Phát triển đội ngũ công chứng viên tại tiểu vùng Đông Bắc

(Quanlynhanuoc.vn) – Tiểu vùng Đông Bắc tuy có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn, nhất là sự phát triển của hoạt động công chứng.  Để có một đội ngũ công chứng viên đầy đủ về số lượng và chuyên nghiệp về kỹ năng nghiệp vụ, các cơ quan nhà nước cần có những điều chỉnh về quy định pháp luật, đổi mới chương trình đào tạo cũng như có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng hoa chúc mừng Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)  
Thực trạng đội ngũ công chứng viên tại tiểu vùng Đông Bắc

Tiểu vùng Đông Bắc (TVĐB) gồm 10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái1. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội (KTXH), quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Nơi đây, tuy có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn, nhất là sự phát triển của hoạt động công chứng. Cùng chung với xu hướng phát triển của hoạt động công chứng trên cả nước, việc phát triển đội ngũ công chứng viên (CCV) tại TVĐB cũng đã đạt được một số kết quả. Cụ thể:

Thứ nhất, số lượng CCV gia tăng trong những năm gần đây. Với chủ trương xã hội hóa dịch vụ công chứng theo quy định của Luật Công chứng năm 2006 và mới đây nhất là Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng, đặc biệt là Văn phòng công chứng (VPCC) được thành lập ngày càng nhiều tại TVĐB. Năm 2011, tổng số tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TVĐB là 36 tổ chức. Đến năm 2018, con số này đã tăng lên 73 tổ chức, tức là tăng gấp đôi so với năm 20112. Cùng với sự gia tăng của các tổ chức hành nghề công chứng, số lượng đội ngũ CCV cũng tăng theo từng năm. Năm 2011, tổng số CCV là 51, đến năm 2018 đã tăng lên 149 CCV3.

Như vậy, trong giai đoạn 2011 – 2018, số lượng CCV tăng gấp 2,9 lần. Sự gia tăng về số lượng CCVcũng tương ứng với sự gia tăng số lượng tổ chức hành nghề công chứng, nhằm đáp ứng nhu cầu công chứng ngày càng cao của người dân TVĐB.

Thứ hai, hoạt động đào tạo đội ngũ CCV được mở rộng. Hiện nay, Học viện Tư pháp là cơ sở có đủ thẩm quyền tổ chức đào tạo CCV. Đầu năm 2019, Học viện Tư pháp đã tiến hành liên kết mở lớp đào tạo nghề công chứng khóa 21 tại tỉnh Thái Nguyên. Lớp học được khai giảng tháng 3/2019 tại Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên. Hiện tại, lớp học có tổng số 48 học viên tham gia. Ngoài Thái Nguyên, các học viên theo học đến từ nhiều địa phương khác nhau: Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn,…4. Đây sẽ là nguồn cung ứng đội ngũ CCV cho TVĐB trong thời gian tới.

Thứ ba, hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho CCV được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Hằng năm, tại các tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội CCV tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho CCV. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào các vấn đề như: chuyên đề liên quan đến hoạt động công chứng trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm và giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; một số vấn đề áp dụng chế độ tài sản của vợ, chồng, thành viên trong hộ gia đình khi công chứng các hợp đồng, giao dịch; vấn đề cần chú ý khi công chứng các hợp đồng, giao dịch tài sản hình thành trong tương lai gắn với đất…

Đặc biệt, chính quyền TVĐB đã có sự liên kết, phối hợp trong việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho CCV, như: ngày 04/8/2018, Hội CCV tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng năm 2018. Tham dự Hội nghị có hơn 120 đại biểu là CCV đang hành nghề; cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại các tổ chức hành nghề công chứng của tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Yên Bái và Lào Cai; cán bộ tín dụng của  hệ thống ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào Cai; cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh và Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các  huyện, thành phố tỉnh Lào Cai. Trong năm 2019, Hội CCV tỉnh Thái Nguyên cũng đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho CCV 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang5.

Tuy hoạt động phát triển đội ngũ CCV tại TVĐB đã có được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, song xét về tổng thể, hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội. Cụ thể:

Một là, số lượng CCV còn thiếu so với nhu cầu chuyển đổi và thành lập mới VPCC. Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014, các VPCC phải chuyển đổi loại hình hoạt động từ một CCV thành lập sang từ hai CCV trở lên. Một khó khăn đặt ra với các VPCC là không thể tìm đủ nguồn CCV bổ sung để chuyển đổi nên đã phải giải thể, dừng hoạt động.

Ví dụ, Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng đã phải ban hành Thông báo số 514/TB – STP ngày 04/7/2017 về việc chấm dứt hoạt động của VPCC Hòa An. Lý do được đưa ra là VPCC Hòa An không đáp ứng đủ điều kiện chuyển đổi theo quy định của Luật Công chứng năm 2014, tức là không đủ 2 CCV để chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp tư nhân thành loại hình công ty hợp danh. Tỉnh Phú Thọ cũng đã có một VPCC xin chấm dứt hoạt động từ 01/8/2017 do không tìm được nguồn CCV để chuyển đổi sang loại hình công ty hợp danh. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều CCV có nguyện vọng thành lập VPCC mới để đáp ứng nhu cầu công chứng ngày càng cao của xã hội nhưng khó có thể tìm được CCV để đủ điều kiện theo luật định là văn phòng phải có từ 2 CCV hợp danh trở lên6.

Hai là, độ tuổi của CCV chưa được trẻ hóa. Phần lớn CCV tại TVĐB đều có độ tuổi dưới 60 tuổi. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, đội ngũ CCV có độ tuổi trên 60 chiếm tỷ lệ lớn. Ví dụ, tỉnh Thái Nguyên có 14/26 CCV có độ tuổi trên 60 (chiếm 53,8%)7. Tỉnh Bắc Kạn có 4/7 CCV có độ tuổi trên 60 (chiếm 42,9%)8. Phần lớn họ là những thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên đã về hưu, thuộc đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan nhà nước tại TVĐB cần quan tâm đến công tác đào tạo nguồn CCV để kịp thời bổ sung cho các tổ chức hành nghề công chứng, nhất là khi nhu cầu công chứng của người dân ngày càng tăng cao như hiện nay.

Ba là, đội ngũ CCV phát triển chưa đồng đều giữa các tỉnh trong TVĐB. Tỉnh Bắc Giang có số lượng CCV đông đảo nhất với 32 CCV, tiếp đến là tỉnh Phú Thọ 28 CCV và tỉnh Thái Nguyên có 26 CCV. Tỉnh Cao Bằng có số lượng CCV thấp nhất với 6 người, tiếp theo là tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang với 7 CCV9. Như vậy, số lượng CCV tại các tỉnh trong tiểu vùng không đồng đều; có tỉnh tập trung đội ngũ CCV với số lượng lớn, có tỉnh có đội ngũ CCV còn ít. Sự chênh lệch số lượng CCV giữa tỉnh có số lượng CCV cao nhất với tỉnh có số lượng CCV thấp nhất là khá lớn, lên đến 5,3 lần (tỉnh Bắc Giang có 32 CCV và tỉnh Cao Bằng có 6 CCV).

Thực trạng này được lý giải bởi điều kiện phát triển KTXH tại TVĐB còn có sự chênh lệch. Mặc dù số lượng CCV hiện nay đang ngày càng tăng nhưng chủ yếu tập trung ở những địa bàn KTXH phát triển. Đây là đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm hành nghề trong lĩnh vực pháp luật, lại được đào tạo nghề công chứng bài bản với 12 tháng đào tạo và 12 tháng tập sự. Họ đã mất nhiều thời gian, công sức và tài chính đề đầu tư cho việc hành nghề công chứng. Và tất yếu, họ phải tìm đến các địa bàn có nhu cầu công chứng cao để hành nghề; vừa để nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ vừa để tăng thu nhập cá nhân. Hệ quả là những địa bàn có điều kiện KTXH khó khăn lại rơi vào tình trạng thiếu hụt đội ngũ CCV – điều kiện tiên quyết để phát triển hoạt động công chứng.

Một số giải pháp nhằm phát triển đội ngũ công chứng viên tại tiểu vùng Đông Bắc

Để có một đội ngũ CCV đầy đủ về số lượng và chuyên nghiệp về kỹ năng nghiệp vụ, các cơ quan nhà nước cần có những điều chỉnh về quy định pháp luật, đổi mới chương trình đào tạo cũng như có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp. Cụ thể:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về công tác bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng. Công tác này được quy định cụ thể tại Mục 3 Chương III Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15/6/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng. Theo đó, CCV có nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm với thời gian tham gia tối thiểu là 3 ngày làm việc/năm (24 giờ/năm). Như vậy, việc tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ đã trở thành một nghĩa vụ đối với CCV. Tuy nhiên, trong bối cảnh các mối quan hệ xã hội trong và ngoài nước diễn biến phức tạp cùng nhu cầu công chứng ngày càng tăng như hiện nay thì khoảng thời gian tối thiểu 3 ngày mà CCV phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm vẫn còn ít và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Bên cạnh đó, Điều 17 của Thông tư số 06/2015/TT-BTP về xử lý đối với CCV vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm quy định: “CCV vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều lệ của Hiệp hội CCV Việt Nam”. Theo quy định này, CCV không tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm chỉ bị xử lý bởi tổ chức tự quản của CCV mà không bị xử lý bởi cơ quan quản lý nhà nước.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ CCV, hệ thống thể chế quản lý nhà nước về xã hội hóa dịch vụ công chứng phải sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn đối với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ. Về thời gian bồi dưỡng, cần nâng từ 3 ngày làm việc/năm (24 giờ/năm) lên thành 5 ngày làm việc/năm (40 giờ/năm) cho phù hợp với yêu cầu cập nhật và đáp ứng nghiệp vụ CCV. Về hình thức xử lý đối với các CCV không tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm, cần bổ sung quy định xử phạt hành chính của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, tổ chức tự quản của CCV cũng có thể xem xét trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng có CCV không tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm.

Thứ hai, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo CCV. Ở các nước phát triển, đặc biệt là Pháp – một đất nước có nghề công chứng xuất hiện từ lâu, CCV không chỉ dừng lại ở vai trò người xác nhận tính hợp pháp, tính xác thực của các hợp đồng, giao dịch mà còn là người tư vấn pháp luật và là người trung gian hòa giải giữa các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Đây cũng là mẫu hình CCV Việt Nam đang hướng đến hiện nay. Để đạt được mục tiêu này thì vấn đề trước mắt cần thực hiện là đổi mới về nội dung, chương trình đào tạo CCV. Trong nội dung đào tạo CCV nên bổ sung các kỹ năng cần thiết khác, như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng hòa giải… Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức hành nghề công chứng cho đội ngũ CCV để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Thứ ba, nâng cao vai trò của cán bộ, công chức trong hướng dẫn nghiệp vụ đối với CCV. Việc hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho CCV cũng như nhân viên nghiệp vụ của các VPCC có thể được kết hợp với các đợt kiểm tra. Các thành viên trong đoàn kiểm tra không chỉ có nhiệm vụ phát hiện ra các sai phạm mà còn có nhiệm vụ hướng dẫn cho các CCV và các nhân viên nghiệp vụ cách thức hoàn thiện văn bản, hồ sơ công chứng cũng như chứng từ, sổ sách kế toán.

Thứ tư, hỗ trợ đối tượng theo học khóa đào tạo CCV. Các tỉnh TVĐB có thể thực hiện các chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn CCV tại chỗ, tức là phát triển đội ngũ CCV từ chính nguồn nhân lực tại địa bàn. Chính quyền các tỉnh TVĐB có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ về học phí, học bổng đối với những sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật có hộ khẩu thường trú tại chính địa bàn mà địa phương muốn phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Các sinh viên này được sử dụng nguồn hỗ trợ để tham gia các lớp đào tạo và tập sự hành nghề công chứng với cam kết sẽ trở về địa bàn để hành nghề công chứng. Đây chính là nguồn CCV đáp ứng cho các điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng tại các địa bàn khó khăn.

Thứ năm, đào tạo, bồi dưỡng nhân viên nghiệp vụ tại các VPCC. Thực tế cho thấy, các nhân viên nghiệp vụ tham gia rất nhiều vào các khâu, các bước của thủ tục công chứng. Tuy nhiên, trong đội ngũ này có người chưa từng được tham gia bồi dưỡng các lớp về chuyên ngành luật hay đào tạo hành nghề CCV. Do đó, bên cạnh việc quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho CCV, các cơ quan nhà nước cũng nên dành thời gian để đào tạo, bồi dưỡng các nhân viên nghiệp vụ này. Đây cũng có thể là đội ngũ kế cận để tạo nguồn phát triển CCV trong tương lai.

Đội ngũ CCV tại TVĐB hiện nay đã có sự phát triển tích cực cả về số lượng và trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng chưa theo kịp tốc độ phát triển của hoạt động công chứng, nhất là khi nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trong xã hội ngày càng tăng như hiện nay. Điều này, đòi hỏi cơ quan nhà nước cần có sự điều chỉnh các quy định của pháp luật và đổi mới chương trình, đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt, chính quyền TVĐB cần có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích để tạo nguồn phát triển đội ngũ CCV ngay tại địa phương.

Chú thích:
1. Quyết định số 1064/QĐ-TTg ngày 08/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đến năm 2020.
2, 3, 9. Tác giả tổng hợp từ: Bảng thống kê số lượng các tổ chức hành nghề công chứng và số lượng công chứng viên của Bộ Tư pháp (cập nhật tháng 12/2018).
4. Khai giảng Lớp đào tạo nghề công chứng khóa 21 năm 2019 tại Thái Nguyên. http://lib.hlu.edu.vn, ngày 08/02/2020.
5. Hội công chứng viên tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng năm 2018. www.laocai.gov.vn, ngày 06/8/2018.
6. Khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng năm 2014.
7. Số liệu thống kê số lượng công chứng viên của Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên (tính đến tháng 12/2018).
8. Số liệu thống kê số lượng công chứng viên của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Cạn (tính đến tháng 12/2018).
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Công chứng năm 2006, 2014.
2. Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Công chứng năm 2014.
3. Chuyên đề công chứng. Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, năm 1995.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai
Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên