(Quanlynhanuoc.vn) – Phân viện khu vực Tây Nguyên thuộc Học viện Hành chính Quốc gia được thành lập ngày 16/12/2005 theo Quyết định số 335/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sự ra đời của Phân viện chính là phương án giải quyết vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có tính then chốt cho khu vực Tây Nguyên, là sự chuẩn bị nhằm bổ sung nguồn lực, hạn chế những khó khăn của địa phương trong việc thực hiện chiến lược con người nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng.

1. Quyết định thành lập Phân viện và đặt trụ sở tại Thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định sự lớn mạnh của Học viện Hành chính Quốc gia (sau đây gọi tắt là Học viện) về mặt không gian, hoàn toàn phù hợp với bước phát triển của Học viện trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền với việc xây dựng nguồn lực đáp ứng chủ trương, chiến lược được Chính phủ giao, gắn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học hành chính được chuyên sâu và sát với đối tượng đào tạo; đồng thời, giúp người học giảm đáng kể điều kiện thời gian phải thoát ly nhiệm sở mà vẫn có thể học tập, tham gia các khóa bồi dưỡng về chính trị, hành chính, bồi dưỡng nghiệp vụ và cập nhật những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Sự ra đời của Phân viện khu vực Tây Nguyên chính là kết quả của sự trăn trở, là tâm huyết của lãnh đạo Học viện giai đoạn 2005 – 2006; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bộ Nội vụ trong công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC toàn khu vực Tây Nguyên.
Trong dòng chảy lịch sử, Phân viện đã từng bước trưởng thành, phát triển và khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trong hệ thống các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện. Đặc biệt, sau Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia, ngày 11/4/2018, Giám đốc Học viện đã ban hành Quyết định số 1208/QĐ-HCQG quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên. Theo Quyết định, chức năng chủ yếu của Phân viện vẫn là tập trung ĐTBD năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho CBCCVC; đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học hành chính.
Nhìn lại những ngày đầu mới thành lập, Phân viện gặp vô vàn khó khăn, từ cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự cho đến công tác ĐTBD. Ở thời điểm đó, Phân viện chỉ có 3 phòng học, chưa có các trang thiết bị dạy học hiện đại; khu nhà làm việc của cán bộ, viên chức chỉ là những căn nhà cấp 4, ẩm thấp và xuống cấp với hệ thống trang thiết bị làm việc thiếu thốn, thiếu hệ thống thông tin – thư viện, gây khó khăn cho việc nghiên cứu của học viên. Tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân sự khi mới hình thành chỉ có 2 đơn vị trực thuộc là Khoa ĐTBD và Phòng Hành chính tổng hợp. Trình độ và năng lực của đội ngũ viên chức, người lao động chưa đáp ứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Khi ấy mới chỉ có một giảng viên có trình độ thạc sỹ, chưa có tiến sỹ, tính chủ động trong công việc chưa cao, kỹ năng và kinh nghiệm quản lý đào tạo đối với đối tượng là CBCCVC chưa sâu.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các địa phương với Phân viện trong công tác xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách, chương trình đào tạo cho khu vực Tây Nguyên cũng chưa thực sự chặt chẽ.
Mặc dù được thành lập từ năm 2005 nhưng phải đến năm 2008, hoạt động ĐTBD mới chính thức được tiến hành với chương trình bồi dưỡng chuyên viên (71 học viên) và chuyên viên chính (60 học viên).
Thời gian trôi qua, cùng với sự ủng hộ, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự đoàn kết và quyết tâm của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Phân viện, vị thế của Phân viện từng bước được khẳng định. Sự lớn mạnh trên tất cả các mặt hoạt động đã ngày càng chứng minh sự đúng đắn khi quyết định thành lập một cơ sở ĐTBD đặt tại Tây Nguyên.
2. Trong bối cảnh nhiều biến đổi xã hội, dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của lãnh đạo Học viện, Phân viện đã chủ động nắm bắt thời cơ, năng động, sáng tạo và có những bước đi phù hợp để trưởng thành, phát triển và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện nhiệm vụ ĐTBD CBCCVC và nghiên cứu khoa học về quản lý nhà nước của các tỉnh trong khu vực, gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực.
Công tác ĐTBD ban đầu gặp nhiều trở ngại, việc triển khai mở các lớp đào tạo đại học hệ vừa học vừa làm bắt đầu từ năm 2008 với số lượng 105 học viên. Với tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, trong 15 năm qua, tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động Phân viện đã tổ chức các hoạt động đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng chức danh, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý các cấp vùng Tây Nguyên và các tỉnh phụ cận
Song song với hoạt động ĐTBD, các vấn đề về tổ chức bộ máy và nhân sự cũng được hoàn thiện qua các năm. Hiện nay, với 8 đơn vị chức năng trực thuộc, Phân viện có thể đảm đương tốt các hoạt động chuyên môn. Các đơn vị trong Phân viện đã từng bước phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn trong công việc. Ngày đầu thành lập mới chỉ có 12 người, thì đến nay tổng số đã là 40; tăng cả về số lượng và chất lượng; có bước phát triển mới về tư duy và năng lực chuyên môn. Năm 2018, TS. Nguyễn Đăng Quế được bổ nhiệm giữ cương vị Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Phân viện Tây Nguyên. Để tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và thúc đẩy sự phát triển của Phân viện trong giai đoạn mới, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã điều động và bổ nhiệm TS. Thiều Huy Thuật giữ chức vụ Phó Giám đốc Phân viện.
Lãnh đạo Học viện, Lãnh đạo Phân viện đã chủ động thành lập Khoa Lý luận cơ sở và Quản lý nhà nước (tháng 12/2012) với chức năng chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, theo quy định của Học viện, Khoa đã tách thành 2 bộ môn trực thuộc Phân viện. Sau gần 10 năm thành lập, trình độ, năng lực của giảng viên ngày càng được khẳng định thông qua hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, từng bước đáp ứng được yêu cầu ĐTBD tại Phân viện. Tuy nhiên, số lượng giảng viên còn hạn chế, năng lực chưa đáp ứng hết nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Phân viện.
Với sự quyết tâm của Lãnh đạo Phân viện, sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Nội vụ, Lãnh đạo Học viện, tháng 8/2020, Phân viện đã chính thức chuyển về cơ sở mới, khang trang và tiện nghi hơn, cơ bản đáp ứng yêu cầu ĐTBD, nhất là hệ thống thông tin, tư liệu, thư viện; thiết bị giảng dạy, phòng học trực tuyến được đầu tư, nâng cấp, từng bước tạo điều kiện tốt hơn cho quá trình học tập, nghiên cứu của học viên.
Song song với các hoạt động chuyên môn, các hoạt động Đảng, đoàn thể cũng luôn được chú trọng triển khai nhằm tăng cường khối đại đoàn kết, nâng cao tinh thần làm việc của viên chức, người lao động. Chi bộ, Ban Giám đốc Phân viện luôn giữ vững vai trò lãnh đạo hạt nhân của đơn vị, điều hành cơ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời, Chi ủy, Lãnh đạo Phân viện luôn tạo điều kiện cho Tổ Công đoàn, Đoàn Thanh niên hoạt động sôi nổi, đoàn kết đoàn viên, hội viên, người lao động. Qua đó, đã phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể tham gia quản lý cơ quan, tăng cường kỷ luật công vụ và năng suất lao động.
3. Việc xây dựng, phát triển Phân viện trong những năm tới không thể chỉ dựa vào vị thế hay uy tín pháp lý đã có mà còn phải tiếp tục khẳng định tầm vóc của một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên bằng chính chất lượng ĐTBD. Những biến đổi xã hội mới đang đặt ra cho khu vực Tây Nguyên những thách thức mới. Trong đó, xây dựng đội ngũ CBCCVC nhà nước giỏi về chuyên môn, vững về kỹ năng nghề nghiệp, công tâm và hết lòng phụng sự Nhân dân là một trong những yêu cầu cấp thiết.
Trước bối cảnh đó, Phân viện cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, bám sát nhiệm vụ chính trị của Học viện và Phân viện, chấp hành sự lãnh đạo của Đảng ủy cấp trên, tranh thủ sự chỉ đạo của Lãnh đạo Học viện, phát huy tính gương mẫu dân chủ của cán bộ, đảng viên, viên chức, giảng viên, tạo động lực thúc đẩy mọi hoạt động của Phân viện, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động ĐTBD tại Phân viện, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng ĐTBD, trong đó chú trọng đổi mới hình thức tổ chức ĐTBD, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên học tập, nghiên cứu, tiếp tục tăng cường và giữ vững mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị trong công tác ĐTBD cho đội ngũ CBCCVC.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức, giảng viên theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Có chính sách trọng dụng, đãi ngộ phù hợp để khuyến khích, động viên viên chức có năng lực, có trình độ chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm và có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, từng bước đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao trong công tác ĐTBD của Học viện và Phân viện.
Thứ tư, tăng cường khối đại đoàn kết trong viên chức, người lao động Phân viện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tập thể, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, từng bước xây dựng Phân viện vững mạnh và phát triển.
Thứ năm, có giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất mới, chú ý giữ gìn, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, tránh tình trạng xuống cấp, hư hỏng nhằm phục vụ có hiệu quả nhất cho hoạt động ĐTBD.
Kỷ niệm 15 năm xây dựng và phát triển, trước mắt và trong tương lai, Phân viện đang đứng trước nhiều thách thức cả nội tại cũng như các yếu tố bên ngoài, trên tất cả các mặt công tác. Phân viện kỳ vọng, mong muốn sự đồng cảm, chia sẻ, phối hợp, cộng tác chặt chẽ của các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện với Phân viện; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, cụ thể của Đảng ủy, Lãnh đạo Học viện, sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các tỉnh khu vực Tây Nguyên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.