Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định

KẾT QUẢ CÔNG NHẬN SẢN PHẨM OCOP ĐỢT 2 NĂM 2020

Ngày 29/10/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 2624/QĐ-UBND công nhận 84 sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2020 của 55 chủ thể sản xuất, trong đó có 10 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 74 sản phẩm OCOP đạt 3 sao (77 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, 4 sản phẩm thuộc ngành đồ uống, 2 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, 1 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn).

Họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Huyện Hải Hậu có 27 sản phẩm; huyện Ý Yên 14 sản phẩm; huyện Trực Ninh 9 sản phẩm; huyện Vụ Bản 7 sản phẩm; huyện Giao Thủy 6 sản phẩm; Thành phố Nam Định, huyện Nghĩa Hưng và huyện Xuân trường đều có 5 sản phẩm; huyện Nam Trực có 4 sản phẩm; huyện Mỹ Lộc có 2 sản phẩm. Chất lượng các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đợt này có chất lượng tốt, hình thức bao bì sản phẩm đẹp, đảm bảo quy định, sản phẩm đặc trưng cho từng vùng miền, như: Kẹo Sìu Châu của Công ty Kim Thành Hoa; các sản phẩm chế biến từ Thủy sản của huyện Giao Thủy, huyện Hải Hậu; sản phẩm gạo nếp của huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu; sản phẩm thủ công mỹ nghệ của xã Điền Xá, huyện Nam Trực,…

Như vậy, đến nay toàn tỉnh có 146 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao (trong đó có 28 sản phẩm 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao).

Có được kết quả bước đầu như trên là do:

– Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, các huyện, thành phố; tinh thần làm việc trách nhiệm, nhiệt tình của các thành viên Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện. Xác định sản phẩm OCOP là giải pháp quan trọng trong thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất – thu nhập – hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

– Công tác ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình OCOP được kịp thời, cơ bản tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện Chương trình.

– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách thực hiện Chương trình OCOP cho Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã phối hợp, chỉ đạo Đơn vị tư vấn thực hiện tích cực trong việc hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm đảm bảo theo quy định.

– Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều thay đổi về nhận thức, nhất là vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với việc phát triển sản phẩm và chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Do đó, đã tích cực hưởng ứng tham gia Chương trình.

Trong thời gian tới để tiếp tục hoàn thiện các bước của chu trình OCOP thường niên, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên Website Chương trình OCOP tỉnh Nam Định; thực hiện truyền thông và xúc tiến thương mại điện tử sản phẩm OCOP; tăng cường kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tửtổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các điểm bán hàng OCOP trên cả nước; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP,…

Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh