Một số biện pháp quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định

 (Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, công tác quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định được các cơ quan, ban, ngành ở địa phương hết sức quan tâm. Chính quyền đã có nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các lễ hội, giúp người dân có ý thức hơn khi tham gia lễ hội. Đồng thời phát huy được vai trò, trách nhiệm của các bộ phận chức năng, lực lượng trong tham mưu, đề xuất tổ chức, quản lý hoạt động trước, trong và sau thời gian diễn ra lễ hội.

 

Du khách thập phương về dự hội chợ Viềng thành tâm dâng hương lễ Mẫu tại Phủ Dầy (Ảnh: Quý Trung-TTXVN).

1. Nam Định là tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, dân số trên 2,15 triệu người (năm 2019), với gần 50 lễ hội lớn, nhỏ khác nhau được tổ chức mỗi năm, tiêu biểu là lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo, lễ hội Chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh), lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (huyện Xuân Trường)…1.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.345 di tích lịch sử – văn hóa được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt, công bố, trong đó 384 di tích đã được xếp hạng gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 83 di tích quốc gia và 299 di tích cấp tỉnh. Nằm trong “vành nôi văn minh lúa nước sông Hồng”, Nam Định còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú, trong đó có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy, nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, ca trù, nghề sơn mài truyền thống Cát Đằng… Bảo tàng Nam Định cũng đang lưu giữ 4 nhóm bảo vật quốc gia quý giá2.

QLLH trên địa bàn tỉnh Nam Định là hoạt động tích cực, chủ động của các cơ quan, ban, ngành có liên quan, cùng với Nhân dân địa phương, các chương trình, kế hoạch thiết thực, cụ thể luôn được gắn liền với việc bảo tồn, phát triển các nét đặc trưng của từng lễ hội, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân. Thời gian qua, công tác QLLH trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội được diễn ra trong không khí trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Để tăng cường công tác QLLH, UBND tỉnh đã có Công văn số 18/UBND ngày 17/01/2018 chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội, theo đó, chính quyền các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức các lễ hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa các di tích và ý nghĩa lễ hội; hướng dẫn người dân chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh; bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lễ hội theo quy định pháp luật. Đơn cử như, trong thời gian diễn ra hội chợ Viềng Xuân 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các huyện Nam Trực, Vụ Bản thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy chế lễ hội. Đối với hội chợ Viềng, Ban QLLH tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, bảo đảm an toàn cho du khách tham gia lễ hội; thực hiện tốt công tác quảng bá về hội chợ Viềng và quần thể di tích Phủ Dầy3.

Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong số 157 cơ sở được kiểm tra có 42 cơ sở karaoke; 11 cơ sở quảng cáo; di tích tại nơi tổ chức lễ hội: 23 lượt đền, phủ, chùa, lăng; 60 cơ sở lưu trú; 16 cơ sở thể dục – thể thao; 5 cơ sở lữ hành. Kết quả, Sở đã tiến hành xử phạt 7 cơ sở4.

Các địa phương có lễ hội trên địa bàn tỉnh, như các huyện: Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường… đã tiến hành các hoạt động rà soát, đánh giá tình trạng của từng loại lễ hội, trên cơ sở đó phân công, bố trí, sắp xếp các bộ phận, lực lượng tham gia nâng cấp, tu bổ lại cho khang trang, sạch đẹp, vừa giữ được nét đẹp truyền thống, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ của từng loại lễ hội.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác QLLH trên địa bàn tỉnh Nam Định thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, đó là: nhận thức, trách nhiệm của một số địa phương chưa cao, cho rằng việc QLLH chỉ thuộc về chính quyền địa phương, Ban QLLH; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý những vi phạm trong quá trình tổ chức lễ hội chưa thường xuyên; hoạt động chen lấn, xô đẩy nhau vẫn xảy ra ở các lễ hội, đặc biệt là hiện tượng chèo kéo du khách vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ; các bộ phận, lực lượng được phân công, giao nhiệm vụ chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình làm việc, như kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương xung quanh lễ hội…

2. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh Nam Định cần tập trung triển khai thực hiện các biện pháp cơ bản về quản lý lễ hội sau:

Một là, quán triệt sâu sắc những văn bản, chỉ thị, hướng dẫn, quy định của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh về công tác QLLH.

Trên cơ sở những văn bản, chỉ thị, hướng dẫn được cụ thể hóa trong từng khu vực, địa bàn, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức công dân không chỉ trong thời gian tổ chức lễ hội mà còn có ý nghĩa mãi mãi về sau. Thực tế chứng minh, qua những lần tổ chức lễ hội, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tiến hành thành lập ban quản lý, các đoàn thanh tra, kiểm tra các hoạt động diễn ra lễ hội; xây dựng các văn bản, hướng dẫn các địa phương chấp hành nghiêm quy định pháp luật, gần đây nhất là trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, các lễ hội trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng mọi hoạt động, thực hiện đúng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, nâng cao năng lực làm việc cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là Ban QLLH ở các địa phương.

Đội ngũ cán bộ, công chức thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phòng văn hóa tuyên truyền cổ động ở các huyện, Ban quản lý di tích, tổ chức lễ hội cần phải bám sát và nắm bắt rõ mọi hoạt động ở địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở cán bộ cấp dưới nắm bắt hiện trạng hoạt động của lễ hội, đề xuất phương án kịp thời; phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ văn hóa phụ trách các lễ hội và quy trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng mất trật tự, có đơn thư, phản ánh không tốt của Nhân dân về cán bộ phụ trách; đồng thời, cần đề cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng địa phương có lễ hội diễn ra và chịu trách nhiệm chính về công tác QLLH của địa phương mình.

Cần tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan, nhất là Sở Nội vụ tổ chức những buổi tập huấn cho cán bộ làm công tác văn hóa, trong đó nội dung tập huấn đi sâu vào cách thức, phương pháp quản lý các lễ hội; đặc biệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ban quản lý các lễ hội ở các địa phương, đây là đội ngũ phụ trách chính, thường xuyên phải có cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, kịp thời để động viên, khuyến khích họ làm việc.

Ba là, thường xuyên tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong tổ chức lễ hội, bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực lễ hội.

Đây là nội dung rất được quan tâm không riêng gì ở tỉnh Nam Định mà còn đối với nhiều tỉnh khác. Công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong quá trình tổ chức lễ hội nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến uy tín của lễ hội, làm cho du khách trong và ngoài nước thiếu thiện cảm. Vì vậy, trước, trong và sau khi diễn ra các lễ hội, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp bảo đảm cho các hoạt động của lễ hội diễn ra thông suốt (ví dụ: tổ chức buổi tập dượt, lên phương án cho các tình huống có thể xảy ra trong quá trình tổ chức lễ hội). Đoàn thanh tra ở các khu lễ hội cần thường xuyên đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra hoạt động buôn bán, kinh doanh của các tiểu thương, nhắc nhở và xử lý dứt điểm đối với trường hợp “chặt chém” du khách, hiện tượng phản cảm nơi diễn ra lễ hội.

Bốn là, thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác QLLH.

Thông qua công tác sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về công tác QLLH sẽ kịp thời cung cấp, định hướng cho các cơ quan, ban, ngành và Nhân dân địa phương đề cao tinh thần, trách nhiệm của mình đối với việc tổ chức lễ hội. Qua đó, thấy được công tác quản lý còn thiếu những gì, chỗ nào chưa làm được để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn diễn ra của từng loại lễ hội trên từng địa bàn, khu vực khác nhau. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực, cố gắng trong quá trình QLLH trước, trong và sau khi diễn ra lễ hội.

Theo đó, cần đa dạng hóa các hình thức, biện pháp khen thưởng, biểu dương đối với các bộ phận, lực lượng tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong thời gian diễn ra lễ hội; khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc giám sát hoạt động của lễ hội, kịp thời phát hiện, tố giác đối với những hành vi trái với thuần phong mỹ tục của địa phương, lợi dụng sơ hở trong công tác QLLH để trục lợi cá nhân, làm giàu bất chính.

Công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng cần đúng người, đúng việc, đi vào thực chất của công tác quản lý, tránh phô trương, hình thức, làm không đến nơi, đến chốn. Có như vậy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội sẽ đi vào nền nếp, hiệu quả, bảo đảm đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tính nhân văn đối với xã hội và mỗi người dân; tăng tính hiệu quả trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân ở địa phương.

Chú thích:
1. Tổng quan về Nam Định. https://baonamdinh.vn, ngày 22/4/2019.
2. Nam Định đánh thức tiềm năng du lịch còn đang ngủ quên. https://baophapluatVietNam.vn, ngày 02/3/2020.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Báo cáo Tổng kết công tác quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2018.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Báo cáo Tổng kết công tác quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2019.

Nguyễn Hải Hoàng Đức
Trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định