Hành trang tiến tới đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII vào mùa Xuân năm 2021, Đảng ta có những hành trang quý giá, đó là bề dày lịch sử 90 năm với nhiều chiến công, thắng lợi vẻ vang, những kỳ tích mang ý nghĩa lịch sử và thời đại; đó là những bài học kinh nghiệm được đúc kết xương máu từ những khuyết điểm khó tránh khỏi trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và đó còn là niềm tin, sự kỳ vọng của Nhân dân, dân tộc Việt Nam vào Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và được người dân yêu mến vinh danh là “Đảng ta” .

 

Toàn cảnh Bế mạc hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
 Hành trang 90 năm – pho lịch sử bằng vàng

Trong khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chuẩn bị tiến tới Đại hội XIII cũng là thời điểm các thế lực thù địch tìm mọi cách để chống phá chúng ta. Thủ đoạn thường xuyên của chúng là các luận điệu xuyên tạc hòng phủ định những thành tựu của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng mà lịch sử và Nhân dân đã giao phó. Mặc dù vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đang vững bước tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII vào mùa Xuân năm 2021 với hành trang 90 năm là “một pho lịch sử bằng vàng”, với những kỳ tích, những thắng lợi vẻ vang, giành được bằng trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và sự hy sinh xương máu của hàng triệu đồng bào yêu nước.

Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kết thúc bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thắng lợi lịch sử vĩ đại này làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Đó là thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, xâm lấn biên giới ở Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc những năm cuối thập kỷ 70 đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Những thắng lợi của hai cuộc chiến tranh đó không chỉ bảo vệ được biên giới, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn tiêu diệt tận gốc rễ bọn diệt chủng Pol Pôt – Yêngxari, cứu dân tộc Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng 1.

Đó là thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới (từ năm 1986) đã đưa nước ta từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất – kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội lạc hậu, trình độ thấp thành một nước đang phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay2.

Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà từ sau Đại hội XII đến nay, một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lại ngày càng lan tỏa rộng khắp cả nước đến như vậy. Đó chính là hành trang vô giá, làm điểm tựa vững chắc để Đảng ta tiến tới Đại hội XIII.

Hành trang về khuyết điểm và sự nhìn nhận lại từ bài học sai lầm trong lịch sử

Đã từng có một giai đoạn, các bài viết về Đảng chỉ thiên về ngợi ca ưu điểm mà tránh né việc đào sâu vào những khuyết điểm, sai lầm. Thời điểm đó tồn tại nỗi sợ bị quy chụp là “nói xấu Đảng”, tuy nhiên, đó là một sự nhầm lẫn. Mấu chốt của vấn đề là: nói có đúng không và nói vì động cơ nào?

Nếu nói đúng và với động cơ xây dựng thì nói càng sâu, để mỗi cán bộ, đảng viên càng thấm thía mà tránh được sai lầm, khuyết điểm, càng có lợi cho Đảng, cho dân. Với nhận thức như vậy, với tính trung thực cộng sản là phải “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật”, điều này được minh chứng rõ về lịch sử 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ cả “vinh quang” và cay đắng. Vinh quang vì những kỳ tích, những thắng lợi, còn “cay đắng” vì những khuyết điểm, sai lầm khó tránh khỏi trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đó là khuyết điểm, sai lầm giáo điều, tả khuynh trong cải cách ruộng đất những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954 – 1955): đó là duy trì quá lâu cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, làm khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng những năm sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chế độ kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp ở miền Bắc đã từng phát huy tác dụng, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, chiến tranh đã kết thúc, cơ chế này vẫn kéo dài đến trước thời kỳ Đổi mới năm 1986 và tiếp tục gây khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng.

Thành tựu của 35 năm Đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI (tháng 12/1986) có ý nghĩa lịch sử, song giai đoạn này, Đảng ta cũng đã chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm không nhỏ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, trong đó xác định bốn nguy cơ trước mắt là: tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng XHCN; tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Trong các nhiệm kỳ đại hội của Đảng cũng đều nhấn mạnh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, chống nguy cơ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực và có các bước sơ kết, tổng kết được thể hiện trong nhiều nghị quyết nhưng chưa được thực hiện sát với thực tiễn và triệt để. Đảng ta là đảng cầm quyền, những cán bộ, đảng viên được giao chức, giao quyền nhưng lại không được kiểm soát, quyền lực không được “nhốt trong cái lồng cơ chế”3. Bởi vậy, dẫn đến một số cán bộ, đảng viên đã trở thành những ông “vua con”, thành sâu mọt, thành “giặc nội xâm” – tham nhũng, “hành dân”.

Đảng ta cũng đã cảnh báo và chỉ ra rằng: nguy cơ mất Đảng, mất chế độ nếu như không ngăn chặn được tham nhũng, không đẩy lùi được “giặc nội xâm”. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viết: “phải thành thật nhận thấy đây là khuyết điểm lớn,… không hề nhẹ…”4. Những khuyết điểm, sai lầm đó gây nên những tổn thất to lớn cho Đảng và Nhân dân về mọi mặt. Về nhân sự, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, chúng ta đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang đã bị thi hành kỷ luật Đảng với các mức độ khác nhau. Trong số đó, nhiều người còn bị xử lý kỷ luật hành chính và hình sự 5.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Trên con đường đi lên cùng dân tộc và đất nước, nói một cách công bằng và thẳng thắn, không phải không có lúc chúng ta mắc sai lầm, khuyết điểm. Nhưng với tinh thần tự phê bình và phê bình, Đảng ta sớm nhận ra những sai lầm, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, dù có phải đau đớn hay đối diện với muôn vàn khó khăn, rào cản. Chính điều đó càng làm tăng thêm niềm tin của Nhân dân dành cho Đảng…”6. Qua mỗi chặng đường lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sau mỗi thắng lợi và cả sai lầm, khuyết điểm, tổn thất, Đảng ta đều đúc rút ra được nhiều bài học quý báu7.

Quan trọng nhất là bài học về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Bởi vì, Đảng ta đã được lịch sử chọn lọc, phó thác trọng trách lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Khi nào Đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức là văn minh” thì cách mạng thắng lợi, thành công lớn. Ngược lại, nếu Đảng kém trong sạch, vững mạnh, phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm thì cách mạng sẽ gặp khó khăn, tổn thất, thậm chí thất bại là điều tất yếu.

Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện qua vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong cuốn Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”8 và “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”9. Thấm nhuần Lời dạy của Bác Hồ, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh thêm: “Chúng ta đều biết công tác cán bộ làm không tốt thì tự ta lật đổ ta”10. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Xây dựng chỉnh đốn Đảng là vấn đề sống còn của Đảng, chế độ ta”11. Từ sau Đại hội XII đến nay, Đảng đã dành không ít thời gian và công sức cho công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Chính vì vậy, nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ khóa XII đã có những chuyển biến thực sự, mạnh mẽ và thu được những thành quả bước đầu quan trọng, được Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Một trong những bài học lớn nhất trong công tác xây dựng Đảng là giải quyết tốt, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Các nhà hiền triết, các nhà lãnh đạo, quản lý đất nước đều thấy sức mạnh Nhân dân như sức nước. Cách đây hơn 5 thế kỷ, Nguyễn Trãi đã khẳng định: “chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”; hơn 100 năm sau, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đề cao “dân vi bản” (có nghĩa: “dân là gốc của nước”) trong tác phẩm Cảm Hứng, viết bằng chữ Hán, như sau: Cổ lai quốc dĩ dân vi bản/Đắc quốc ưng tri tai đắc dân”.

Phải “lấy dân làm gốc” và lấy “khoan thai sức dân làm kế giữ nước sâu bền”… được Đảng và Hồ Chủ tịch tiếp thu, kế thừa và phát huy tư tưởng “lấy dân làm gốc” lên tầm cao mới trong những bài học về công tác xây dựng Đảng. Chủ trương “dựa vào dân để xây dựng Đảng”, phải làm cho Đảng luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, lấy mục tiêu phục vụ Nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên; phải luôn làm cho “ý Đảng hợp lòng dân” – ý Đảng lòng dân luôn thống nhất… Thực tiễn lịch sử 90 năm qua của Đảng cho thấy, thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945; kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước; trong công cuộc Đổi mới, xây dựng phát triển đất nước và xây dựng Đảng hiện nay chính là vì đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước “hợp lòng dân”, cũng chính là hợp quy luật phát triển của lịch sử.

Một lần nữa cần nhấn mạnh: chính đường lối Đổi mới từ sau năm 1986, chủ trương, quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ Đại hội XII đến nay “hợp lòng dân” nên đã có thành công như vậy. Tuy nhiên, tư tưởng “dựa vào dân để xây dựng Đảng” hiện nay còn chưa được quán triệt thực hiện trong một số công việc của Đảng. Chẳng hạn, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ chỉ mới được quy định công khai trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Đại hội Đảng các cấp từ cơ sở đang được tiến hành để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đại hội Đảng các cấp là sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống chính trị của mỗi đơn vị, địa phương, bộ, ngành, do đó, cần phải được coi như ngày hội của quần chúng nhân dân, là dịp để quần chúng nhân dân được bày tỏ niềm tin yêu, trách niệm với Đảng. Nên chăng, dự thảo văn kiện và dự kiến nhân sự đại hội các cấp cũng cần có cơ chế để nhân dân địa phương (trong phạm vi cấp ủy Đảng lãnh đạo) được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng.

Qua những bài học được đúc kết một cách sâu sắc từ những thắng lợi, kỳ tích và sai lầm, khuyết điểm đều là hành trang vô cùng quý báu để Đảng ta vững bước tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, từ đó tránh được những sai lầm, khuyết điểm và viết tiếp những trang sử mới, huy hoàng hơn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hành trang là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng

Niềm tin là điều chứng tỏ Nhân dân không quay lưng, không thờ ơ với Đảng, trái lại quan tâm, gắn bó với Đảng, với sự nghiệp của Đảng cũng là của chính mình. Vấn đề này có được bởi bề dày lịch sử 90 năm tuổi Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, lãnh đạo Cách mạng Việt Nam giành những kỳ tích oai hùng, đưa Nhân dân từ kiếp nô lệ ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, trở thành người làm chủ, có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực, uy tín như ngày nay. Đặc biệt, với những thành tựu đổi mới trong 35 năm qua, với những chuyển biến về “chất” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ Đại hội XII cho đến nay, Đảng đã lấy lại được niềm tin yêu, hy vọng của Nhân dân – trở thành hành trang vô cùng quý giá để Đảng tiến tới Đại hội XIII.

Không chỉ có niềm tin mà Nhân dân còn có nhiều tâm tư, nguyện vọng muốn gửi gắm tới Đại hội XIII. Đó phải là một Đại hội thắng lợi, thành công hơn, thực chất hơn. Đó sẽ là một Đại hội Đổi mới hơn nhưng không đổi hướng, là cột mốc mới, mở ra trang sử mới huy hoàng, tráng lệ hơn cho Đảng, cho đất nước Việt Nam. Các văn kiện Đại hội phải được nâng lên tầm cao mới cả về lý luận và thực tiễn, dẫn lối, chỉ đường đúng đắn cho dân, cho nước. Đồng thời, công tác nhân sự phải được làm tốt, có chất lượng hơn bao giờ hết.

Phát biểu tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 26/5/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Phải luôn khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Do đó, các cấp Đại hội phải lựa chọn, bầu ra được đội ngũ cán bộ của Đảng, nhất là Ban Chấp hành Trung ương Đảng, không chỉ đủ về cơ cấu mà phải gồm những người thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, tâm hồn, đức độ, phẩm giá của người Việt Nam.

Lấy những bài học được đúc kết từ những thắng lợi huy hoàng và cả những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo Cách mạng, lấy niềm tin, kỳ vọng của Nhân dân làm hành trang tiến tới Đại hội XIII, nhất định đó sẽ là một Đại hội thực sự thành công, tiến thêm một bước lớn xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, “vừa đạo đức vừa văn minh”, ngày càng xứng đáng là Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện. Đó là “một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được Nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”12

Chú thích:
1. Thủ tướng Hun Sen cảm ơn Việt Nam trong lễ kỷ niệm 40 năm lật đổ Khmer Đỏ. https://vnexpress.net, ngày 07/01/2019.
2. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay. https://vnexpress.net, ngày 01/02/2019.
3. Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp. http://dangcongsan.vn, ngày 29/11/2017.
4, 10. Thành tựu và những bài học kinh nghiệm trước Đại hội Đảng XIII. https://nhandan.com.vn, ngày 17/02/2020.
5. Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 15/01/2020.
6. Lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với phóng viên báo Quân đội nhân dân, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2020). https://vietnamnet.vn, ngày 21/01/2020.
7. 90 năm thành lập Đảng: Nhiều bài học vẫn chưa bao giờ cũ. https://vov.vn, ngày 31/01/2020.
8, 9. Hồ Chí Minh. Sửa đổi lối làm việc. H. NXB Sự thật 1947, tr. 27, 7.
11. Xây dựng chỉnh đốn Đảng là vấn đề sống còn của Đảng, chế độ ta. https://thanhnien.vn, ngày 31/01/2019.
12. Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2020).http://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 03/02/2020.

PGS. TS. Nguyễn Quốc Sửu
Đại học Nội vụ Hà Nội