Quyền hưởng dụng – một số vấn đề đặt ra sau 5 năm thi hành Bộ Luật dân sự năm 2015

(Quanlynhanuoc.vn) – Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước ta được đánh giá là có một bước tiến quan trọng trong việc tiếp cận thông lệ chung của pháp luật dân sự các nước trên thế giới đối với các quy định về quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, đặc biệt với việc bổ sung các quy định về quyền hưởng dụng, quyền bề mặt . Tuy nhiên, với tính chất là quyền khác đối với tài sản lần đầu tiên được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự năm 2015, một số quy định về quyền hưởng dụng tại Bộ luật này còn khá bao quát và về lâu dài cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Quyền hưởng dụng (QHD) được chính thức ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam với tư cách là quyền khác đối với tài sản tại Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015. QHD được BLDS năm 2015 định nghĩa là “quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định” (Điều 257). Với quy định này, QHD được ghi nhận với tính chất là kết quả chia tách các nội dung của quyền sở hữu: người có QHD nắm giữ quyền sử dụng trong giới hạn luật định1; còn chủ sở hữu giữ lại cho mình quyền định đoạt đối với tài sản. Nội dung của QHD được ghi nhận tại các điều từ Điều 258 – 266 BLDS năm 2015.

Cùng với quy định của BLDS năm 2015, một số quy định của luật có liên quan cũng có nội dung của QHD. Chẳng hạn, Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận quyền lưu cư của một bên vợ/chồng đối với ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của bên kia sau khi ly hôn; Luật Lâm nghiệp ghi nhận về quyền khai thác rừng của chủ rừng (khoản 11 Điều 2), Luật Đất đai năm 2013 quy định quyền  hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp (khoản 2 – 3 Điều 166).

Tuy nhiên, các quy định pháp luật về QHD cho thấy một số bất cập sau:

Thứ nhất, quy định của BLDS năm 2015 còn chung chung và một số điểm chưa thực sự hợp lý.

Về khái niệm, Điều 189 BLDS năm 2015 quy định “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”, tiếp đó, Điều 257 quy định “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”. Quy định này cho thấy, nội dung của QHD tương đồng với nội dung của quyền sử dụng, có nội hàm giống như quyền sử dụng trong các quyền năng của quyền sở hữu.

Về đối tượng của QHD, quy định tại Điều 257 BLDS năm 2015 cho thấy đối tượng của QHD là tất cả các tài sản. Có ý kiến cho rằng, coi QHD có thể xác lập đối với các tài sản, kể cả tài sản tiêu hao là không hợp lý, chẳng hạn đối với tài sản tiêu hao2, bởi về nguyên tắc QHD chỉ có hiệu lực trong một thời gian nhất định, hết thời hạn đó thì người hưởng dụng phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu3, khi QHD được xác lập trên vật tiêu hao thì người hưởng dụng không thể trả lại vật đó trong tình trạng như ban đầu (khi nhận QHD)4. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các quy định của BLDS năm 2015 còn quá tổng quát, chưa giải quyết thấu đáo các vấn đề cần thiết.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, BLDS của nước Đức ghi nhận QHD đối với tài sản tiêu hao, Điều 1067 BLDS Đức quy định: sau khi sử dụng hết, người hưởng dụng phải hoàn trả cho người cấp khoản giá trị mà mọi thứ đã có trong thời điểm tạo ra lợi ích và thậm chí điều luật này còn quy định rõ: nếu vật dụng tiêu hao là đối tượng hưởng dụng, thì người hưởng dụng lại trở thành chủ sở hữu của vật. BLDS Pháp cũng ghi nhận quyền hưởng dụng có thể được xác lập đối với bất cứ loại tài sản nào, dù là động sản hay bất động sản (Điều 581), tuy nhiên, nếu quyền hưởng dụng từ tài sản là vật tiêu hao như tiền, thóc gạo, ngũ cốc, rượu, thì người hưởng dụng có quyền dùng tài sản đó, nhưng khi quyền hưởng dụng chấm dứt thì phải hoàn trả tài sản bằng hiện vật theo đúng số lượng và chất lượng vật đó hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị vật đó vào thời điểm hoàn trả (Điều 587). Bên cạnh đó, điểm bất cập nữa của BLDS năm 2015 là chưa khẳng định rõ QHD chỉ nên xác lập với tài sản hiện có, bởi khoa học pháp lý thế giới đã chỉ ra “vật quyền chỉ được ghi nhận trên những tài sản hiện có”5 do đặc tính trực tiếp và ngay lập tức của loại quyền tài sản này.

Về nghĩa vụ của người hưởng dụng, định nghĩa QHD được ghi nhận tại Điều 257 BLDS năm 2015 không đề cập đến điều kiện bảo toàn tình trạng tài sản của người hưởng lợi và BLDS năm 2015 cũng chưa quy định rõ khi QHD chấm dứt, người hưởng dụng phải hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu trong tình trạng nào6.

Bên cạnh đó, BLDS năm 2015 cũng chưa có quy định rõ ràng về nghĩa vụ của người hưởng dụng trong trường hợp tài sản đang phải gánh chịu nghĩa vụ. Tham khảo BLDS Pháp có những quy định khá cụ thể về nghĩa vụ của người hưởng dụng như: đối với các khoản nghĩa vụ tài chính đánh vào tài sản trong thời gian tồn tại QHD thì chủ sở hữu tài sản và người hưởng dụng phải đóng góp theo quy định như sau: chủ sở hữu phải thanh toán các nghĩa vụ tài chính đối với tài sản, còn người hưởng dụng phải trả cho chủ sở hữu tiền lãi của số tiền thanh toán nghĩa vụ tài chính đó. Nếu người hưởng dụng ứng trước tiền nộp thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu hoàn lại số tiền đó khi quyền hưởng dụng chấm dứt (Điều 609); trong trường hợp người lập di chúc di tặng trợ cấp trọn đời hoặc cấp dưỡng cho người thứ ba thì người được di tặng toàn bộ QHD có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ các khoản trợ cấp hoặc cấp dưỡng đó; người được di tặng một phần QHD chỉ phải thanh toán một phần tương ứng với tỷ lệ phần hưởng dụng của mình và không có quyền yêu cầu hoàn trả (Điều 610).

Về tính chất của QHD, với tư cách là một vật quyền hạn chế, QHD là: “quyền độc lập có giá trị tài sản. Bản thân quyền hưởng dụng được nhìn nhận như một tài sản phân biệt với chính tài sản được hưởng dụng. Với tư cách là tài sản, quyền hưởng dụng cũng giao dịch được một cách độc lập, theo quy định của luật”7.

Tuy nhiên, tại BLDS năm 2015 tính chất vật quyền của QHD còn mờ nhạt, BLDS năm 2015 mới chỉ ghi nhận người có QHD có thể cho thuê QHD, chưa ghi nhận người hưởng dụng có quyền chuyển nhượng QHD hoặc dùng QHD để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trong thời hạn của QHD8. Trong khi đó, Điều 595 BLDS Pháp ghi nhận người hưởng dụng có thể tự mình hưởng, hoặc cho người khác thuê, thậm chí có thể bán hoặc chuyển giao không có đền bù quyền của mình… Nếu không có sự đồng ý của hư chủ thì người hưởng dụng không có quyền cho thuê tài sản là đất nông nghiệp hoặc bất động sản sử dụng vào mục đích thương mại, công nghiệp hoặc thủ công nghiệp nhưng có thể xin phép tòa án để một mình giao kết hợp đồng này.

Thứ hai, pháp luật chuyên ngành (như: Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư…) chưa có quy định cụ thể về QHD đối với các loại tài sản đặc biệt như cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán.

Trong khi đó, pháp luật về doanh nghiệp của Cộng hòa Pháp quy định trong trường hợp QHD có đối tượng là cổ phần, thì người có QHD có quyền hưởng cổ tức, còn bản thân cổ phần vẫn thuộc về người sở hữu – cổ đông của công ty, người có QHD sẽ có tư cách tham dự đại hội cổ đông thường, do đại hội này quyết định việc chia cổ tức; còn chủ sở hữu có quyền tham dự đại hội cổ đông bất thường, do đại hội này có quyền quyết định việc tăng, giảm vốn điều lệ. Bởi vậy, trong thời gian tới, các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán… cần được tiếp tục hoàn thiện để tiếp thu tinh thần, những điểm mới tiến bộ của BLDS năm 2015 về QHD.

Trong những nguyên tắc quan trọng để khai thác tối đa giá trị tài sản trong nền kinh tế là các thông tin về tài sản cần được công khai, để đạt được điều này đăng ký tài sản là một trong những giải pháp quan trọng nhất.

Các nhà nghiên cứu lập pháp đã thống nhất quan điểm rằng, các quyền đối với tài sản chỉ có thể phát huy tối đa tác dụng khi có thiết chế tài sản được hoàn thiện tương ứng. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu lập pháp Đức còn cho rằng vật quyền gồm quyền sở hữu, các vật quyền hạn chế mới chỉ là vật quyền về nội dung, để thực thi được đòi hỏi phải có vật quyền hình thức – tức là phải có hệ thống văn bản về đăng ký tài sản, từ việc thiết lập cơ sở dữ liệu về tài sản cho đến quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, giá trị pháp lý của việc đăng ký.

Từ cách tiếp cận này, có thể thấy, các quy định về QHD khó có thể triển khai có hiệu quả bởi hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành về đăng ký tài sản nói chung, đăng ký QHD nói riêng còn chưa được quy định một cách rõ ràng. Chẳng hạn, theo quy định tại điểm m khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013, việc đăng ký biến động là bắt buộc thực hiện đối với trường hợp “có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất”, tuy nhiên, quy định này chưa thể hiện rõ có bao gồm việc đăng ký đối với QHD không và chưa có thủ tục cụ thể cho việc này9; quy định pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp cũng chưa ghi nhận cơ chế đăng ký QHD đối với tài sản là chứng khoán, cổ phần trong doanh nghiệp.

Thực trạng thiếu vắng các cơ sở pháp lý quan trọng này dẫn đến những bất cập trong thực tiễn như tổ chức tín dụng khi nhận bảo đảm tài sản không có cơ chế, cách thức nào để kiểm tra tài sản đó có bị giới hạn quyền hay không, cụ thể là không thể biết được tài sản đó có bị hạn chế bởi QHD của chủ thể khác hay không.

Xu hướng phát triển hiện nay cho thấy, quyền đối với tài sản là vấn đề nền tảng của mọi chế độ kinh tế. Khi quyền đối với tài sản được bảo hộ hợp lý, tối đa với chi phí giao dịch giảm thiểu ở mức thấp nhất có thể, các nguồn lực xã hội sẽ được đầu tư hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp. Trong cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại” đã chứng minh một cách thuyết phục rằng các nước thoát khỏi nghèo chỉ khi các nước này có các thể chế kinh tế thích hợp, đặc biệt là thể chế về quyền đối với tài sản (tư nhân) và cạnh tranh10. Do đó, vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện nay là hoàn thiện thể chế nhằm huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tài sản của người dân, doanh nghiệp cũng như của quốc gia cho phát triển.

Trong quá trình hỗ trợ Việt Nam xây dựng BLDS năm 2015, các chuyên gia Nhật Bản cho biết thành công của nền kinh tế Nhật Bản là nhờ chế định vật quyền, theo đó, chế định vật quyền đã giúp ghi nhận và vận hành rất tốt quyền của người không phải là chủ tài sản, các quy định của BLDS đều được hiện thực hóa chi tiết vào pháp luật chuyên ngành, đi vào đời sống, trở nên thân thuộc với người dân.

Những phân tích ở trên cho thấy, pháp luật về quyền khác đối với tài sản (vật quyền hạn chế) của nước ta còn tồn tại bất cập, một số vấn đề mang tính lý thuyết cơ bản dường như chưa được tiếp nhận đúng và đầy đủ, các quyền khác đối với tài sản chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, pháp luật về đăng ký tài sản còn hạn chế; một số quy định còn mang tính chất khung, chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Sau khi BLDS năm 2015 đươc ban hành, đã có một số luật liên quan được sửa đổi như: Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Xây dựng, Luật Đất đai cũng đang được xem xét, sửa đổi tổng thể. Điều đáng tiếc là nội dung QHD không phải là vấn đề mà cơ quan được giao chủ trì soạn thảo thực sự quan tâm để bổ sung vào các luật này. Điều này cũng đặt ra những suy nghĩ về sự kết nối trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta.

Như vậy, cần phải thống nhất nhận thức rằng chế định quyền khác đối với tài sản (vật quyền hạn chế) được ghi nhận trong BLDS năm 2015 là một chế định có nhiều quy định mới được bổ sung hoặc sửa đổi, trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan lại chưa phù hợp với tinh thần của BLDS năm 2015. Do vậy, để bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng pháp luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan, chúng ta cần tiến hành rà soát Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư  năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019… và tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy định hướng dẫn để phù hợp với cách tiếp cận mới của BLDS năm 2015 về quyền khác đối với tài sản.

Chú thích:
1. Điều 257, Điều 260 Bộ luật Dân sự năm 2015 và điểm d khoản 2 Điều 131 Luật Nhà ở năm 2014.
2, 4. Nguyễn Văn Cừ và Trần Thị Huệ (chủ biên). “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015” (sách chuyên khảo). H. NXB Công an nhân dân, 2017, tr. 420, 423.
3. Khoản 1 Điều 260 Bộ luật Dân sự năm 2015.
5. Wolfgang Faber, Brigitta Lurger. “National Reports on the Transfer of Movables in Europe”. Sellier Publishers, Volume 4, 2011; p. 18.
6. Điều 266 Bộ luật Dân sự năm 2015.
7, 8. Nguyễn Ngọc Điện. Những điểm mới trong Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản/Tọa đàm về Giới thiệu Bộ luật Dân sự năm 2015 do Bộ Tư pháp và Dự án JICA phối hợp tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 24/8/2016.
9. Khoản 1, 3 Điều 106, Điều 161 và Điều 269 Bộ luật Dân sự năm 2015.
10. Daron Acemoglu & James A. Robinson. “Why Nations Fail: The Origins of Power, Propsperity and Poverty”. Crown Publishers, 2012.
ThS. Lê Thị Hoàng Thanh
Bộ Tư pháp