Hội thảo khoa học: Góp ý về chương trình bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 11/5/2021 tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý chương trình bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 theo hình thức trực tuyến.

Tham dự tại các điểm cầu trực tuyến có: TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện; các Phó Giám đốc: PGS.TS. Lương Thanh Cường, TS. Nguyễn Đăng Quế; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ; lãnh đạo Vụ Đào tạo – Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ; lãnh đạo các khoa, ban của Học viện; thành viên Hội đồng khoa học và đào tạo Học viện; các nhà khoa học tham gia soạn thảo, thẩm định chương trình; các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan cho biết, với vai trò là cơ quan soạn thảo chương trình, sau một thời gian khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã xây dựng dự thảo chương trình bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học cho chương trình đạt chất lượng hơn, khoa học hơn về các khía cạnh nội dung, như: kết cấu, thời lượng, phạm vi, phương pháp, kể cả những nội dung cơ bản của chương trình…

Tại Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cương đã trình bày tóm tắt nội dung chương trình bồi dưỡng cho đối tượng học viên là đại biểu HĐND các cấp.

Chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 có thời lượng là 30 tiết, thời gian bồi dưỡng 3 ngày, gồm 6 chuyên đề, trong đó có 02 chuyên đề biên soạn mới và 04 chuyên đề biên soạn lại, có chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật: (1) Tầm nhìn, định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay; (2) Đại biểu HĐND trong tổ chức hoạt động chính quyền địa phương; (3) Kỹ năng tham gia ban hành nghị quyết của HĐND; (4) Kỹ năng thuyết trình, thảo luận, phản biện của đại biểu HĐND; (5) Kỹ năng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, trả lời báo chí; (6) Kỹ năng giám sát của đại biểu HĐND.

Hình ảnh các điểm cầu trực tuyến.

Đối với chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện và xã gồm 2 nhóm chuyên đề bắt buộc có thời lượng là 30 tiết (03 ngày). Phần 1: 03 chuyên đề bắt buộc (thời lượng 15 tiết): tình hình phát triển kinh tế – xã hội và những vấn đề đặt ra của chính quyền địa phương; đại biểu HĐND trong tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương; kỹ năng tham gia ban hành nghị quyết của đại biểu HĐND. Phần 2: gồm 13 chuyên đề tự chọn, các địa phương tùy tình hình thực tế được lựa chọn 03 trong 13 chuyên đề đó (thời lượng 15 tiết): kỹ năng thuyết trình, thảo luận, phản biện của đại biểu HĐND; kỹ năng giám sát, tiếp xúc cử tri; kỹ năng thẩm tra, giám sát thực hiện chính sách; kỹ năng giám sát quản lý đất đai ở địa phương…

TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện góp ý tại Hội thảo.

Tại hội thảo, các tham luận của đại biểu đều đánh giá cao sự cần thiết của công tác bồi dưỡng cho đại biểu HĐND các cấp và nhận xét dự thảo chương trình phù hợp với yêu cầu về kiến thức, kỹ năng bồi dưỡng đối tượng là đại biểu HĐND, kết cấu chương trình chặt chẽ, thời lượng phù hợp, những nội dung cơ bản của chương trình thiết thực với hoạt động của HĐND các cấp…

Để hoàn thiện hơn về chương trình bồi dưỡng, các đại biểu kiến nghị một số sửa đổi về hình thức, nội dung cho phù hợp hơn, như: điều chỉnh về tên gọi một số chuyên đề, tăng tình huống, thống nhất về thuật ngữ chuyên môn, tránh trùng lặp nội dung bồi dưỡng các cấp, giữa cấp tỉnh, huyện và xã; cần phân chia các đối tượng mới được bầu lần đầu với những đại biểu đã tham gia HĐND các cấp; một số nội dung chương trình nên cập nhật phù hợp hơn với tinh thần của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng…

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính.

Thay mặt ban biên soạn chương trình, PGS.TS. Lương Thanh Cường cảm ơn và tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học, đề nghị lãnh đạo các khoa chuyên môn tại Học viện nghiêm túc tiếp thu, trao đổi lại với các nhóm được phân công biên soạn các chuyên đề để chỉnh sửa, hoàn thiện các chuyên đề và sớm gửi lại Ban biên soạn.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến phát biểu chân thành, cởi mở và đầy tâm huyết của các nhà khoa học tham dự Hội thảo đối với chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, coi đây là những đóng góp quan trọng và rất có ý nghĩa để nhóm tác giả biên soạn tiếp thu, nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung, tránh trùng lắp, đáp ứng yêu cầu chất lượng. Chương trình cần được hoàn thiện sớm để trình lãnh đạo Bộ Nội vụ trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Xuân Phú