Huyện Tuy Phước phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm qua, nhờ khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội và đã đạt được những thành quả nhất định. Kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng và phát triển; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại – dịch vụ tiếp tục có bước tăng trưởng khá; các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục có tiến bộ; đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện
Chợ Gò Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ảnh: tuyphuoc.binhdinh.gov.vn.

Tuy Phước là huyện đồng bằng phía Nam tỉnh Bình Định, có diện tích 219,9 km2, dân số 180.300 người. Địa hình chia thành 3 khu vực rõ rệt: các xã phía Tây Nam có tiềm năng rất lớn về đất sản xuất cây công nghiệp; các xã khu Đông với thế mạnh về cây lúa và thủy sản; các xã còn lại là vùng chuyên canh cây lúa. Tuy Phước có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên để phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Không những có nhiều tiềm năng về kinh tế, Tuy Phước còn có hệ thống các di sản văn hóa đa dạng và phong phú, với 4 di tích được xếp hạng quốc gia là: Tháp Bánh Ít, Tháp Bình Lâm, Mộ Đào Tấn, di tích lịch sử vụ thảm sát Nho Lâm (Phước Hưng); 12 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: Lễ hội Chợ Gò, Lễ hội Đô thị Nước mặn, Hội đua thuyền truyền thống Gò Bồi, Lễ hội cầu ngư, tuồng, bài chòi, võ cổ truyền… Ngoài ra, còn có nhiều đặc sản về ẩm thực nổi tiếng như: Nem chả Chợ Huyện, Bánh ít lá gai… Đây là điều kiện rất tốt để khai thác du lịch, phát triển kinh tế.

Trong những năm qua, nhờ khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh của địa phương nên Tuy Phước đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội và đã đạt được những thành quả nhất định. Kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng và phát triển; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại – dịch vụ tiếp tục có bước tăng trưởng khá; các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục có tiến bộ; đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện

Một số kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 của huyện Tuy Phước

Về phát triển kinh tế

Giá trị sản xuất các ngành (tính theo giá so sánh 2010) tăng 9,15%, trong đó nông, lâm – thủy sản đạt 2.333.743 triệu đồng, đạt 103% so với kế hoạch, tăng 4,06% so cùng kỳ;  công nghiệp và xây dựng ước đạt 100,1% so với kế hoạch, tăng 10,72% so với cùng kỳ, riêng công nghiệp tăng 10,64%, dịch vụ tăng 11,27%. Thu nhập bình quân đầu người đạt: 47,3 triệu đồng/người/năm.

Tổng thu ngân sách thực hiện là 624.124 triệu đồng, đạt 139,4% kế hoạch của tỉnh và 113,2% kế hoạch của huyện, tăng 12,2% so cùng kỳ. Công tác quản lý thu, tăng thu và chống thất thu được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh. Tổ chức triển khai thu các loại phí, quỹ đúng quy định, ước thực hiện 987.136 triệu đồng, đạt 148,5% kế hoạch tỉnh giao, đạt 100,9% kế hoạch huyện đề ra, tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Huyện đã và đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến nền nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện, bền vững. Đến nay, có 11/11 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đang làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận các xã: Phước Lộc, Phước Hưng, Phước Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Về đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, trong năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển do Ủy ban nhân dân (UBND) huyện làm chủ đầu tư là 263.957 triệu đồng (nguồn vốn trung ương và tỉnh hỗ trợ 11.413 triệu đồng, nguồn vốn huyện 252.544 triệu đồng) với 51 danh mục công trình. Hiện nay, đã bàn giao và đưa vào sử dụng 9/14 công trình chuyển tiếp; tổ chức triển khai thi công các công trình xây dựng mới và cơ bản hoàn thành 27/31 công trình. Giá trị thanh toán ước đạt 250.463 triệu đồng, đạt 94,9%.

Hoàn thành việc lập đồ án được UBND  tỉnh phê duyệt Quy hoạch xây dựng huyện Tuy Phước đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành việc lập, được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 4819/QĐ-UBND ngày 23/11/2020 Đề án đề nghị công nhận xã Phước Lộc là đô thị loại V.

Về văn hóa – xã hội

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tốt việc dạy và học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, hoàn thành chương trình năm học 2019 – 2020 đúng quy định và kế hoạch đề ra. Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững và từng bước được nâng cao. Kết quả xét duyệt hoàn thành chương trình bậc tiểu học đạt 100%; tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,6%, tăng 0,2%; tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên đạt 77,8%, tăng 7,7%; duy trì số lượng học sinh học nghề phổ thông, tỷ lệ tốt nghiệp nghề đạt: 95%. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các ngành học, bậc học. Quy mô trường, lớp tiếp tục được củng cố và phát triển.

Công tác y tế, dân số – kế hoạch hóa gia đình được thực hiện tốt, đã khám và điều trị cho 176.674 lượt người; tỷ lệ sử dụng giường bệnh nội trú đạt: 177,5%. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được triển khai quyết liệt.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo tiếp tục được đẩy mạnh, đã đào tạo nghề cho 834 lao động nông thôn; tổ chức giới thiệu, tạo việc làm mới cho 1.118 lao động, đạt 111,8% kế hoạch. Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách, với tổng số tiền gần 760 triệu đồng; cấp 22.258 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Công tác giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời; tổ chức xét chế độ điều dưỡng cho 380 đối tượng, trong đó cấp chế độ điều dưỡng tại gia đình là: 326 đối tượng, điều dưỡng tập trung: 55 đối tượng, tổng số bảo hiểm y tế cấp cho đối tượng người có công và thân nhân là: 3.695 thẻ bảo hiểm y tế… Hoàn thành việc chi trả kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn huyện với tổng số tiền 20.380,5 triệu đồng.

Về xây dựng chính quyền

Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của huyện và xã, thị trấn, bảo đảm giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho Nhân dân; trong năm 2020, bộ phận một cửa của huyện đã tiếp nhận và giải quyết 9.877/10.984 hồ sơ, đạt 89,9%; thực hiện đúng kế hoạch chuyển đổi, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2015 đối với UBND cấp huyện và cấp xã. Triển khai thực hiện sử dụng chữ ký số cho các phòng, ban và UBND các xã, thị trấn, ký số các văn bản điện tử gửi, nhận trên phần mềm văn phòng điện tử.

Công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng được chú trọng triển khai theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra, sau thanh tra thu hồi nộp ngân sách với số tiền hơn 413,8 triệu đồng. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực, xử lý dứt điểm nhiều vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng.

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII (2020 – 2025) với các mục tiêu: tập trung phát huy mạnh mẽ nội lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội.

Để đạt được các mục tiêu trên cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nông, lâm – ngư nghiệp gắn với Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2020 – 2025 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; trong đó, hình thành vùng sản xuất tập trung với diện tích lớn để kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tăng cường ứng dụng khoa – học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi; khuyến khích sử dụng các loại giống mới chất lượng cao; mở rộng cơ giới hóa trong sản xuất; xây dựng và nhân rộng các mô hình cho thu nhập cao trên đơn vị diện tích canh tác.

Hai là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ.

Chú trọng công tác xúc tiến thương mại, vận động các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm; tiếp tục khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất – kinh doanh tại địa phương trong và sau dịch Covid-19 gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Quan tâm công tác khuyến công, phát triển các làng nghề truyền thống, xúc tiến du lịch, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn, các sự kiện nhằm thu hút du khách. Huy động và khuyến khích các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào các dự án thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển các khu đô thị, lập đề án công nhận đô thị loại V đối với xã Phước Hòa.

Ba là, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tập trung rà soát, giải quyết những vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đối với một số dự án trọng điểm, như: xây dựng hạ tầng khu Tây Nam thị trấn Tuy Phước; khu Đông Bắc Phước Hòa, Đê sông Cây Me (giai đoạn 3)…

Tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tại các xã, thị trấn, nhất là kiểm soát nợ đầu tư xây dựng cơ bản. Đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn điều chỉnh kịp thời các đồ án quy hoạch chưa mang lại hiệu quả và không còn phù hợp nhằm phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bốn là, phát triển văn hóa – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Tăng cường công tác quản lý giáo dục và đào tạo, tiếp tục thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2019 – 2025 phù hợp theo tình hình thực tế từng trường.  Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2025. Chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài; nâng  cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm cộng đồng, phát triển các hình thức dạy nghề, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, quyết tâm giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 8,23%. Tiếp tục duy trì 13/13 xã, thị trấn có bác sỹ và đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

Đẩy mạnh phong trào thể dục – thể thao, nhất là đại hội thể dục – thể thao cấp xã, thị trấn và cấp huyện năm 2021 – 2022. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về “Phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025”. Tiếp tục triển khai có hiệu quả hệ thống văn phòng điện tử, một cửa điện tử, ký số điện tử. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025. Nâng cao chất lượng tin bài, hoạt động của hệ thống truyền thanh và trang thông tin điện tử huyện.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đề án về giảm nghèo – giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ huyện đến cơ sở.

Tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan chính quyền từ huyện đến cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tập trung giải quyết các thủ tục hành chính cấp huyện theo dịch vụ công trực tuyến; nâng cao năng lực hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và cấp xã theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Tiếp tục duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 tại các phòng, ban huyện và UBND các xã, thị trấn. Tập trung thực hiện ký số tất cả văn bản điện tử gửi, nhận trên phần mềm văn phòng điện tử (trừ văn bản mật) giữa các phòng, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn, không gửi văn bản giấy đối với các văn bản điện tử đã ký số. Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục củng cố, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý nhà nước, kỷ cương, kỷ luật hành chính của bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở.

Tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và Nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; chăm lo, bảo đảm lợi ích, phát huy quyền làm chủ gắn với trách nhiệm của Nhân dân.

Sáu là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục thực hiện kê khai tài sản, thu nhập và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức theo quy định. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật.

Bảy là, đổi mới nội dung và phương pháp chỉ đạo, điều hành của UBND huyện.

Thực hiện việc rà soát, phân công, phân cấp, làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và trách nhiệm của người đứng đầu trong bộ máy hành chính nhà nước. Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế – xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 288/BC-UBND ngày 01/12/2020 của Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phước về đánh giá tình hình kinh tế – xã hội năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
Nguyễn Đình Thuận
Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định