Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk   

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong giai đoạn hiện nayviệc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nói riêng đóng vai trò then chốt, là một trong những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk cần có những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Ảnh minh họa: http://vhntdaklak.edu.vn

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk, tiền thân là Trường Nghiệp vụ Văn hóa – Thông tin Đắk Lắk (sau đây viết tắt là Trường) được thành lập ngày 16/4/1977. Những năm gần đây, cùng với ngành giáo dục cả nước, Trường đang có những khởi sắc: cơ sở vật chất được nâng cấp, cải tạo và xây mới; chất lượng giáo dục – đào tạo có tiến bộ rõ rệt; phương pháp giảng dạy của giảng viên có nhiều đổi mới… Tuy vậy, trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì một trong những việc cần làm của Trường trong thời gian tới là nâng cao chất lượng toàn diện của Trường, trong đó có đội ngũ giảng viên (ĐNGV).

Thực trạng chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk

Tính đến tháng 12/2020, tổng số giảng viên của nhà trường là 78, trong đó, giảng viên nam: 31/78, chiếm 40%; giảng viên nữ 47/78, chiếm 60%. Về trình độ chuyên môn, có 1 tiến sỹ; 45 thạc sỹ và 32 cử nhân. 100% giảng viên của Trường đều được đào tạo đúng chuyên môn1.

ĐNGV của Trường có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, nhân cách và lối sống lành mạnh, có tinh thần trách nhiệm, yêu nghề, tận tụy với công việc, sáng tạo trong công tác giảng dạy, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, giảng viên của Trường luôn chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thực hiện đúng nội quy, quy chế của ngành, của nhà trường, chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy ở nhóm lớp được phân công.

Nhà trường đã xây dựng được một tập thể sư phạm đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, phát huy được sức mạnh của mỗi cá nhân và tập thể. Đã nâng cao được chất lượng ĐNGV trên các mặt: trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, rèn luyện tay nghề. Số giảng viên hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đều tăng. Nhà trường không có giảng viên bị xếp loại chuyên môn yếu, kém, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

Năm học 2019-2020 được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, các tổ chức trong tỉnh, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích, đó là:

Năm học 2019-2020, Trường hoàn thành chương trình giảng dạy, tập bài giảng và các biểu mẫu lên lớp môn học theo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Thực hiện tốt tổ chức định kỳ 2 đợt thực tập sư phạm cho học sinh, sinh viên tại các trường phổ thông, tiểu học ở thành phố Buôn Ma Thuột và thực tập nghề nghiệp đối với các khối chuyên ngành: quản lý văn hóa, chuyên ngành âm nhạc tại Phòng Văn hóa các huyện, thị và các Đoàn ca Múa nhạc2. Học sinh, sinh viên đến thực tập tại các cơ sở đều chấp hành tốt nội quy, quy chế; phát huy khả năng và vận dụng tốt kiến thức đã học vào thực tế, được các đơn vị đánh giá cao, học sinh tin tưởng và yêu mến.

Tiếp tục thực hiện Đề án Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhà trường ứng dụng các giá trị văn hóa – nghệ thuật, các loại hình nhạc cụ dân tộc, như: cồng, chiêng, nhạc cụ tre, nứa… của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hiệu quả.

Công tác nghiên cứu khoa học luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm và đã có bước chuyển biến tích cực.Năm học 2019 – 2020, nhà trường có 24 sáng kiến, trong đó có 6 sáng kiến và 18 thành tích thay đổi sáng kiến (gồm: 5 tham luận, 5 bài báo khoa học, 4 tranh triển lãm mỹ thuật, 4 biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc)3.

Việc chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và được nhà trường và Công đoàn trường thực hiện rất tốt. Nhà trường luôn chăm lo điều kiện làm việc cũng như đời sống tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên: tăng cường cơ sở vật chất hằng năm, bổ sung thay thế các trang thiết bị đồ dùng dạy học; tạo điều kiện cho giáo viên theo học các lớp đào tạo năng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị.

Nhà trường thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, kịp thời công tác đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức; các nội dung, tiêu chí bình xét trong công tác thi đua, khen thưởng được đề xuất, điều chỉnh, cải tiến và áp dụng một cách phù hợp vào thực tế tại đơn vị, tạo động lực làm việc cho giảng viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên luôn được nhà trường hết sức quan tâm. Do vậy, giảng viên qua các lớp đào tạo và bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ hằng năm ngày càng tăng về cả số lượng lẫn chất lượng; đáp ứng tương đối tốt yêu cầu công việc và các kỹ năng cơ bản, cần thiết.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Trường vẫn còn những tồn tại và hạn chế:

Một là, cơ sở, vật chất, trang thiết bị giảng dạy, phòng học tuy đã được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu thốn; dự án xây dựng trường mới đến nay vẫn chưa có vốn đầu tư nên ảnh hưởng đến quá trình hoạt động và phát triển của nhà trường.

Hai là, mặc dù số lượng giảng viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo là cao, nhưng năng lực thực tiễn của một số ít giảng viên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để soạn giáo án điện tử, thực hiện trình chiếu trên chương trình Power point ở một số giảng viên còn chậm. Số lượng giảng viên trẻ mới ra trường, kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế. Một số ít giảng viên chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao, chưa nêu cao tinh thần tự giác học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Ba là, công tác tuyển sinh của Trường gặp nhiều khó khăn. Số lượng thí sinh dự thi vào Trường những năm gần đây giảm nhiều và chưa đạt chỉ tiêu, khiến giờ giảng của giảng viên thiếu. Chưa mở được mã ngành đào tạo mới; chưa có chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật Tây Nguyên.

Ảnh minh họa: http://vhntdaklak.edu.vn
Kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk

Thứ nhất, với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

– Kiến nghị Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh bổ sung các văn bản liên quan đến chuẩn giảng viên đại học, cao đẳng và chế độ chính sách đối với giảng viên, quản lý ĐNGV. Thể chế hóa công tác quản lý, phát triển ĐNGV các trường đại học, cao đẳng gắn chuẩn giảng viên với bổ nhiệm ngạch viên chức giảng dạy.

– Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Sở Nội vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ chính sách, bồi dưỡng giảng viên, kinh phí… để phát triển giảng viên và nhà trường.

Thứ hai, với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk.

– Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các định chế giáo dục và đào tạo trong quản lý ĐNGV bằng các tác động quản lý. Phát huy tính dân chủ, vai trò trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, tổ trưởng, chuyên trách đoàn, Hội Sinh viên và giáo viên chủ nhiệm. Tổ chức phát động các phong trào xoay quanh nhiệm vụ, kế hoạch năm học; các phong trào chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại; các cuộc vận động: “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Dạy tốt, học tốt”… Qua đó, giúp giảng viên trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu của xã hội tạo môi trường thân thiện, tăng thêm nguồn động viên từ học sinh, sinh viên và phụ huynh tới đội ngũ nhà giáo, như: bồi dưỡng nhận thức về tư tưởng chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp thông qua các phong trào thi đua của ngành phát động; nâng cao tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, yêu ngành; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm; giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; sống trung thực lành mạnh, là tấm gương tốt cho học sinh, sinh viên noi theo…

Tạo điều kiện cho giảng viên được biết, được bàn, được đóng góp trí tuệ, tham gia xây dựng nội dung kế hoạch năm học một cách cụ thể, thông qua Hội nghị công nhân viên chức đầu năm học. Nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm cho ĐNGV, của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo được sự đoàn kết, nhất trí cao trong cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thành nhiệm vụ cá nhân và năm học.

Xây dựng và hoàn thiện các quy chế nội bộ trường học, thể chế hóa các quy định giáo dục đào tạo thành những quy chế, những chủ trương, những kế hoạch, những chỉ tiêu phấn đấu, những quy định, những nguyên tắc, lề lối làm việc dựa trên pháp luật hiện hành phù hợp tình hình thực tế của cơ quan tạo điều kiện cho cán bộ giảng viên, công nhân viên và học sinh, sinh viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Quy chế nội bộ cũng cần có những sáng tạo, mang tính khích lệ, kích cầu cao. Chẳng hạn, xây dựng chế độ thi đua khen thưởng, nhân điển hình tiên tiến thì lãnh đạo cần phải dùng biện pháp kinh tế – biện pháp kích cầu, như: thưởng cao cho giảng viêncó thành tích cao trong năm; có chế độ đãi ngộ, chính sách đối với giảng viên…

Đổi mới phương pháp bồi dưỡng giảng viên góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng toàn diện về mọi mặt cho đội ngũ nhà giáo, đáp ứng được những yêu cầu đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực tự học, tự bồi dưỡng của ĐNGV. Ban giám hiệu cần tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên có thời gian tự học, tự bồi dưỡng. Cần coi trọng những buổi sinh hoạt nhóm tổ chuyên môn, đổi mới công tác sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn bằng nhiều cách, như: nghiên cứu bài học; trao đổi giữa các tổ, nhóm chuyên môn, các cá nhân với nhau; các tổ, nhóm, cụm chuyên môn liên trường…Tham gia các khóa học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin…

Sắp xếp, bố trí, phân công, luân chuyển đội ngũ cán bộ, giảng viên. Bố trí sắp xếp cán bộ quản lý hợp lý, giảng viên hợp lý, sắp xếp ĐNGV chủ nhiệm… Thực hiện tốt giải pháp này sẽ phát huy hết năng lực, tiềm năng của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên hiện có, từ đó nâng cao được chất lượng giáo dục toàn diện.

Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, tạo điều kiện cho giảng viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường. Sử dụng trang thiết bị, công cụ dạy học là phương tiện để đổi mới phương pháp dạy học và đây là quá trình có tác động mạnh mẽ đến việc học tập của học sinh, sinh viên. Giáo trình, tài liệu, phương tiện dạy học, mô hình, học cụ, phòng thí nghiệm và các cơ sở vật chất khác là điều kiện bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, là công cụ hỗ trợ cho việc đổi mới phương pháp dạy học.

Chú thích:
1. Tờ trình số 461/TTr-CĐVHNT, ngày 18/12/2020 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk về việc chuyển chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên.
2. Báo cáo số 286/BC-CĐVHNT ngày 12/8/2020 của Hiệu trưởng Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk về tổng kết năm học 2019 – 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2020 – 2021.
3. Quyết định 106ª/QĐ-CĐVHNT ngày 24/7/2020 của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk về việc công nhận sáng kiến và thành tích thay đổi sáng kiến năm học 2019-2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 20/5/2020.
2. Báo cáo số 439/BC-CĐVHNT ngày 01/12/2020 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk về kết quả thực hiện công tác nội vụ năm 2020 và kế hoạch năm 2021.
3. Báo cáo tổng kết 10 năm Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk thực hiện nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X).
ThS. Nguyễn Thị Phi – ThS. Nguyễn Thị Thu Hường – ThS. Đinh Thị Tuyết Mai
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk