC là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các ngành, các cấp. Chỉ đạo việc gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với công tác thi đua, khen thưởng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC nhà nước bằng nhiều hình thức, phương tiện thông tin đại chúng, trong đó chú ý tuyên truyền những kết quả CCHC nhà nước của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua để người dân cảm nhận được sự quan tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền trong công cuộc CCHC của tỉnh, tạo sự đồng lòng và đồng hành của tổ chức, cá nhân trong CCHC. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra CCHC, chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính…

Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống VBQPPL để triển khai kịp thời, có chất lượng các quy định của Trung ương trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa các VBQPPL để kịp thời bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động kiểm soát TTHC; thường xuyên tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân về thực hiện TTHC; tiến hành rà soát, đơn giản hóa TTHC đưa vào thực hiện tại Trung tâm phục vụ hành chính công theo hướng tinh gọn, dễ thực hiện.

Ba là, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.

Bốn là, tiếp tục thực hiện cấp mã số ngân sách cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; cấp mã số đầu tư xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh thực hiện các cơ chế quản lý tài chính mới để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục giao quyền tự chủ cho các đơn vị thực hiện theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.

Năm là, triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đầu tư phần cứng, hoàn thiện hệ thống một cửa điện tử tại trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Triển khai kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, tăng cường ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp và công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai mở rộng việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; sử dụng hệ thống camera thông minh, wifi thông minh; ứng dụng Zalo trong CCHC. Tiếp tục triển khai thực hiện việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn chất lượng TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết TTHC gắn với việc thực hiện quy trình ISO.

Chú thích:
1. Địa lý, lịch sử, hành chính tỉnh Bình Phước, Bách khoa toàn thư. https://vi.wikipedia.org/wiki, ngày 05/7/2018.
2, 3, 4, 5, 6, 7. Báo cáo số 235/BC-SNV ngày 07/12/2018 của Sở Nội vụ về công tác cải cách hành chính năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 3406/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2018 tỉnh Bình Phước.
2. Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 25/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về truyền thông hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2018; Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 25/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đánh giá, rà soát quy định, thủ tục hành chính năm 2018; Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 27/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.
3. Quyết định số 553/QĐ-UBND ngày 16/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Trang
Học viện Hành chính Quốc gia