Bảo đảm quyền của lao động nữ ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, coi trọng phụ nữ trong lao động, sản xuất và làm chủ doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp bảo đảm quyền con người ở nước ta và trên thế giới; đây cũng nội dung để thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp nhằm bảo đảm quyền lao động đối với nữ giới…
Hiện nay việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, coi trọng phụ nữ trong lao động, sản xuất và làm chủ doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu.
 Về quyền lao động và tính đặc thù trong bảo đảm quyền của lao động nữ

Quyền của người lao động (trong đó có lao động nữ) là những quyền liên quan đến điều kiện lao động điều kiện sử dụng lao động, bao gồm: việc làm, tiền lương, an toàn lao động, tham gia hoạt động công đoàn, an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm nói riêng. Tại “Chương X: Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới” của Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, thì quyền cơ bản của người lao động nữ (từ Điều 135 – 142), có thể tổng hợp thành những nhóm quyền sau:

(1) Quyền làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử.

(2) Quyền hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể, nhất là nhà ở.

(3) Quyền được tham khảo ý kiến khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích; có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc; được giúp đỡ, hỗ trợ một phần chi phí gửi con ở nhà trẻ, mẫu giáo.

(4) Quyền được bảo vệ thai sản.

(5) Quyền đơn phương chấm dứt hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.

(6) Quyền nghỉ thai sản.

(7) Quyền được cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc và quyền từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.

(8) Quyền BHXH, y tế và thất nghiệp.

(9) Quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn; có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

(10) Quyền đối thoại, thương lượng tập thể theo nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai và minh bạch.

(11) Quyền đình công.

(12) Quyền ở tuổi vị thành niên, cao tuổi, khuyết tật, của lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam1.

Bộ luật Lao động năm 2019 đã xác định rõ hơn quyền lao động là một phần không thể tách rời của hệ thống các quyền con người và quyền được bảo đảm về cả phương diện quyền cũng như nghĩa vụ trong luật quốc tế, quốc gia về quyền con người.

Từ đó cho thấy, việc bảo đảm quyền lao động nữ, nhất là quyền lao động của nữ giới trong các doanh nghiệp (cụ thể là khu công nghiệp, khu chế xuất) được thể hiện ở nhiều phương diện của đời sống xã hội. Tuy vậy, nhìn nhận từ thực trạng hiện nay, việc bảo đảm quyền của lao động nữ chủ yếu được thể hiện trong mối quan hệ với người sử dụng lao động để hạn chế sự đối xử bất công, thúc đẩy sự bình đẳng giới trong quan hệ lao động. Chính vì vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nhằm bảo đảm quyền lao động cho nữ giới nói chung và lao động nữ tại các khu công nghiệp nói riêng được đối xử công bằng và bình đẳng các quyền cơ bản như đối với lao động nam.

Tính đặc thù trong việc bảo đảm quyền của lao động nữ là tôn trọng, bảo vệ, thực hiện, thúc đẩy quyền bình đẳng và quyền ưu tiên dành cho nữ giới (lao động như đồng nghiệp nam, phải đảm nhiệm chức năng làm mẹ và phải chịu trách nhiệm chính trong chăm sóc gia đình). Theo đó, việc bảo đảm quyền này được quy định như sau:

(1) Bình đẳng về tuyển dụng, phân công việc làm, đào tạo nghề và trả công lao động.

(2) Điều kiện, chế độ làm việc phù hợp với sức khỏe và chức năng chăm sóc gia đình.

(3) Coi trọng quyền được kết hôn và hỗ trợ về nhà ở thích đáng.

(4) Thực hiện bảo hiểm xã hội khi thai sản, nuôi con và giải quyết chế độ hưu trí hợp lý.

(5) Ưu đãi đối với doanh nghiệp (hoặc cơ quan, tổ chức) sử dụng nhiều lao động nữ để thực hiện bảo đảm thực tế các quyền của họ. Việc được bảo đảm quyền này là điều kiện bắt buộc, cần thiết để phụ nữ được bình đẳng khi thực hiện các nhóm quyền khác như đồng nghiệp nam (quyền học tập, giải trí và hưởng an sinh xã hội,…).

Như vậy, ngoài những quy định chung có thể áp dụng chung cho cả lao động nam và nữ, cần thực hiện những quy định riêng đối với lao động nữ để bảo đảm theo tiêu chuẩn của luật pháp Việt Nam, đặc biệt liên quan đến kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, con ốm, công việc nặng nhọc, độc hại,… Đồng thời, lao động nữ cũng phải thực hiện các nghĩa vụ để bảo đảm quyền của mình, đó là:

(1) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác.

(2) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

(3) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền lao động nữ hiện nay

Việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, coi trọng phụ nữ lao động và làm chủ doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp bảo đảm quyền con người ở nước ta và trên thế giới. Việt Nam đang có tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động đạt 48 – 49%, với khoảng 73% phụ nữ (trong tổng số giới nữ) làm việc; phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 31%; những con số này đều thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Qua đó, Việt Nam đứng thứ 69/144 quốc gia xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Theo Liên hiệp quốc, Việt Nam cũng là 01 trong 10 quốc gia trên thế giới thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2001 -20152.

Nhưng hiện vẫn còn một số vấn đề đặt ra, làm cản trở việc đạt được những mục tiêu bình đẳng giới, nhất là trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp nhằm bảo đảm quyền lao động đối với nữ giới còn chưa quy định rõ ràng.

Tình trạng thực tế hiện nay ở các doanh nghiệp là vẫn còn có sự khác biệt giữa nam và nữ trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp, nhất là về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, thai sản,… Ở các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính, số lao động là nam giới chiếm ưu thế nhiều hơn, còn nữ giới thì chủ yếu làm việc ở các ngành giáo dục, y tế, xã hội, các ngành dịch vụ, nhất là ở khu vực không chính thức. Lao động nữ tập trung ở những khu vực việc làm có vị trí kém hơn và thu nhập thấp hơn như: dịch vụ tự làm, không chính thức và lao động gia đình không hưởng lương. Đây là những việc làm không ổn định, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Do đó, thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam vẫn còn chênh lệch. Lao động nữ thu nhập trung bình ít hơn ba triệu đồng (với tuần làm việc 40 giờ và trong 52 tuần làm việc) so với nam3.

Đặc biệt, trong các khu công nghiệp, mối quan hệ lao động giữa nam và nữ có đặc thù rõ nét: hầu hết là lao động nam, lao động nữ chỉ chiếm một số lượng nhỏ, cường độ lao động cao, tác phong lao động công nghiệp khẩn trương và tính cạnh tranh lao động cao,… Với các đặc thù này, ngoài việc phải thực hiện các nghĩa vụ giống như đồng nghiệp nam, lao động nữ còn có thiên chức làm mẹ và chịu trách nhiệm chính trong chăm sóc gia đình. Do đó, để bảo vệ được các quyền, trong đó bảo đảm quyền lao động đối với nữ giới, chúng ta cần nhìn nhận một cách tổng thể các nhóm quyền khác nhau để bảo đảm hài hòa vai trò của lao động nữ, gồm: người lao động và thực hiện thiên chức làm mẹ, chăm sóc chính cho gia đình.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện những quy định này trong thực tế là không đơn giản, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ, nguyên nhân là docác doanh nghiệp phải thực hiện chi trả thêm các khoản chi phí chế độ, chính sách có tính đặc thù đối với lao động nữ như thai sản, con ốm,… Chính vì vậy, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu tiên hơn đối với việc tuyển dụng lao động nữ trong các doanh nghiệp, đồng thời, tiếp tục có những chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động này, trong đó cần thực hiện chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế (tại khoản 4 Điều 135 Bộ luật Lao động năm 2019).

Chú thích:
1. Luật số 45/2019/QH14: Bộ luật Lao động của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2019. http://vanban.chinhphu.vn
2. Cân nhắc cân bằng quyền lợi giữa người lao động và doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững. https://www.nhandan.com.vn, ngày 08/10/2019.
3. Thu nhập trung bình của lao động nữ thấp hơn nam giới khoảng 10%. https://www.nhandan.com.vn, ngày 20/12/2018.
ThS. Nguyễn Thị Quế Hương
Học viện Hành chính Quốc gia